B. GIÁO DÂN

Linh mục được sai đi để phục vụ chứ không để được phục vụ cho nên linh mục phải xác định cho rõ ràng đối tượng mà mình phục vụ chính là giáo dân, họ là những thành phần của dân Thiên Chúa tức là Hội Thánh địa phương mà mình đang phục vụ.

Giáo dân là thành phần dân của Thiên Chúa, tức là những thành phần được tuyển chọn để trở thành một dân tộc thánh, dân tộc được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu, cho nên họ cũng có những đặc ân mà Thiên Chúa ban cho họ qua bí tích Rửa Tội và các bí tích khác mà họ đã lãnh nhận, cho nên linh mục được sai đến là đến với họ, cũng có nghĩa là từ giây phút này đây tôi được sai đến đây để phục vụ, và cộng đoàn giáo xứ này chính là gia đình của tôi chứ không phải là cộng đoàn tôi phục vụ trước đó.

Có một vài linh mục đang phục vụ ở giáo xứ này mà lòng vẫn còn nghĩ đến giáo xứ trước đó, nên một vài tháng lại ghé đến thăm một nhà giáo dân mà mình quen thân và ở đó trọn ngày, hoặc là thỉnh thoảng giáo dân ở giáo xứ ấy có tổ chức gì thì mời riêng ngài đến tham dự...

Tình cảm giáo dân dành cho cha sở cũ của mình là điều đáng quý và đáng trân trọng, nhưng đa phần giáo dân không biết luật lệ Giáo Hội nên có khi tình cảm đi quá đà mà quên mất ngài bây giờ không còn là cha sở của mình nữa, nhưng là đã có mục tử khác coi sóc, cho nên các linh mục trẻ cần phải để ý trong vấn đề rất tế nhị này, bằng không sẽ mang tiếng là cha sở không mặn nồng với giáo xứ mà ngài mới được sai đến.

Tất cả mọi giáo dân trong giáo xứ đều là con chiên bổn đạo của mình, cho nên, họ có quyền đòi hỏi cha sở (cha phó) đối xử bình đẳng với họ như mọi người, họ cảm thấy bức xúc khi cha sở của mình hể rảnh rỗi là đến nhà ông nọ bà kia ăn uống giải trí mà không đi đến các nhà khác. Trong cách đối xử này của cha sở (cha phó) sẽ làm cho việc truyền giáo của ngài, cụ thể là lời giảng dạy- sẽ mất đi sức thu hút và giảm đi sự kính mến của giáo dân nơi các ngài.

1. Kính trọng giáo dân lớn tuổi

Các bạn linh mục trẻ thân mến,

Một lần nọ, có giáo dân nói với tôi : “Linh mục X... tuy còn trẻ, tuổi chỉ đáng làm cháu bà Y..., vậy mà lớn tiếng la lối với bà ngay trong nhà thờ sau thánh lễ, không biết linh mục ấy có học lễ phép không ?”

Tôi có thể chia sẻ với các linh mục trẻ rằng, phách lối la mắng những giáo dân lớn tuổi đều là thái độ của ma quỷ đội lốt linh mục, bởi vì linh mục là thầy dạy nhân đức, tức là dạy giáo dân của mình biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, chứ không phải dạy con người ta làm điều xấu xa, mà cái xấu xa nổi bật nhất của ma quỷ chính là dạy con người ta làm đảo lộn trật tự tự nhiên của Thiên Chúa đã đặt sẵn trong vũ trụ và trên con người, mà cái trật tự tự nhiên là con cái phải yêu thương và thảo kính cha mẹ, người nhỏ tuổi phải biết kính nhường người lớn tuổi, trẻ em phải biết lễ phép, mọi người đều phải biết tôn trọng lẫn nhau...

Tôi đã thấy một linh mục trẻ nói với giáo dân đáng tuổi của bố mình rằng : “Ông là đứa ngu, không biết gì cả”. Ông giáo dân tội nghiệp ấy “ngu” cũng phải vì ông đâu có học phụng vụ như cha sở để thành thạo giúp lễ cho ngài.

Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta : “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng" (Mt 5, 22), lời này của Chúa Giêsu không một ai được miễn trừ, không một ai được viện cớ chức này chức nọ mà mắng anh em chị em là đồ ngu, bởi vì tất cả mọi người đều bình đẳng nhau trước mặt Thiên Chúa.

Linh mục là người cần phải có thái độ kính trọng những người lớn tuổi hơn mình, bất luận họ là giáo dân hay người ngoại giáo, tuổi đời của họ cũng đều đáng để cho chúng ta kính trọng; linh mục không kính trọng người lớn tuổi thì không thể dạy giáo dân mình thảo kính cha mẹ; linh mục không tôn trọng người già thì đừng mong giáo xứ của mình có tôn ti trật tự.

Một linh mục biết kính trên nhường dưới là một linh mục rất dễ dàng thân cận với giáo dân của mình, bởi vì nơi ngài người ta thấy được chức linh mục cao quý chứ không thấy con người phàm tục của các ngài, trái lại một linh mục luôn xấc láo với người già cả, kẻ cả với người trang lứa thì người ta sẽ không nhìn thấy chức linh mục nơi các ngài, nhưng người ta sẽ nhìn thấy ngài là con người với những thói xấu sân si nơi các ngài.

Kính trọng người già cả còn là hợp với đạo lý của người Việt Nam chúng ta kính lão đắc thọ, thọ đây có thể là sống lâu ở đời này cũng như được hưởng phúc trường sinh mai sau trên thiên đàng với Thiên Chúa. Là nhà mô phạm, các linh mục luôn tự nói với mình rằng : tôi sẽ là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo trong việc kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, do đó mà người linh mục luôn trở thành ngọn đèn sáng hướng dẫn giáo dân của mình đi theo con đường của Phúc Âm của Chúa Giêsu dạy.

Kính trọng người già cả là biểu lộ một tâm hồn khiêm cung nơi các linh mục, yêu mến và thân tình với họ chính là việc làm chính đáng của người môn đệ Chúa Giêsu, cho nên sẽ rất phản giáo dục và trái với đạo đức nếu chúng ta -các linh mục trẻ- coi thường và khinh dể các vị cao niên trong cộng đoàn giáo xứ của mình.

2. Giới trẻ

a. Hoà đồng và sống tự nhiên

Trong giáo xứ dù cha sở có lập đoàn thể thanh thiếu niên hay không, thì giáo xứ vẫn có các bạn trẻ ấy, đó là một thực tại không chối bỏ, do đó, để cho các bạn trẻ trong giáo xứ cảm thấy cha sở trẻ trung của mình rất gần gũi thân thương, thì việc trước tiên của linh mục là hoà đồng vui vẻ với các bạn trẻ của mình.

Tuy nhiên “Hoà đồng mà gượng ép thì khó coi, tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu”(1) - đây là một thực tế mà có một vài linh mục trẻ không để ý, chính vì khi hoà đồng với các bạn trẻ là chúng ta thấy được sức sống của Giáo Hội Chúa Kitô nơi họ, do đó, và vì để cho các bạn trẻ có ấn tượng về mình, nên có một vài linh mục trẻ có những hành động khó coi và những lời nói không phù hợp với thiên chức linh mục và mục tử của mình, do đó mà sinh ra gương xấu hoặc là phản tác dụng giáo dục Kitô giáo.

Tôi được chứng kiến có một linh mục trẻ nọ, được cha sở giao trách nhiệm giúp ngài chấn chỉnh và hướng dẫn các bạn trẻ thanh niên trong giáo xứ, quan niệm của vị linh mục trẻ này là phải hoà đồng với các bạn trẻ, cho nên mỗi chiều chủ nhật ngài tập họp các bạn trẻ lại được khoảng 5, 6 người, khi thì ở một nhà giáo dân mà ngài rất thường lui tới, khi thì tại phòng riêng của ngài với một...can rượu trắng hai mươi lít và uống với họ, các bạn trẻ thấy cha “chịu chơi” nên cũng uống gần hết can rượu, kết quả là cha trẻ say xỉn, các bạn trẻ có men rượu ăn nói lung tung không còn lễ phép lịch sự với cha trẻ nữa, và các bạn ra về nói nhỏ to lần sau không đến nữa...

Nhưng cái hậu quả to lớn nhất của việc hoà đồng này là : sau đó vị linh mục này về nhà thờ dâng lễ chiều chủ nhật mắt đỏ kè, giọng lè nhè và và dáng đi xiêu vẹo trên bàn thờ khi cử hành thánh lễ, làm cho giáo dân ngao ngán và chửi rủa ông cha trẻ này là : ông cha mất nết !

Hoà đồng không có nghĩa là phải làm như các bạn trẻ, nhưng phải đem cái tinh thần trẻ trung của mình đi với giới trẻ, hướng dẫn họ đến với Chúa Giêsu Kitô là chính Đấng làm cho sự hoà đồng của linh mục với giáo dân được kết trái là nơi nhà thờ càng ngày càng đông các bạn trẻ, và họ sống tốt lành như vị linh hướng trẻ trung của họ vậy. Có rất nhiều cách để chúng ta thu hút các bạn trẻ, mà cách thu hút có hiệu quả lâu dài nhất chính là đời sống gương mẫu và trung thực của chúng ta.

Thái độ tự nhiên khi hành xử của một linh mục rất là dễ thương và đầy “quyến rủ”, quyến rủ đây không phải như nam nữ quyến rủ trong tình yêu, nhưng chính là sự đơn sơ của các ngài đã làm cho giáo dân không còn cảm thấy xa lạ với các linh mục của mình nữa.

Tuy nhiên, có một vài linh mục có thái độ rất tự nhiên với mọi người, nhưng cái tự nhiên này sẽ biến thái khi các ngài quá tự nhiên với các thanh nữ cũng như với các phụ nữ, dù gì chăng nữa thì hành động tự nhiên đó cũng sẽ là việc “không thuận mắt” với giáo dân, dù cho các ngài ở nước ngoài hay ở trong nứơc thì các ngài cũng vẫn là người Việt Nam, thái độ quá tự nhiên “ôm hôn thắm thiết” thì chắc chắn không phải là thái độ của người linh mục, nhất là khi dùng thái độ ấy để đối xử với các thiếu nữ và các phụ nữ, với các bạn trẻ nữ thì càng phải tế nhị hơn thế nữa, “tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu” là ở đó.

Thái độ tự nhiên không kiểu cách của một linh mục là : thấy người lớn tuổi bằng cha ông mình thì xưng hô như mình xưng hô với cha ông của mình, thấy người đáng anh chị mình thì xưng hô như anh chị mình, thấy người đáng em trai em gái của mình thì đối xử như em trai em gái của mình, làm được như thế thì các linh mục có hai cái lợi : một là xoá khoảng cách giữa mình với giáo dân, làm cho họ thấy linh mục của mình là người dễ mến; hai là tập cho mình đức khiêm tốn với hết mọi người.

Có nhiều linh mục nói rằng phải xưng cha con với mọi người là để giáo dân khỏi lờn mặt ! Suy nghĩ như thế thì quả là chúng ta coi thường giáo dân của mình, bởi vì lờn mặt hay không không hệ tại cách xưng hô, nhưng chính là hệ tại hành vi thái độ của linh mục đối với giáo dân có diễn tả được tình yêu của Chúa Giêsu hay không mà thôi.

Các bạn trẻ thời nay sống rất tự nhiên thì linh mục càng phải nghiêm trang, nghiêm trang không có nghĩa là bặm môi trợn mắt hoặc là đứng xa xa mà nói chuyện với họ, hoặc là thường trách cứ lời nói hay thái độ của các bạn trẻ, nhưng nghiêm trang chính là lời nói thái độ của mình chừng mực hợp với tư cách của một linh mục, một mục tử và là một người bạn lớn của các bạn trẻ.

Hãy mời gọi các bạn trẻ nên gia nhập vào một đoàn thể nào đó trong giáo xứ, chẳng hạn như Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn Hướng Đạo, ban lễ sinh.v.v... để được huấn luyện có hệ thống, và khi đã vào các đoàn thể rồi thì không còn chuyện mỗi lần họp là mỗi can rượu. Nơi các đoàn thể này, nếu không vì bận mục vụ chung, thì các linh mục trẻ nên đến tham gia với họ như khi đi dã trại hoặc các khóa huấn luyện, bởi vì sự hiện diện của cha sở (cha phó) trong ngày trại là một sự phấn khởi và niềm vui của các bạn trẻ.

Có một vài linh mục trẻ khi đi trại với các bạn trẻ thì cứ đạo mạo như ông cụ non, không dám xếp hàng sinh hoạt vòng tròn với các bạn trẻ vì sợ dơ áo quần, hoặc đến ngó ngó chỉ chỉ rồi đi về, đến cho có lệ...

(còn tiếp)

---------------------------------------

(1) Xem “Công, Dung, Ngôn, Hạnh của linh mục Chúa Kitô” cùng tác giả.