CHIA SẺ

CÔNG TÁC MỤC VỤ

GIÁO XỨ


TRONG THỜI ĐẠI NAY


Lời ngõ,

Công tác mục vụ tại giáo xứ hay tại bất cứ nơi đâu đều là bổn phận và trách nhiệm của các linh mục, là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để thay mặt Ngài thánh hóa, dạy dỗ và cai quản đoàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho các ngài coi sóc...

Công tác mục vụ là một công việc khó khăn đòi hỏi các linh mục không những cần có ân sủng của Thiên Chúa, mà còn cần phải có tri thức và văn hóa, cùng với những đức tính nhân bản mà các ngài đã học và trau dồi trong cuộc sống hằng ngày, bởi vì tất cả những gì chúng ta đã được tiếp thu khi còn ở trong chủng viện chỉ là một phần nhỏ của cái lớn lao khi chúng ta làm công tác mục vụ.

Với những suy tư và kinh nghiệm nho nhỏ, tôi xin chia sẻ với các anh em linh mục trẻ của tôi trong năm truyền giáo này của Giáo Hội Việt Nam chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------------------------------------------------------------------

A- GIÁO XỨ

1. Phải xác định cách tích cực Giáo xứ là đại gia đình của mình.

Chịu chức xong thì các linh mục trẻ đầy nhiệt tình sẽ được nhận bài sai của đấng bản quyền địa phương (giám mục địa phận, bề trên dòng...) để đi làm mục vụ, cũng có nghĩa là được chính thức sai đi đến một nơi mà khi còn học trong chủng viện các ngài hằng mong ứơc, đó là làm cha phó (hoặc cha xứ).

Giáo xứ mà các linh mục được sai đến không như trong sách vở mà các linh mục trẻ đã học, nhưng là một giáo xứ với những con người sống động, những con người mà họ rất kỳ vọng vào các linh mục trẻ của mình với tác phong vui tươi cởi mở với tất cả mọi người, dù linh mục trẻ ấy là cha sở hay cha phó, hoặc bất cứ linh mục trẻ nào. Nơi giáo xứ có nhiều hạng người giàu cũng như nghèo, có người trí thức cũng như có người lao động, có người là giáo sư là bác sĩ.v.v... cũng có những thành phần trong Giáo Hội là các tu sĩ nam nữ, và có khi có gia đình có con cái làm linh mục hoặc tu sĩ trong một hội dòng... tóm lại là một giáo xứ với nhiều tính năng của nó.

Giáo xứ là một Giáo Hội địa phương được trao phó cho linh mục coi sóc, để giáo xứ dưới sự lãnh đạo của các ngài ngày càng phát triển về đàng nhân đức cũng như về mặt xã hội, có nghĩa là các linh mục coi sóc giáo xứ -trước hết- trên phương diện tinh thần, hướng dẫn giáo dân sống và thực hành tinh thần Phúc Âm của Chúa Giêsu mà các ngài đã được huấn luyện trở thành vị mục tử chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho các ngài.

Cho nên, khi nhận được bài sai để đến một giáo xứ nào đó (dù lớn hay nhỏ) thì các linh mục phải cảm tạ ơn Thiên Chúa đã chọn ngài chứ không chọn ai khác để coi sóc giáo xứ ấy, và mau mắn lên đường làm nhiệm vụ...

Giáo xứ là một cộng đoàn lớn và phức tạp, cho nên để cho công việc mục vụ được dễ dàng thuận lợi, thì tâm tình trước tiên mà các linh mục phải có chính là biến công đoàn giáo xứ này trở thành gia đình của mình, một đại gia đình đúng nghĩa của nó, có như thế các ngài mới có thể vui vẻ lạc quan sống và làm việc bên cạnh các giáo dân của mình.

Có một vài linh mục trẻ khi được bài sai đến một giáo xứ nào đó, nếu giáo xứ giàu thì cười hả hê và thỏa mãn, nếu giáo xứ nghèo ở nơi khỉ ho cò gáy thì lại trách oán bề trên, những linh mục này sẽ không bao giờ coi giáo xứ của các ngài là một đại gia đình của mình, cho nên khi đến giáo xứ thì việc trước tiên là hạch sách giáo dân hoặc đòi điều kiện với cha sở là : chổ ở phải tiện nghi có máy lạnh, phải có phòng ốc hẳn hoi, phải có chổ vui chơi giải trí thì mới đến, bằng không thì mặc kệ, như thế tinh thần mục tử vì đàn chiên nơi các ngài không còn nữa, và như thế các ngài coi giáo xứ như là một công ty mà các ngài “buộc” phải đến làm việc, các ngài biến mình trở thành một công chức cao cấp để lãnh lương chứ không phải là một linh mục đang làm trong vườn nho của Thiên Chúa...

Khi đã xác định được giáo xứ là đại gia đình của mình thì người linh mục không còn đòi hỏi phải có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt, nhưng các ngài sẽ băn khoăn khi giáo dân của mình dân trí kém, cuộc sống khó khăn, có nhiều người rượu chè cờ bạc và có nhiều tệ nạn xảy ra cần phải giáo dục họ họ sống đúng với tinh thần của Chúa Giêsu dạy : yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

2. Phải tâm niệm Giáo Xứ là cánh đồng truyền giáo của mình.

a. Thăm giáo dân (cày)

Chắc chắn các linh mục trẻ sẽ cười khi nghe câu ấy, bởi vì giáo xứ đã là nơi truyền giáo của các linh mục, bằng không thì làm linh mục để làm gì ! Nếu các linh mục trẻ hiểu được như thế thì Giáo Hội Việt Nam sẽ không lo âu vì các linh mục trẻ của mình ngày càng sống hưởng thụ hơn là làm việc truyền giáo, ngày càng sống xa hoa hơn là phục vụ.

Giáo xứ là cánh đồng truyền giáo của các linh mục, nhưng như thế nào là truyền giáo ? Có một vài linh mục khi đến giáo xứ thì “triển lãm” cái tính sống xa hoa của mình cho giáo dân thấy, có linh mục thì mới đến giáo xứ ngày hôm trước thì hôm sau đã phách lối nạt nộ giáo dân và đặt điều kiện này điều kiện nọ với họ, thì truyền giáo đâu chưa thấy chỉ thấy giáo dân than phiền : ông cha mới khó tính như ông cụ non ! Như thế thì sẽ không còn là truyền giáo nữa, nhưng là đến để làm ông chủ và “truyền” cá tính cộc cằn, hách dịch và kiêu căng của mình cho giáo dân, thật tội nghiệp cho họ, vì họ không nhìn thấy được Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng nơi vị mục tử trẻ trung của mình.

Muốn đồng ruộng tốt thì trước hết phải cày rồi sau mới “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Các linh mục cũng phải “cày” trên đồng ruộng giáo xứ của mình, các ngài phải “cày” ngay khi mới đến giáo xứ, “cày” tức là các ngài phải bỏ công sức là đi thăm giáo dân mà chúng ta gọi là “thăm mục vụ”, thăm giáo dân để biết tình trạng con chiên của mình như thế nào, nhà này ra sao nhà nọ thế nào, người này không bao giờ đến nhà thờ, người kia chưa một lần lên rước Mình Thánh khi đi dâng thánh lễ.v.v... đó là “cày” của các linh mục, việc này các linh mục trẻ dễ dàng làm hơn vì sức còn mạnh và tay chân hoạt bát không ngại đường xa mưa gió nắng nôi...

Kinh nghiệm cho thấy, cha sở nào thường cùng với các đoàn thể (Legio Maria chẳng hạn...) đi thăm giáo dân của mình thì cha sở ấy đã thành công một nửa trong việc xây dựng giáo xứ của mình. Đi thăm giáo dân là để tìm hiểu cuộc sống tâm linh của họ, và có khi, cũng biết thêm đời sống vật chất của họ để thông cảm và khuyến khích họ sống tốt đẹp là một người Kitô hữu trong giáo xứ của mình.

Chí ít là một tuần đi thăm một vài gia đình, chương trình thăm ai, nhà nào thì nên có kế hoạch và bàn hỏi với đoàn thể mà mình cùng đi với họ đến thăm giáo dân, họ sẽ rất vui và cho mình biết hoàn cảnh của gia đình giáo dân mà mình đến thăm, nếu không có chuyện cấp bách về mục vụ (như xức dầu bệnh nhân...) thì không nên đi một mình và không nên ngồi quá lâu ở một nhà giáo dân, vì như thế sẽ không tốt cho các linh mục và ảnh hưởng đến công tác mục vụ của mình. Khi đến thăm nhà giáo dân thì thăm hỏi sức khoẻ của họ, phải tế nhị và đừng đụng chạm đến đời sống riêng tư của họ, nhưng hãy thật vui vẻ -có khi pha trò- để cuộc trò chuyện thêm tự nhiên xoá bỏ ngăn cách giữa linh mục và giáo dân. Đừng để họ bận rộn tiếp khách chuẩn bị thức ăn thức uống, nhưng cần phải nói ngay với họ rằng, chỉ uống một ly nước hoặc một ly cà phê (nếu có) và trò chuyện thân tình, rồi cáo từ sau năm hoặc mười phút trò chuyện. Tuy ngắn nhưng ảnh hưởng và ấn tượng lâu dài nơi giáo dân của mình...

Giáo dân cảm thấy xa cách cha sở -vị mục tử- của mình, vì các ngài không chịu bước ra khỏi nhà xứ để đến với họ, vì các ngài cảm thấy mình đến với giáo dân là quá hạ mình nên phải để giáo dân đến với mình trước !? Vì thế mà khi có nghe tin giáo dân nọ cần được xức dầu thì có một vài cha sở không biết giáo dân đó là ai !!!

Đừng ngại đi đến thăm giáo dân, cũng như người nông dân không ngại trời nắng trời mưa khi cày ruộng, bởi vì phải cày trước đã rồi mới gieo hạt hoặc cấy lúa, “cày” là đi thăm giáo dân của cha sở, bởi vì khi đi thăm giáo dân là cha sở đã làm một chiếc cầu bê tông cốt sắt chắc chắn để nối liền nhà thờ với họ, nối liền cha sở với giáo dân, mục tử với con chiên. Đi thăm giáo dân là “”cày” mảnh đất tâm hồn họ cho tơi xốp vì nó đã cứng khi không thấy được sự quan tâm của người mục tử và cũng vì miếng cơm manh áo mà họ ít đến nhà thờ...

Đừng ngại đi thăm giáo dân nhưng hãy ngại là chỉ quen biết và đi thăm một hai gia đình thân thiết trong giáo xứ rồi thôi, bởi vì đôi lúc có một vài linh mục vì quá mệt và bận rộn với công việc giáo xứ mà “trốn” đi đến một nhà giáo dân thân thiết để giải trí và thư giãn với cờ tướng hoặc tán dóc hoặc nghỉ ngơi cả buổi, lâu ngày làm cho giáo dân dị nghị và như thế việc truyền giáo và quản lý giáo xứ sẽ ảnh hưởng rất nhiều...

Khi đã “cày” xong thì chúng ta tiếp tục với câu tục ngữ của cha ông chúng ta “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để áp dụng vào cánh đồng truyền giáo của chúng ta, đó là giáo xứ.

(còn tiếp)