BẦU CỬ THƯỢNG NGHỊ VIỆN PHÁP QUỐC 2004

Thượng nghị viện Pháp quốc được qui định bởi điều 24 Hiến Pháp Đệ Ngũ Cộng Hòa ngày 04.10.1958. Cơ quan này chia quyền Lập Pháp với Quốc Hội, tức có quyền thảo luận và biểu quyết các Dự Luật (Projet de Loi) hay Ðề nghị Luật (Proposition de Loi). Đơn vị bầu cử Nghị sĩ là Tỉnh (Département), Lãnh thổ hải ngoại (Territoire d'outre-mer) và Vùng đất có qui chế đặc biệt (Collectivié territoriales à statut particulier) và được tuyển cử bằng lối bầu phiếu gián tiếp.

Chúa nhật ngày 26.09.2004, các cử tri đoàn sẽ tham gia bầu bán phần Nghị sĩ Thượng nghị viện.

I. THỂ LỆ BẦU CỬ.

a. Cử tri đoàn, tại mỗi Tỉnh, gồm các Dân biểu (députés) và Nghị viên các Hội đồng Vùng, Tỉnh hay Thị thành (conseillers régionaux, conseillers généraux, conseillers municipaux) sẽ tham gia đầu phiếu chọn các Nghị sĩ đại diện cho Tỉnh mình tại Thượng nghị viện. Các đại cử tri nầy đã được người dân chọn trong các cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp thời gian qua, đang hành xử nhiệm kỳ của mình. Vì thế, chúng ta gọi đây là đầu phiếu gián tiếp. Tổng cộng có đến 150000 đại cử tri và bắt buộc phải tham gia đầu phiếu.

b. Thể thức bầu cử. Trong những Đơn vị chỉ có từ 1 đến 3 ghế Nghị sĩ phải bầu, cuộc bầu cử được thực hiện theo thể thức đơn danh đa số, 2 vòng, trong cùng một ngày.

Trong những Đơn vị chỉ có từ 4 đến 3 ghế Nghị sĩ trở lên, cuộc bầu cử được tổ chức theo thể thức liên danh tỉ lệ.

c. Ứng cử viên được Luật số 2003-696 ngày 30.07.2003 giảm tuổi bó buộc từ 35 còn 30 để ra ứng cử. Trong khi, ứng cử viên Dân biểu chỉ cần đủ 23 tuổi.

2. THÀNH PHẦN THƯỢNG NGHỊ VIỆN PHÁP.

Từ 1958 đến nay, số ghế Nghị sĩ tại Thượng nghị viện được tính theo dân số. Sau cuộc kiểm tra dân số năm 1975, luật tổ chức ngày 16.07.1976 đã gia tăng số ghế từ 283 lên 321. Trong đó, số ghế đành cho các Nghị sĩ đại diện cho người Pháp tại Hải ngoại cũng được tăng từ 6 thành 12.

Luật số 2003-697 ngày 30.07.2003 đã điều chỉnh việc phân chia, dựa theo dân số có được qua cuộc tổng kiểm tra năm 1999, Thượng nghị viện sẽ tăng thêm 25 ghế Nghị sĩ mới, để thành 346.

3. NHIỆM KỲ NGHỊ SĨ.

Trước khi có Luật số 2003-697 được ban hành, Nghị sĩ có nhiệm kỳ là 9 năm và cứ mỗi 3 năm, 1/3 số ghế mà Nghị sĩ mãn nhiệm phải đưa ra để chọn người mới.

Nay Luật nầy được áp dụng, các Nghị sĩ đắc cử trong trong hai kỳ tranh tuyển năm 2004 và 2007 chỉ thi hành một nhiệm kỳ 6 năm. Sau đó, cứ mổi 3 năm, phân nửa số ghế mà Nghị sĩ mãn nhiệm phải đưa ra để chọn người mới.

Ðiều đáng lưu ý trong cuộc bầu cử nầy là sự ứng cử Nghị sĩ đơn vị Vienne của đương kiêm Thủ Tướng Jean-Pierre Raffarin, như ông đã tuyên bố hôm 20.06.2004. Sau khi Thượng nghị viện mới tái họp, một điểu quan trọng khác đáng lưu ý hơn là việc bầu cử chức Chủ Tịch Viện Lập Pháp nầy. Chủ Tịch Thượng nghị viện là Nhân Vật thứ hai ở Pháp quốc, sẽ hành xử quyền Tổng Thống, khi vị nầy không thể thi hành nhiệm vụ của mình.