SAU BA THẬP NIÊN

(Tiếp Theo)

III.- SINH HOẠT TÔN GIÁO

NHỮNG NƠI TÔN NGHIÊM LỘNG LẪY

Một điểm nổi bật là ở khắp nơi trong nước, nhiều nhà thờ và ngôi chùa đồ sộ được xây cất lên hay sơn phết lại màu hồng. Màu nầy chắc chắn phải mang một ý nghĩa nào đó mà trí óc hạn hẹp của tôi không cho phép tôi hiểu biết một cách thấu đáo.

Ngay cả tòa Tổng Giám Mục Saigon cũng sơn phết màu hồng, với những dãy nhà đồ sộ, nếu những người thân quen không lưu ý thì tôi không thể nào nhận diện được. Trước 1975, tòa Tổng Giám Mục Saigon chỉ là một ngôi nhà cổ kính, bé nhỏ, nằm khiêm tốn bên vệ đường, ít ai để ý tới.

Nhìn những ngôi chùa và những thánh đường tân trang đồ sộ, cùng những người đi lễ bái hay tham dự Thánh lễ chật ních vào mỗi dịp lễ, cứ bề ngoài mà suy xét thì ở Việt-Nam hiện nay đang có tự do tôn giáo. Nhưng nội tình các tôn giáo như thế nào thì điều đó vượt quá sự hiểu biết thô thiển của tôi vì tôi không phải là người trong cuộc, do đó rất khó đưa ra một sự phê phán khách quan vì thiếu những dữ kiện chính xác.

Ðứng trước cảnh tượng các nơi tôn nghiêm được tân trang lộng lẫy, các tôn giáo có vẻ đang hồi sinh ở Việt-Nam, tôi dâng lên lời nguyện “Ngôi Thánh Ðường Ðời Con”, (“La Cathédrale de ma vie” của Charles Singer, trong sách LKÐNTNK, trang 10-12), mong sao mỗi tín hữu lo xây đắp ngôi thánh đường đời mình thật khang trang, đầm ấm:

“Lạy Chúa,

Cuộc đời con là một ngôi Thánh Ðường,

Từ tro bụi bao năm trường xây đắp,

Con tự hào với tãt cả niềm tin,

Băăng đôi tay, bằng mối tình nghệ sĩ,

Ðể vươn lên thật cao quý tôn nghiêm.

Con cố gắng, con miệt mài tìm kiếm,

Tợừ khắp nơi, tận góc biển chân trời,

Trên quê hương những loại đá tuyệt vời,

Con làm việc không một lời than vãn:

Xẻ, đục, cưa và chạm trổ say mê,

Tay xây xát, con không hề bỏ cuộc,

Búa đẻo hư, con một mực kiên trì.

Con mải mê làm cho đến khi ẩn hiện,

Những phù điêu cảnh thánh điện, thiên thần,

Ðang tấu nhạc thật hòa vang tôn kính,

Nét vui tươi và thanh tĩnh cuộc đời.

Lạy Chúa,

Ngôi Thánh Ðường của đời con,

Không thể xong trong một sớm một chiều,

Nhưng vun đắp trải qua nhiều năm tháng,

Cùng với nhiều biến dạng của thời gian.

Có thể,

Con sẽ vui mừng hay than van khóc lóc,

Thậm chí,

Ðổ máu đào khi học biết thương đau.

Thế nhưng,

Con mãi vững tin vào sức mạnh,

Chẳng phải từ nơi con để vượt thắng giòng đời,

Mà tâm nguyện: chỉ nơi Ngài, Lạy Chúa,

Ngôi Thánh Ðường con sẽ tựa trung kiên,

Ðể trụ vững giữa đảo điên nhân thế,

Ðể hiên ngang đứng giữa bể dâu đời.

Lạy Chúa, con chỉ là người thợ cả,

Chính Ngài, con không quá lời đâu:

Là Thiên Chúa, là Khởi Ðầu, là Chung Cuộc,

Chính Ngài, Nhà Kiến Trúc của đời con.”


NẾP SỐNG ÐẠO CỦA GIÁO DÂN

Nói chung, cách hành đạo của đại đa số giáo dân vẫn theo khuôn khổ trước 1975. Mỗi sáng sớm tôi đi xem lễ lúc năm giờ sáng ở Dòng Ða-Minh, đường Lê Văn Sỹ mà trước kia thường gọi là nhà thờ Ba Chuông. Ðiều tôi rất thích ở đây là trước khi Thánh lễ được cử hành, giáo dân cùng đọc kinh Nhật Tụng ban sáng với các linh mục tu sĩ. Ðiều đó mang lại nhiều đổi mới, giúp giáo dân có nhiều chất liệu suy tư mỗi ngày cho đời sống nội tâm.

Tại những nhà thờ khác, giáo dân thường đọc ê a những kinh nguyện quen thuộc, khiến đâm ra nhàm chán, lo ra, không còn để ý đến ý nghĩa các lời kinh, như tiên tri Esai đã quở trách: “Dân nầy thờ Ta bằng môi miếng, nhưng lòng trí chúng nó rất xa cách Ta.”

BÍ TÍCH HÒA GIẢI HAY CÁO GIẢI

Vào một chiều thứ bảy, tôi đi xem lễ tại nhà thờ thuộc một cộng đoàn tu trì khá lớn ở gần trung tâm thành phố Saigon. Trước Thánh lễ nửa giờ, hai hàng giáo dân đứng nối đuôi nhau một cách rất nghiêm trang tại nhà thay áo lễ của các cha để chờ đợi xưng tội. Hai linh mục đã trọng tuổi ngồi trong hai tòa giải tội. Lúc đó một linh mục trọng tuổi khác đang đứng chờ để thay phiên giải tội.

Nhưng linh mục ngồi tòa giải tội kia, mặc dù chưa có vị linh mục khác thay thế, đã đứng lên về phòng nghỉ ngơi, vì hết giờ rồi! Trong khi đó, vị linh mục trẻ tuổi hơn phải thay thế thì lại ngồi nói chuyện cười đùa với mấy bà mấy cô ở một phòng làm việc gần đó. Hơn hai mươi phút sau, ngài mới đứng dậy lững thững đi ra. Khi đi ngang qua một phòng ốc khác, ngài còn ngoái đầu vào nói vài câu bông đùa nữa với nhân viên ở đó rồi mới chấp hai tay sau lưng, mắt nhìn lên trời, từ từ đi vào ngồi tòa cáo giải.

Tôi rất cảm phục các giáo hữu - gồm các cụ già chống gậy và những thanh thiếu niên, nam cũng như nữ - vẫn xếp hàng đứng yên lặng, gần nửa giờ đồng hồ, khoanh tay chờ đợi tới phiên mình được xưng tội, chẳng khác nào những tội nhân chờ đợi ra trước quan tòa để lãnh án. Ý nghĩa của bí tích Hòa Giải mà Công Ðồng Vaticanô II đề xướng không thấy thể hiện ở đây! Sự kiên nhẫn của giáo dân Việt-Nam đã đạt tới một kỷ lục khá cao, khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào.

THUYẾT GIẢNG HAY ÐỌC BÀI GIẢNG

Trong Thánh lễ tiếp theo, một linh mục cũng khá trọng tuổi thuyết giảng về Thánh An-Phong, vì nhằm ngày lễ Thánh Quan Thầy. Xen kẻ vào bài giảng, ngài còn trình bày dông dài về Thánh Mẫu Học. Bài giảng chỉ chấm dứt sau nửa giờ đồng hồ. Suốt bài giảng tôi nhìn quanh, trông chừng chẳng ai hiểu gì, cứ ngồi khoanh tay, lim dim gật gù, trong khi vị linh mục vẫn thao thao bất tuyệt đọc bài giảng của mình. Một gương kiên nhẫn khác của giáo dân Việt Nam!

DÂNG CÚNG NHÀ THỜ

Ở ba bốn nhà thờ mà tôi đã xem lễ các ngày Chúa nhật, một đặc điểm chung là lúc dâng cúng ít người bỏ tiền vào giỏ - không chỉ những người ở trong nước mà cả những Việt kiều nữa. Theo tôi, đó là một sự thiếu sót trong bổn phận của giáo dân đối với nhà thờ. Vì vậy các họ đạo ở Việt-Nam hay tổ chức những cuộc quyên tiền tại gia cho những công việc trùng tu nhà thờ, hay những chương trình trọng đại khác.

GHI CHÚ: Những tên sách viết tắt:

LKÐNTNK: “Lời Kinh Ðẹp Nhất Thiên Niên Kỷ”

TTTVLÐT: “Tiếng Thì Thầm Và Lời Ðáp Trả” của Eileen, Nguyễn Thị Chung dịch.

(CÒN TIẾP)

HƯƠNG VĨNH