SAU BA THẬP NIÊN

(Tiếp Theo và Hết)

IX.- NHỮNG NGÀY CÒN LẠI

DINH ÐỘC LẬP

Tôi lợi dụng mấy ngày còn lại ở thành phố Saigon để đi thăm viếng một số di tích lịch sử và tôn giáo. Trước hết là Dinh Ðộc Lập mà thời Pháp thuộc gọi là Norodom và sau ngày 30-04-1975 đổi thành Dinh Thống Nhất. Thật ra Dinh đó không có gì mới lạ đối với tôi vì trước năm 1975, tôi thường qua lại nơi đó nhiều lần và đã xem xét tận mắt phần ngoại diện của nó. Gần đây trong một video, tôi được thấy trình chiếu mọi phòng ốc của dinh thự nầy và nay đi xem lại cũng chẳng có gì mới mẻ, hấp dẫn lắm.

Tuy nhiên khi đi tham quan Dinh đó, một chi tiết nhỏ nhặt đã khiến tôi suy nghĩ miên man. Khi mới đặt chân vào Phòng Khánh Tiết của Dinh, tôi nghe cô hướng dẫn viên đang duyên dáng thuật lại biến cố các tướng lãnh tạo phản lật đổ cố tổng thống Ngô Ðình Diệm năm 1963 và, mười hai năm sau, đưa tới việc Dương Văn Minh lên làm tổng thống bù nhìn “43 giờ đồng hồ” vào cuối tháng tư năm 1975. Vào thời điểm đó, trong nội các Dương Văn Minh có Vũ Văn Mẫu là một phản thần giờ thứ hai mươi lăm, vào lúc biến động năm 1963.

Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của y đã đầu hàng vô điều kiện đoàn quân tiếp thu Dinh Ðộc-Lập, nhờ thế đám người đó được tha tội chết. Tôi đứng lặng người trong mấy phút khi thấy cô hướng dẫn viên đã quật mồ Dương Văn Minh lên để cho mọi người nhận diện bộ mặt hèn nhát của một con người tham sinh úy tử. Cha ông chúng ta đã nói: “Sống đục sao bằng thác trong”. Ca dao Việt-Nam cũng có câu:

“Trăm năm bia đá còn mòn,

Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”


Tôi tự nghĩ, mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày và mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, Dương Văn Minh được kéo ra khỏi mồ để cho du khách - Việt Nam cũng như ngoại quốc - nhận chân bộ mặt thực của người cầm đầu đám tướng lãnh tạo phản. Lời cô hướng dẫn viên nhắc đi nhắc lại mỗi ngày như thế đã trở thành điệp khúc “Ru mãi ngàn năm” của Trịnh Công Sơn, ru hồn Dương Văn Minh đi vào cõi u trầm, để nát với cỏ cây.

Với tâm tình người Công giáo, tôi đã xin Chúa tha thứ cho những tướng lãnh tạo phản đó - những Giu-Ða thuộc hạ bán thế kỷ hai mươi của Việt-Nam - vì họ không lường trước được hậu quả nghiêm trọng của sự tạo phản mà họ đã gây ra.

DINH GIA LONG

Sau đó tôi sang viếng Dinh Gia Long là nơi mà cố tổng thống Ngô Ðình Diệm đã tạm cư trong mấy năm sau cùng trước khị bị đám tướng lãnh làm phản lật đổ và hạ sát. Tiếc thay Dinh nầy không được tu bổ để bảo trì như một di tích lịch sử. Trái lại được dùng làm bảo tàng viện mà ít ai đến thăm viếng. Chỉ thỉnh thoảng vài đôi tân hôn đem nhau vào đây chụp hình kỷ niệm.

VÀI CƠ SỞ TÔN GIÁO KHÁC

Tiện đường, tôi ghé qua viếng nhà thờ Ðức Bà Saigon là nơi mà trước 1975 tôi thường tham dự Thánh lễ vào những dịp trọng đại, nhất là những ngày Ðại Hội Thánh Mẫu, ngày thành lập hàng giáo phẩm VN, cũng như tấn phong các giám mụcà

Tôi cũng đã ghé qua đại chủng viện Thánh Giuse ở đường Cường Ðể để quì cầu nguyện ít phút trước mộ phần Ðức Cha Nguyễn văn Bình. Tôi cũng đã tạt vào viếng nguyện đường dòng Kín ở bên cạnh là nơi mà trước 1975 tôi thường qua lại rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ đặt chân tới.

GIẢ TỪ SAIGON

Hôm trước ngày tôi trở về Canada, cha Chung đã đạp xe đạp đến thăm tôi. Khi tiễn đưa cha ra về, nhìn con “ngựa sắt” của cha, tôi buột miệng nói: “Khi thấy chiếc xe đạp của cha, con nhớ lại những lời ông cụ thân sinh của cha đã nói với cha trước đây.” Khi nghe tôi nói như thế, cha Chung và tôi cùng phá lên cười.

Sau đó nhìn cha Chung cưỡi con ngựa sắt, mất hút trong dòng chảy đủ loại xe gắn máy chạy ngược xuôi để tranh giành cái sống. Nhìn theo bóng dáng cha mà tâm hồn tôi xúc động vì Hồng Ân bao la của Thiên Chúa đã khiến cho “những hòn đá mở miệng ra để ca ngợi Thánh danh Ngài.”

Ngày cuối cùng lên máy bay về lại Canada, sau ba tuần lễ ngắn ngủi thăm viếng Việt-Nam, tôi đã nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất một lần nữa, cùng với thành phố Saigon cho đến khi máy bay mất hút vào hải phận quốc tế. Những gì mà tôi đã chứng kiến trong thời gian qua khiến tôi đâm ra nghĩ ngợi, nhận chân sự thiếu sót của mình là đã nhận được một nén bạc Chúa trao tặng, nhưng đem chôn đi, trong khi bao nhiêu người khác đã làm sinh lợi rất nhiều với nén bạc của họ. Trở lại thăm quê hương sau gần ba mươi năm, tôi đã gặp được một vài chim Việt, giống Tiên, ở vài nơi trên nhiều miền đất nước.

Tôi đã tha thiết cầu xin Chúa chuyển đổi quả tim sắt đá của tôi và của nhiều người khác để trở thành những quả tim thịt, ngõ hầu nên giống “Quả Tim Của Chúa”, (lời nguyện trích Rabbouni, trong sách LKÐNTNK, trang 94), để rồi nói được như Thánh Phaolồ: “Vui với người vui, khóc với người khóc”:

“Lạy Chúa,

Xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

Nhưng xin cho con quả tim quảng đại như Chúa

Vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

Ðể mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

Mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an trong sáng,

Không một biến cố nào xáo trộn,

Không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

Cũng đừng quá bối rối khi găẳp lời chỉ trích

Xin cho quả tim con đủ lớn

Ðể yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rọạng mở

Ðể có thể ôm cả những người thù ghét con.”


GHI CHÚ: Những tên sách viết tắt:

LKÐNTNK: “Lời Kinh Ðẹp Nhất Thiên Niên Kỷ”

TTTVLÐT: “Tiếng Thì Thầm Và Lời Ðáp Trả” của Eileen, Nguyễn Thị Chung dịch.

(HẾT)

HƯƠNG VĨNH