Phương pháp Tâm Vận Động

của Bernard AUCOUTURIER (do Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ, Tủ Sách Tình Người, Lausanne 2003)

PHẦN THỨ NHẤT : Phần dẫn nhập

Để sáng tạo Phương Pháp Tâm Vận Động, tác giả Bernard AUCOUTURIER đã bắt đầu quan sát trẻ em. Khi gặp những em nào có vấn đề, không thành tựu trong việc thực hiện một số vận động, tác giả tự nêu ra cho mình thắc mắc : nếu hành trang vận động hoàn toàn bình thường, những thất bại kia phải chăng bắt nguồn từ lãnh vực xúc động và tình cảm ? Nhờ tìm kiếm, học hỏi, nghiên cứu, tác giả đã sáng tạo phương pháp Tâm Vận Động độc đáo, mang chính tên của mình : Phương Pháp Tâm Vận Động AUCOUTURIER.

Phuơng pháp nầy được hình thành, phong phú hóa và kiện toàn, xuyên qua một tiến trình thực nghiệm lâu dài. Nhiều cọng sự viên, thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn khác nhau, đã đóng góp vào công trình nghiên cứu ấy. Họ mang tới nhiều nguồn ánh sáng khả dĩ soi tỏ, khai vạch ý nghĩa cho nhiều sự kiện khác nhau cũng như giải đáp nhiều câu hỏi, do công việc tiếp xúc với trẻ em đặt ra.

Mục tiêu của tôi, khi thực hiện cuốn sách nầy, không phải là mô tả con đường nghiên cứu dài thăm thẳm ấy. Đối với tôi, điều đáng lưu tâm, như vị thầy của tôi đã thường nhấn mạnh, là quan sát trẻ em một cách tỉ mỉ, trong nhiều khía cạnh khác nhau : khía cạnh tổng thể toàn diện, cũng như khía cạnh cụ thể, chính lúc các em đang sinh hoạt trong môi trường tự nhiên hằng ngày. Điểm này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, khi tôi tìm cách ứng dụng phương pháp nầy, trong một xứ sở có nền văn hóa khác với nền văn hóa của Au Tây. Chúng tôi ước mong và cố quyết tôn trọng những thực tại có mặt trong mỗi nền văn hóa. Nhờ cách làm ấy, trẻ em có thể thoải mái diễn tả con người thực chất của mình, mà không cảm thấy bị hạn chế, cấm cản hoặc kiểm duyệt.

Tập tài liệu nầy được soạn thảo cho học viên vừa vào nghề, tại thành phố Dakar, thuộc xứ Sénégal, Phi Châu. Mục tiêu cụ thể là cung ứng cho họ, trong giai đoạn được đào tạo, có một bản tài liệu cơ bản, nhắc lại vài ba điểm chính yếu, như nền tảng lý thuyết của phương pháp, khuôn khổ sinh hoạt của công việc thực tập, hành nghề, cũng như nhiều nhận xét suy tư nảy sinh trong nhóm thảo luận, về kinh nghiệm đào tạo, thực tập và nhận thức riêng tư của mỗi người.

Tôi không có tham vọng trình bày một bản tài liệu về chương trình áp dụng Tâm Vận Động tại xứ Sénégal. Tôi chỉ hy vọng : bản tài liệu nầy, với một số tin tức lý thuyết cơ bản, sẽ tạo điều kiện dễ dàng, cho người cán bộ ở Sénégal có thể thử nghiệm Phương Pháp nầy, với nhiều trẻ em của xứ sở mình, tổ chức những cơ cấu sinh hoạt cần thiết cho công việc ứng dụng, nhằm thâu đạt mục tiêu cơ bản là : giúp đỡ trẻ em hoàn thành tiến trình phát triển tâm lý của mình, bằng cách sử dụng phương tiện thể lý, nghĩa là tác động trực tiếp trên cơ thể của chúng nó.

Bản tài liệu nầy phản ảnh tư tưởng của B. Aucouturier, được trình bày trong nhiều sách báo, hay là được khảo sát và trao đổi trong nhiều cuộc hội kiến với chính tác giả hoặc với các vị thầy của tôi, trong nhiều khóa học khác nhau. Thêm vào đó, kinh nghiệm hành nghề của tôi ở Bỉ, trong hai lãnh vực giáo dục và trị liệu cũng đựợc đề cập trong tài liệu nầy.

Lúc đào tạo những học viên ở Dakar cũng như khi hành nghề ở Bỉ, tôi sử dụng Phương Pháp Tâm Vận Động Aucouturier. Tuy nhiên, tôi còn tham cứu những tác phẩm của các tác giả khác như : Winnicott, Piaget, Dolto, Montagu, Cirulnik, Brazelton, Anzieu, Berger, Erny và Rabain…

Tôi đã khởi công, từ một bản văn được soạn thảo chung với một người bạn đồng nghiệp là Gisèle VISELÉ. Chúng tôi đã viết ra cho các giáo viên thuộc Thành Phố Bruxelles, trong thời gian họ còn được đào tạo. Bản văn nầy được M. Boudart xem lại, bổ túc và kiện toàn. Michel Boudart là giáo sư cơ hữu, thuộc ban giảng huấn của Trường Aucouturier ở Bỉ. Bản văn ấy trở thành bản sườn cho cuốn sách nầy. Tôi chỉ thêm vào những dữ kiện bổ túc, mà tôi xét là quan trọng và cần thiết. Nói được, tài liệu cuối cùng nầy là một cố gắng nhằm tổng hợp nhiều nguồn sáng tác khác nhau. Chương cuối cùng chẳng hạn, được chính nhóm học viên soạn thảo. Công việc này nằm trong chương trình đào tạo dành cho họ. Hẳn thực, theo tôi nhận xét, sau những giờ học hỏi về lý thuyết, cũng như sau những buổi thực tập ứng dụng, nếu họ ghi chép lại những gì họ đánh giá là thiết yếu và tìm cách chuyển đạt lại với chính ngôn từ của mình, đó là điều rất hữu ích và phong phú về mặt sư phạm.

Phần giới thiệu trình bày những diễn biến lịch sử của Phương Pháp Tâm Vận Động không thuộc về chương cuối cùng. Phần nầy được thêm vào trong chương trình, cho những khóa đào tạo tiếp theo, mà các học viên ở Dakar chưa có cơ hội biết đến.

Khi đưa ra những tin tức, nhận xét ấy, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng : Phương Pháp nầy không ngừng chuyển biến, luôn luôn tìm cách thăng tiến, kiện toàn, theo dõi thường xuyên những đổi thay và đóng góp mới mẻ của các chuyên viên trong ngành tâm vận động. Thực tại di động nầy đôi khi tạo ra cho chính chúng tôi một bầu khí căng thẳng, khó chịu, bất ổn. Nó đòi hỏi chúng tôi phải thường xuyên đặt lại vấn đề. Phải cố gắng thích nghi, điều chỉnh, để theo kịp những trào lưu đang có mặt. Thế nhưng, đối với tôi, thực tại ấy cũng là dấu hiệu cho thấy năng động dồi dào của những nhà tiên phong, khả năng lắng nghe của họ đối với kinh nghiệm của từng mỗi người. Một phương pháp giáo dục biết di động như vậy, là một dụng cụ đầy sinh khí và có sức khỏe. Đó là một dụng cụ thường xuyên chuyển biến, nhưng vẫn duy trì điều thiết yếu. Một đàng duy trì chí hướng, duy trì nền tảng, duy trì mục tiêu. Đàng khác, tĩnh thức đề phòng tình trạng ứ đọng, khô cứng, tự mãn. Sở dĩ như vậy là vì thực tại của Phương Pháp ấy đang ở trên một tiến trình tăng trưởng, lớn mạnh.

Chính vì bao nhiêu lý do ấy, tập tài liệu nầy cần được bổ túc và kiện toàn luôn mãi, với những khám phá mới mẻ đang và sẽ còn xuất hiện sau này.

(còn tiếp...)