GIÁO XỨ TUY HÒA

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :

Giáo Xứ Tuy Hòa ngày nay bao gồm thị xã Tuy Hòa, một số xã thuộc huyện Phú Hòa: Hoà An, Hoà Trị, Hoà Thắng, Hoà Quang Bắc, Hoà Quang Nam, Hoà Định Đông, Hoà Định Tây và các xã phía nam huyện Tuy An : An Chấn, An Phú, An Mỹ (Nam Hoà Đa). Bắc giáp tỉnh lộ Hòa Đa -Vân Hòa, nam giáp cầu Đà Rằng, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp Đập Đồng Cam. Giáo xứ chọn Thánh Giuse làm Bổn mạng, mừng kính ngày19-3. Tổng số giáo dân cuối năm 2003 là 3772 người. Nhà thờ Tuy Hoà nằm trên trục đường Lê Trung Kiên, với ngọn tháp cao sừng sững giữa vùng trời thường bão giông, như biểu tượng Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa hằng kiên định chảy tràn giữa dòng lịch sử bao thăng trầm đổi thay.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :

Theo dòng lịch sử truyền giáo tại Phú Yên, vùng đất thuộc giáo xứ Tuy Hòa ngày nay đã đón nhận Tin Mừng rất sớm. Căn cứ theo danh sách nhà thờ nhà nguyện của các Thừa sai Balê, năm 1747 có: Phú Điền 50 giáo dân, Thạch Thành 100 giáo dân. Trong Archivesmep.mepasie.org cho thấy cha Pierre Léopold JEANNE đã ở tại Hoa Vông từ 1834-1836, Cha Pierre Alphonse PERROT năm 1875, Đức Cha Van Camelbecke trước khi làm giám mục (27/4/1884), ngài đã làm việc tại Hoa Vông năm 1879. Theo báo cáo của thánh Giám mục tử đạo Stêphanô Thể, năm 1850 có ghi các giáo điểm, mà ngày nay thuộc giáo xứ Tuy Hòa như : Hoa Vông 165 giáo dân, Phú Cốc 311 giáo dân, Hóc Gáo 228 giáo dân, Phú Điền 196 giáo dân, Triều Thủy 137 giáo dân, trong các giáo điểm này Hoa Vông là trụ sở chính của vùng Nam Phú Yên. Đón nhận rồi tặng hiến, chết đi để sống lại như lời Đức Giêsu: “ Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24), những hạt giống Tin Mừng được gieo trên vùng đất nầy không ra ngoài qui luật đó. Vào ngày 26/01/1861, một người con của vùng đất nầy là thầy Trinh quê Phú Cốc đã hy sinh vì đức tin tại Gò Chàm (Mm. 02/1909, p. 32). Năm 1885 người con thứ hai của Phú Cốc là cha Hậu được Văn Thân đưa về chầu Chúa tại Phú Cốc (Mm.no.62/1910/p.13). Trong phong trào Văn Thân hầu như tất cả các giáo điểm vùng Phú Yên đều nát tan, tín hữu thì được Văn Thân tiễn đi chầu Chúa, cơ sở và nhà cửa cũng thành tro bay theo lên trời. Ở Hoa Vông, Cha Eugène Marie Durand viết: “ Hồi còn là một thừa sai trẻ tôi đã đến viếng đống tro tàn đổ nát của nhà dòng xinh xắn và cô nhi viện tuyệt đẹp tại Hoa Vông, năm 1888 hai cây Cau còn nghiêng mình bên bờ giếng đó, người ta bảo tôi :“Chính trên hai cây Cau ấy mà chị bề trên cùng chị phụ tá đã bị treo cổ; và trong lòng giếng sâu nầy, các chị nữ tu khác đã bị đẩy xuống, một hòm thánh tích bao la”. (Notes de voyages - Durand,AMEP, 821 p.3-7).

Sau phong trào Văn Thân, năm 1888 Đức cha Van Camelbecke Hân bổ nhiệm Cha Guitton (Cố Thông) phụ trách vùng Nam Phú Yên có cha Gioakim Đạt làm cha phó, đặt cư sở tại Hoa Vông. Một năm sau, cha Đạt đi Quán Cau, Cha Guitton tái thiết Hóc Gáo với những giáo hữu đi lánh Văn Thân từ Làng Sông và Gò Thị trở về. Trong thời gian đầu cha Guitton còn nhiều khó khăn, phải làm lại tất cả, cha rửa tội được 155 người nhưng số người lớn không được bao nhiêu. Cho dẫu khó khăn nhưng lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa chân cha đi khắp nơi trong vùng, cha qui tụ và xây dựng 04 giáo điểm: Đồng Cam, Đất Đỏ, Hóc Gáo, Phú Điền, mỗi nơi đều có nhà thờ, riêng tại Hoa Vông nhà thờ tương đối đẹp hơn các nơi khác. “Ngày đi trong nước mắt tung hạt gống gieo trên nương đồng, ngày về miệng vui ca tay ôm bó lúa ngào ngạt hương”, ba năm sau cha đã rửa tội được 913 người lớn và 31 trẻ con ngoại giáo trong trường hợp nguy tử. ( R.A.E. Cp.V / 1890,1891,1898 / Mgr. Van Carmelbeke). Tháng 6/1893 cha Guitton đi Ninh Hòa, cha Phêrô Huề về Phú Điền phụ trách cả Hoa Vông. Ngày 20/02/1895 cha Dubulle (Cố Phương) được bổ nhiệm về Hoa Vông với cha Phục làm cha phó. Năm 1896 cha Dubulle thiết lập một trung tâm tại Long Thủy. Tháng 01/1899 Cha Marius Julien Jean đến Hoa Vông thay cho cha Dubulle cho tới cuối tháng 02 năm 1910, Cha Lalanne (Cố Lân) được cử đến thay thế và lần lượt có các cha phó : Cha F.x. Ban ( 02/1911), cha F.x. Tuyên (10/1912). Năm 1917 cha Lalanne trở về Pháp nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, Cha Antôn Linh (phó Mằng Lăng) đến chăm sóc mục vụ. Ngày 11/12/1918 cha Porcher từ Đồng Tre về làm cha sở Hoa Vông, năm 1924 cha xây trường học gồm 03 phòng, một phòng dành cho các dì phước, một phòng trọ dành cho các trẻ nữ trong vùng, phòng giữa làm phòng học. Đây là ngôi trường công giáo đầu tiên trong vùng, theo thống kê năm 1928 có 12 em nam và 15 em nữ theo học với dì giáo Maria Phụng. Ngày 15/05/1927 Đức Cha Grangeon Mẫn khánh thành nhà thờ mới được cha Porcher xây lại trên nền cũ cha Jean đã xây năm1907, từ tháng 02/1927 cha Porcher đã được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng.( M.m de Qui nhơn 4/1927, p.30,48)

Vào năm 1927, linh mục Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm đến làm cha sở Hoa Vông là cha Simon Trần Văn Phiến. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Tuy Hòa là phủ lỵ, có những cơ quan cấp tỉnh được xây dựng, ga xe lửa được thành lập, đập Đồng Cam được hoàn thành ( 1929). Cùng với quân nhân, công viên chức, dân chúng đến Tuy Hòa lập nghiệp ngày càng đông. Để thuận tiện cho đời sống của giáo dân tại phủ lỵ, cha Simon Phiến đã lập một nhà nguyện và nhà xứ tại Triều Thủy. Ta gọi đây là Triều Thủy (2) để phân biệt Triều Thủy có trước thời Văn Thân. Nền nhà thờ Triều Thủy (2) ngày nay ở tại cộng đoàn các nữ tu dòng Thánh Phao lô Tuy Hòa.

Năm 1938, cha Simon Phiến về ở tại nhà thờ Triều Thủy (2) số giáo dân khoảng 120 người. Cơ sở Hoa Vông dần dần hoang phế theo thời gian. Ngày nay chỉ còn chút cổng nền nhà thờ nằm dưới lớp cây cỏ dại trên triền núi thôn Chánh Nghĩa, xã An Phú, huyện Tuy An.

Ngày 19/3/1942, hồi 02 giờ sáng Chúa gọi cha Phiến về trời mừng lễ Ngân Khánh Linh Mục trong niềm thương nhớ của nhiều người như trong tiểu sử có ghi: “. ...Con chiên bổn đạo cũng tất dạ mến phục, cả người bên lương cũng yêu thương. Lúc người tạ thế được vài hôm, có năm ba người lương đem mỗi người cặp đèn bạch lạp xin cha phó làm cho mấy lễ mồ....Sở dĩ cha được mến yêu như vầy là vì người rất nhiệt thành đối với nghĩa vụ, thương cả dân lương giáo. Lại người tính tình niềm nỡ, ai gặp cũng trò chuyện một phen ắt không sao quên được. Ngài thuần hậu mà vẫn cương trực ngay thẳng, chẳng hay vị nể mà bỏ bổn phận.”(M.m 3-4/1942,p. 6)

Năm 1955, cha Giuse Tô Đình Sơn được bổ nhiệm làm cha sở Tuy Hòa. Năm 1960, ngài xây dựng nhà thờ và nhà xứ trên vùng đất mới như hiện có ngày nay. Lúc 8 giờ sáng ngày 21/02/1961 Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự nghi thức trọng thể làm phép chuông, 03 chuông nầy có âm thanh Đô-Mi-Sol, được mua tại Pháp. Cha Phạm Châu Diên giải thích ý nghĩa nghi thức làm cho mọi người hiện diện rất tâm đắc (Thông tin Địa phận Qui Nhơn số 20/1961, trang 24). Nhà thờ dài 56 m, rộng 18m, tháp chuông nhọn cao 43,50m, lễ khánh thành nhà thờ nhằm ngày Chúa nhật 06/05/1962 (Thông tin số 27/1962, trang 34). Ngoài nhà thờ và nhà xứ, Cha Giuse xây trường trung tiểu học Đặng Đức Tuấn (1959), giao cho các tu sĩ dòng Thánh Giuse phụ trách. Trong thời gian chiến tranh (1964 - 1975) dân chúng từ các vùng chiến tranh tập trung về thị xã Tuy Hòa, trong đó có Cô Nhi Viện Mằng Lăng đặt cơ sở tại ngã tư đường Lê Lợi và Phan Đình Phùng, Phước Viện Mằng Lăng đặt cơ sở trong phần đất của giáo xứ bên cạnh khuôn viên nhà thờ và nhà xứ. Giáo Xứ Tuy Hoà với đầy đủ cơ sở vật chất thích hợp cho những nhu cầu sinh hoạt mục vụ, là trung tâm của hạt Phú Yên.

Giáo xứ Tuy Hòa hiện nay gồm 6 Giáo khu tại thị xã Tuy Hòa và 3 Giáo họ là: Cẩm Tú, Phú Cốc, Hóc Gáo. Giáo họ Hóc Gáo đã có nhà nguyện khang trang, có phòng giáo lý và nhà vuông tạm đủ sinh hoạt cho cha, thầy và các nữ tu đến làm mục vụ.

Hiện nay có 2 Cộng đòan nữ tu sinh hoạt trong Giáo xứ: Cộng đoàn nữ tu dòng thánh Phaolô de Chartres và Cộng đòan nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhn.

Đa số giáo dân là người lao động chân tay, một số ít buôn bán nhỏ, ngành nghề, công nhân viên chức hòa mình với cuộc sống xã hội, tích cực tham gia những hoạt động bác ái. Hằng tháng, nhờ sự cộng tác của nhiều người, giáo xứ cung cấp trên 30 suất gạo và tiền cho những người già yếu neo đơn.

Đời sống Đức tin hàng ngày được dưỡng nuôi qua mục vụ Thánh Lễ, mục vụ giáo lý; đời sống bác ái và các sinh hoạt khác như ca đoàn, Legio Mariae, Các Bà mẹ Công Giáo.

III. Cơ sở vật chất

Trước năm 1975, giáo xứ Tuy Hòa có những cơ sở sau đây:

Nhà thờ Tuy Hòa: xây dựng năm 1960, diện tích: 1004, 5m2, tháp chuông cao 47 m.

Nhà vuông: 202, 34 m2

Trường Đặng Đức Tuấn: gồm 3 dãy nhà hình chữ U, diện tích đất khu vực nhà trường: 5400 m2.

Trường thánh Giuse: do các nữ tu Phaolô điều khiển.

Cô nhi viện Lạc Thiện của các nữ tu Phaolô.

Cô nhi viện Mằng Lăng của các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn.

Nghĩa trang Công Giáo: diện tích 24.222 m2.

Nhà Quản trang: 450 m2.

Sau năm 1975, các cơ sở giáo dục được chuyển giao cho Nhà nước, chỉ còn lại nhà thờ Tuy Hòa. Trong khuôn viên nhà thờ Tuy Hòa, một số cơ sở được xây dựng hoặc tu sửa: phòng Hội (107 m2), nghĩa đường (78, 5 m2), nhà để xe (351 m2), nhà kho (37, 5 m2), 6 phòng giáo lý (130, 5 m2), nhà sách (41, 5 m2). Đầu năm 2002, nhà sinh hoạt giáo lý hai tầng, 12 phòng, diện tích 213 m2 đã hoàn thành và sử dụng.

Tại giáo họ Hóc Gáo, từ năm 1995, các cơ sở lần lượt được xây dựng: nhà thờ (259, 5 m2, tháp chuông cao 14 m), nhà Hội (120, 5 m2), nhà giáo lý (81 m2). Nhà thờ Hóc Gáo có hai sào ruộng (997 m2).