Nhân chuyến công tác Âu Châu mới đây, chúng tôi được người em là ông Nguyễn Văn Thơm đưa đến thăm giáo xứ Việt Nam tại Paris mà hồi còn ở Việt Nam chúng tôi đã từng được nghe danh tiếng. Khi đến nơi, cái mà chúng tôi đinh ninh gặp thì không thấy, cái mà chẳng bao giờ ngờ tới thì xuất hiện như một ánh chớp chói lòa làm chúng tôi choáng váng, sững sờ!

Chúng tôi muốn nói đến cơ sở vật chất của Giáo xứ Việt Nam tại Paris không khang trang rộng rãi bằng giáo xứ của chúng tôi tại Hoa Kỳ, nhưng sinh hoạt văn hoá ở đây sung mãn đến độ người ta có thể khẳng định một điều mà không mấy sợ bị sai lầm rằng: Mục vụ văn hoá, hay nói khác, sinh hoạt báo chí, xuất bản sách vở và diễn thuyết tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris khởi sắc hơn bất cứ giáo xứ Việt Nam nào tại quốc nội cũng như tại hải ngoại. Và các sinh hoạt ấy đáng là khuôn mẫu để các giáo xứ khác học hỏi. Với nhận xét này, chúng tôi quyết định viết bài: Mục Vụ Văn Hóa Tại Giáo Xứ Việt Nam Ở Paris.

Viết bài này, chúng tôi không có chủ đích “mặc áo thụng vái nhau” mà trước thành quả của Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, chúng tôi muốn tìm hiểu nguyên nhân nào, một cộng đồng giáo dân Việt Nam không lớn lắm, “không sang, không giàu” mà đạt được những thành quả đáng khâm phục như thế. Mục tiêu đặt ra như vậy nên bài viết được chia làm ba phần. Phần một: Mô tả những sinh hoạt và thành quả văn hóa mà Giáo xứ Việt Nam tại Paris đã đạt được trong hơn 50 năm qua. Phần hai: Thử tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến sự thành công trong công tác mục vụ văn hóa. Và phần ba, chúng tôi đưa ra một vài nhận xét về sinh hoạt mục vụ văn hóa taị Giáo Xứ Việt Nam ở Paris.

Phần I : Những Thành Quả Văn Hóa

Khi đề cập đến những thành quả văn hóa của Giáo xứ Việt Nam tại Paris, khuôn khổ bài viết không cho phép chúng tôi trình bày hết những sinh hoạt văn hóa tại đây như nói về những ngày lễ hội, các buổi trình diễn văn nghệ, các lớp dậy tiếng Việt, các lớp dậy tiếng Pháp, lớp dậy giáo lý, lớp dậy đành tranh, sinh hoạt của tổ chức “Văn Hóa Xã Hội Pháp-Việt, tổ chức thư viện tại giáo xứ trong 14 năm qua với khoảng 7000 cuốn sách, mạng lưới thông tin điện toán http://www.Giaoxuvnparis.org. v.v…, mà chỉ giới hạn trình bày ba sinh hoạt nổi bật nhất của giáo xứ là: Báo chí, xuất bản sách, các buổi diễn thuyết. Nhưng trước hết chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về lịch giáo xứ Việt Nam tại Paris.

A.. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ GIÁO XỨ VIỆT NAM TẠI PARIS : Theo như thầy Phó Tế Phạm Bá Nha cho biết, Giáo xứ Việt Nam tại Paris bắt đầu hình thành từ năm 1947 lúc có nhiều sinh viên và kiều bào Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Từ đó đến nay, lịch sử giáo xứ được chia làm ba thời kỳ:

1.Thời kỳ “Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp” kéo dài từ năm 1947 - 1952. Trong thời kỳ này các cha Nguyễn Văn Thiện, Cao Văn Luận, Nguyễn Ngọc Quang, Hoàng Mạnh Hiền, Đinh Văn Hưởng, Nguyễn Quang Lãm làm tuyên úy.

2.Thời kỳ “Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam Tại Pháp” kéo dài từ 1952-1977. Trong thời gian này các cha Nguyễn Bình An, Trần Thanh Giản, Nguyễn Quang Toán được bổ nhiệm làm Giám Đốc Cơ Sở Truyền Giáo Việt Nam:

3.Thời kỳ “Giáo xứ Việt Nam Tại Paris” kéo dài từ 1977 đến ngày nay. Thời kỳ này giáo xứ không còn phụ trách toàn thể các người Việt Nam sống trên đất Pháp mà trở thành Giáo xứ Thể Nhân lo cho người Việt Nam sống trong và ngoại ô thủ đô Paris. Địa chỉ hiện nay của Giáo xứ là 36 rue des Epinettes, 75017 Paris. Các vị Linh Mục sau đây lần lượt đảm nhận chức chính xứ Giáo xứ Việt Nam Tại Paris: Cha Trương Đình Hòe ( 1977-1979); Cha Lương Tấn Hoàng (1979-1980) Đức Ông Mai Đức Vinh (1980-ngày nay).

Về số giáo dân, hiện nay tổng số giáo dân Việt Nam có khoảng 15,000 người cư ngụ rải rác trong và ngoại ô thủ đô Paris. Đây là khu vực rộng lớn và hầu hết giáo dân ở xa trung tâm giáo xứ. Trung bình họ thường phải mất 30 phút lái xe hoặc đi xe metro mới tới được cơ sở giáo xứ hiện nay. Giáo dân đều thuộc về giáo xứ thể nhân (Personal Parish) mà danh xưng chính thức là Giáo Xứ Việt Nam Tại Paris. Hiện nay giáo xứ đang do Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh quản nhiệm. Giáo xứ thể nhân chính thức được thành lập từ năm 1977 và chia làm 6 cộng đoàn: Cộng đoàn Cergy-Pontoise, Ermont, Sarcelles, Villiers le Bel, Stains-Pierrefitte, và Noisy le Grand. Mỗi cộng đoàn có cha tuyên úy phụ trách.

Về phương diện mục vụ, giáo xứ đặt trọng tâm vào ba lãnh vực chính: Mục vụ thiêng liêng, mục vụ xã hội, mục vụ văn hóa. Trong lãnh vực mục vụ văn hoá có ba sinh hoạt nổi bật nhất là báo chí, xuất bản sách và tổ chức các buổi thuyết trình. Chúng tôi sẽ lần lượt duyệt xét qua thành quả 3 sinh hoạt này:

B. SINH HOẠT BÁO CHÍ: Sinh hoạt báo chí tại giáo xứ khởi sự rất sớm, từ năm 1945 và kéo dài cho tới ngày nay, trừ hai khoảng thời gian hơn 10 năm từ 1958 đến 1967 và 1980-1983. Trong thời gian hơn nửa thế kỷ, giáo xứ hầu như liên tục xuất bản các tờ báo sau đây:

1.Tờ HỢP NHẤT (1945 - 1947): Đây là tờ báo đầu tiên do các du học sinh và giáo sĩ chủ trương. Linh Mục Cao Văn Luận và ông Nguyễn Mạnh Hy trách nhiệm xuất bản.

2.Tờ THÔNG TIN (1946-1951): Phụ trách tờ báo này gồm các nhân vật trí thức sau đây: Cha Trần Văn Hiến Minh, Cha Nguyễn Quang Lãm, ông Trương Bửu Khánh, Giáo Sư Bùi Xuân bào.

3.Tờ LIÊN ĐOÀN (1951-1952): Chủ bút của tờ báo này là Linh Mục Lương Kim Định tức triết gia Kim Định và ông Trần Phong.

4.Tờ NHẬN ĐỊNH (1953-1955): Đây là cơ quan ngôn luận của “Tổ Chức Truyền Giáo Tại Pháp”. Chịu trách nhiệm xuất bản là hai Linh Mục Nguyễn Bình An, Trần Thanh Giản và ông Trần Phong.

5.Tờ HỪNG ĐÔNG (1955-1957): Đây là hậu thân của tờ Nhận Định và tiền thân của tờ Giáo xứ do Linh Mục Nguyễn Định Tường tức Thanh Hải đảm trách.

6.Tờ GIÁO XỨ VIỆT NAM (1968-1975). Ban biên tập tờ báo gồm các Linh Mục Nguyễn Hưng, Phan Đình Thành, Trần Học Hiệu, Đinh Văn Trung và Trần Ngọc Bích. Từ năm 1971 hai cha Hồng Phúc, Đoàn Thanh Dũng và ông Nguyễn Tấn Hớn lo tờ báo.

7.Tờ VÀO ĐỜI và XUYÊN VIỆT (1975-1979) Linh Mục Nguyễn Quang Toán làm Giám Đốc Giáo xứ Việt Nam tiếp tục cho ấn hành tờ VÀO ĐỜI, sau đổi thành tờ XUYÊN VIỆT cho thích hợp với hoàn cảnh của sinh viên và đồng bào tỵ nạn.

8.Tờ GIÁO XỨ VIỆT NAM (1983 - đến ngày nay) Nguyệt san Giáo xứ Việt Nam phát hành số đầu vào tháng 2 năm 1984. Tính tới tháng 4 năm 2004, tờ Giáo Xứ được tròn 20 tuổi, ra đưọc hơn 202 số báo. Ban đầu bài vở ít, ấn loát đơn sơ, số độc giả khiêm tốn. Dần dần nội dung trở nên phong phú nhờ có nhiều bài khảo cứu sâu sắc, đồng thời kỹ thuật làm báo được điện toán hóa nên đã có tới 1350 gia đình ghi tên mua báo dài hạn. Theo sự ước tính của các giới chức trong Giáo xứ Việt Nam tại Paris có ít nhất 5000 người, tức 1/3 giáo dân tại Paris hàng tháng đọc báo Giáo Xứ Việt Nam. Hiện nay chủ nhiệm báo là Đức Ông Mai Đức Vinh, chủ bút là thầy Phó Tế vĩnh viễn Phạm Bá Nha và ban biên tập gồm nhiều vị thức giả, trong số đó có những vị đã từng nổi tiếng trong nước cũng như ở hải ngoại. Chúng tôi sẽ đào sâu thêm về vấn đề này trong phần tìm hiểu nguyên nhân đưa đến sự thành công của công tác mục vụ văn hoá tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris.

9.Ngoài các tờ báo trên đây, Giáo xứ Việt Nam tại Paris còn xuất bản tờ EMMAU. Tờ này không định kỳ, thường ra vào mỗi cuối tháng khi có thánh lễ dành cho giới trẻ. Tờ EMMAU đầu tiên do ông bà Trần Lan Bằng quán xuyến, sau đó do cha Đinh Đồng Thượng Sách và cha Trần Anh Dũng phụ trách. Ngoài ra, mỗi năm 2 lần, Giáo xứ Việt Nam tại Paris còn xuất bản 2 số báo đặc biệt viết bằng tiếng Pháp có tựa đề là MISSION CATHOLIQUE VIETNAMMIENE để gửi cho các ân nhân và thân hữu người Pháp.

10.Về báo của các hội đoàn trong giáo xứ, người ta thấy tờ LIÊN LẠC của gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể; Bản Tin Liên Lạc Sống Đạo của cộng đoàn Cergy Pontoise, Bản Tin Mục Vụ của Công Đoàn Công Giáo Marne La Vallée, Bản Tin Cộng Đoàn Công Giáo Noisy Le Grand, Tờ Thông Tin Liên Lạc Cursillo Việt Nam Âu Châu, Tờ NỘI SAN của Hội Đạo Binh Đức Mẹ.

C.SINH HOẠT XUẤT BẢN SÁCH: Theo bài viết có tựa đề “Vấn Đề Xuất Bản Tại Giáo Xứ Sau 1975” của Đức Ông Mai Đức Vinh đăng trong báo Giáo xứ Việt Nam, số đặc biệt đề ngày 1 tháng Hai năm 2004 thì lịch sử xuất bản sách tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris được chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn một là ‘‘đáp ứng nhu cầu mục vụ khẩn trương’’ kéo dài từ năm 1975-1995, giai đoạn hai là ‘‘sinh hoạt văn hóa tập thể’’ kéo dài từ năm 1996 đến ngày nay.

1. Giai Đoạn 1975-1995: Đáp ứng nhu cầu mục vụ khẩn trương: Vào năm 1975 khi có làn sóng người Việt Nam ồ ạt ra nước ngoài tỵ nạn cộng sản thì Giáo xứ Việt Nam tại Paris nghĩ ngay tới việc in lại các sách vở Công Giáo giúp các giáo dân trong lúc chưa biết tiếng nước ngoài, có tài liệu học hỏi để củng cố đức tin. Các tài liệu xuất bản trong thời kỳ này liên quan đến các lãnh vực : Phụng Vụ, Thánh Nhạc, Giáo Lý, Tu Đức.

a. Về các tài liệu phụng vụ: Năm 1979 SÁCH LỄ GIÁO DÂN là cuốn đầu tiên được xuất bản với số lượng 3.000 cuốn để phân phối cho các trại tỵ nạn và các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và Âu Châu.

Năm 1982 vì nhu cầu phụng vụ ở hải ngoại, các giới chức trong Giáo xứ lại quyết định cho tái bản SÁCH LỄ GIÁO DÂN với số lượng 3.000 cuốn.

Năm 1991, Giáo xứ in thêm sách DÂNG LỄ VÀ XƯNG TỘI. Cuốn này rất tiện dụng cho mọi lớp người già trẻ ở Pháp vì được viết bằng song ngữ Pháp -Việt. Số lượng in ra là 4.000 bản.

Không chỉ chú ý đến giáo dân, giáo xứ cũng để ý đến nhu cầu của hàng linh mục. Cụ thể là đã cho xuất bản cuốn NGHI THỨC CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH, rất tiện dụng cho các linh mục và cộng đoàn. Giáo xứ đã cung ứng trên 1.000 cuốn đi khắp nơi. Ngoài ra, để giúp giáo dân sống năm phụng vụ, giáo xứ xuất bản lịch phụng vụ, có ngày tháng năm dương lịch và âm lịch, đồng thời có những địa chỉ cần thiết về các Tuyên Úy trong và ngoài nước Pháp. Từ năm Canh Thân (1980) tới nay, giáo xứ đã đều đặn hàng năm xuất bản một cuốn LỊCH PHỤNG VỤ THÁNH KINH. Mỗi năm lịch có một chủ đề riêng, theo tinh thần Giáo Hội hoàn vũ hay sinh hoạt quốc tế. Chẳng hạn, năm Giáp Thân 2004 là năm « Kỷ niệm cao trào giải phóng nô lệ», nên đề tài cuốn lịch là «Vấn đề nô lệ trong Thánh Kinh».

b.Về các tài liệu thánh nhạc: Cũng để đáp ứng nhu cầu Phụng Vụ, giáo xứ đã in lại hơn hai chục CÁT-SÉT THÁNH CA. Điều đáng chú ý là ông Jean Pinay, một người Pháp, đã tận tình giúp giáo xứ nhiều trong công tác in ấn này. Các cassettes được thực hiện theo chủ đề về CHÚA, ĐỨC MẸ, CÁC THÁNH TỬ ĐẠO, GIÁNG SINH. Số lượng in ra trên 1000. Ngoài các băng cát-sét, giáo xứ còn soạn và phát hành các tập hát thánh ca đủ loại. Đáng kể nhất là tập CA NGUYỆN, và bộ CA LÊN ĐI gồm ba cuốn, số lượng phát hành từ 1980 tới nay trên 1.000 bộ, phổ biến đi khắp nơi.

c.Về các tài liệu giáo lý: Năm 1978, giáo xứ cộng tác với Phòng Đại Diện cha Trương Đình Hòe để in lại bản dịch cuốn TÂN ƯỚC của linh mục Trần Đức Huân. Sách in 3.000 cuốn. Qua năm 1983, nhờ tiền giúp đỡ của Caritas Đức, giáo xứ in lại cuốn TÂN ƯỚC do đức Hồng Y Trịnh Văn Căn dịch, với số lượng 5.000 cuốn. Đến nay còn lại hơn 100 cuốn.

Năm 2001, trong chiến dịch “Một Năm Đọc Tân Ước”, được phép của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ giáo xứ đã in 1.500 cuốn TIN MỪNG THEO THÁNH LUCA. Đồng thời Giáo xứ dọn và phát hành bộ Giáo Lý Thánh Kinh gồm 5 tập : CHÚA YÊU EM, SỐNG ĐỨC TIN, SỐNG BÍ TÍCH, SỐNG TÌNH YÊU, SỐNG NGỢI KHEN. Sách in ronéo khổ nửa trang A4. Tuy đơn sơ nhưng sách rất ích dụng trong những năm đầu mục vụ (1979-1985) tại các Cộng Đoàn Việt Nam tân lập ở Pháp, Âu Châu và tại các trại tỵ nạn xa xôi. Sách được in lại nhiều lần và tổng cộng có thể lên tới trên 1.500 bản.

Năm 1982, Giáo xứ soạn và ấn hành 500 bộ Giáo Lý Thánh Kinh gồm năm tập : TÌM HIỂU CỰU ƯỚC, ĐỌC CỰU ƯỚC (hai tập), TÌM HIỂU TÂN ƯỚC, ĐỨC KITÔ LÀ AI, tác giả tập này là linh mục Michel Barnouin. Đi thêm bước nữa, vào năm 1985, nhu cầu giáo lý cho những người trẻ Việt Nam sống tại các nước tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, nhất là giới sinh viên, đã thúc đẩy giáo xứ in lại hai tập KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN, với số lượng 500 mỗi tập. Nhưng sách có số lượng phát hành nhiều nhất có lẽ là cuốn GIÁO LÝ RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU, đã từng thông dụng tại Việt Nam. Sau cùng, năm 1997, vừa để đáp ứng nhu cầu giáo lý cho giới trưởng thành, vừa để kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ, một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân đã chuyển ngữ sang tiếng Việt cuốn GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (Catéchisme pour adultes, của Hội Đồng Giám Mục Pháp), sách dầy 616 trang, khổ 14x20, in 1000 cuốn, nay đã hết.

d. Về tài liệu tu đức : Trước tiên, năm 1980, Giáo xứ chọn lọc các bản kinh trong các sách Mục Lục của các giáo phận tại Việt Nam và ấn hành cuốn KINH NGUYỆN DÂN CHÚA, với số lượng 5000 cuốn và phổ biến đi khắp nơi. Kế đến là bộ GIỜ THÁNH gồm hai cuốn, in lần thứ nhất vào năm 1986 và lần thứ hai vào năm 1991, mỗi lần 300 cuốn. Giáo xứ cũng in lại cuốn GIỜ THÁNH SUY NIỆM của linh mục Nguyễn Hồng. Về các sách tu đức giáo xứ đã in lại cuốn NGẮM MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ, LUÂN LÝ ĐI VỀ ĐÂU, GIA ĐÌNH ĐỀN TẠ ĐỨC MẸ, ĐỨC KITÔ LÀ BÁNH BẺ RA, CHÚA GIÊSU VUA TÌNH YÊU, PHÚC ÂM DIỄN CA, TUẦN CỬU NHẬT THÁNH GIUSE, TẤM LÒNG VÀNG, Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ, THỦ BẢN CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO, KINH NGUYỆN CHÚA MẠC KHẢI CHO THÁNH BRIGITTA.

Chúng ta có thể kể vào đây những tài liệu hành hương Giáo xứ đã ấn hành và phổ biến: HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC (1978, 1988, 1995, 1999, 2002), HÀNH HƯƠNG FATIMA (1980, 2001), HÀNH HƯƠNG ROMA (1988, 2000, 2003).

e. Tài liệu giáo dục: Để có tài liệu dạy tiếng Việt cho các em nhỏ, Giáo xứ cho in lại những tập sách tiếng Việt đã có sẵn tại Việt Nam trước năm 1975: Đó là cuốn TUỔI THƠ, hai cuốn HỌC VẦN và hai cuốn TẬP ĐỌC (1979). Hai cuốn Học Vần in mỗi cuốn 3.000 bản, những cuốn khác chỉ in 1.000 bản. Tiếp theo là in lại hai tập TRUYỆN GIÁO LÝ, mỗi tập 500 (1980), và tập HIẾU TỰ CA, in 300 cuốn (1981).

2: Giai Đoạn 1966 - 2004: Hoạt Động Văn Hóa Tập Thể : Trong giai đoan này, sinh hoạt mục vụ văn hoá được Đức Ông Mai Đức Vinh, Chính Xứ Giáo xứ Việt Nam tại Paris mô tả như sau:

Sau 1995, việc ấn loát của Giáo xứ đi theo một chiều hướng mới. Hướng mới này nhằm ba chủ đích : Tiếp tục phát triển sinh hoạt ‘‘mục vụ văn hóa’’; Quy tụ những người có thiện chí và khả năng làm ‘‘tông đồ văn hóa’’, cùng ngồi lại làm việc chung với nhau : biên soạn, chuyển ngữ, đánh máy, nhuận văn, đọc bản văn, trình bày nội dung, trang trí ngoài bìa; Cùng nhau suy nghĩ và thực hiện một ‘‘việc làm văn hóa có lợi ích tích cực cho mục vụ của Giáo xứ và Giáo Hội’’. Tinh thần làm việc tập thể giữa linh mục, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài Giáo xứ, đã được thể hiện tốt đẹp qua việc hoàn thành những cuốn sách sau đây :

- KỶ YẾU 50 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ VIỆT NAM TẠI PARIS: 150 trang, khổ 20x30, in 2.500 cuốn, với 46 người cộng tác, 1997.

- GIÁO LÝ CHO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH: 620 trang, chuyển ngữ, khổ 10x20, in 1.000 cuốn, với 21 người cộng tác, 1997.

- HÀNH TRANG SỐNG THẾ KỶ XXI: Sách tu đức, chuyển ngữ, 452 trang, khổ 10x40, in 500 cuốn, với sự cộng tác của 16 người, 1999.

- CHÂN PHƯỚC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII: Sách chứng nhân - tu đức, biên soạn, 542 trang, khổ 10x20, với 16 người cộng tác, 2000.

- FATIMA HÒA BÌNH & TÌNH THƯƠNG » : Sách tu đức, biên soạn, 230 trang, khổ 10x30, với 11 người cộng tác, 2000.

- ĐƯỜNG VÀO TÌNH YÊU : Sách về gia đình, biên soạn, 340 trang khổ 10x20, với 15 người cộng tác. 2000.

- TÂM TÌNH TUỔI XUÂN » : Sách tâm lý - giáo dục, biên soạn, 460 trang, khổ 10x20, với 9 người cộng tác, 2001.

- SỐNG ĐỨC TIN TRONG THIÊN KỶ MỚI: Sách tu đức, chuyển ngữ, 310 trang, khổ 10x20, với 9 người cộng tác, 2002.

- BỘ TÂN LỊCH SỬ GIÁO HỘI: Sách lịch sử, chuyển ngữ, gồm 10 cuốn, mỗi cuốn từ 400-500 trang, khổ 10x20, với 26 người cộng tác, làm việc từ 1991, lịch trình phát hành : Cuốn IA và IB (Giáng Sinh 2002), cuốn IIA và IIB (Phục Sinh 2003), cuốn IIIA và IIIB (Giáng Sinh 2003), cuốn IVA và IVB (Phục Sinh 2004), cuốn VA và VB (Giáng Sinh 2004).

- VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN: Sách gồm 13 bài khảo cứu, 640 trang, khổ 10x20, với 16 vị cộng tác, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái bản báo Giáo xứ Việt Nam.

Tóm lại mọi sinh hoạt ấn loát, xuất bản của Giáo xứ, tuy nằm trong phạm vi rộng rãi về mục vụ, phụng vụ, giáo lý, thánh kinh, thánh ca, giáo dục, thông tin, v.v…, nhưng cuối cùng là quy về ĐỨC TIN. Và trong sinh hoạt xuất bản sách báo tại Giáo xứ Việt Nam, Paris, có điểm đặc biệt chúng ta cần chú ý là tinh thần làm việc chung giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ trong cũng như ngoài Giáo xứ.

D. SINH HOẠT DIỄN THUYẾT. Nếu thành quả về sinh hoạt báo chí và xuất bản sách làm chúng ta cảm phục Giáo xứ Việt Nam tại Paris, thì sang lãnh vực diễn thuyết, chúng ta càng thấy các vị có trách nhiệm ở đây quả có một ý thức sâu sắc về việc dùng mọi phương cách văn hóa để truyền đạt Tin Mừng và củng cố đức tin. Diễn giả các buổi diễn thuyết này là những thức giả đã được nhiều người biết đến. Chúng ta hãy liệt kê những nỗ lực này từ năm 1949 đến nay.

19-11-1949 Cộng sản Việt Nam công kích người Công Giáo Việt Nam ở những điểm nào? - Diễn giả Ông Bùi Thúc Duyên

29-04-1950 Công Giáo và tư bản. - Ông Trần Quang Ngọc

18-05-1950 Công Giáo tiến hành là gì? - Giáo Sư Nguyễn Huy Bảo và Mai Văn Hàm

27-03-1954 Đời sống thôn quê Việt Nam với vấn đề điền địa - Ông Ngô Đình Luyện

03-04-1954 Sứ mệnh người thanh niên trong xã hội Việt Nam - Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái

10-04-1954 Các chứng bệnh nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam - Bác sĩ Bửu Hội

30-04-1954 Đời sống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam - Giáo Sư Trương Công Cừu

29-05-1954 Thi ca dân tộc - Ông Lê Doãn Kim

22-02-1981 Hội đồng thượng đỉnh các Giám Mục 1980 với đời sống gia đình - Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm và Giáo Sư Trần Văn Cảnh

20-04-1981 Giáo dục gia đình Việt Nam tại Pháp - Linh Mục Bùi Đức Tín (P.Gastin)

15-10-1981 Hiện tượng giáo phái - Đức Ông Mai Đức Vinh

15-02-1982 Thảm cảnh người Việt Nam tại Pháp - Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm

14-05-1982 Hôn nhân dị giáo - Linh Mục Hoàng Quang Lượng.

17-10-1982 Hôn nhân xưa và nay - Ông Nguyễn Văn Hộ

23-03-1983 Quan niệm về trời - Linh Mục Vũ Dư Khánh

24-05-1983 Thánh Kinh trong gia đình - Linh Mục Nguyễn Chí Thiết

16-10-1983 Vấn đề điều hòa sinh sản - Bác Sĩ Vũ Ngọc Hoàn

25-02-1984 Giáo dục Việt Nam qua tác phẩm Đoạn Tuyệt - Linh Mục Trần Định

17-05-1984 Đi học được trả lương - Giáo Sư Trần Văn Cảnh, Luật Sư Nguyễn Tấn Thọ, Cán sự xã hội Huỳnh Thị Na

23-11-1984 Khác biệt giữa Do Thái Giáo, Công Giáo và Hồi Giáo.- Linh Mục Trần Định

07-03-1985 Những chứng bịnh nguy hiểm của xứ Tây - Bác Sĩ Tạ Thanh Minh và Bác Sĩ Trương Quân Vương

12-05-1985 Tâm trạng tuổi trẻ Việt Nam tại Pháp - Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm

23-11-1985 Sức khoẻ tiền hôn nhân - Bác Sĩ Tạ Thanh Minh và Bác Sĩ Phạm Văn Anh.

16-02-1986 An sinh xã hội liên quan đến người trẻ - Ông Nguyễn Hữu Bản, Đoàn Ngọc Hùng và Nữ Tu Têrêsa Na

17-04-1986 Đạo nào cũng giống nhau - Linh Mục Bùi Đức Tín, Đức Ông Mai Đức Vinh, Linh Mục Dương Như Hoan

26-06-1986 Thờ cúng tổ tiên - Ông Nguyễn Văn Hộ, Phó Tế Phạm Bá Nha

10-11-1986 Mê tín dị đoan của người Việt Nam - Linh Mục Bùi Duy Nghiệp và Ông Trần Louis.

16-04-1989 Việt Nam văn hóa, văn hiến, văn minh và văn chương - Học Giả Thái Văn Kiểm

11-11-1990 Thi sĩ Hàn Mặc Tử - Học Giả Thái Văn Kiểm

15-05-1992 Vua Quang Trung- nhân dịp kỷ niệm 120 năm trận Đống Đa - Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

15-05-1992 Bình và ngâm thơ Nguyễn Công Trứ, Đinh Hùng và Hồ Trọng Khôi - Nghệ Sĩ Bích Thuận và thi sĩ Hồ Trọng Khôi

15-03-1993 Alexandres de Rhodes - 400 năm sinh nhật - Giáo Sư Nguyễn Khắc Xuyên

17-10-1993 Văn Sĩ Gheoghiu qua tác phẩm giờ thứ 25 đến giờ vĩnh cửu - Giáo Sư Nguyễn Thị Hảo

09-07-1995 Gia đình và luật tài sản - Luật Sư Lê Đình Thông

04-08-1996 Sự nghiệp văn hóa và kiến trúc của Cụ sáu Trần Lục - Giáo Sư Trần Trung Lương và Thầy Phạm Bá Nha

22-12-1996 Hôn nhân và gia đình - Giáo Sư Trần Văn Cảnh

1997 Xã hội học gia đình Công Giáo Việt Nam - Luật Sư Lê Đình Thông

1998 Mạn đàm về hạnh phúc gia đình - Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh

1999 Chữ tình và chữ yêu - Bác Sĩ Nguyễn Văn Ái

05-04-1999 Mạn đàm về thơ - Nhà Thơ Vân Uyên, Minh Châu, Phương Du

07-05-2000 Đức cố Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn - Giáo Sư Thái Văn Kiểm, Giáo Sư Võ Thu Tịnh, Thầy Phạm Bá Nha, Luật Sư Lê Đình Thông.

29-04-2001 Đức Cha Nguyễn Bá Tòng - Thầy Phạm Bá Nha, Luật Sư Lê Đình Thông

07-04-2002 Petrus Trương Vĩnh Ký - Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Tiến Sĩ Trương Thị Liễu

04-05-2003 Nhà văn hóa Huỳnh Tịnh Của - Giáo Sư Trần Văn Cảnh

Sau khi duyệt xét những thành quả mục vụ văn hóa qua 3 lãnh vực: báo chí, sách vở, diễn thuyết, người đọc đều nhận thấy Giáo Xứ Việt Nam tại Paris đã đạt được những thành quả phi thường mà không một giáo xứ lớn nhỏ nào của Việt Nam có thể đạt được. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao một giáo xứ “không sang, không giàu”, số giáo dân không đông lắm, lại có thể là một mẫu mực để các giáo xứ khác soi chiếu trong lãnh vực mục vụ văn hóa? Đâu là những nguyên nhân giúp giáo xứ Việt Nam thành công trong lãnh vực này? (còn tiếp)

Ngày mai: Phân tích những nguyên nhân đưa đến thành công trong Mục Vụ Văn Hóa Tại Giáo Xứ Việt Nam Ở Paris