CHƯƠNG BA: DIỄN TẢ XÚC ĐỘNG VÀ TÌNH - KHẲNG QUYẾT BẢN SẮC CỦA MÌNH "TÔI LÀ AI" (tt)

5- NHỮNG TRẺ EM CÓ VẤN ĐỀ HỌC TẬP

5.1- VỚI TRẺ EM LOẠN THÍNH

Chúng ta cần dùng ngôn ngữ vắn gọn, đơn sơ, rõ ràng, có điệu bộ kèm theo. Khi chơi với loại trẻ em nầy, chúng ta cần di động và làm nhiều điệu bộ với các em. Càng diễn xuất, đóng kịch nhiều chừng nào, càng hay bấy nhiêu. Khi trẻ em phát biểu một ý tưởng, chúng ta tìm cách xoáy lui xoáy tới với một hai từ, mà các em nầy vừa phát âm.

Ví dụ trẻ em đang chơi xe ô-tô và tình cờ phát biểu: NHANH. Chớp thời cơ, chúng ta thêm vào : "Vâng, xe em chạy nhanh. Rất nhanh. Xe của cô cũng chạy nhanh. Nhanh như xe của em". Lặp lại từ NHANH bốn lần như vậy, chúng ta tìm cách củng cố một khả năng của em đang thành hình. Những ý tưởng được trẻ em phát biểu còn rời rạc, không ăn khớp với nhau và không thích ứng với hoàn cảnh cụ thể đang diễn ra. Với phương thức nhấn mạnh, chúng ta làm cho các ý tưởng ấy ăn khớp với nhau và thích ứng với thực tại của trẻ em.

5.2- VỚI TRẺ EM LOẠN THỊ :

Khó khăn lớn lao, loại trẻ em nầy cần từ từ khắc phục, là liên kết, phối hợp những sự vật, hình ảnh và ý tưởng lại với nhau. Các em thường không biết đi tìm, chọn lựa những trò chơi ăn khớp với nhau, nếu những trò chơi nầy được chồng chất lộn xộn, trong một hộp hay một thùng duy nhất. Để giúp trẻ em thuộc loại nầy biết xếp đặt, kết hợp, chúng ta dùng nhiều thùng có màu sắc khác nhau, mỗi thùng dành cho một yếu tố nhất định. Khi đi tìm những thành phần rời rạc, từ thùng nầy qua thùng nọ theo thứ tự, các em có thể kết ráp lại với nhau.

- Trước tiên, em đi tìm đầu con mèo, trong thùng ĐO,

- Thân con mèo trong thùng XANH,

- Đuôi trong thùng VÀNG,

- Bốn chân trong thùng TRẮNG.

Với cách làm nầy, các em tập hình dung cấu trúc toàn bộ, trước khi đi tìm từng thành phần.

5.3- VỚI TRẺ EM CÓ NHỮNG KHÓ KHĂN VẬN ĐỘNG :

Vấn đề của loại trẻ em nầy là hiểu biết việc nào làm trước, việc nào cần đến sau, theo thứ tự thời gian.

Ví dụ một : Trẻ em làm rơi một cái bát bể nát tan tành. Chúng ta đặt câu hỏi : "Rầm, tan nát hết. Bây giờ em phải làm gì? Đưa tay lên trán suy nghĩ, tìm đi và nói cho cô biết".

Ví dụ hai: Trẻ em làm rơi con búp-bê. « Búp-bê bị thương, chảy máu. Bây giờ em làm gì? ».

Ví dụ ba: Chúng ta cho trẻ em nghe những bản nhạc đơn sơ, quen thuộc. Sau khi kiểm chứng ý thích của từng em và trước khi mở máy, chúng ta hỏi : "Em muốn nghe bài nào ?". Em nào biết nói hay phát ra một dấu hiệu, chúng ta cho nghe một đoạn nhỏ, rồi tắt máy, hỏi em khác:

"Em thích nghe bài nào?".

Trẻ em chưa biết nói, có thể ngân lên vài nốt nhạc, hay là làm một cử điệu...

5.4- DÙNG CHỖ MẠNH BÙ ĐẮP VÀO CHỖ YẾU :

Khả năng giác quan thay đổi, tùy từng em. Chúng ta sử dụng giác quan mạnh để tác động, khi trẻ em gặp trắc trở, khó khăn, để mang lại cho các em lòng tự tin, ý thức về điểm mạnh của mình. Với những trẻ em rất nhạy bén về thính giác, cho phép các em nầy điều chỉnh âm thanh, theo thính lượng của mình. Lợi dụng ý thích về âm nhạc của một em, chúng ta yêu cầu em chấp nhận một công việc mà em thường từ chối, thuộc một lãnh vực khác. "Em thích nghe Tam Ca, cô cho em nghe. Nhưng vừa nghe, em vừa lắp ráp bức hình nầy". Trong vấn đề ăn uống, chúng ta cũng dùng một kế hoạch tương tự: "Con thích ăn thịt, mẹ cho con một đĩa thịt. Nhưng trước khi ăn thịt, con ăn một nữa tô canh nầy".

5.5- VỚI TRẺ EM CHẬM PHẢN ỨNG, SỐNG RIÊNG RẼ, KHÓ TIẾP XÚC :

Để có phản ứng trước những kích thích từ ngoài, trẻ em loại nầy cần một ngưỡng sơ khởi lớn hơn, đối với trung bình của những trẻ em cùng lứa tuổi. Cho nên trong tác phong bên ngoài, chúng ta gia tăng cường độ, trong mọi loại kích thích, khi muốn tạo quan hệ tiếp xúc trao đổi với các trẻ em thuộc diện nầy : "Ta đây là Ông Cọp. Ta đến phá nhà của bé nầy. Giọng gầm của ta rất dễ sợ. Đây hai hàm răng của Ông, bé có sợ không?".

5.6- VỚI TRẺ EM HIẾU ĐỘNG, LĂNG XĂNG, CHẬP CHỜN, KHÓ TẬP TRUNG.

Loại trẻ em nầy múa máy tối ngày. Các em cần khung gian rộng rãi, thoáng thoát để vẫy vùng, chạy nhảy. Càng bị khép vào khuôn khổ chật hẹp, các em càng có phản ứng quấy rầy bạn bè chung quanh.

Với trẻ em thuộc diện nầy, chúng ta cần xử dụng hai phương tiện :

- Một khung gian rộng lớn cho phép các em tha hồ vận động. Đồng thời, đó cũng là một khung gian có giới hạn rõ rệt, không thể vượt qua. Trong khung gian nầy, một đàng các em có thể rời xa chúng ta bất cứ khi nào. Đồng thời, các em trở về khi nào các em ước muốn. Gần chúng ta, có những trò chơi, dụng cụ mà các em yêu chuộng. Dựa vào những sở thích nầy, chúng ta đưa ra những điều kiện làm việc và tìm cách kéo dài từ từ thời gian học tập của các em. Khi các em đi ra xa, người lớn có trách nhiệm vẫn an tâm lo cho các trẻ khác. Lòng họ không băn khoăn, xao xuyến. Họ không hồi hộp lo sợ các em sẽ bỏ đi và lạc mất.

- Sử dụng những phương tiện tâm vận động tại lớp học, vừa cho phép các em giải tỏa những nhu cầu bức thiết của mình, vừa biết chờ đợi và làm việc với bạn bè cùng lớp.

Nói tóm lại, chúng ta kết hợp hai mục tiêu lại với nhau : Thỏa mãn nhu cầu vận động cá biệt và tìm cách xã hội hóa tác phong của các em như biết nhìn, biết chờ đợi, biết lưu tâm đến bạn bè.

Thêm vào đó, trong khuôn khổ của địa hạt tâm vận động, chúng ta tổ chức cho trẻ em, những loại trò chơi giả bộ như :

- Đi xe lửa, ngưng lại ở mỗi nhà ga,

- Bay lên cung trăng và đi qua nhiều đám mây,

- Một hạt lúa gieo xuống đất, từ từ lớn lên thành cây lúa, theo tiếng nhạc kèm theo.

- Chúng ta dùng nhiều hình tượng, với nhiều dụng cụ khác nhau. Ví dụ, chạy với con búp-bê:

-Tiếng còi thứ nhất : dừng lại hôn con búp-bê,

-Tiếng còi thứ hai : cho búp-bê ăn,

-Tiếng còi thứ ba : cho búp-bê ngủ.

5.7-VỚI TRẺ EM NHẠY CẢM, NHƯNG SỢ TIẾP XÚC, SỐNG CO RÚT LẠI :

- Dùng trò chơi giả bộ để tiếp xúc : dùng con gấu, con voi để nói chuyện với loại trẻ em nầy.

- Dùng kỹ thuật chận đường, từ chối, tạo mâu thuẩn, để gây phản ứng.

5.8- VỚI TRẺ EM, NHẠY CẢM, NHƯNG DỄ BÙNG NỔ, TRÀN NGẬP :

- Sử dụng trò chơi dịu hiền : làm mẹ, săn sóc con búp-bê…

- Sử dụng vũ điệu với âm nhạc nhẹ nhàng, thoải mái, thư giản…

- Lưu tâm, có mặt và khuyến khích,

- Đề phòng những ngưỡng chịu đựng, bằng cách gây ý thức, học tập biết dừng lại, trước lúc đạt cao điểm.

Lausanne, Thụy Sĩ

(Còn tiếp)