GIÁO XỨ VINH PHÚ

Sau hiệp định Genève 20-7-1954 : trong lớp người di cư vào Nam, có một đoàn người đa số gốc giáo xứ Tân Yên, Nghệ An, trôi dạt đến bờ biển Thương Chánh (Phan Thiết)... Giáo xứ Vinh Phú hình thành tại đó, trong bối cảnh hoang mang của lịch sử. Cộng đoàn Vinh Phú quây quần dưới sự chăm sóc của cha Thái Quang Nhàn, chính xứ đầu tiên (1954).

Số giáo dân lúc đó khoảng 2000. Từ ngày thành lập 1954 đến 1975, giáo xứ phải trải qua bao khó khăn do kinh tế yếu kém, dân chúng đại đa số sống bằng nghề biển. Tuy nhiên, đức tin thì nồng nàn như muối mặn. Dưới bóng tháp chuông cao vời vợi, đã in bóng các vị chủ chăn : cha Thái Quang Nhàn (1954-1956), cha Hồ Ngọc Cai (1957-1968), cha Vũ Đình Hoạt (1960-1961), cha Trần Phúc Định (1962-1964), cha Nguyễn Văn Học (1968-1972), cha Nguyễn Sơn Ngà (1970-1972), cha Hoàng Thái Ân (1972-1973), cha Nguyễn Huy Quyền (1973-1975), cha Thái Quang Nhàn (1975-1979), cha Hoàng Văn Khanh (1988-1996), cha Nguyễn Tiến Huynh (1997...)

Về cơ sở vật chất, lúc khai sinh giáo xứ, nhà thờ chỉ là một dãy nhà lợp tôn, vừa nóng lại vừa ẩm thấp, lặng lẽ trên cát trắng. Năm 1956, khởi công xây dựng nhà thờ mới bằng vật liệu tự chế, lấy vỏ nghêu sò trộn ximăng mà đúc khuôn. Nhà thờ và tháp chuông đều mang dáng dấp nhà thờ tháp chuông của Tân Yên, như gợi nhớ về giáo xứ quê Mẹ.

Biến cố lịch sử 30-4-1975, một số giáo dân Vinh Phú lần lượt vượt biển ra sống ở nước ngoài, số giáo dân ở lại còn khoảng 1400. Nhà cửa của những người vượt biển di cư để trống đều được Nhà Nước giao cho cán bộ công nhân viên và bà con sử dụng, tất cả đều bên lương. Làm cho bà con lương và giáo sinh sống xen lẫn nhau, cận kề nhau, mà không có sự đoàn kết.

Thế rồi, một biến cố đau thương làm bà con Vinh Phú rụng rời : tối ngày 27-4-1979 Nhà thờ Vinh Phú bị chính quyền ra lệnh đóng cửa, và cha xứ Thái Quang Nhàn bị tạm giữ ! Đoàn chiên mất chủ, sửng sờ chen lẫn buồn tủi đau thương, phải xin nấp bóng cha Đặng Đình Chẩn và nhà thờ giáo xứ Đông Hải, còn Nhà thờ Vinh Phú chịu cảnh hoang vắng lạnh lùng...

Mãi đến tháng 2/1988 Vinh Phú mới có cha xứ mới : cha Hoàng Văn Khanh, nhưng vì nhà thờ chưa được mở cửa lại, nên cha Hoàng Văn Khanh phải ở tại nhà xứ Đồng Hải. Tháng 4/1990 chẳng những nhà thờ được mở cửa, mà Nhà Nước còn cho phép đại trùng tu, cha Hoàng Văn Khanh đã đại tu mới theo kiểu kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét phảng phất hoài hương quê Mẹ Tân Yên. Nhà xứ cũng được trùng tu, và còn xây mới một nhà văn hoá rộng rãi xinh xắn.

Từ đây, cùng với thời đổi mới, đời sống đạo - đời Vinh Phú có chiều phát triển mạnh: các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành được lập lại và phát triển, Legio, Gia trưởng, Bà Mẹ Công Giáo, Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh Thể...

Kinh qua 46 năm phát triển, khi thuận lợi lúc khó khăn, giáo xứ Vinh Phú đã cống hiến cho Hội Thánh 7 linh mục, trong số có 2 cho giáo phận nhà, 6 nữ tu, và một ít dự tu nam nữ. Trình độ văn hoá được nâng lên trông thấy : hiện có 13 tốt nghiệp đại học, 32 đang học đại học và 87 học sinh cấp 3.

Là một giáo xứ nằm trên hành lang du lịch của Phan Thiết, Vinh Phú đang quyết tâm phát triển đa dạng Đạo - Đời, hầu làm sáng danh Chúa, và để đem lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách tham quan.