CHƯƠNG BỐN : TƯ DUY TRỪU TƯỢNG - KHẢ NĂNG SUY LUẬN

- Trong các giai đoạn truớc đây, trẻ em thường nhảy vọt lộn xộn từ ý tưởng nầy qua ý tưởng khác. Từ đây, các em học tập nối kết các ý tưởng lại với nhau một cách hợp lý, bằng cách tìm ra lý do và hậu quả : Ghi nhận sự kiện, nêu lên ý nghĩa và rút ra kết luận.

- Khi trẻ em diễn tả tình cảm và xúc động, chúng ta cần khuyến khích các em suy nghĩ, bằng cách học mô tả hoàn cảnh khách quan. Từ đó, tìm ra nhu cầu và ước nguyện. Và khi gọi tên các xúc động, các em cần xác định thêm cường độ.

- Mục đích của suy luận là giải quyết vấn đề : tại sao chọn lựa cách làm nầy và loại trừ cách làm khác? Ảnh hưởng do cách làm ấy tạo nên, là những gì?

- Tìm hiểu mình : Tại sao? Cái gì là quan trọng? Ước mơ? Có thể biến ước mơ thành hiện thực không? Bắt đầu từ đâu?…

- Tìm hiểu người khác, nhất là khi phải thương lượng : Phân biệt yêu cầu và đòi hỏi, nhu cầu của chính mình và điều kiện thực tế của người khác. Sau 5 tuổi, trẻ em cần môi trường hóa, mỗi lần diễn tả ý muốn của mình.

TƯ DUY TRỪU TƯỢNG :

- Khả năng trả lời những câu hỏi : Điều gì? Ở đâu? Khi nào? Thế nào? Tại sao?

- Khả năng so sánh, đối chiếu, xếp loại bằng cách phân biệt nhiều phạm trù khác nhau.

- Khả năng tìm hiểu, giải thích những tương quan nhân quả giữa hai yếu tố khác nhau. Nếu tôi thực hiện A, sẽ có B xảy ra. Vì A, tôi cảm thấy B.

- Khả năng phân chia những chủ đề rộng lớn thành nhiều chi tiết. Tôi vừa nhìn rừng bao la, đồng thời tôi cũng thấy được nhiều cây khác nhau.

- Khả năng nhận thức về số lượng, thời gian và không gian. Đồng thời tôi hiểu được những cấp độ lớn hơn, nhỏ hơn, nhiều hơn, ít hơn.

- Khả năng nhận thức và trình bày về đời sống xúc động và tình cảm, diễn tả các thể loại khác nhau.

NHỮNG CẤP ĐỘ DIỄN TẢ TÌNH CẢM VÀ XÚC ĐỘNG :

- Thứ nhấtdiễn tả bằng hành vi cụ thể còn được gọi là TÁC HÀNH. Trẻ em đánh đập lung tung vì tức giận, đến ôm choàng vì thương yêu. Với thể thức diễn tả nầy, trẻ em chưa ý thức và nhận biết thực chất của xúc động là gì. Các em cảm thấy bị thúc ép phải thực thi một hành vi. Các em bị khống chế và sai khiến do một động lực từ bên trong, mà các em chưa thể gọi tên, kiểm soát hay là điều hướng một cách chủ động, với tư cách là một chủ thể ý thức trọn vẹn về nội tâm của mình.

- Thứ hai DIỄN XUẤT nghĩa là dùng những con vật hay là búp-bê, để bày tỏ những gì có mặt trong nội tâm. Chính trẻ em không làm trực tiếp, không đưa tay đánh đập …Các em chỉ « đạo diễn », nhìn từ ngoài một tình huống. Những hành động của búp-bê là một loại ngôn ngữ.

- Thứ ba dùng ngôn ngữ trình bày xúc động như là thực trạng của chỉ một thành phần hay một bộ phận thuộc cơ thể. Tay tôi tức giận. Mắt tôi buồn. Tim tôi lo.

- Thứ bốndiễn tả xúc động như một tình huống bên trong của tâm hồn, bao gồm hai loại tiêu cực và tích cực đang còn rất mơ hồ và tổng quát. Hôm nay tôi thấy trong mình dễ chịu. Trái lại, ngày qua tôi rất khó chịu.

- Thứ nămsử dụng một từ riêng biệt nhằm diễn tả một tâm trạng nhất định, không đồng hóa với những tâm trạng khác. Tôi buồn, tôi sợ, tôi tức giận, tôi sung suớng….

- Bao nhiêu tiến bộ của trẻ em không xảy ra một cách đồng đều, đồng dạng, trong cùng một lúc, với tất cả mọi xúc động .Trong lãnh vực tức giận, trẻ em có thể còn ở giai đoạn tác hành. Đương khi đó, nó có thể dùng ngôn ngữ khá chính xác, để mô tả lòng yêu thương của mình, với nhiều sắc độ khác nhau.

- Mục đích cuối cùng của công việc diễn tả là HÓA GIẢI hay là làm chủ tình hình xúc động, bằng bốn bước đi lên như sau:

- Bước Một ý thức : tôi gọi tên xúc động đang xuất hiện.

- Bước Haimô tả hoàn cảnh còn mang tên là môi trường hóa : tôi đang thấy và nghe gì, nghe ai, ở đâu, thế nào …

- Bước Bakhám phá nhu cầu : tôi cần gì? Ưu tiên 1, 2, 3 là gì?

- Bước Bốný định và ước vọng :Tôi chọn ai để giúp đỡ tôi ? Tôi xin bằng cách nào ? Trường hợp họ từ chối, lối thoát sẽ như thế nào?

Nói tóm lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù trầm trọng đến đâu, TÔI LÀ CHỦ THỂ, tôi không bao giờ là nạn nhân của một ai. Chính tôi là tác giả làm nên đời tôi.

NHỮNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA TƯ DUY TRỪU TƯỢNG

- Giai đoạn một : Trẻ em diễn tả quan hệ nhân quả giữa hai ý tưởng. Mặc dù đã biết dùng ngôn ngữ, các em vẫn còn bám chặt vào những đòi hỏi tức khắc của xúc động. Vào giai đoạn nầy, các em chưa biết trì hoản lại, chưa biết chờ đợi hay là hình dung, dự phóng một lối giải quyết sẽ chỉ đến sau này.

- Giai đoạn hai : Nhờ khả năng tư duy trừu tượng chớm nở, trẻ em bắt đầu hình dung một lối thỏa mãn chưa có sẵn, nhưng sẽ tới sau này. các em cũng có thể thấy mình trong tương lai và hình dung một lối giải quyết với những người và sự vật hiện không có mặt.

- Giai đoạn ba : Tư duy của trẻ em, từ trước cho đến giai đoạn nầy, chỉ biết phân biệt rõ ràng HOẶC trắng HOẶC đen, hoặc xấu hoặc tốt. Từ đây, các em nhận thấy có nhiều sắc độ ở giữa hai điểm cực đoan ấy. Cũng vậy, theo cách các em nhận xét, trong khi tức giận, các em có thể có những xúc động khác xuất hiện cùng một lúc. Nhờ những tiến bộ nầy, các em bắt đầu xếp đặt, so sánh những xúc động theo những tiêu chuẩn quan trọng và ưu tiên.

- Giai đoạn bốn : Trẻ em biết phân biệt một điều đang thực sự xảy ra bây giờ và một điều đã xảy ra trước đây trong quá khứ. Hai điều ấy có thể rất khác xa nhau. Cũng vậy, trong chính bản thân của các em, cùng một lúc, các em có thể có hai ý kiến hay là hai tình cảm tương phản với nhau. Chẳng hạn, trong hiện tại, bạn làm tôi khó chịu, bực mình. Nhưng thông thường, trong những tiếp xúc trao đổi hằng ngày, bạn rất dễ thương. Cho nên tôi sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của bạn.

Nhờ cân nhắc và biết suy nghĩ như vậy, trẻ em bắt đầu có ý thức về mình, ý thức về những giá trị và chí hướng của đời mình. Từ đó, các em biết đánh giá những hành vi sai trái. Cũng dựa vào đó, các em có khả năng chế ngự những ý thích bột phát, những sức ép của bản năng.

Thay vì sợ bị phạt hay là muốn làm vui lòng người lớn, các em có thể chọn lựa và quyết định một hành động, theo những tiêu chuẩn đạo đức, do chính mình thiết định từ bên trong nội tâm.

Thông thường, nếu không có những vấn đề chậm phát triển, một thanh thiếu niên sẽ thâu đạt kết quả của giai đoạn nầy, vào lứa tuổi từ 12-14.

- Giai đoạn năm : Trẻ em có khả năng GIẢ ĐỊNH, bằng cách hình dung, phác họa tương lai với bao nhiêu chân trời khác nhau. Người thanh niên từ 16 đến 18 tuổi, trước ngưỡng cửa của cuộc đời, biết cân nhắc những sở trường và sở đoãn của mình, để quyết định và chọn lựa con đường nào thích hợp cho mình. TRƯỞNG THÀNH có nghĩa là đảm trách một cách can trường và sáng suốt, mọi hệ lụy phát xuất tứ quyết định của mình.

Tư duy giả định ấy đòi hỏi chúng ta cũng như mọi người phải có khả năng sáng tạo cùng một lúc trong nội tâm, hai loại ý thức khác nhau : ý thức về thực tế, thực tại của mình và ý thức về một viễn tượng hiện thời chưa có, nhưng đang được chính mình tiên liệu, dự phóng và quyết chí thực hiện với từng bước đi lên hằng ngày.

***

Tiến trình hình thành của tư duy trừu tuợng qua năm giai đoạn trên đây, không thể xuất hiện một cách đột biến. Trái lại, đó là thành quả của một công trình học tập, tôi luyện lâu dài của con người, suốt thời gian từ 0 đến 20 tuổi.

Phần vụ của cha mẹ và thầy cô là hướng dẫn, soi sáng, nâng đỡ và vun tưới. Thay vì áp đặt từ ngoài và từ trên, cho trẻ em bao nhiêu là mộng mơ, dự định, nhu cầu của chính mình, chúng ta hãy bắt đầu từ những sáng kiến rất đơn sơ của trẻ em như một liếc nhìn, một cách phát âm, một cử động… Nhờ trao đổi qua lại hằng ngày với người lớn, trong một quan hệ hài hòa, tạo tin tưởng, vui thích, gắn bó và tôn trọng, mỗi trẻ em sẽ dần dần phát huy hạt mầm làm người, qua những giai đoạn và cấp độ tăng trưởng, tùy vận tốc riêng biệt của từng em.

LỜI NÓI CUỐI

BẦU TRỜI VÀ VẦNG TRĂNG CHO TRẺ EM

Để tóm lược tất cả chương trình giáo dục và dạy dỗ, mà tôi đã đề nghị, chúng ta cần ghi nhận những điểm thiết yếu sau đây :

- Có mặt với trẻ em, lắng nghe các em, sẵn sàng nâng đỡ, mỗi khi các em cần, tạo mọi điều kiện thuận lợi, để các em dần dần làm quen với môi trường sinh thái chung quanh.

- Không ngừng tận dụng mọi cơ hội, để thiết lập quan hệ tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, nhằm tạo cho các em một đời sống vui thích và sung sướng, có đầy đủ an toàn nội tâm.

- Trong những sinh hoạt hằng ngày, trẻ em được khuyến khích trở nên chủ động, đưa ra những sáng kiến, thay vì ngồi chờ một cách bị động, mọi cái từ phía người lớn ban xuống...

- Với bất kỳ nội dung gì và trong tất cả mọi hoàn cảnh, trẻ em cần tiếp thu và hội nhập từ từ ba bài học sau đây : một là tiếp xúc và trao đổi, hai là diễn tả xúc động và tình cảm, ba là khám phá và tuân hành những qui luật tất yếu thuộc đời sống làm người.

Lẽ đương nhiên, không một ai trong chúng ta là con người hoàn hảo, không bao giờ sai lầm. Để có thể dạy trẻ em, chúng ta cần phải học suốt đời. Học với người có chuyên môn. Học với chính con em của chúng ta. Học từ những sai lầm hằng ngày.

Có lẽ, đó là vị thầy dạy hay nhất, nếu chúng ta biết mở mắt nhìn, biết lắng tai mà nghe. Tuy nhiên, chúng ta cần mỗi ngày khắc phục hay là hóa giải bốn sai lầm rât hiểm độc, luôn luôn nằm vùng đâu dó trong tác phong của chúng ta và khả dĩ làm băng hoại mọi loại mần non đang vươn lên nơi trẻ em:

- Thứ nhấtđộc tài và bao che bằng cách điều khiển, lèo lái, kiểm soát tất cả. Trẻ em sẽ trở nên bị động, đồ vật... không có sáng kiến và nghị lực, hay là phản động, đập phá, bạo hành.

- Thứ haisống xa cách, lạnh lùng, lãnh đạm. Trẻ em sẽ cảm thấy mình vô phúc, bất hạnh, thiếu nơi nương tựa.

- Thứ bakhông tham dự vào những trò chơi của trẻ em. Trẻ em sẽ thiếu người nâng đỡ, hướng dẫn. Chơi với trẻ em là cách hướng dẫn tuyệt diệu hơn mọi cách khác. Nhờ vào cách làm nầy của người lớn, trẻ em sẽ từ từ hội nhập những qui luật hay là những cấu trúc có mặt trong môi trường thực tế và văn hóa.

- Thứ bốnkhông học cách hóa giải xúc động và tình cảm. Cho nên, khi chúng ta bị tràn ngập và bùng nỗ, chính con em trở nên những nạn nhân đầu tiên của chúng ta

Để kết thúc, tôi xin phép Thi sĩ Thanh Nguyên cho phép tôi sở hữu hóa nghĩa là nhận làm của mình những vần thơ sau đây :

« Mẹ là người đã cho con cái tên riêng

« Trước cả khi con bật lên tiếng MẸ.

« Mẹ :

« Cái tiếng gọi từ khi bập bẹ

« Đến lúc trưởng thành

« Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu.

« Mẹ :

« Có nghĩa là bắt đầu

« Cho Sự Sống, Tình Yêu, Hạnh phúc.

« Mẹ :

« Có nghĩa là DUY NHẤT

« Một BẦU TRỜI

« Một MẶT ĐẤT

« Một VẦNG TRĂNG".

« Mẹ:

« Có nghĩa là Ánh sáng

« Một Ngọn đèn thắp bằng máu con tim

« Cái Đóm lửa thiêng liêng

« Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối.

« Mẹ:

« Có nghĩa là mãi mãi

« Là-cho-đi-không-đòi-lại-bao-giờ. »

Thay mặt trẻ em chậm phát triển, tôi kính dâng bài thơ nầy cho những ai đang làm cha mẹ của những em ấy, cho những người làm giáo viên của các em và tất cả mọi người khác đang tiếp tay cho các bậc cha mẹ, từ ngày các em bước vào trường …

Lausanne, Thụy Sĩ, Mùa hè 2004.



SÁCH THAM KHẢO :

1.-BRAZELTON T.B. & CRAMER B. - Les Premiers Liens. - Calmann-Levy, France 1991

2.-GREENSPAN St.I. - The Child with special needs - Perseus Books, U.S.A. 1998

3.- Nhiều Tác Giả - Ngày xưa có Mẹ - Hoa Niên Nhà XB Đồng Nai 1966, tr. 119

4.- NGUYỄN văn Thành - Quan Hệ Mẹ Con - Tình Người, Lausanne 2000

5.- NGUYỄN văn Thành - Nguyễn Trãi và vấn đề giáo dục con cái - Tình Người, Lausanne 2001

6.-NGUYỄN văn Thành - Đường vào Nội tâm với Phân Tâm học - Tình Người, Lausanne 1997.

7.-NGUYỄN văn Thành - Đồng Cảm để Đồng Hành - Tình Người, Lausanne 2003.