Họ Cũng Là Người

Sáng hôm nay, ngồi trước máy Vi Tính để soạn những bài Suy Niệm cho ‘Một Phút Suy Niệm Trên Net’ tâm trí còn đang trống rỗng chưa biết phải chọn đề tài nào cho bài Suy Niệm hôm nay - Ngày Lễ Mẹ Sầu Bi - Tay nâng ly càphê nhắp từ ngụm với vị đắng quen thuộc tôi chợt nhìn thấy trên kệ sách cuốn ‘Chờ Đợi Chúa’ mà lâu rồi tôi chưa có dịp đọc lại…

Tay với lấy quyển sách trên kệ mở đại ra một trang… thình lình… nơi trang đó có một ảnh giấy với hai ngọn nến đang ‘mồi lửa cho nhau’… trên ảnh giấy có những dòng chữ của Jean de Fécamp như sau:

Come to me, true Light

O Lord that fills all things

And draw my heart to You

Trước mắt tôi hiện thời là tác phẩm ‘Chờ Đợi Chúa’ đã được mở ra nơi chính trang mà ảnh giấy nầy đã được ngăn, đó là tựa của một câu chuyện: “Họ Cũng Là Người’ - Tôi không biết ai là tác giả mà chỉ biết là của R Veritas - Tôi xin trích thuật lại câu chuyện nầy trong bài Suy Niệm Hôm Nay và cũng xin mượn để đề tựa cho bài viết nầy.

Trong tác phẩm ‘Hãy Lớn Lên, Chứ Đừng Già Đi’ tác gỉả có ghi lại kinh nghiệm của một bác sĩ ở Nữu Ước… Ông tình nguyện đến phục vụ tại một bệnh viện của những người mà người ta thường gọi là ‘Hết Thuốc Chữa’. Bệnh viện nầy có đông những bác sĩ tài ba, với những dụng cụ tối tân nhất, chỉ có những bệnh nhân mắc bệnh bất trị mới vô đó… Vị bác sĩ nầy kể lại như sau:

“Khi mới vào làm trong bệnh viện, tôi tự hỏi: Mình đến đây để làm gì? Những bệnh nhân nầy đã hết hy vọng sống một đời bình thường rồi, họ là những người vô dụng của xã hội và ngay cả đối với chính họ. Tại sao tôi không dùng khả năng của tôi để cứu những bệnh nhân còn có hy vọng sống?

Giờ này qua giờ khác, trong khi chăm sóc những người bị đẩy ra bên lề xã hội ấy, nhìn những bộ mặt ngơ ngác của họ, tôi cứ bị câu hỏi ấy ám ảnh:”Tại sao tôi lại phí thời giờ cho một công việc vô ích như thế?”

Một hôm tôi tìm ra được lý do là những bệnh nhân này là ‘Những Con Người Như Chúng Ta’. Nếu có một con chó đau ốm gần chết thì những con chó khác thản nhiên đi qua: Loài người thì khác: Hễ làm người thi có quyền được cả nhân loại đối đãi như ‘Một Con Người’. Nếu như chúng ta không chú ý đến một người nào nữa vì người đó mắc một chứng bệnh bất trị, thì chúng ta mất đi tư cách làm người của chúng ta và không hơn gì thú vật.

Hitler đã quên điều đó, cho nên mới đề ra chủ trương tiêu diệt những người già nua điên khùng mắc những chứng bệnh bất trị. Ông đã viện lý do là họ không còn hữu dụng trong nguồn máy quốc gia nữa. Chính sách dã man đó làm cho cả thế giới bất bình.

Vì nhận thấy rằng nhiệm vụ của tôi là tận lực cứu khổ cho nhân loại mà tôi không cần biết bệnh nhân có hy vọng hết bệnh hay không, nhờ thế mà tôi đã trở thành một y sĩ có khả năng hơn và thành con người có tư cách hơn”.

Con người không chỉ có xương và thịt là hỗn hợp của những hoá chất; con người không phải cỏ cây, muông thú. Có một mối giây liên hệ vô hình nào đó ràng buộc con người với nhau, đến độ cál lẽ thường luôn thúc đẩy con người giúp đỡ nhau. Nhưng để cho cái lẽ thường ấy còn có sức thúc đẩy đôn đốc ta làm việc thiện, thì ta cần phải bồi dưỡng chính tâm linh mình trước. Thiếu sức mạnh tâm linh, thì con người cũng bệnh hoạn không kém gì một thân xác thiếu ăn.

(Trích trong tác phẩm: ‘Chờ Đợi Chúa, trang 144-145 của R Veritas)

Nếu có dịp theo ‘Đọc Tin Trên Vietcatholic Net’ trong những ngày vừa qua, có lẽ nhiều người trong chúng ta đã đọc những bài trong mục Sưu Khảo viết về ‘Ba Thập Niên’ của Hương Vĩnh. Sau Ba Thập Niên trở về thăm Quê Mẹ Việt Nam Thân Yêu’, mắt đã chứng kiến và rơi lệ trước những đau khổ của đồng bào ruột thịt, những trẻ em bị bệnh AIDS… và nhiều điều khác nữa… nhưng tôi chỉ muốn giới hạn bài viết trong phần ‘Chia Sẻ Tình Người Với Người’ mà thôi.

Chúa Kitô, trên đường đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilêa, lúc Ngài vào một làng kia thì có 10 người phong cùi đón gặp Ngài. Họ đứng ở xa và lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dũ lòng thương xót chúng tôi” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các Tư Tê” (Luca 17: 11-15…) Đáp lại tiếng kêu van của những người phong cùi, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho họ đi trình diện với các thầy Tư Tế, theo luật Lêvi đã định (Lv 13:40) và họ đã được chữa lành.

Qua tin tức, hình ảnh trên báo chí, Video, Internet, thư tín chúng ta đọc thấy hoặc chứng kiến tận mắt những hình ảnh tang thương đôi lúc ghê gớm đáng sợ của những anh chị em bị phong cùi, Aids hay ngay cả những thương phế binh của cả hai miền Nam-Bắc trong thời nội chiến… Xin đừng đễ những hình ảnh nầy phai mờ trong tâm trí chúng ta… Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều cơ quan thiện nguyện họ sẵn sàng dấn thân hy sinh để phục vụ những người kém may mắn, bệnh hoạn tật nguyền… trên Quê Hương Việt Nam.

Trong một loạt những bài viết của Hương Vĩnh, chúng ta đọc thấy dường như tại mỗi trạm dừng chân của người về thăm quê hương sau ‘Ba Thập Niên’ nếu tôi không lầm sau mỗi bài viết tác giả có ghi lại địa chỉ những nơi ‘đau khổ’ đó và kèm theo cả Emails của những vi nữ tu, linh mục hay những ai có trách nhiệm coi sóc những anh chị em kém may mắn hay những cơ sở từ thiện như một lời mời gọi hay thầm nhắc chúng ta là những người Việt ở hải ngoại đang ‘may mắn’ hơn họ hãy mở rộng bàn tay, trái tim cứu giúp họ vì ‘Họ Cũng Là Người’ như chúng ta.

Trong cùng một nhịp đập của những Trái Tim Đầy Tình Người mà một Nhóm Chị Em Phụ Nữ Thiện Nguyện và Thân Hữu ở Tây Úc, (Western Australia) đuợc sự khuyến khích của nhiều thân hữu Úc Việt, sự đóng góp ý kiến của Bác Sĩ Võ Văn Phước (trưởng phái đoàn mỗ cườm mắt ở Việt Nam… ) họ đã mạnh dạn đứng ra tổ chức bữa cơm trưa để ‘TẠ ƠN TRÊN NGƯỜI VẪN THƯƠNG NGƯỜI’ để gây quỹ ‘Giúp Người Cùi tại Việt Nam’ vào ngày Chủ nhật 26.9.2004 tại Chung Wah Hall – 18 Radalj Place - off Fortune St, Balcatta, WA. Phần nào đó họ muốn tiếp tay với Hội Bạn Người Cùi Việt Nam tại California trong việc xóa bỏ bệnh cùi tại Việt Nam.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta quan niệm rằng ‘bệnh phong cùi’ là bệnh nan y không có thể chữa trị được và hay lây, cho nên chúng ta ghê tởm và muốn tránh xa. Trong một cuộc tiếp xúc gần đây, tôi đã được biết có những người Việt Kiều hiện đang ở hải ngoại cũng đã bị bệnh cùi nhưng họ đã không biết. Họ chỉ tưởng là bị ghẻ lỡ thông thường… nhưng sau khi khám bệnh xong thì Nhóm Y Khoa đã cho biết là họ đã mắc phải chứng bệnh phong cùi. Bác sĩ Y khoa đã tìm ra bệnh và đã cho thuốc, chữa trị. Sau những tháng ngày trị liệu họ được thoát khỏi chứng bệnh mà chúng ta thường ‘ghê tởm và tránh xa’… mà thân nhân của họ lại ‘sống gần và với người bị bệnh phong’ mà không biết để ‘tránh xa’…

Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta có cảm tạ Chúa vì mình còn hít thở không khí trong lành của buổi ban mai, trong lúc đó, có thể là cha mẹ, vợ chồng hay con cái đang hít thở bằng những bình dưỡng khí trong những bệnh viện hay nhà hưu dưỡng không?

Ngày nay, qua các phương pháp tri liệu càng lúc càng tân thời đã chứng minh được, những căn bệnh nan y mà chúng ta cho rằng ‘bất trị’ ngày nay Khoa Học-Y Khoa có thể mang đến nhiều hy vọng cho rất nhiều nguời. Để chữa trị cần phải có nhân lực và tài lực. Có thể trong lúc nầy, nhiều người Việt trong Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại có những khả năng để ‘Cứu Người Với Tình Người’ nhưng họ thiếu khả năng về tài lực, họ cần sự tiếp tay của chúng ta là những người có thể may mắn hơn về tài lực.

Muợn lại lời van xin của 10 người phong trong Phúc Âm để kết thúc Tâm Tình Chia Sẻ với Tình Người cùng với lời mời gọi….

Những người phong đứng rất xa và họ lớn tiếng van xin Chúa Giêsu: ”Lạy Thầy Giêsu, xin dũ lòng thương zót chúng tôi” (Luca 17:14)

Vâng, những người đau khổ như bệnh Cùi, ngay cả em bé đã và đang mắc bệnh Aids hoăc những người tàn tật họ đang ở rất xa chúng ta… nhưng họ hy vọng nơi những bàn tay đang giang ra của những Hội Từ Thiện Ở Hải Ngoại được nhiều Người Việt đang ở khắp nơi trên thế giới nắm lấy tạo nên một ‘Vòng Tay Tạ Ơn’ truớc là Tạ Ơn Trên vì chúng ta may mắn hơn họ và kế đến nới rộng vòng tay ‘Người Vẫn Thương Người’

Hôm nay, lễ kính Mẹ Sầu Bi… dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu lúc nầy đây chỉ có Mẹ của Ngài, một vài người thân khác… trong số các môn đệ của Chúa thì Phúc Âm thuật lại chỉ có Gioan mà thôi! Các tông đồ khác đã không có mặt ở đó. Chúng ta không biết lý do tại sao? Phúc Âm của Gioan thì thuật lại rất rõ là ‘Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người… chị của bà… (Lc 2:23) Phúc Âm của Matthêô và Luca thì thuật lại là ‘Các phụ nữ đi theo Ngài thì đứng xa xa mà nhìn…’ (Mt: 27: 56… Mc 15:40…)

Chúng ta tôn kính Mẹ Sầu Bi hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đang đau khổ phần hồn cũng như phần xác. Cầu nguyện cho những người mẹ phải đau khổ vì con bị nghiện ngập, ma túy, mất trí, bệnh thần kinh hay điên khùng, hay đã bỏ nhà ra đi…

Ngoài ra, chúng ta cũng biết giang rộng cánh tay nối dài tình người, như lời van xin của Chúa Kitô trên thập giá, Gioan đã đón Mẹ Maria về nhà để coi sóc chăm nom… chúng ta cũng hãy đáp lại lời mời gọi của những ai đã và đang cứu giúp những ai đang đau khổ ở quê nhà bằng những nghĩa cử từ bi nhân đạo để phần đem lại cho đồng bào những tia nắng hy vọng của tình người. Cho dù một giọt nước ‘Tình Nhân Loại’ của mỗi người trong Cộng Đồng Người Việt Nam ở Hải Ngoại không làm cho ‘Biển Đông’ mặn hơn nhưng ‘Giọt Muối Tình Thương Đó’ sẽ ‘Ướp Mặn Tình Người Việt Nam’.

Lời Nguyện:

Lạy Chúa, là nguồn sáng thật, xin chiếu sáng tâm hồn chúng con bằng nguồn sáng tình yêu nhân loại. Xin cho chúng con được thắp ánh sáng yêu thương từ Nguồn Sáng của Chúa, để con đem ánh sáng yêu thương thắp đến với mọi ngưởi, đặc biệt là những người đau khổ, tàn tật, Nạn Nhân của Chiến Tranh cả hai miền Nam-Bắc, phong cùi, Aids.. trên Quê Hương Việt Nam của chúng con.

Mẹ Maria Sầu Bi, đứng lặng người dưới chân cây thập giá của con Mẹ, Chúa Giêsu đã nói với Gioan những lời di trối: ‘Nầy Là Mẹ con” Gioan đã đón nhận Mẹ về nhà của ông. Xin cho chúng con được thông phần ‘đau khổ của anh chị em’ như để chia sẻ những thương đau còn sót lại của Đức Kitô trong sự thương khó của Ngài.