Phần III. Một Vài Nhận Xét Về Mục Vụ Văn Hóa Tại Giáo Xứ Việt Nam Ở Paris.

Sau khi quan sát tại chỗ và tham khảo các tài liệu về các hoạt động mục vụ văn hóa tại Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét sau:

1. Văn hóa được coi là chính sách mục vụ chính của giáo xứ: Trong các bản phúc trình hàng năm gửi về Tòa Tổng Giám Mục Paris để báo cáo về các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, Đức ông Giuse Mai Đức Vinh luôn luôn báo cáo về 3 đề mục: Mục vụ thiêng liêng, Mục vụ xã hội và Mục vụ văn hóa. Như vậy, Giáo Xứ Việt Nam tại Paris đã chọn lựa con đường phục vụ giáo dân một cách toàn diện: về thiêng liêng, về xã hội và về văn hóa. Chọn lựa đó là chọn lựa đúng hướng, đúng chính sách của Giáo Hội. Do vậy, giáo xứ có những phiên họp thường xuyên để bàn về các chương trình mục vụ văn hóa.

Linh mục Trần Cao Tường, một người thường trăn trở với các sinh hoạt mục vụ văn hóa, khi nghiên cứu các giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này đã viết bài Cần Tạo Ra Một Cái Không Khí, đăng trong mục Phụng Vụ và Mục Vụ của mạng lưới VietCatholic, Linh mục viết:

Năm 1982 khi thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói riêng với Đức Hồng Y Poupard với niềm xác tín qua kinh nghiệm đời mình. Nếu không có một chương trình mục vụ về văn hóa thì chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả.

Linh mục viết tiếp:

Trong bức thư thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa vào năm 1982. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: Một đức tin không kiến tạo văn hóa là một đức tin không hoàn toàn được chấp nhận, không được nghĩ suốt, và không được sống cách trung tín.

Đối với Giáo Hội Việt Nam, Lm. Trần Cao Tường cho biết Hội Đồng Giám Mục cũng đã hoạch định một chương trình huấn luyện về mục vụ văn hóa. Linh Mục viết :

Đường hướng và phương cách Phúc Âm Hóa bằng việc đem Tin Mừng hội nhập văn hóa là cả một chính sách từ Hội Đồng Giám Mục, từ chương trình huấn luyện trong các chủng viện, từ cảm quan dành đúng chỗ cho những sinh hoạt mục vụ về văn hóa trong các xứ đạo, từ ý thức sứ mệnh của các phương tiện truyền thông Công Giáo.

Thế nhưng, nếu chúng tôi không lầm thì các giáo xứ Việt Nam hiện nay ở hải ngoại, hầu như chỉ chú ý đến mục vụ thiêng liêng, một chút về mục vụ xã hội. Còn mục vụ văn hóa, ngoài cái công tác dậy việt ngữ cho các em thiếu nhi ra, giáo xứ rất lơ là về mục vụ văn hóa, coi đó là một thứ xa xỉ phẩm. Nếu có sinh hoạt mục vụ văn hóa nào đó thì cũng chỉ là công tác cá nhân, không phải là sinh hoạt chính của giáo xứ. Một bằng chứng cụ thể là tại San Jose, California nơi có số giáo dân đông vào hàng thứ nhì trên nước Mỹ, thế mà không có một tờ báo Công Giáo nào, còn các sinh hoạt văn hóa khác chỉ “năm thì mười họa”! Linh mục Trần Cao Tường chua xót viết về tình trạng này:

Tại sao giáo dân đã được đào tạo để nhạy cảm làm ân nhân xây những cái cột nhà thờ lớn, mà không được trồng tỉa nên một tâm thức xây ngôi nhà văn hóa Công Giáo có liên hệ tới sứ mạng chuyển đạt Tin Mừng.... Điều này (xây cất nhà thờ) cần thật. Nhưng điều khác có thể cần hơn, đó là đầu tư cho những chương trình huấn luyện chất xám, về sách vở, về cơ sở văn hóa....Có thể đây là một thiếu sót lớn trong chương trình giáo dục tôn giáo? Chả lẽ mỗi lần nói đến truyền giáo là chỉ nghĩ về chuyện đi lên mấy buôn làng người Thượng?

Chúng ta cứ thường nghe phải nỗ lực rao giảng Tin Mừng. Nhưng lời kêu gọi trên đây liệu có ý nghĩa gì và liệu có hữu hiệu hay không nếu không dùng phương tiện mục vụ văn hóa. Tóm lại, vì Giáo Xứ Việt Nam tại Paris coi mục vụ văn hóa là phương tiện quan trọng để thực thi sứ mệnh rao giảng Tin Mừng nên sinh hoạt văn hóa tại đây đã khởi sắc như chúng tôi đã mô tả.

2. Giáo xứ tạo được sự hợp tác giữa hàng linh mục và giáo dân: Mục vụ văn hóa là một công tác rất cam go, đòi hỏi khả năng tri thức và tinh thần hy sinh. Các linh mục trong giáo xứ không thể, và không đủ khả năng "bao sân" trong vấn đề này vì biển học mênh mông. Tại Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, dù Đức ông Giuse Mai Đức Vinh vừa “khoa bảng”, vừa nhiệt tình, dù thầy Phó Tế Phạm Bá Nha có "bạc mái đầu" viết không ngưng nghỉ, dù linh mục Trần Anh Dũng đã viết hàng chục tác phẩm liên quan đến Giáo Sử Việt Nam, nhưng Đức ông cũng như các linh mục, tu sĩ khác đã luôn luôn kêu gọi giáo dân trong giáo xứ viết lách, đóng góp bài vở cho giáo xứ. Nhờ sự tham gia của giáo dân mà mục vụ văn hóa tại đây đã cung ứng được những món ăn tinh thần hữu ích, những kiến thức đa dạng về nhiều lãnh vực, đưa đến kết quả là chương trình mục vụ văn hóa tại đây có kết quả. Hơn nữa, mời gọi giáo dân tham gia vào mục vụ văn hóa là các linh mục đã vận động được mọi thành phần trong giáo xứ tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng. Giáo xứ nào chẳng có những tài năng, những tấm lòng sẵn sàng hi sinh, cộng tác. Vì sao các linh mục tại giáo xứ Viêt Nam ở Paris đã vận động được giới trí thức tham gia vào sinh hoạt mục vụ văn hóa mà các giáo xứ Việt Nam khác lại cứ để các tài năng hiếm quý đó "trùm mền", rồi mai một dần?

Điều đặc biệt chúng tôi thấy ở Paris là tinh thần đồng đội: Cha con cùng làm: Ví dụ khi giáo xứ xuất bản tác phẩm Sống Đức Tin Trong Thiên Niên Kỷ Mới thì dịch giả là ông bà Mathias Têrêxa Nguyễn Văn Lý và Đức ông Mai Đức Vinh. Còn đọc bản thảo là Thầy Phạm Bá Nha và bà Bùi Thị Lý. Trình bày nội dung là Nữ Tu Thérèse Kim Liên. Trình bày hình ảnh và bìa: Anh Vũ Đình Khiêm, Chị Ngô Kim Đào. Giúp tiền ấn loát là Ông Bà Trần Văn Hòa.

Một ví dụ khác, giáo xứ đang lần lượt cho ra bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội gồm nhiều tập. Căn cứ vào lời nói đầu do Đức ông Mai Đức Vinh, thoạt đầu dự án dịch bộ sách gồm toàn các linh mục ở Âu Châu, nhưng vì một lý do nào đó các vị không thực hiện nổi. Dự án bị "ngâm tôm" đến cả chục năm. Đến khi ban tu thư trao quyền về cho Đức Ông Mai Đức Vinh thì Đức Ông đã điều động mời giáo dân tham gia vào công tác dịch thuật. Tất cả hơn 20 người gồm 5 linh mục, 6 tu sĩ, 17 giáo dân. Thế là Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội đồ sộ gồm 10 cuốn đã sẵn sàng xuất bản. Nay đã in được 4 cuốn.

Kết luận về nhận xét thứ hai là muốn cho mục vụ văn hóa của giáo xứ thành công, vị chính xứ cũng như các linh mục phó xứ phải tích cực tham gia. Bằng chứng cụ thể mà tôi muốn nêu ra ở đây là gương sáng làm việc của Đức ông Giuse Mai Đức Vinh. Ngài không từ nan làm bất cứ công việc gì. Vào giữa những năm 80, khi làm báo cho giáo xứ, lúc chưa có máy computer, Ngài đã nhẫn nại dùng máy đánh chữ IBM để gõ từng chữ, sau đó lại phải bỏ dấu tiếng Việt vào trước khi in báo. Ngài cũng đã nhẫn nại đọc và sửa bản thảo. Không một quyển sách hay số báo nào mà không có bài viết của Ngài cũng như của hàng giáo sĩ trong giáo xứ.

Riêng đối với giáo dân, trường hợp mục vụ văn hóa tại Giáo Xứ Việt Nam tại Paris dậy cho chúng ta bài học rằng, nếu chờ thái độ tự giác của giáo dân để họ tham gia vào công tác mục vụ văn hóa thì là điều khó. Nhưng nếu được các vị có trách nhiệm khéo léo điều động, thì phần đóng góp của họ sẽ làm cho sinh hoat giáo xứ khởi sắc về mọi mặt. Trường hợp Giáo Xứ Việt Nam taị Paris là một thí dụ cụ thể trong vấn đề này.

Để chứng minh thêm cho tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa linh mục và giáo dân tại Giáo Xứ VN ở Paris, chúng tôi xin trích đăng lá thơ của Giáo Sư Nguyễn Văn Thoan, cư ngụ tại Úc, đã viết cho Đức Ông Mai Đức Vinh nhân dịp Giáo Sư thăm Paris.

Trọng kính Cha,

Rất hân hạnh được gặp cha tại văn phòng giáo xứ dịp chúng tôi qua thăm Paris. Thấy cộng đoàn của cha phát triền nhịp nhàng mà tôi thấy thèm. Đọc các bài viết của cha trên báo của giáo xứ cững như mấy tác phẩm xuất bản ở Paris, tôi rất khâm phục sức làm việc và óc sáng tại của cha. Nhìn đến các công sự viên của cha và qua các câu chuyện tôi được nghe tại Paris, tôi phải nói đó là một cộng đoàn lý tưởng, hay nói cách khác một cộng đoàn trong đó cha con một lòng. (Thư này được đăng trên báo Giáo Xứ Việt Nam, số 200, trang 129).


3. Vấn đế tài chánh có phải là một trở ngại không: Qua bài học của giáo xứ Việt Nam tại Paris, chúng tôi thấy vấn đề tài chánh để nuôi sống mục vụ văn hóa không phải là vấn đề khó và chính yếu. Tại Paris, Giáo Xứ chỉ bỏ ra lúc ban đầu có 5000.F tương đương với 1000 dollars. Sau đó Giáo xứ đã làm báo được hơn 20 năm, tờ báo sống mạnh, ban tu thư xuất bản hết sách này đến sách nọ. Thành quả đó là nhờ công lao hy sinh sức lực của chính giáo dân. Giáo xứ nào cũng có nhân lực, giáo xứ nào cũng có những giáo dân sẵn lòng hy sinh, chỉ khác một điều là các giới chức trách nhiệm có biết điều động hay không. Chúng ta có nên đặt câu hỏi tại sao công tác mục vụ văn hóa ở Giáo Xứ Việt Nam tại Paris khởi sắc, trăm hoa đua nở, mà các giáo xứ khác tầm cỡ hơn, có phương tiện.hơn lại không thực hiện nổi công tác mục vụ quan trọng như thế?

Tại Paris, giáo xứ có 1350 gia đình mua báo năm. Mỗi năm một gia đình chi ra một khoản tiền khoảng 50 dollars, tức mỗi tháng hơn 4 dollars. Với số tiền này, các giáo dân Việt Nam tại Mỹ rất dễ dàng bỏ ra. Cha xứ chỉ cần lên tiếng vận động giáo dân tham gia vào công tác rao giảng tin mừng bằng phương tiện truyền thông, văn hóa là giáo dân sẽ tích cực yểm trợ.

Vậy điểm mấu chốt để thành công trong mục vụ văn hóa không phải là tài chánh mà là các giới chức từ hàng Linh Mục, Tu Sĩ đến Hội Đồng Mục Vụ có thực sự ý thức tầm quan trọng của mục vụ văn hóa hay không và có biết đoàn kết để thi hành sứ mệnh này hay không.Trong bất kỳ tôn giáo nào, giáo dục tôn giáo mà không giáo dục về văn hóa sẽ dễ dàng biến người tín hữu ấy thành một tín đồ cuồng tín. Và chắc hẳn, chúng ta đã chứng kiến nhiều thảm cảnh của sự cuồng tín đó.