ĐỌC SÁCH “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” Tác giả Xuân Văn – NXB Thuận Hóa

Giữa thời buổi đang giăng mắc, tốc độ của Internet và CD Rom này, dường như người ta chỉ ưa nghe – nhìn hơn là chăm chú đọc và nghiền ngẫm. Số phận của những trang viết trên sách báo, vì thế, đã bị thử thách, lại càng ảm đạm hơn. Văn hóa tiêu dùng nhanh nhạy đang trở thành cái “mốt” sống thời thượng. Trong đời sống văn học, không lạ gì, khi thị hiếu của người đọc, chỉ nhắm vào truyện ngắn, thay vì tiểu thuyết, truyện dài trước kia. Còn thơ thì – theo số liệu của Hội nhà văn Việt Nam- một năm có gần 200 tập với hàng nghìn bài thơ rời; tuyệt nhiên không thấy trường ca hoặc truyện thơ có chương hồi như trong văn học cổ điển, cận đại. Cho nên, sự xuất hiện một tập thơ dày cộm như “Sứ Điệp Tình Thương” của Xuân Văn ở giữa thời điểm này đúng là một hiện tượng, một nghịch thường. Có điều lý thú là lâu nay, kinh sách nhà đạo lại chen chân được vào danh mục in ấn phát hành của một số nhà xuất bản lớn, như NXB (nhà xuất bản) Tổng Hợp TPHCM với Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Truyện Tiền thân Đức Phật, Bí Tích của Giao ước mới hoặc như NXB Thuận Hóa với “Sứ Điệp Tình Thương”…

Cảm - giác – sợ những pho sách dày cộm, là một điều có thật. Đặc biệt đối với sách thuộc loại kinh truyện, triết lý, thần học cao siêu. Chúng vừa to khổ, nặng xác, lại vừa mỏi mắt, mệt tay. Chính bản thân tôi cũng không tránh khỏi cái quy luật ấy khi tiếp cận với “Sứ Điệp Tình Thương” gồm 414 trang, 9764 câu thơ, kể chuyện “Cuộc Đời Chúa Cứu” Thế qua 4 sách Tin Mừng của Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Theo tôi biết, công việc này đã có quá nhiều người làm, từ cụ Tống Viết Toại ở Huế (1956), cụ Mai Lâm (1958), cụ Long Giang Tử (1975) cho đến Linh mục Cao Đình Thuấn, Linh mục Antôn gần đây, dù ở dạng bản thảo hoặc in vi tính để phổ biến nội bộ… Thú thật, tôi rất ngại đọc loại này, một phần vì cơ sự đã rõ, một phần vì nó vốn khô khan, chả có gì hấp dẫn. Thế nhưng, mỗi chốc xem một tí, mỗi ngày đọc vài đoạn tôi đâm ra bị cám dỗ lúc nào không hay. Đọc đi, đọc lại vẫn phát thèm. Nói dối mắc tội trọng, tôi chưa hề một lần được quen biết tác giả Xuân Văn. Có chăng chỉ hình dung qua lời giới thiệu ở đầu sách của cha Tổng Đại Diện[1] Giáo phận Qui Nhơn và qua lời kể sơ sài của cha bạn Võ Tá Khánh. Thì ra tác giả là một nhà tu- nhà thơ, cha sở Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn đang rao giảng Tin Mừng ở đồng lúa trù mật Tuy Hòa. Vừa dạy dỗ phần hồn con chiên bổn đạo ở trong nhà thờ, vừa góp tiếng ngân nga với trường văn trận bút. Tôi liên tưởng tới người lớp trước đã có công nhập lưu Kitô Giáo vào dòng chảy văn hóa dân tộc : từ Alexandre de Rhodes, Majorica, Lữ Y Đoan, Phan Văn Minh, P. Ký, L. Cadière, đến Hàn Mặc Tử, JM Thích, Xuân Ly Băng và nay là Xuân Văn. Tôi biết họ đã nhẫn nại và lặng lẽ để bơi ngược dòng, miễn sao hạt giống kia xanh tốt hơn cỏ lùng, lau dại, ra trái, đâm bông giữa đời thường.

Phải có ơn bền đỗ và thực sự bị cuốn hút lắm mới có thể đọc liền hơi, liền mạch gần một vạn câu thơ (gấp 3 lần truyện Kiều) lục bát. Cái sức cuốn hút ấy thể hiện ở bút lực tài tình, dẫn dắt ta đi dọc dòng thời gian, đúng hơn là đi dọc cuộc đời Đức Giêsu Kitô: từ tuổi thơ ở Nazareth, từ Jerusalem cho đến khi chết treo mình núi Sọ và Sống lại, về trời. Không miêu tả và trình thuật một cách sơ cứng, tác giả Xuân Văn còn góp phần khơi gợi bằng cảm nghiệm sâu xa, bằng nhịp thở sôi tràn rực lửa của trái tim, của đức tin lòng đạo. Bởi vì, ông “muốn đem Lời Chúa ghép thành vần điệu, đặt lên miệng các bà mẹ, chảy vào tai trẻ thơ”. Mà muốn gánh được cái gánh vừa nặng nề khổ ải, vừa cao cả thiêng liêng ấy – Thi ngôn chí và văn dĩ tải đạo – xem ra chỉ có thơ ca, chỉ có lục bát, một thể thơ thuần túy Việt Nam rất dễ làm, nhưng rất khó hay, khó đạt. Người yếu bản lĩnh, làm thơ ra chỉ là ca vè, đọc cho vui tai, bị đào thải ngay. Trường hợp nguyên tuyền và bất hủ như lục bát ở văn học dân gian, ở Nguyễn Du, Tản Đà, ở Huy Cận, Nguyễn Bính rất hiếm. Cho nên, trong mối lo đồng cảm, tôi ngại cho Xuân Văn vì ông phải căng mình ra suốt một chiều dài của tác phầm gần 10.000 câu thơ. May thay, điều ấy đã không xảy ra. Phải chăng, chính nhờ vào cái lưng vốn khá dày, tiếp thu từ dòng văn học cổ điển – đặc biệt từ kho tàng truyện thơ Nôm như Nhị Độ Mai, Bích Câu Kỳ Ngộ, Mai Đình Mộng Ký, Hoa Tiên và Truyện Kiều – mà Xuân Văn đã “vào chuyện”, đã “dẫn chuyện” một cách thành thạo, có bài bản nghệ thuật, khép có mở, rào đón hợp lý hợp tình. Điểm thành công lớn nhất của Xuân Văn là sự sáng tạo mới mẻ trong việc vận dụng ngôn từ, hình tượng Việt Nam vào dịch thuật và diễn ca Phúc Âm. Hãy cùng đọc thử một vài trích đoạn:

Thời gian ngày lụn tháng mòn

Ba tuần trăng khuyết, trăng tròn chóng qua

(Sinh nhật gioan tẩy giả 223-224)

Âm thầm tính chuyện bôn đào

Ba mươi sáu chước, chước nào hay hơn

(Nỗi lòng Giuse 281-282)

Tay nào vạch lá tìm sâu

Tay nào chủ chốt cầm đầu mối dây?

(Người đàn bà ngoại tình, 3679-3680)

Người sao độc ác gớm ghê

Thân sao đau đớn ê chề bấy thân?

(Chúa bị đánh đòn, 8459-8460)

Thú vị hơn cả là khi đọc những đoạn thơ ngẫu hứng – tác giả bảo là “suy diễn” – như những gợi mở, để chuyển mạch hoặc để giải bày riêng tư. “Sự thay đổi không khí” ấy khiến câu chuyện bớt ngột ngạt, tránh hẳn được sự lệ thuộc đến máy móc mà hầu hết các nhà dịch thuật thường vấp phạm trong quá trình chuyển tải. Xin mời độc giả thưởng thức với tôi:

Ngày xuân chim hót hoa cười

Nước non thêm sắc, mây trời thêm hương

Ca na chào đón Tân Nương

Thành Na-za-rét thơm danh một nhà

(Truyền Tin, 93-96)

Khi thuật cảnh ba nhà đạo sĩ phương Đông đến thờ lạy Chúa Hài Nhi ở Bê-lem, tác giả bèn đưa ra lời bàn thế này:

Gối rơm, nêm cỏ thương thay

Non vàng núi ngọc sánh tày được sao

Khăn thô so với long bào

Lều tranh sánh với trời cao, lạ lùng

Nghĩa gì đâu, miếng đỉnh chung

Hoa trôi mặt nước, khói bung lưng trời

(Hiển linh, 477-482)

Và đây nữa, lời sám hối tự tình của người đàn bà tội lỗi (2073 – 2078) thân thưa cùng Đức Kitô:

Con là vạn cổ thành sầu

Phần hèn nào dám cúi đầu xin ơn

Trông vào lượng cả từ nhân

Khỏi bề sống đục, được phần thác trong

Ơn Trên, ngày ước, đêm mong

Lệ lòng dù chảy cạn lòng chưa thôi.

Còn nhiều, còn nhiều lắm. Tôi tính ra, dễ đến 223 tiểu đoạn tương tự. Nay, nhân mùa Giáng Sinh, dẫn ra đây một trích đoạn mà tác giả Xuân Văn muốn gửi gấm chúng ta như một “Sứ Điệp Tình Thương” được lồng trong nhịp hát ru của dân gian:

Nàng bừng tỉnh giấc mơ nồng

Vội vàng ríu gối, quỳ bồng Con yêu

Hôn lên vầng trán mỹ miều

Ngân nga mấy khúc dặt dìu ru Con

Con ơi, Con ngủ cho ngon

Để rồi thức tỉnh nước non mai ngày

Con ơi! Con ngủ cho say

Đời con trăm đắng nghìn cay hẹn chờ

Ru Con cho mộng cho mơ

Cho đời reo khúc nhạc thơ thanh bình

Ru Con nên vóc nên hình

Nên nguồn hy vọng, nên tình yêu thương

Ru con khắc khoải canh trường

Gió mưa thổn thức, tuyết sương ngậm ngùi

Ru con, Con ngủ cho mùi

Một mai đem lại niềm vui cho đời

Đời con khổ lắm, Con ơi!

Ru Con an giấc, mẹ vơi lòng sầu

Con ơi! Con ngủ cho lâu…

(Chúa Giêsu Giáng sinh, 351-369)

Để kết luận trang mục “Đọc sách”, tôi xin nhắc lại mẫu chuyện vui vui. Số là khi đọc xong tác phẩm “Nguyễn Trường Tộ – Con người và di cảo”, một đấng “Vít-vồ” kia nói nhỏ với tôi: “Với công trình này, tác giả được cấp hộ chiếu để vào nước Thiên đàng rồi”.

Chẳng hiểu ý nghĩa cao sâu của lời nói ấy thế nào. Chỉ biết rằng, với tác phẩm trường thiên “Sứ Điệp Tình Thương” thì tác giả Xuân Văn, thày cả – nhà thơ Xuân Văn cũng quá xứng đáng được như vậy. Bởi ông đã thổi Tin Mừng vào tần số âm thanh ngôn ngữ của dân tộc ta bằng thứ vần điệu mượt mà, nền nã nhất là thơ lục bát, điều mà không phải ai ai cũng làm được.