a. Cầu nguyện. (nhất nước)

Cầu nguyện, đó là một niềm vui của người Kitô hữu được “đặc ân” trò chuyện với Thiên Chúa, là một sức mạnh cho những người cảm thấy mình quá nhỏ bé trong cuộc sống. Các linh mục là những “nhà chuyên môn” của việc cầu nguyện, các ngài có thể cầu nguyện luôn luôn trong mọi lúc dưới bất cứ hình thức nào, vì các ngài là những thầy dạy giáo dân về việc cầu nguyện, khi mà người ta cảm thấy khó khăn khi cầu nguyện vì quá lo ra chia trí vì kế sinh nhai, vì thất tình lục dục, thì các linh mục là những con người mà họ cậy nhờ trong đời sống tâm linh của mình...

Có thể nói : cá cả ngày sống trong nước thế nào thì các linh mục cả ngày sống trong ơn sủng của Thiên Chúa cũng như thế.

Cầu nguyện rất cần thiết cho giáo xứ mình phục vụ cũng giống như nước cần cho đồng ruộng, không cầu nguyện thì các linh mục không thể làm cho tâm hồn tín hữu nguội lạnh thành nóng lên vì tình yêu của Thiên Chúa, không cầu nguyện thì các dự án, các cuộc thăm viếng chỉ là đánh trống bỏ dùi mà thôi, bởi vì cầu nguyện là “nước” nên nếu không nước thì đồng ruộng truyền giáo sẽ cháy khô.

Dâng thánh lễ là lúc cầu nguyện tuỵêt với nhất, và chỉ có khi dâng thánh lễ người linh mục mới cảm thấy được hết tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã làm cho mình và cho nhân loại, đó chính là tình thương cao cả nhất mà chính linh mục là người thứ nhất cảm nghiệm được, bởi vì khi linh mục dâng thánh lễ mà không cảm nhận được sự cao quý và cao cả của Thiên Chúa đã thực hiện nơi thánh lễ thì chẳng khác chi một diễn viên sân khấu.

Bởi vì có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì chỉ thích chú trọng đến những cử điệu bên ngoài : giang hai tay thật rộng hết cở khi đọc lời cầu nguyện, giọng nói uốn lưỡi mất tự nhiên và cung giọng lên xuống sao cho truyền cảm thu hút mọi người, vì thế cho nên không lạ gì có một vài linh mục cử hành thánh lễ như là diễn kịch trên sân khấu, nhưng diễn cũng không đạt vì những cử chỉ mà các ngài làm đều không diễn tả được là hành vi thánh, đôi lúc làm cho giáo dân thấy cử hành thánh lễ là một việc làm bất đắc dĩ của các ngài, làm cho xong, làm cho qua, làm cho mau để hết...cục nợ !

Cầu nguyện là nước tưới trên cánh đồng truyền giáo của các linh mục, kinh nghiệm của thánh Gioan Maria Vianney đã cho chúng ta thấy được điều ấy : từ một giáo xứ khô cằn (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) ngài đã làm cho nó sinh động tốt tươi cách kỳ diệu bằng lời cầu nguyện liên lĩ của mình. Cũng vậy, cầu nguyện là một sức mạnh kỳ diệu làm đổi mới mọi sự, mà theo suy nghĩ của con người sẽ không bao giờ làm được, nhưng việc gì mà con người không thể làm được thì Thiên Chúa lại làm được.

Thánh lễ là giây phút hạnh phúc nhất của người Kitô hữu nói chung, và của các linh mục nói riêng, bởi vì càng suy tư đến mầu nhiệm hiến tế nơi bàn thánh thì chúng ta càng thấy được Thiên Chúa quá ư là khiêm tốn và rất mực yêu thương nhân loại, cách riêng các linh mục, bởi vì chính linh mục -chứ không ai khác- diễn tả lại cuộc hi tế ngày xưa trên đồi Golgôtha của Chúa Giêsu. Trong mỗi một thánh lễ mà chúng ta -những linh mục- dâng lên Thiên Chúa có biết bao là hồng ân mà nhân loại được hưởng nhờ, có biết bao linh hồn được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Nói như thế để mỗi người trong chúng ta cảm nghiệm được rằng : tôi chỉ là một đầy tớ vô dụng, một dụng cụ bất xứng, và là một con người đầy những xấu xa hơn tất cả mọi người trên thế gian, vậy mà Thiên Chúa đã chọn tôi như là một khí cụ tình yêu của Ngài.

Chúng ta phải lợi dụng hồng ân trong thánh lễ để cầu nguyện cho giáo xứ của mình, tức là cho cánh đồng truyền giáo, mà trên cánh đồng ấy có không biết bao nhiêu là cỏ dại, sâu trùng, bọ xít làm hư hoại những hạt lúa tốt tươi của chúng ta.

Trong thánh lễ, chúng cầu nguyện cho em bé lem luốt hôm qua đứng bên vệ đường khóc vì đói được cơm ăn, chúng ta nhớ đến khuôn mặt của một giáo dân ngày hôm qua đã bị mọi người chửi mắng vì say rượu để cầu nguyện cho họ, chúng ta cũng nhớ đến những cô gái đứng gốc cây bên đường chờ khách để cầu nguyện cho họ được có cuộc sống tốt đẹp hơn, và còn biết bao nhiêu là những người mà chúng ta phải nhớ đến họ trong thánh lễ để cầu nguyện... Như thế, cầu nguyện là phương thế tuyệt vời nhất để cho cánh đồng truyền giáo của chúng ta ngày càng xanh tươi tốt đẹp hơn, và sẽ không một cây lúa (giáo dân) nào mà không được mát lòng nhờ lời cầu nguyện của chúng ta.

Tiếp đến, Phụng Vụ các giờ kinh mà ngày xưa chúng ta gọi là kinh nhật tụng, đóng một vai trò quan trọng thứ hai sau thánh lễ trong việc cầu nguyện của các linh mục.

Thời nay Giáo Hội khuyên các tín hữu cũng nên đọc giờ kinh phụng vụ theo cách của giáo dân, bởi vì đó là những lời ca ngợi, tán tụng, tạ ơn và cầu xin tuyệt vời nhất, mà Giáo Hội đã yêu cầu các linh mục là những người đã được tuyển chọn thay mặt nhân loại đọc để chúc tụng Thiên Chúa, cho nên nếu được thì trong giáo xứ của mình, cha sở có thể tổ chức để giáo dân yêu thích dùng phụng vụ các giờ kinh để cầu nguyện, và các ngài cũng nên đọc chung với giáo dân ít nữa là giờ Kinh Sáng sau (hoặc trong thánh lễ) và giờ Kinh Chiều.

Đây là cách cầu nguyện chung giữa cha sở với giáo dân của mình, bởi vì các linh mục rất ít khi đọc kinh chung với giáo dân, buổi sáng khi giáo dân cùng nhau đọc kinh lần chuổi thì không thấy cha sở, cha phó cùng đọc chung với họ, chỉ đợi khi gần giờ lễ rồi mới ra khỏi phòng và đi thẳng vào phòng thánh để chuẩn bị dâng lễ, lễ xong thì cũng “biến” đâu mất, rất ít khi trò chuyện với giáo dân, hỏi thăm quan tâm : “ông X... đâu rồi, sao mấy ngày nay không thấy đến nhà thờ; bà H... nghe nói bệnh phải không; Anh B..., con anh ra sao rồi tìm được việc làm chưa.v.v...” Mấy câu hỏi quan tâm đơn sơ sau thánh lễ ấy là chất xúc tác để giáo dân không còn thấy ông cha sở của mình là cao cao sang sang nữa, nhưng rất thân tình như người trong nhà và làm cho giáo dân yêu mến nhà thờ hơn, đó là bí quyết truyền giáo xưa cũng như nay : tiếp xúc và quan tâm đến mọi giáo dân của mình.

Đọc kinh Phụng Vụ chung với giáo dân là cầu nguyện chung với họ, là nói cho họ biết giáo xứ chúng ta cần thêm nhiều lời cầu nguyện của mọi người, để xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho mỗi con chiên của Ngài trong giáo xứ này, và thế là giáo dân “thấy” được trong tâm hồn của vị mục tử của mình đầy ắp sự lo lắng thương yêu giáo dân của ngài, và chắc chắn Thiên Chúa cũng sẽ nhậm lời và chúc lành cho công cuộc truyền giáo của các ngài.

Nước cần thiết cho đồng ruộng như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng rất cần thiết cho việc truyền giáo như thế.

b. Tổ chức. (nhì phân)

Có một vài linh mục trẻ rất có óc tổ chức giáo xứ của mình, những linh mục này tôi biết là ngoài việc các ngài có thiên khiếu về tổ chức ra, thì trong số các ngài còn có một vài linh mục tham gia sinh hoạt phong trào hướng đạo, nên cách tổ chức của các ngài rất có thứ tự lớp lang đàng hoàng.

Một cánh đồng kiểu mẫu không những năng suất cao mà còn là cách phân bờ phân đê làm sao cho hợp lý, để khi nước được bơm vào thì cả cánh đồng đều có nước giống nhau, chứ không phải cùng một cánh đồng mà chổ này bơm nước một ngày chổ kia bơm nước ngày khác, đó là vì nhà nông không được học qua kỷ thuật về nông nghiệp tiên tiến. Ở Đài Loan nền nông nghiệp của họ thật tuyệt vời, thấy ruộng đồng của họ mà mê tơi vì nó bằng phẳng, thứ tự lớp lang, sạch sẽ, nhìn thấy là muốn xuống ruộng làm nghề nông, đó chẳng qua là nền nông nghiệp của họ đã đạt đến mức hoàn hảo.

Trong một giáo xứ, việc tổ chức các đoàn thể là điều cần thiết, từ ban hành giáo cho đến các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, hội Lêgiô Maria, hội Con Đức Mẹ, hội các bà mẹ Công Giáo, hội cha gia đình, thanh niên.v.v... đều rất cần thiết cho sự truyền giáo của cha sở cũng như sự phát triển của giáo xứ, nhất là gây tình đoàn kết giữa các giáo dân với nhau cũng như giữa giáo dân và cha sở cha phó...

Có một vài cha trẻ nhưng tâm hồn thì đã già cho nên thích an nhàn hưởng thụ hơn là tổ chức các sinh hoạt trong giáo xứ, mà nếu giáo xứ nào đã có các đoàn thể rồi thì các ngài cũng ít quan tâm vì không phài “con của mình đẻ ra”, mặc kệ bây sinh hoạt hay không tuỳ tiện !?

Tổ chức là khâu quan trong trong việc quản lý cộng đoàn, cha sở phải làm sao đề tất cả giáo dân của mọi thành phần trong giáo xứ tham gia các hội đoàn, để qua các sinh hoạt này mà cha sở truyền đạt lòng đạo đức kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân cho các con chiên của mình, bởi vì sẽ rất thiếu sót khi giáo dân thèm muốn có một hội đoàn hợp với lứa tuổi của mình để chia sẻ những kinh nghiệm về cách sống đạo cho người khác, cũng như muốn học hỏi kinh nghiệm sống Lời Chúa nơi những giáo dân khác, mà cha sở thì cứ tà tà “để đó coi đã”, cái “tà tà” này là biểu hiệu của một tâm hồn không mấy thiết tha với giáo xứ mà mình đang coi sóc.

Tôi đã thấy một vài linh mục đã không làm gì sau mấy năm ở giáo xứ, bởi vì các ngài có một quan niệm rất “kỳ quặc” là mình không ở đời ở kiếp đây thì tổ chức đoàn thể này nọ làm gì cho mệt óc mệt xác chứ ! Thế là giáo xứ của các ngài ngày càng tẻ nhạt, giáo dân đến đi lễ vì bổn phận rồi về, họ không coi giáo xứ là nơi để họ lui tới học hỏi nơi cha sở cách sống đạo cũng như nơi các giáo dân khác, bởi vì giáo xứ của họ không có một hội đoàn nào để họ tham gia sinh hoạt.

Thiên Chúa -đã vì thương yêu- mà chọn chúng ta làm những người thay mặt Ngài để dạy dỗ giáo dân biết sống đạo, và khi chọn ai thì nhất định Ngài cũng ban cho họ sự khôn ngoan để lãnh đạo, nghĩa là với sự khôn ngoan ấy chúng ta tổ chức giáo xứ thành cánh đồng truyền giáo cho hợp với thời đại khoa học, hợp với đà tiến hoá của xã hội mà không làm cho giáo dân phải thốt lên : ông cha sở quá cấp tiến.

Khi đã tổ chức được các đoàn thể rồi thì cha sở phải hy sinh thêm rất nhiều thời gian cho các đoàn thể, bởi vì cha sở, cha phó là đầu tàu, là hạt nhân làm nổ tung các tâm hồn bấy lâu nguội lạnh với việc nhà Chúa, thì nay đã hăng hái tham giá cách tích cực các hội đoàn trong giáo xứ. Cha sở sẽ còn rất ít giờ để đọc sách và giải trí, nhưng tham gia sinh hoạt các đoàn thể là một niềm vui của ngài, bởi vì có việc để làm thì tốt hơn là không có việc gì để làm rồi sinh ra những điều không tốt cho đời sống tu đức của linh mục.

Các linh mục là những người được đọc nhiều sách với nhiều đề mục, nhưng -đối với linh mục- thì tất cả đều là lý thuyết trên sách vở, duy chỉ có một điều đối với các ngài thì nó không còn là lý thuyết nữa nhưng là thực hành, đó là truyền giáo. Truyền giáo không phải là lý thuyết nhưng là phải thực hành, và đó chính là nghề chuyên môn của các ngài, do đó, người ta sẽ cừơi và trách các linh mục khi các ngài dửng dưng với công tác tổ chức các hội đoàn trong giáo xứ của mình.

Có một vài linh mục khi được phái đến coi sóc một giáo xứ nào đó thì thích xây dựng nhà thờ, phòng ốc, sân chơi, vườn hoa kiểng.v.v... đương nhiên tất cả những công việc này cũng đều là vì giáo xứ mà làm để cho giáo xứ có bộ mặt đẹp đẽ và bề thế hơn. Nhưng, khi nhà thờ chưa xuống cấp mà đập tan nát ra xây lại, giáo dân không có chổ để đi đứng sinh hoạt thì lại xây cái vườn hoa kiểng to đùng đùng chiếm cả một khoảng lớn của nhà thờ, hoặc giáo dân thì nghèo cơm ngày ba bữa chưa đủ no mà cha sở đập phá nhà thờ cũ để xây mới thì có hợp thời không...

Cái nên xây trước hết chính là xây dựng tâm hồn của giáo dân, làm cho tâm hồn của họ trở thành đền thờ của Thiên Chúa thật sự, chứ không phải chỉ đến nhà thờ đi lễ đi kiệu, nhưng khi ra khỏi nhà thờ thì tâm hồn của họ lại trở thành nơi ở của ma quỷ ? Xây dựng tâm hồn của các giáo hữu trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần thì không có gì hay cho bằng tổ chức các đoàn thể trong giáo xứ của mình, thông qua các đoàn thể chúng ta sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm nơi họ. Tổ chức các cộng đoàn hoạt động hữu hiệu thì cha sở sẽ có một ngày bội thu trong niềm vui của người ra đi gieo giống trên ruộng mình, và vui mừng gặt hái thành quả ôm trong lòng vác trên vai mà đi về nhà Cha...

(còn tiếp)