ÐƯỜNG DŨNG LẠC, LỐI VƯƠN LÊN TRIỂN DƯƠNG NÉT VĂN HÓA VIỆT.

Nhìn qua một vùng đất cỏ mọc chỗ vàng chỗ xờ xạc khô chồi, người bình thường chỉ thấy vẻ tiêu điều cằn cỗi, nhưng một nhà địa chất giỏi sẽ nhìn ra dưới lớp đất tàn lụi kia là cả một vùng mỏ dầu đang cần được khai thác.

Nước mình bây giờ vừa nghèo vừa yếu, nghĩ tới mà tủi. Người bi quan thì chỉ thấy những xộc xệch úa tàn, cứ đà này mà chạy theo Ðại Hàn hay chú Tàu, chưa nói tới anh Nhật, cũng da vàng mũi tẹt như mình, thì không biết đến đời thuở nào. Góp phần tái thiết thì cũng phải nghĩ tới chuyện ngửa tay đi xin xỏ. Nhưng nếu chỉ vậy thì tương lai mình cũng tù mù lắm! Ðừng ngồi chỉ tay đổ tội cho những thế lực chèn ép dân mình, mà phải xét lại cái chất xám hay cái tinh thần của mình. Người mình giỏi giang thông minh như vậy chả lẽ chưa tìm ra con đường nào phục hưng về cả vật chất lẫn tinh thần! Cảnh huống nghèo hèn căn bản là bởi con mắt nhìn, tức hệ tư tưởng, hình thành ra một con đường để mở tới, nếu không thì chỉ là “gà què ăn quẩn cối xay.” Bên dưới cái vẻ nghèo nàn kia là cả một tiềm năng mà chả lẽ chưa ai biết đường khai thác để ngóc đầu lên được! Tinh anh dân tộc đã đến hồi tích tụ chưa hay nước mình đang đi vào hồi mạt vận?!

BÀI HỌC ÐẠI HÀN: NHỜ KHÁM PHÁ RA MỘT CON ÐƯỜNG

Mảnh đất vàng vọt xơ xác kia là hình ảnh thật về nước Kuwait. Cách đây chẳng bao năm Kuwait được tách ra từ Iraq, là một trong những nước nghèo nhất chẳng ai muốn nhớ tên làm gì. Vậy mà bây giờ là một trong những nước giầu nhất thế giới tính theo lợi tức đầu người nhờ khám phá ra có nhiều mỏ dầu dưới lòng đất và được giúp cách khai đào được. Và các nước Âu Mỹ luôn phải tìm ra “chính nghĩa” mà bảo vệ Kuwait vì cái túi tiền đã trót nằm ở đó.

Ðại Hàn là một bài học khác ở ngay Á Ðông mình. Bây giờ thì nước này đã nghiễm nhiên trở thành con rồng nhỏ về kinh tế ngóc đầu lên từ vòng đai Thái Bình Dương. Vào khoảng thập niên '70, Ðại Hàn vẫn còn ngang cơ với nước mình. Vậy mà bây giờ họ bỏ mình lẽo đẽo lệt đệt bò đàng sau quá xa một cách tội nghiệp. Chả lẽ họ thông minh hơn mình, hay họ biết nắm bắt thời thế và cơ hội mà khai thác được mỏ dầu không phải ở dưới đất mà trong lòng dân tộc họ?

Về phương cách Truyền Giáo, Việt nam mình có thể học được gì nơi bài học Ðại Hàn? Một giáo hội Ðại Hàn phát triển một cách kỳ lạ khiến cho một đại học ở California đã mở cả một phân khoa về phương pháp truyền giáo Ðại Hàn. Chính vì họ đã nhìn thấy một con đường đạt được “dũng lạc” góp phần vào phát triển đất nước. Một bài học dấn thân vào đại cuộc trong dòng sống chung của cả một dân tộc chứ không co rúm lại trong vỏ ốc, từ lớp lãnh đạo hòa mình phục vụ cho đến giáo dân đã nói lên sách lược truyền giáo phải bắt đầu từ một giấc mơ chung, một viễn kiến chung (vision) và một đường lối và phương cách (way) thực hiện.

Nói một cách rộng hơn, ngay trong lãnh vực kinh tế và thương mại, một hãng sở phải nghiên cứu rất kỹ về chiến lược và chiến thuật. Vì đó là thách đố cho thành công hay thất bại. Hình ảnh mà Stephen Covey trong “Bảy Nếp Thành Ðạt” so sánh là cả một đoàn người ra sức chặt cây từ sáng tới chiều vất vả mồ hôi nhễ nhãi. Mãi gần tối người điều hành mới ngã ngửa người ra là đã chặt sai khu rừng rồi, tại vì chấm sai bản đồ. Một hình ảnh khác cũng nói lên cái “chiến lược và chiến thuật” này: Làm sao để dọn sạch cả một sườn đồi đầy tuyết phủ để chuẩn bị cho một công trình xây cất? Có nhiều cách lắm. Hò hét đông người lấy xẻng ra mà xúc theo kiểu “lao động vinh quang” kiên trì thế nào cũng xong; có người nghĩ ra cách khác: đào ở chân trước rồi cả sườn tuyết sẽ đổ xuống theo; lại có người thấy một cách khoa học nhanh chóng hơn nhiều: chỉ cần một trái mìn nhỏ cho nổ phía chân là trong nháy mắt cả một sườn đồi đã sẵn sàng cho công tác mới.

Loài người từ cái ngày chui rúc trong hang hốc đã sống trong vùng tăm tối như vậy cả bao triệạu năm cho đến một ngày bỗng thấy được phương cách làm ra được lửa, rồi bây giờ là điện. Người Việt mình vốn bám lấy một mảnh đất mà cầy sâu cuốc bẫm theo cùng một phương cách cả mấy ngàn năm mà không sao đủ ăn. Ðâu có thể cứ ngồi mà ca tụng tình tự dân tộc như thế mãi được! Bây giờ mới biết tìm ra đường lối mới là cầy bằng máy và phát giác thêm con đường khác “vô thương bất phú” là kinh tế thị trường. Tất cả là ở tầm nhìn và cái thấy, làm nhảy vọt một bước tiến. Chất xám biết làm việc thay cho bắp thịt.

Sau biến cố phong thánh Ðại Hàn là một phong trào và một chiến dịch làm nẩy sinh niềm hứng khởi cho toàn thể giáo hội Ðại Hàn. Các cơ quan truyền thông cùng một đường hướng, một chính sách. Ông bạn tôi nghe được chuyện này liền mơ mộng ngay: “Mình đã có thánh đường, chén thánh, dầu thánh, giá mình có thêm được cái gọi là 'micro thánh' thì quí quá!” Ý anh bạn này muốn nói về tầm quá quan trọng của truyền thông Công giáo mà mình chưa đầu tư chất xám cho đủ. Ðặc biệt về phương tiện liên mạng ngày nay.

Ðức Tổng Giám Mục John P. Foley, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội trong Hội Nghị Thường Niên của Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ dịp đầu năm 2004 đã nhận xét: “Hầu như mọi người đều biết đến Mẹ Têrêxa và các công việc của Mẹ tại Calcutta và trên thế giới, nhưng rất ít người biết đến công việc của anh em và của hàng triệu người Công Giáo tại Ấn Ðộ.” Bao nhiêu cuộc xô xát tôn giáo nhiều khi cũng chỉ vì những thiên kiến lệnh lạc do thiếu thông tin.

Vậy mà Ðại Hàn đã tạo được niềm hãnh diện mang chất thuyết phục và hấp lực cao độ mà truyền thông là một phương tiện hữu hiệu. Số người gia nhập Công giáo bỗng tăng lên rất cao, vì thấy được Công giáo như một cái gì thu hút, hợp thời, có sức góp phần làm giầu mạnh đất nước từ tinh thần nẩy sinh vật chất. Mỗi giáo dân đã trở thành một nhà truyền giáo, làm Chứng Nhân Ðức Kitô là Tin Mừng thật mừng cho dân nước mình, có sức làm bật lên sinh khí mới. Họ đã thành công ở cả sách lược đến phương cách thực hiện. Tất cả đã khởi đầu bằng một cái nhìn và cái thấy, tức một đường lối, một nẻo bước thành đạt hợp thời và hợp cảm quan. Stephen Covey đã gọi là Paradigm.

Thấy và thích rồi thì mới hành động. Thấy đúng thì hành động đúng hoặc ngược lại. Hành động đưa tới kết quả giàu, nghèo, sang, hèn, sướng, khổ... Vậy ra kết quả thế nào là do một tầm nhìn hiện tại làm thành một con đường, một đạo sống, paradigm.

Còn người mình, sau những năm phong thánh, đã xác quyết được phương cách và con đường nào để khai quật được tinh thần theo điều vốn từng tự hào: “Trứng rồng lại nở ra rồng,” hay cứ mặc cảm thua kém nghèo hèn theo một ca dao khác là “liu điu lại nở ra dòng liu điu,” khiến mất tự tín, nên cứ phải chạy theo chủ thuyết này hay sư phụ khác như những con thiêu thân một cách tội nghiệp. Có người thì lại tiếp tục đổ tội và lên án để tránh trách nhiệm! Có người thì cố tìm ra những “chính nghĩa” kích thích tự ái dân tộc mà thực chất là để bảo vệ cái chỗ đứng của mình khỏi lung lay, mặc dù chỗ đứng đây chỉ là một miếng thịt trong một làng xã ở đáy giếng đã lỗi thời với chiếu trên chiếu dưới tiên chỉ thứ chỉ, bất chấp dân mình cứ phải cúi mặt nhục nhằn với thế giới.

ÐƯỜNG ÐẠT DŨNG LẠC: MỘT QUI TRÌNH KHOA HỌC TÂM LÝ

Vào thời điểm văn hoá đa dạng, kinh tế toàn cầu, truyền thông liên mạng, nhiều nước Á đông biết lợi dụng được đà trớn mà vươn lên thành những con rồng nhỏ, nhưng nhiều người lại cảm thấy như đang bị mất hút đi vào một đám đông, không còn là mình nữa, mà trở nên nghèo yếu đi một cách tội nghiệp. Mình đang bị biến chất thành dị dạng mà không hiểu tại sao. Cũng là một cơ hội mà có người nắm bắt thâu hóa được mà có người bị tan loãng tiêu biến đi thành rối loạn là tạo sao? Ðó là do có một bản lãnh, một bản sắc, một con đường hay không.

Thì đây cũng chính là thời điểm người mình dù ở trong hay ở ngoài nước đều cần tìm ra một con đường, một đạo sống để sống giầu mạnh hơn về cả tinh thần lẫn vật chất; mà theo tinh thần Việt là sống dũng lực như rồng, an lạc như tiên. Ðó là Con Ðường Dũng Lạc, mang tên một vị thánh tiêu biểu cho Chứng Nhân Ðức Kitô trong nếp sống văn hóa Việt nam, có thể góp phần vào đà tiến của nhân loại hiện nay. Ðó cũng chính là phương cách nhìn ra “mỏ dầu” và khai thác để sống giầu có hơn. Chỉ khi mình có bản lãnh và bản sắc thì mới có sức thâu hóa, ngược lại thì chỉ thành những con mồi ngon cho người khác lợi dụng rồi lại đi kêu ca đổ tội.

Từ “linh đạo” hay “đường tu đức” đôi khi bị hiểu như một cái gì quá thiêng liêng không ăn uống được, mang nhiều nét khắc khổ khô khan khó nuốt, chỉ để dành cho một số tu sĩ hay những những người đạo đức ngoại hạng! Nhưng dưới cái nhìn theo khoa học tâm lý xã hội ngày nay, đường tu đức chính là “tiến trình văn hóa,” một lối nhìn hình thành một lối sống của một dân tộc, hay tôn giáo, in sâu vào trong dòng máu, làm cho con người sống cho ra người hơn, tốt đẹp sung mãn hơn. Ðúng là con đường khai mỏ đạt giàu có, phương cách đạt dũng lạc an nhiên. Lối nghĩ đã thể hiện thành một nếp sống toàn diện, cho mọi người, mọi lãnh vực, chứ không chỉ “thiêng liêng.” Người mình vẫn gọi tiến trình “văn hóa” là “trồng cây đức,” một hình ảnh dễ cảm và thân thương. Vì thế tôi vẫn thích dùng từ “đường tu đức” hơn là từ “linh đạo” mặc dù cùng một nghĩa, vì đi sát vào máu dân mình hơn, như trong ca dao:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời về sau.


Trong một thế giới đa văn hóa ngày nay, đạo sống hay nếp văn hóa nào không mang lại kết quả sung mãn tiến bộ được thì đương nhiên phải bị đào thải, dù có nhân danh văn hóa dân tộc, hệ tư tưởng hay bất cứ tự hào nhiều năm văn hiến nào, nhiều khi chỉ là cớ làm trì trệ cản đường tiến! Vậy thì nét văn hóa cao đẹp nào của mình cần được giữ lại và phải triển, nét nào lỗi thời cần phải được bỏ đi hoặc cải tiến.

Khi mình nghèo thì dễ phát sinh “nhân đức chịu vậy,” bèn an ủi để tự vệ rằng “nghèo của mà giàu lòng.” Nhưng người ta cũng không quên rằng “phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc” là một kinh nghiệm vẫn còn đúng mãi. Vậy thì danh từ “đường dũng lạc” nghe ra tươi mát hơn, hợp cảm quan thời đại hơn, lại hợp với tâm thức Việt hơn. Con đường này phải có lực làm cho mình vừa giàu của mà vừa giàu lòng mới đúng chứ.

Tiến trình “văn hóa” hay “tu đức,” tức con đường hay phương cách đạt dũng lạc ngày nay đã được khảo sát phân tích theo khoa học đàng hoàng, và được giảng dạy trong các đại học. Con đường đó gồm nhiều bước theo một tiến trình đi liền với nhau, như ở khoa thoa tâm lý trị liệu (therapy). Qui trình phục hồi dũng lạc như thế được nhà tâm lý nổi tiếng nhất của thời đại là Karl Jung gọi là “individuation,” tạm dịch là qui trình đạt vuông tròn viên mãn. Thi hào Rabindranath Tagore gọi là “thực hiện toàn mãn,” Và Stephen Covey hệ thống hóa thành “Bảy Nếp Thành Ðạt Cao” (The Seven Habits of Highly Effective People) với số lượng bán sách chạy cả trên chục triệu cuốn và rất có thế giá nổi tiếng trong các chương trình huấn luyện về tâm lý ngày nay tại Mỹ. Vì thế mà khoa tu đức (spirituality) ở Mỹ bây giờ phát triển khá mạnh vào Tu Ðức Thực Tiễn (Applied Spirituality) chứ không phải chỉ có “thiêng liêng,” thành phân khoa như của đại học San Francisco (USF), hay đi vào tâm lý miền sâu như của Trung Tâm Linh Hướng ở Pecos, New Mexico, với những giáo sư nổi tiếng theo hướng tâm lý phân tích của Karl Jung như John Sanford, Morton Kelsey.

TỪ VIỄN KIẾN CỦA NHẠC SƯ NGÔ DUY LINH

Linh mục nhạc sư Ngô Duy Linh đã qua đời và được an táng tại nghĩa trang Avondale ở New Orleans bang Louisiana Hoa Kỳ bên cạnh nhạc sư Hải Linh các đây mấy năm. Nhưng ngài đã để lại nhiều cảm hứng về một viễn kiến.

Từ biến cố phong thánh năm 1988, trong mắt của người nhạc sư có biệt hiệu là Thăng Ca này, một thị kiến đã bật sáng, phương cách và con đường cho người mình có thể mọc cánh vươn lên đây rồi: một đàn chim mà con chim đầu đàn là Dũng Lạc đang bay lên trong “Ngày Vinh Thắng.” Mình là con của chim Tiên mà không biết bay thì cũng lạ thật. Ngài vẫn thường tâm sự: phong thánh một lúc đông đảo như vậy đâu phải để an ủi lớp dân mình thấp cổ bé miệng cho bớt tủi, cũng không phải để hãnh diện hão cho đỡ mặc cảm rằng mình cũng oai vì có nhiều vị thánh tử đạo như ai, nhưng là ân huệ của Hội Thánh để người mình có thể hình thành một con đường, gọi là đường tu đức, là một lối sống làm mọc cánh mà vươn lên được, bay lên theo đàn chim Dũng Lạc, sống thảnh thơi hơn, an nhiên sung mãn vượt khỏi cơn lốc xô bồ lúc bước sang ngàn năm mới.

Linh mục Phạm Văn Tuệ là tổng thư ký của chương trình phong thánh tại Roma cũng một lòng như vậy: “Mọi lễ kính, mọi điều hãnh diện, nếu không là hoa trái của ơn thánh và của sự đổi mới, thì đều là những điều vô tích sự và thật là luống công.”

Ðã có thời điểm tôn phong vị thánh trẻ Têrêsa làm tiến sĩ Hội Thánh với lối sống giản đơn đầy chất tình rất cần cho thế giới phức phạp đến rợn người này, thì cũng có thời điểm tìm ra được giải pháp sống an nhiên thanh thản qua con đường Dũng Lạc giữa những rối loạn khi bước vào ngàn năm mới:

Ðông qua tiết lại thời xuân tới

Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.

Con đường Dũng Lạc tròn dâng

An nhiên đạo sống chứng nhân anh hùng


ÐƯỜNG DŨNG LẠC, LỐI BAY LÊN

Niềm hãnh diện với thế giới nằm ở chỗ là cả một đạo sống Phúc Âm theo tinh thần Việt đã được công nhận và giới thiệu cho con người thời đại đáp ứng đúng thời điểm. Ðây quả là một tin vui gửi thời đại mới.

Niềm hãnh diện này phải như một trào lưu bộc phát, gợi hứng cho những sáng tác thơ văn Công giáo, cho những sáng tác về thánh ca đầy thần khí có sức tác động tập thể dân Chúa cũng như chuyển đạt được sứ điệp Tin Vui đến với anh chị em ngoài Công giáo trong dòng sống chung của người mình hay của sắc dân mình khi sống ở hải ngoại. Chim Thăng Ca Duy Linh đã vang lên tiếng hót gọi đàn, với ý thức rõ ràng về “sức cảm hóa vạn năng của âm nhạc.” Ngài ao ước có nhiều nhạc sĩ cùng gom sức khơi lên nguồn cảm hứng này.

Với tâm huyết bồi đắp cho nét văn hóa và nếp sống đạo đặc sắc của người Việt mà dịp phong thánh là cơ hội quí báu phát triển tinh thần này, năm 1988 linh mục Ngô Duy Linh dấn thân nhận nhiệm vụ trưởng ban thánh ca cho Lễ Phong Thánh Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Roma, đưa nét dân nhạc vào phụng vụ với nhóm Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc của Phương Oanh từ Paris. Bản “Ngày Vinh Thắng” đã đi vào lịch sử Giáo Hội Việt Nam qua biến cố này. Tháng 7 năm 1989, ngài điều hành thánh ca cho Ðại Hội Công Giáo Kỳ III tại California với chủ đề Sống Tinh Thần Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Ðúng hoài bão của ngài rồi. Chim Thăng Ca đã làm bừng bừng lửa dậy giữa “thủ đô người Việt hải ngoại” ở Cali với Ngày Vinh Thắng. Và nhiều lần ngài đã hết mình chuyển lửa cho Miền Ðông Nam Hoa Kỳ trong những dịp tụ họp mừng lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, đặc biệt là dịp kỷ niệm 5 năm phong thánh năm 1993 tại Baton Rouge, Louisiana, với những Nhóm Chim Non Dũng Lạc do ngài đào tạo mới ra ràng.

Và từ ngày đó, các bài sáng tác của nhạc sư Ngô Duy Linh đều hướng về một chủ đề mà thôi, kể cả những bài đào tạo các nhóm Chim Non như Ðàn Chim Dũng Lạc, Chim Thăng Ca... Khởi đầu là bài “Ngày Vinh Thắng” với những tiếng trống lệnh như tiếng trống đồng vang lên từ động Ðông Sơn, bừng lên những bó đuốc từ động Mê Linh, động Hoa Lư, động Lam Sơn. Ai nghe bài này mà chả thấy máu mình sôi lên, mắt mình sáng rực nhìn thấy thị kiến một đàn chim Việt đang bay lên theo cánh chim Tiên suốt dọc dài lịch sử, vượt lên khỏi những bầm dập bi thảm của Việt tộc. Tiếp đến là các bài như Gương Bất Khuất, Tình Yêu Tuyệt Ðối, Khúc Sáo Ân Tình, Ngoài Vũ Trụ, Âu Ca Dũng Lạc...

Ðây là một thí dụ quảng diễn đường tu đức hay phương cách mọc cánh của Ðàn Chim Dũng Lạc, thể hiện Tin Vui Ðạo Chúa bằng hình ảnh nét văn hóa Việt:

“Người trẻ thì nghiêng ngả đổ nhào, người già thì rã rời mệt mỏi, nhưng ai tin vào Chúa thì họ sẽ mọc cánh bay cao như chim phượng hoàng, họ đi mà không mỏi, họ chạy mà không mệt” (Isaia 40:31). “Ai tin vào Thầy thì từ lòng họ một dòng sức sống sẽ bừng lên” (Gioan 7:37).

Con chim phượng hoàng nói lên dũng lực của Chúa, cũng như chim bồ câu vốn là hình ảnh Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh. Ðúng là chim thần. Trong văn hóa Việt có hình ảnh chim tiên và rồng lửa. Con chim tiên chính là loài chim âu thường bay rợp ở cánh đồng Tương của sông Dương Tử nơi phát xuất tộc Việt, vì thế mà tổ mẫu người mình có tên là Âu Cơ. Như vậy, trong huyết quản dân Việt đã có sẵn một cái gì na ná giống trong tiềm thức cộng thông từ Kinh Thánh một cách thật sửng sốt rồi. Về ý nghĩa biểu tượng, chim âu rất giống chim bồ câu trong hình dáng và tính tình: mắt sáng, nhẹ nhàng, thanh thản, hiền từ, đơn sơ, khôn ngoan, xinh đẹp... nét hùng dũng của rồng, nét an lạc của tiên, giống nét bẩy ơn làm nên đường bay của chim Dũng Lạc. Chẳng lạ gì dân Việt tiếp nhận Tin Vui Ðạo Chúa nhanh hơn các nước Á Ðông nhiều.

Niềm tin mọc cánh chim âu,

Lòng đầy thần lực tuôn trào suối thiêng.

Ðường Dũng Lạc, lối bay lên

Hùng dũng an lạc như tiên như rồng.

Bước theo đạo sống vuông tròn

Mang gươm thập giá khơi dòng tình yêu

Con đường nghiền nát trầu cau

Nên màu đỏ thắm nên màu sắt son.

(bài Âu Ca Dũng Lạc: lời Cao Tường, nhạc Duy Linh)


Cũng trong bài trên, hình ảnh thập giá trong Ðạo Chúa được diễn tả qua phong tục trầu cau. Khi bị nhai nát tưởng như đã vất đi thì trầu cau lại trở thành màu đỏ thắm là màu tình yêu son sắt thủy chung. Ðây cũng là hình ảnh na ná giống lưỡi gươm đã đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu trên đồi Can-Vê khơi mạch dòng tình mà mỗi ngày trên bàn thờ hy tế, linh mục cầm lấy chén rượu do bao trái nho bị nghiền nát mà thành “của uống thiêng” dòng sức sống tình yêu.

CHỨNG NHÂN ÐỨC KITÔ TRONG BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT

Nhà văn Quyên Di đã hào hứng diễn tả niềm vui được góp phần vào một vận hội mới: “Biến cố 117 vị tử đạo Việt Nam được tôn phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 đã tạo nên niềm xác tín và vui mừng nơi toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Ðây cũng là nguồn hứng khởi đặc biệt giúp một số anh em đi đến quyết tâm đóng góp vào gia tài chung của dân tộc qua công cuộạc khai quật và phát huy tinh thần Việt Nam trong sắc thái Công giáo... khơi dậy và thúc đẩy trào lưu sống và làm chứng Ðức Tin Công giáo qua tinh thần Việt Nam. Ước mơ và cũng là quyết tâm tạo nên niềm tin tưởng một cách mãnh liệt vào “lý lịch” Việt Nam và Công giáo của mình, tin tưởng rằng, với “lý lịch” ấy, mình sống cuộc sống một con người cao quí, sung mãn, thâm sâu và có giá trị...”

Quả thật, biến cố phong thánh đã tạo nên niềm hãnh diện và hứng khởi không chỉ riêng cho người Công giáo mà còn cho chung cả dân Việt mình với thế giới nữa. Vì cả một lối sống Việt Nam hài hòa với đức tin Công Giáo hiện thân qua Con Ðường Dũng Lạc được thế giới công nhận đề cao như một giải pháp cho thời đại mỗi ngày mỗi bế tắc trong lúc bước vào thiên niên kỷ mới.

Niềm hãnh diện này cần phải được thể hiện, bộc phát thành niềm hứng khởi chung cho tập thể và khơi lên trào lưu cho những sáng tác về văn, thơ, nhạc, và các ngành nghệ thuật mang căn cước Việt, góp phần Công giáo vào gia tài chung của Mẹ Việt Nam và với thế giới.

Một bài truyền thông trong nhà thờ thì chỉ một số người nghe trong một thời gian rất giới hạn. Nay thì phương tiện truyền thông thời mới đưa tín điệp lọt vào từng gia đình, và ở lại làm quen lâu bền trong những gia trang. Nếu đã mong được có một cái “micro thánh” thì nay cũng muốn làm sao cho Tin Vui của Chúa Kitô đến được tới nhiều người qua phương tiện mới nhất là mạng lưới. Và đó cũng là ước mơ của mỗi người Công giáo Việt, hãnh diện trở thành một tông đồ loan truyền Tin Vui làm Chứng Nhân Ðức Kitô trong bản sắc văn hóa và tinh thần Việt Nam trong thời đại mới.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường.

Xin mời ghé thăm gia trang CON ÐƯỜNG DŨNG LẠC:

www.chungnhanduckito.net/dunglac.htm