d. Làm việc không biết mệt. (tam cần)

Ruộng lúa, dù đã trổ đòng đòng, nhưng nếu không chuyên cần làm cỏ thì sẽ trở về với hai bàn tay trắng, cũng vậy, tổ chức thật khoa học nhưng không thường xuyên giáo huấn dạy dỗ quan tâm thì cũng chẳng thu hoạch được gì.

Có những linh mục làm việc không biết mệt mỏi, các ngài làm việc bất kể ngày đêm, dù mưa to gió lớn, dù ban đêm hay ban ngày mà hể có người cần đến các ngài là a lê đi ngay đến để ban các bí tích cho họ, sự chuyên cần này được Thiên Chúa trả công rất bội hậu, mà trước mắt là giáo xứ của các ngài ngày càng có nhiều người đến tham dự thánh lễ hơn, và chính bản thân của mỗi người giáo hữu cũng rất muốn cộng tác với cha sở nhiệt thành, vì các linh hồn mà phải hy sinh tất cả những chuyện riêng tư cá nhân...

Không chuyên cần làm việc thì các linh mục cũng đừng trông mong giáo dân cộng tác, và các ngài cũng đừng trách cứ giáo dân sao mà xao nhãng việc đạo đức, lễ lạy không đến nhà thờ; không làm việc cách tích cực thì cha sở đừng trông mong giáo dân thân thiện với ngài, bởi vì cha sở nhạy cảm một nhưng giáo dân nhạy cảm gấp đôi các ngài, nhất là trong việc nhìn xem cha sở mình có tích cực làm việc mục vụ hay không rồi sau đó mới cộng tác.

Có một vài linh mục trẻ khi được sai phái đến làm cha phó một họ đạo nào đó thì khoáng trắng cho cha sở, còn mình thì làm việc cách tiêu cực, cha sở phân công thì làm mà không phân công thì thôi, ngồi chơi xơi nước hoặc làm việc không mấy có trách nhiệm. Đương nhiên trách nhiệm là của cha sở, nhưng trên cương vị cha phó hay cha phụ tá cũng đều có trách nhiệm trong phạm vi của mình, mà trách nhiệm này trước hết chính là phần vụ của linh mục tức là làm công việc truyền giáo dù cho làm cha sở hay cha phó, cha phụ tá, hay làm bất cứ chức vụ nào chăng nữa cũng đều phải làm bổn phận của một linh mục.

Chúa Giêsu đã làm việc không biết mệt mỏi, đôi chân Ngài rảo khắp miền Galilêa để rao giảng, tìm và chữa lành những người đau yếu tật nguyền, cho nên có rất nhiều người đã đi theo Ngài mà không thiết gì đến ăn uống (Mt 14, 13-21) sự chuyên cần tích cực này rất đáng để cho chúng ta noi theo, và coi đây là một phương pháp, một bí quyết để thành công trong việc truyền giáo của mình.

Làm việc tác dụng rất nhiều trên đời sống tu đức của các linh mục, khi làm việc với các đoàn thể trong giáo xứ các linh mục sẽ nhận ra giáo dân của mình có những khả năng mà mình không ngờ đến, họ có thể giúp đỡ mình trong việc điều hành giáo xứ. Một linh mục làm việc nhiều là một linh mục luôn nhạy bén ứng xử năng động trong mọi tình huống của giáo xứ, nhưng cái quan trọng hơn, khi một linh mục dành nhiều thời gian cho việc mục vụ để phát triển giáo xứ, thì chính các ngài đã cảm thấy có một nhu cầu bức thiết hơn xuất hiện trong nội tâm của mình, đó là nhu cầu cầu nguyện, bởi vì càng làm việc càng thấy gánh càng nặng, càng thấy mình quá bất lực nên cần phải xin Thiên Chúa ban thêm ơn cho mình để điều hành giáo xứ và chăm nom các linh hồn mà Thiên Chúa đã trao cho mình.

Truyền giáo là mệnh lệnh của Thầy chí thánh -Chúa Giêsu- đã truyền cho các môn đệ của Ngài, trong đó có chúng ta là những linh mục được tuyển chọn để -ưu tiên- thực hành mệnh lệnh ấy. Vì thế, không có một lý do gì để chúng ta khoán trắng việc truyền giáo cho người khác, mà người khác ấy cụ thể là cha sở hay cha phó của mình, hoặc khoán trắng cho giáo dân mà cụ thể là ban hành giáo hoặc các đoàn thể trong giáo xứ.

Có một vài giáo xứ có thầy đại chủng viện đến giúp xứ để thực tập mục vụ như dạy giáo lý, tập hát, dạy giúp lễ.v.v... giúp cho cha sở nhiều trong vấn đề mục vụ, đây là việc làm đúng và rất có ích cho các thầy sau này. Nhưng các cha sở (cha phó) phải luôn xác định rằng : các thầy đến để thực tập chứ không phải là đến để làm cha sở hay cha phó, cho nên đừng mỗi cái mỗi giao cho các thầy làm, còn mình thì rảnh tay để đi đánh pingpong hoặc đánh cờ, hoặc tán ngẫu ở nhà giáo dân hay đi chơi ở Vũng Tàu, Đà Lạt.v.v...

Tôi có thấy ở một giáo xứ nọ, trong nhà cha sở có hai, ba thầy giúp xứ, khi có đám tang thì cha sở chỉ dâng lễ an táng, còn liệm xác và đưa ra phần mộ thì ngài lại giao cho một trong các thầy ấy đi ra huyệt mộ làm các nghi thức, còn cha sở ở nhà uống trà. Giáo dân rất không thích như thế, bởi vì không có cha sở thì thôi, chứ đã có cha sở thì cha sở nên đưa ra đến huyệt mộ cho trọn tình trọn nghĩa với người chết là giáo dân của mình, hơn nữa cũng là một việc truyền giáo cho các giáo hữu còn sống, nhất là với gia đình tang chế...

Làm việc chuyên cần là cách khẳng định năng lực quản lý giáo xứ của mình, không một linh mục nào mới chịu chức mà giám mục hay bề trên giao trách nhiệm làm cha sở ngay (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như tân linh mục đã giúp xứ quá lâu mười mấy hai chục năm, nay mới được chịu chức), cho nên phải tập làm việc ngay khi còn làm cha phó hay cha phụ tá, đừng nghĩ rằng bây giờ làm cha phó thì cứ tà tà mà làm, đợi đến khi làm cha sở rồi làm luôn thì lầm to, bởi vì không ai đưa một người không biết làm việc hoặc làm việc cách hời hợt lên làm cha sở, vì như thế có nghĩa là giám mục “đem gánh nặng trút lên đầu giáo dân bắt họ chịu đựng một ông cha sở không biết làm việc mà chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi". Do đó không một giám mục hay bề trên nào cho bài sai một linh mục mới chịu chức đi làm cha sở ngay, nhưng phải làm phó hoặc phụ tá một hai năm...

Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu mà Ngài làm việc không ngơi nghỉ để giữ gìn công trình sáng tạo của Ngài trong vũ trụ, Ngài làm việc nơi những con người thành tâm thiện chí vì lẽ công bằng và vì tình yêu thương đồng loại, và đặc biệt Thiên Chúa làm việc không ngơi nghỉ nơi các linh mục là những người cộng tác đắc lực nhất của Ngài, do đó khi một linh mục không cảm thấy mình có trách nhiệm chu toàn bổn phận thì là lãng phí ơn riêng của Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đừng sợ mình không có tài mà không làm và cũng đừng lo là mình không có khả năng để làm, nhưng hãy mạnh dạn bắt tay vào việc với tinh thần vui tươi và lạc quan, Thiên Chúa sẽ gởi người tới phụ giúp chúng ta hoàn thành công tác, bởi vì không một người cha nào nhìn thấy con cái vất vả làm không xong việc mà không ra tay giúp đỡ ! Thiên Chúa chắc chắn là một người cha tuyệt vời hơn tất cả mọi người cha trên thế gian này.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. Vâng, đó là kinh nghiệm của người xưa và người thời nay, thử hỏi các linh mục lớn tuổi (cha sở) ngài sẽ chia sẻ cho những kinh nghiệm mục vụ đầy những mồ hôi và nước mắt, hãy nhìn những thành quả trong giáo xứ của chúng ta, thì thấy các cha sở trước đã vất vả như thế nào để xây dựng giáo xứ đẹp đẽ như ngày hôm nay, thì thấy câu thánh vịnh trên đây thật chí lý và khích lệ cho chúng ta.

e. Suy tư. (tứ giống)

Các linh mục trẻ thân mến,

Có một vài anh em linh mục trẻ khi lên toà giảng để giảng thì giáo dân không biết ngài giảng cái gì, bởi vì ngài quá ỷ y vào tài lợi khẩu của mình nên chỉ một câu nói mà cứ nói lui nói tới, nói lòng vòng không đầu không đuôi; có một vài linh mục trẻ khi giảng thì không biết đối tượng mình giảng là ai, nên các ngài trích dẫn hết lập luận này đến lập luận kia, hết tổng luận thần học rồi đến tư duy triết lý làm cho giáo dân nghe ngài giảng mà không hiểu gì cả, thật uổng công cho các ngài soạn bài giảng và uổng công cho các giáo dân náo nức nghe cha giảng...

Sống là giảng và giảng là sống, sống sao giảng vậy thì thu hút và đánh động tâm hồn người khác hơn là lấy y chang bài giảng của người khác để giảng, bởi vì bài giảng của người khác thì chỉ gợi ý cho chúng ta mà thôi, chứ không như chúng ta sống, cho nên một linh mục thiếu suy tư thì cũng rất ít sống theo tinh thần Phúc Âm, và chắc chắn là các ngài không có chất liệu gì của mình để giảng dạy cho giáo dân.

Ruộng cày thật tơi xốp, nước nôi đầy đủ, chuyên cần có thừa, nhưng lúa giống không có hoặc giống xấu thì không thể đạt năng xuất được. Cũng vậy, trên cánh đồng truyền giáo mọi thứ đều được chuẩn bị đầy đủ, cha sở thức khuya dậy sớm để lo việc tổ chức mà không còn giờ để suy niệm về Lời Chúa, hay nói cách khác, cha sở không đào sâu kho tàng ân sủng của Thiên Chúa trong thánh kinh cũng như trong các loại sách thiêng liêng, thì không thể hướng dẫn giáo dân hăng hái tiến bước trên con đường mà mình đã làm sẵn cho họ đi.

Có giáo dân mỗi lần đi họp Legio Mariae về thì nói với nhau : cha linh hướng hôm nay nói gì đâu không ăn nhằm gì tới Legio; có các bạn trẻ thanh niên mỗi lần đến họp hành cũng chẳng thấy cha tuyên uý của mình nói câu gì cho mơi mới chút xíu, cứ lui tới nhắc nhở các bạn trẻ sống làm gương tốt, mà ngài thì không đưa ra những hình ảnh và phương pháp cụ thể để cho các bạn thấy mà học theo...

Suy tư, không nhất thiết là phải ngồi lỳ đóng cửa cả ngày trong phòng để tìm ý tưởng; suy tư, cũng không nhất thiết là phải tra cứu sách này sách nọ cho nó oai, để khi giáo dân có hỏi thì nói mình dọn bài dọn vở căng thẳng cả đầu óc ! Nhưng bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư và áp dụng vào trong cuộc sống của mình :

-Suy tư khi thấy một tai nạn.

-Suy tư khi thấy một đám ma.

-Suy tư khi thấy một em bé đang khóc vì đói.

-Suy tư khi đọc được một câu chuyện hay.

-Suy tư khi nghe một lời chửi bới của bạn bè.

-Suy tư khi nghe hát một bài hát...


Tóm lại là bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể suy tư, và những suy tư ấy sẽ rất có ích cho cá nhân của mình, cũng như cho cộng đoàn mà mình đang phục vụ.

Càng suy tư thì càng có chất liệu để giảng dạy, mà chất liệu hiệu quả nhất chính là mình sống những gì mình đã suy tư và cảm nghiệm, bởi vì không ai cho cái mà mình không có...

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục dễ dàng thông cảm với những khuyết điểm của người khác nhất.

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn hoà nhã với mọi người.

Một linh mục luôn suy tư là một linh mục luôn có “bảo bối” là Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để hướng dẫn người khác đi theo mục đích mà Chúa Giêsu cũng như Giáo Hội của Ngài mong muốn.


Trong suy tư các ngài cảm nghiệm được tính liên đới mình với người khác, cảm nghiệm được những thiếu sót sai lầm của người khác cũng chính là thiếu sót và sai lầm của mình hôm qua cũng như ngày mai, và như thế các ngài rất dễ dàng nhận thấy vai trò linh mục mục tử của mình có ý nghĩa phục vụ hơn là lãnh đạo, tìm và chữa lành hơn là trừng phạt và răn đe, yêu thương hơn là kiểu cách, cũng có nghĩa là các ngài sẽ khiêm tốn hơn khi vấp phải vấn đề tế nhị giữa mục tử và giáo dân trong việc quản trị và điều hành giáo xứ.

Một trong những bổn phận của linh mục là giảng dạy, ngoài việc giảng dạy trên toà giảng thì các ngài cũng sẽ giảng dạy nơi các đoàn thể trong giáo xứ như : Legio Mariae, Con Đức Mẹ, Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Vinh Sơn.v.v... do đó mà các ngài cần phải suy tư nhiều hơn nữa về vai trò mục tử của mình, về những vấn nạn mà các đoàn thể đã và đang gặp phải...

Có những anh em linh mục trẻ chuẩn bị bài giảng trước cả...mười ngày rất công phu, có những linh mục trẻ rất lo lắng khi soạn bài giảng, tất cả các anh em linh mục trẻ này đều có ý thức về bài giảng của mình, còn có một vài anh em linh mục trẻ thấy mình đã đạt đến mức độ xuất khẩu thành bài giảng nên không chuẩn bị bài giảng gì cả, cứ lên toà giảng thì nói thao thao không ý không tứ, không đầu không đuôi và cuối cùng thì giảng như máy bay...không có bãi đáp.

Nhưng tệ hơn là có một vài linh mục không thích suy tư, không thích soạn bài giảng, và nếu có soạn thì chỉ chú trọng đến bài giảng ngày chủ nhật mà thôi, cho nên khi họp các đoàn thể thì không có những lời lẽ để giáo huấn họ, mà nếu có nói thì nói chung chung kỳ họp trước cũng như kỳ họp này không có ý tưởng đào sâu làm cho giáo dân cảm thấy đơn điệu, và không lạ gì khi các thành viên của các đoàn thể đi họp rời rạc và ngày càng ít đi, dĩ nhiên là có những lý do khách quan khác, nhưng lý do “đi họp chán quá” cũng là vấn đề làm cho chúng ta -các cha sở trẻ- phải xét lại cách giáo huấn dạy dỗ của mình.

Tôi thấy có một vài anh em linh mục trẻ sau khi dâng lễ sáng xong thì xách xe chạy một lèo đến chiều tối mới về, không ngồi yên ở nhà được; có anh em linh mục thì không bao giờ cầm đến một tờ báo hay đọc một cuốn sách thiêng liêng, nếu có đọc thì chỉ năm phút sau là...ngủ gật, thật uổng phí thời giờ. Theo kinh nghiệm bản thân mình, các cha sở (cha phó) nên kiếm việc mà làm hoặc phát huy khả năng của mình như sáng tác nhạc, viết sách, dịch sách; hoặc tay nghề của mình như làm thợ sửa cái bục giảng đang hư, sơn lại cái ghế quỳ.v.v... những công việc ấy sẽ giúp cho các linh mục rất nhiều trong cuộc sống tu đức, những lúc công việc nhà xứ rỗi rảnh thì bắt tay vào làm những việc ấy để không còn thời gian để suy nghĩ lung tung, xách xe chạy đi tán dóc, coi xi nê, đánh cờ tướng mất cả ngày giờ mà không ích lợi gì cho công tác mục vụ của mình.

Mỗi ngày bỏ ra ít là một giờ để đọc sách và viết xuống những suy tư của mình, một tháng sau đọc lại thì thấy ý tưởng của mình tiến bộ, ý lực dồi dào và súc tích hơn, và mỗi năm sẽ tích luỹ được nhiều vốn liếng suy tư thì lo gì mà không có chất liệu đễ giảng dạy chứ, đó là kinh nghiệm mà tôi thường chia sẻ với các anh em linh mục trẻ trong dòng của chúng tôi, và kinh nghiệm này đã giúp tôi có những suy tư rất đời thường nhưng rất thực tế, có ảnh hưởng trên đời sống giáo dân khi giảng dạy.

Suy tư là hạt giống để gieo vào mảnh đất truyền giáo của giáo xứ của mình, bởi vậy nó có giá trị không những cho đời sống tu đức của mình mà còn có ích cho đời sống tâm linh của giáo dân trong giáo xứ mà mình coi sóc.

Có giáo dân than phiền về bài giảng của các linh mục trẻ quá dài và quá thiên về lý thuyết thần học triết lý, mà không đi vào thực tế sống đạo của người Kitô hữu, do đó mà họ cảm thấy rất “mệt” khi nghe các ngài giảng.

Tôi còn nhớ sau khi ở đại chủng viện thánh Tôma Aquino (Đài Bắc-Đài Loan) trở về nhà dòng và được sai đi giúp xứ, sau thánh lễ chủ nhật tôi đang ở trong phòng mặc áo của nhà thờ, thì có một giáo dân trung niên đến nói với tôi như sau : “Thưa thầy, nếu sau này thầy làm linh mục, khi giảng lễ thì xin thầy giảng Phúc Âm cách thực tế trong cuộc sống để chúng tôi còn hiểu được và dễ thực hành, thầy đừng như cha sở hôm nay giảng gì mà tụi tôi không hiểu gì cả...” - Và kể từ hôm đó cho đến nay (và mãi sau này) tôi vẫn luôn nhớ đến lời góp ý chân thành của người giáo dân ấy, thế là tôi bắt đầu suy tư cách thực tế của đời sống làm người với tinh thần Phúc Âm là Sống, là chia sẻ, là cảm nghiệm chứ không phải là lý thuyết sách vở...

Nếu giáo dân không hiểu bài giảng của linh mục thì không thể bắt họ sống tốt tinh thần Phúc Âm của Chúa Giêsu, linh mục giảng mà không có tâm tình chia sẻ thực tế thì không phải là bài giảng “nhớ đời” của giáo dân khi nghe các ngài giảng.

(còn tiếp)