BÍCH THUẬN : TỪ ÁNH ÐÈN SÂN KHẤU ÐẾN ÁNH SÁNG ÐỨC TIN

Hồi ký Bích Thuận : Từ làng Vân Hồ đến UNESCO là tâm bút của nữ nghệ sĩ Bích Thuận, kể lại sự nghiệp sân khấu, từ quê ngoại ở làng Vân Hồ gần phố Huế - Hà Nội đến trụ sở UNESCO - Paris. Hai địa danh có nhiều điểm tương đồng :

- Làng Vân Hồ là một UNESCO thu nhỏ : giáo dục là trường làng cổ học; văn hóa là nếp sống dân gian thể hiện văn minh nước Việt, khoa học là kỹ thuật nông nghiệp ngàn năm.

- UNESCO là tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên Hiệp Quốc, trụ sở đặt tại kinh thành ánh sáng. Nữ nghệ sĩ tiếp nhận tinh hoa văn hóa đầu đời ở làng Vân Hồ và làm rạng danh đất nước từng hun đúc tài danh tại cung điện văn hóa thế giới Paris : palais de l’Unesco, như danh hiệu chính thức.

Ngoài ra, thành Thăng Long và thủ đô Paris đều có truyền thống giáo dục đại học lâu đời. Trong diễn văn ngày 28-10-2002, tổng thống Pháp Jacques Chirac nhắc lại Văn Miếu ở Hà Nội và Sorbonne ở là hai cơ sở đại học tiên phong : Văn Miếu được lập năm 1070 và Quốc Tử Giám : 1076; đại học Sorbonne lập năm 1257.

Từ làng Vân Hồ đến UNESCO kể lại cuộc hành trình của nữ nghệ sĩ, khởi nghiệp ở Hà Nội, hiện cư trú tại Paris. Tập hồi ký là tâm bút với cách kể chuyện chân thành, ý nhị và hồn nhiên. Nhiều nơi nhiều lúc, người đọc trở thành khán giả và tác giả là diễn viên, làm sống lại nhiều tuồng tích lừng danh của sân khấu cải lương.

Từ làng Vân Hồ đến UNESCO là chặng đường dài nửa thế kỷ. Một chặng đường bao giờ cũng được soi sáng bằng ánh sáng. Sự nghiệp sân khấu của nữ nghệ sĩ Bích Thuận được thăng hoa là nhờ ánh đèn mầu. Trong suốt đường dài thiên lý, tác giả điểm xuyết bằng đức tin công giáo. Ánh đèn mầu chỉ là sự phân tách từ quang phổ (prisme) vốn vô sắc tinh tuyền. Tác giả tổng hợp ánh đèn mầu sân khấu thành ánh sáng đức tin nhiệm mầu.

Từ làng Vân Hồ đến UNESCO là cầu vồng bẩy sắc (arc-en-ciel) nối liền quê ngoại và quê người. Bài viết sau đây chủ yếu nhìn lại ánh đèn mầu và ánh sáng đức tin trong cuộc hành trình nghệ thuật của nữ nghệ sĩ Bích Thuận.

I - ÁNH ĐÈN SÂN KHẤU :

Sự nghiệp cầm ca nhiều khi được đưa đẩy bằng một sự tình cờ : một ngày nên nghĩa chuyến đò nên duyên. Cuối thập niên 40 của thế kỷ truớc, bà ngoại của Bích Thuận cho đoàn hát Nhật Tân Ban thuê dẫy nhà năm gian. Trong số người thuê nhà có nữ nghệ sĩ Vân Thái. Những ngày Nhật Tân Ban nương náu ở quê ngoại đã khiến Bích Thuận gần gũi và yêu mến nghệ thuật. Năm Bích Thuận lên 10 nhằm lúc Nhật Tân Ban mở lớp Đồng ấu. Bích Thuận và em là Tường Vi có trong số 20 nữ học viên và 18 nam sinh theo học lớp kịch nghệ. Buổi sáng học côn, kiếm, quyền, võ thuật do võ sư Trần Quang Quyền hướng dẫn; chiều học văn chương, tuồng cổ và ca hát với giáo viên Đoàn Bá Chính. Sau ba tháng học, Bích Thuận đã diễn chung với Kim Chung, Vân Thái sau này là những tên tuổi màn nhung. Chủ gánh người Tầu phải làm lại giấy khai sinh cho Bích Thuận, tăng thêm 5 tuổi để đủ điều kiện công diễn theo tuổi lao động thời bấy giờ. Bích Thuận và Tường Vi theo đoàn hát vào Nam lưu diễn suốt ba năm, thủ diễn các vai gái, trai, lão, mụ, hề, thương, lẳng, độc. Trong suốt thời gian này, Bích Thuận cùng em chỉ nhận tiền quà, không lương; không những vậy còn bị ém tuồng. Bích Thuận phải sang đầu quân đoàn hát Tố Như. Khách mộ điệu Hà thành đồn đãi : ‘‘Nhật Tân Ban trồng cây, Tố Như ăn quả’’. Đối với Bích Thuận, mỗi lần thay đổi là một cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp cầm ca.

Gánh Tố Như dựng các vở tuồng phóng tác từ văn học nước nhà như Kim Vân Kiều của Tố Như Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Trương Chi Mỵ Nương hoặc tuồng tích mượn từ tình sử Trung Quốc như Tây Thi Phạm Lãi, Chiêu Quân Cống Hồ. Trong vở tuồng Kim Vân Kiều, Bích Thuận giả trai, thủ vai Kim Trọng thể hiện phong cách văn nhân nho nhã khiến học giả Đàm Quang Thiện có lời bình :

Nếu Kiều còn sống ở đời,

Gặp Bích Thuận tưởng (là) người tình xưa.

Hài văn vừa bước chân ra,

Một trời chan chứa gần xa sóng tình.

Đoàn Tố Như trụ diễn ở rạp Trung Quốc phố Hàng Bạc Hà Nội. Sau đó, Tố Như vào Nam lưu diễn. Nữ nghệ sĩ Bắc thành Bích Thuận sớm tạo được tên tuổi ở miền Nam vốn là cái nôi của sân khấu cải lương.

Từ làng Vân Hồ đến UNESCO thuật lại những bước thăng trầm cuộc đời nghệ sĩ, trong bối cảnh chung của đất nước, đặc biệt là của sân khấu cải lương. Năm Bích Thuận khởi nghiệp cầm ca, lịch sử cải lương vừa qua mấy năm chập chững, bước vào giai đoạn trưởng thành :

- Năm 1910, một nhóm cải lương tài tử tiên phong do nhạc sĩ Nguyễn Tống Triều lập tại Mỹ Tho. Ngoài nhạc sĩ Tư Triều sử dụng đờn kìm còn có Bẩy Võ đờn cò, Hai Nhiễu đờn tranh, Chín Quán độc huyền, Mùi Lý thổi tiêu và cô Ba Đắc độc diễn.

- Năm 1920, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác ca khúc Dạ Cổ Hoài Lang. Số là nhạc sĩ Văn Lầu lấy vợ 10 năm vẫn chưa có con, bị gia đình ép bỏ vợ. Trước khi ly biệt, vợ chồng ra đồng nỉ non tâm sự. Nhạc sĩ bèn cảm tác bản Dạ Cổ Hoài Lang, có nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống điểm canh chợt nhớ chồng. Sau đổi thành Vọng Cổ Hoài Lang, có nghĩa là trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng. Từ đó phát sinh thành ngữ ‘‘ca vọng cổ‘‘. Bài Vọng Cổ Hoài Lang có 6 câu như sau :

Từ là từ phu tướng

Bửu kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Đêm năm canh mơ màng

Em luống trông tin nhàn

Ôi, gan vàng quặn đau.

- Năm 1931, cải lương Nam Bộ bắc tiến. Từ đó hình thành bộ môn cải lương trên đất Bắc, sánh chung với gánh chèo và hát tuồng.

- Năm 1940 đánh dấu giai đoạn phát triển của sân khấu cải lương nhờ nghệ sĩ Năm Châu du nhập kỹ thuật kịch nghệ Pháp. Kịch bản Đời Cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang đã đổi mới sân khấu cải lương về thể tài cũng như về nội dung, hình thành một thể loại mới mang tên tuồng xã hội. Khán giả theo dõi kịch bản sống động phản ảnh xã hội đương thời, buồn hơn vui, sót sa cho những cảnh đời hiu quạnh.

Bích Thuận là nữ diễn viên đa tài, không những thành công trong tuồng cổ mà còn được mến mộ qua nhiều kịch bản xã hội do các đại ban dàn dựng : Gánh Hàng Hoa trên sân khấu Phụng Hảo, Hoa Rơi Trên Cửa Phật của đoàn Nam Phi (nghệ sĩ Năm Phỉ), nhất là vở Vụ Án Giết Chồng của soạn giả Phong Trần Tiến, phóng tác từ vụ án giết chồng xẩy ra ở Hà Nội, tương tự như vụ án cô Hườn đốt chồng ở Saigon. Trong hồi ký, Bích Thuận tự thuật :

- Lúc đó, tôi quên mình là nữ nghệ sĩ Bích Thuận mà tôi chỉ biết mình là cô Cúc. Tôi khóc như mưa, khóc không sao cưỡng được. Và khi vở hát chấm dứt, tôi mệt mỏi vô cùng vì suốt gần hai tiếng đồng hồ, tôi sống bằng con người khác, một con người bị phụ bạc nên phải còng lưng với gánh nặng hệ lụy quá nhiều. (tr.165)

Tập hồi ký Bích Thuận : Từ làng Vân Hồ đến UNESCO nhắc đến nhiều nghệ sĩ đương thời của sân khấu màn nhung, những tên tuổi như Năm Phỉ, Phùng Há, Bẩy Nam, Ba Vân, Năm Châu, Phong Trần Tiến bên cạnh Tường Vi, Thanh Nga, Bích Sơn, Bích Thủy; nhiều tài danh của nhiều bộ môn khác, một số mới chập chững vào nghề : Hai nữ ca sĩ Thái Hằng và Thái Thanh vì ở liên khu V mới ra thành nên chưa thành thạo về cách trang điểm dưới ánh đèn sân khấu. Hai cô cứ theo hỏi tôi làm cách nào để hóa trang cho ăn ánh đèn rọi. (tr. 137). Ngoài ra, còn Mộc Lan, Khánh Ngọc, Hoài Trung, Hoài Bắc; nhạc sĩ sáng tác có Phạm Duy, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Đan Trường, Trần Văn Trạch, Canh Thân; diễn viên màn bạc có Bích Sơn, Kiều Chinh, Lê Quỳnh : Trong hàng ngũ thí sinh tham dự giải Hoa hậu Đông phương có Kiều Chinh. Từ đó, Kiều Chinh vụt nổi tiếng để đạo diễn Lê Dân mời đóng vai chính trong phim Hồi Chuông Thiên Mụ bên cạnh Lê Quỳnh. (tr. 83 ), soạn gia và kịch tác gia lỗi lạc có Năm Châu, Trần Hữu Trang, Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng; nhà văn có Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo; các nghệ sĩ diễn ngâm như Hồ Điệp, Nguyên Thanh, Nguyễn Đình Toàn.

Ngoài bộ môn sân khấu, Bích Thuận còn là diễn viên màn bạc, nghệ sĩ diễn ngâm của ban Tao Đàn, diễn ca quan họ trữ tình, ca sĩ tân nhạc Việt Nam và nhạc Pháp, với các ca khúc như J’attendrai, Plaisir d’amour, Marinella.

Nữ nghệ sĩ Bích Thuận tạo được tên tuổi vững vàng là nhờ thiên khiếu và sự tập luyện khổ công. Bích Thuận được mến mộ qua nhiều lãnh vực khác nhau. Nhưng thành công nhất là sân khấu cải lương. Cải lương dung hợp tân cổ nhạc, thi ca, võ thuật, trang trí sân khấu vốn là sở trường của Bích Thuận. Trong nghệ thuật diễn xuất, Bích Thuận biết kết hợp giữa giọng ca thiên phú và tài diễn xuất tuyệt vời để tạo một bản sắc riêng. Nữ nghệ sĩ thâu thái những ưu điểm của sân khấu Trung Quốc và Pháp trong những năm tu nghiệp ở Paris. Bích Thuận gieo câu, nhả chữ uyển chuyển; ngưng lặng, luyến láy khiến ca khúc lượn thu ba, khác với với kỹ thuật đổ hột của Phùng Há. Nữ nghệ sĩ nhập vai tài tình, sống với nhân vật. Tác giả tâm sự : Khi bắt đầu hiểu biết khá sâu rộng về nghệ thuật ca diễn, tôi có quan niệm như sau : thủ vai chính hay thủ vai phụ là điều không đáng kể, miễn sao mình có thể phô diễn tài nghệ. (tr. 35)

Tài nghệ trác tuyệt của Bích Thuận khiến sân khấu không còn là sân khấu và khán giả không còn là khán giả. Bích Thuận xóa đi sự ngăn cách giữa chủ thể và khách thể, mời gọi khán giả nhập cuộc, vui buồn với nhân vật, khóc cười với nhân tình thế thái : Réjouissez-vous avec qui est dans la joie, pleurez avec qui pleure (Bible).

Bích Thuận : Từ làng Vân Hồ đến UNESCO ngoài ánh đèn mầu rực rỡ còn là ánh sáng đức tin. Ánh sáng này trong sáng và bền bỉ, giải thích vì sao Bích Thuận lúc nào cũng lạc quan, tin yêu vào cuộc sống thăng trầm trong hơn nửa thế kỷ cầm ca : trong nước và tại hải ngoại, trong tuổi thanh xuân và :

Nhân sinh nhất nhị cổ lai hy,

Bách tuế rồi ra cũng có khi.

Chúa, Mẹ ban ơn còn mạnh khoẻ,

Thế gian hơn thiệt có màng chi.

(thơ bác sĩ Trần Kim Tuyến) (tr. 191)

Phần II sau đây chủ yếu nhận diện ánh sáng đức tin trong sự nghiệp cầm ca của nữ nghệ sĩ Bích Thuận.

II - ÁNH SÁNG ĐỨC TIN :

Bích Thuận : Từ làng Vân Hồ đến UNESCO thể hiện ánh đèn sân khấu, điểm xuyết nhiều câu nhiều đoạn mang âm hưởng công giáo. Nữ nghệ sĩ Bích Thuận thuật lại chất liệu tôn giáo keo sơn hun đúc tâm hồn như sau :

- Nhớ lại khoảng thời gian tôi học trường Bà Sơ từ 7 tuổi cho tới khi 10 tuổi, thật là một thời thanh bình, trong sáng và an ổn trong sự yêu thương, dạy bảo và che chở của các sơ. (…) Tôi chịu ảnh hưởng nhiều đức tính cao quý của các sơ : yêu thương giúp đỡ tha nhân, xóa bỏ thù hận…Trên đường từ trường học về nhà, lúc nào tôi cũng đọc kinh. Mẹ tôi cho tôi một xu để ăn quà, nhưng tôi không ăn quà, lại đổi 6 đồng Bảo Đại để đến chiều thứ bẩy cho kẻ nghèo khó trong dịp tôi đi lễ Dòng Chúa Cứu Thế. (tr.31)

Trong tập hồi ký, Bích Thuận thường bầy tỏ tình tự tôn giáo :

- Tôi là người công giáo ngoan đạo. (tr. 76)

- Tôi noi gương thánh Jean mở tấm lòng bác ái và cảm thông với mọi lớp người. (tr. 77)

Khi diễn tuồng xã hội, nữ nghệ sĩ thể hiện lòng nhân ái, sót thương, không bằng 6 đồng Bảo Đại, mà qua 6 câu vọng cổ hoặc những lời đối đáp đầy tình người.

Bích Thuận : Từ làng Vân Hồ đến UNESCO có tấm hình Bích Thuận lưu niệm cạnh tượng Charlot ở Lausanne (Thụy Sĩ) (tr. 66). Năm 1952, thời kỳ nữ nghệ sĩ Bích Thuật đạt tuyệt đỉnh danh vọng, Charles Chaplin cho ra mắt Limelight. Tác phẩm điện ảnh bất hủ này đưa ra hình ảnh tương phản giữa giữa sân khấu và cuộc đời, giữa vinh quang và suy tàn, giữa nữ diễn viên Terry tài sắc và Calvero kiệt quệ. Nhạc đề là ca khúc Limelight do Chaplin sáng tác, mở đầu là cung đàn thăng hoa, nối liền với đối âm giáng hạ. Limelight cực tả ánh đèn sân khấu trong cuộc đời nghệ sĩ.

Không có ánh sáng đức tin, cuộc đời nghệ sĩ nhiều khi chỉ nối tiếp bằng đối âm giáng hạ, tương phản với ánh đèn mầu rực rỡ. Nữ nghệ sĩ Bích Thuận là một ngoại lệ. Ánh đèn sân khấu chỉ liên hệ đến cuộc đời ca hát. Ánh sáng này không chiếu nổi hậu trường tăm tối, nói chi đến cuộc đời. Vì vậy, cần có ánh sáng đức tin soi sáng cõi u minh còn lại, giới hạn sự bạo phát rồi tàn phai của ánh đèn sân khấu, như nhạc đề Limelight.

Ánh sáng đức tin dẫn cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của nữ nghệ sĩ Bích Thuận từ làng Vân Hồ đến UNESCO. Đức Ông Lorenzo Frana, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh đứng ra bảo trợ sinh hoạt văn nghệ đầy ý nghĩa này, vinh danh nữ nghệ sĩ Bích Thuận đồng thời đem lại niềm vinh dự cho người Việt tại Pháp. Trong cuộc hội diễn văn nghệ này, linh mục Jean Mais mượn ca dao, kết luận lời phát biểu cổ võ về nguồn :

Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

‘‘ Ao nghệ thuật’’ của nữ nghệ sĩ Bích Thuận thơm ngát hương sen, luôn trắng trong dù phải trầm luân nghịch cảnh. Hoa sen hương sắc thể hiện tâm nguyện của nữ nghệ sĩ :

- Ba lẽ sống mà tôi theo đuổi là tôn giáo, nghệ thuật cầm ca và hạnh phúc gia đình. (tr. 125)

Cả ba đều trọn tình vẹn nghĩa với Bích Thuận :

- Tôn giáo là alpha và oméga, là ban mai và chiều tàn của kiếp người.

- Nghệ thuật cầm ca là khai tấu khúc (ouverture) và chung khúc (finale) một đời sân khấu.

- Gia đình là tình phu thê. Từ lễ thành hôn hôn năm 1954 đến 2004 là tròn 50 năm. Sớm như tơ mà tối đã như gương, như câu thơ Lý Bạch.

Bích Thuận : Từ làng sự trọn vẹn của cả ba lẽ sống. Để kết luận cho bài nhận định ngắn về hồi ký của nữ nghệ sĩ Bích Thuận, tôi chép bài thơ đề tặng của thi sĩ Lương Nhi Tử (tr. 255) :

Có lòng với nước với non,

Tâm hồn nghệ sĩ tươi son đến cùng.

Kịch trường sân khấu chiếu chung,

Chữ Hòa đã hẳn chữ Đồng khác xa.

‘‘Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chư Tài.’’ (N.D.)

Tâm, Tài gồm đủ mấy ai ?

- Tài đây là ánh đèn sân khấu.

- Tâm chan hòa ánh sáng đức tin.

Ngày Văn hóa Giáo Xứ.(18-4-2004) (Giaoxuvn.org)