Lời nói đầu

Theo tin của thông tấn xã AsiaNews, đánh đi hôm 27/05/2004, tháng Hoa năm nay, người ta đã chứng kiến sự tăng vọt số lượng anh chị em giáo dân Hoa Lục đến hành hương tại các Đền Thánh Đức Mẹ, mặc dù, nhà nước Trung quốc đã tăng cường các hoạt động ngăn cản, đặc biệt là tại Đền Thánh Đức Mẹ ở Donglu. Năm nay, công an cảnh sát đã ra lệnh cho giáo dân cư ngụ trong vùng không được tổ chức nghi lễ nào và cấm không cho khách hành hương đến kính viếng Đức Mẹ.

Theo một vị Giám Mục trong Giáo Hội Thầm Lặng thì năm nay biện pháp an ninh chặt chẽ hơn bao giờ, gần hết tháng Năm mà chỉ một số ít người lọt qua được vòng kiểm soát công an. Có khoảng 2500 giáo dân ở vùng này là được đến kính viếng Đức Mẹ như tục lệ hàng năm.

Phóng viên thông tấn xã AsiaNews cũng đã phỏng vấn anh chị em giáo dân và một vị Giám Mục trong Giáo Hội Thầm Lặng và đã tường thuật về sự lạ diễn ra ngày 23/05/1995. Hôm đó hơn 30,000 anh chị em giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo thầm lặng đang tham dự Thánh Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, một lễ trọng của người Công Giáo Trung Hoa, cùng với 4 Giám Mục thuộc Giáo Hội thầm lặng và gần 100 linh mục không được nhà nước cộng nhận. Đang khi thánh lễ diễn ra tại một cánh đồng ở ngoài trời thì mặt trời bắt đầu múa và quay tít từ trái sang phải. Nhiều tia sáng đủ màu trông rất ngoạn mục rực rỡ trên bầu trời. Người ta có thể nhìn thấy rõ ràng mà không bị chói mắt. Hiện tượng này xảy ra hai lần. Lần thứ nhất lúc bắt đầu lễ và lần thứ hai trong lúc các Giám Mục và linh mục truyền phép. Nhiều người kinh hoàng trước sự lạ đấm ngực ăn năn tội và xin Đức Mẹ cứu thoát khỏi mọi sự dữ. Đặc biệt kinh hoàng là hiện tượng mặt trời đổi màu và từ từ tiến thẳng về phía họ như sắp đè chết mọi người. Các hiện tượng này diễn ra đến 20 phút.

Nhân chuyện này, và cũng nhân dịp Bộ Giáo Sĩ có cuộc hội thoại về những vị tử đạo mới trong thế kỷ thứ 20, VietCatholic xin đăng lại một bài nói về Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục trong thế kỷ thứ 20.

Bối cảnh lịch sử

Kitô Giáo đã có mặt tại Trung quốc vào hậu bán thế kỷ thứ 13. Giám Mục tiên khởi người Hoa là Ðức Cha Lo Wenzhao (1611-1691). Ngài chịu chức linh mục ở Phi Luật Tân năm 1654 và về nước một năm sau đó. Ngài được phong Giám Mục năm 1688.

Cũng như Việt Nam, Kitô Giáo Trung Hoa lúc được bình an nhưng cũng có thời gian bị bách hại dữ dội. Giáo Hội Công Giáo Hoa Lục đã trải qua nhiều cuộc bách hại. Tuy nhiên, có 2 cuộc bách hại được coi là dữ dội nhất. Cuộc bách hại thứ nhất là do loạn quyền phỉ thực hiện vào những năm đầu thế kỷ 20. Hầu hết 120 vị được tôn phong hiển thánh ngày 1/10/2000 đã tử đạo trong thời kỳ đó. Cuộc bách hại thứ hai, trọng tâm của bài này, là cuộc bách hại do đảng cộng sản Trung quốc thực hiện ròng rã từ năm 1949 cho đến nay. Ðây là cuộc bách hại khủng khiếp nhất mà Giáo Hội Công Giáo Hoa Lục đã phải chịu đựng hơn nửa thế kỷ qua.

Chính sách tổng quát

Vào năm 1949, tại Hoa Lục có hơn 4 triệu người Công Giáo với 2698 linh mục bản xứ và 3015 linh mục truyền giáo đến từ các nước. Giáo Hội sở hữu 3932 trường trung tiểu học, 2 đại học, 216 bệnh viện, 781 trạm y tá, 254 viện mồ côi và 29 nhà in.

Khi Mao lên nắm quyền, việc đầu tiên của Mao là trục xuất tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ Hoa Lục để dễ bịt mắt tây phương và lường gạt các thành phần "tiến bộ" trong giới "trí thức" phương tây vẫn còn mơ màng về chủ thuyết cộng sản. Số linh mục ngoại quốc đang từ con số 3015 tụt xuống còn 172 vị trong đó 71 vị đang rũ tù. 101 vị còn lại trốn từ tỉnh này sang tỉnh khác. Sau này, nhiều vị như các cha dòng Trappist bị bắt đưa ra tòa án nhân dân, bị kết án là thực dân và xâm lược, bị tử hình bằng cách ghè đầu vào đá, bể sọ chết.

Việc tiếp theo là Mao chuẩn bị cho ra đời quái thai "Công Giáo Yêu Nước". Công bình mà nói, "sáng kiến" này không phải do Mao nghĩ ra. Hội Công Giáo Yêu Nước thoạt tiên đã được khai sinh từ đảng cộng sản Liên Sô vào những năm 1920. Lãnh tụ Mao nhập cảng về, đánh bóng lại để bán cho nhân dân Trung quốc. Tuy nhiên, theo André Malan, tác giả cuốn "Một thế kỷ chó chết" mà chúng tôi đã có dịp trình bày với quý vị và các bạn, trò "Công Giáo Yêu Nước" khi đến Trung quốc, đã được thêm thắt để thành ra một trò "mất dạy" nhất mà chỉ có các lãnh tụ cộng sản Tàu mới nghĩ ra nổi.

Ðể chuẩn bị cho trò này, Mao ra lệnh cho bắt bớ các người giúp việc trong các nhà xứ với hàng trăm lý do khác nhau. Nhiều người bị giết trên đường đi chợ, kẻ bị đánh đập phải nằm nhà thương, người bị bắt vì chứa truyền đơn... để dọn đường cho một đội ngũ các "hộ lý" được cài vào các nhà xứ với mục đích hủ hóa các đấng làm thày để khống chế và buộc các đấng phải làm theo ý muốn của đảng và nhà nước. Bên cạnh đó, Mao cũng kỳ vọng rất nhiều vào những kẻ theo chủ nghĩa "cơ hội" vừa ngây thơ vừa ham của bở sẽ dễ dàng lao đầu vào cái vòng danh lợi nhất thời mà Mao hứa hẹn ban phát.

Sau khi đã kiếm đủ những kẻ như vậy, năm 1957, nhà nước cho ra đời hội Công Giáo Yêu Nước và chính thức ra lệnh cho những ai không là thành viên của hội bỏ đạo. Ai bất tuân chống lệnh thì bị kết án nhẹ là vài chục năm tù, nhiều là khổ sai chung thân hoặc tử hình tại quê quán. Các giáo dân, linh mục, giám mục không chịu vào hội bị cải tạo tại chỗ hoặc tập trung. Hàng ngày bị học tập, hàng đêm bị kiểm thảo, bình bầu. Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều vị vẫn kiên quyết không vào hội và chịu ngồi tù vài năm, vài chục năm, để rồi chết rũ tù hay được thả ra với tấm thân tàn tạ. Tuy nhiên, đa số cắn răng vào hội để vừa giữ được đức tin vừa giữ lại được chén cháo lỏng.

Nếu chúng ta chưa sống ngày nào trong thiên đường mù của"chủ nghĩa xã hội", chính chúng ta chưa phải đối diện với những thử thách lớn lao và dai dẳng đó, chúng ta khó hiểu và khó thông cảm trọn vẹn cho sự lựa chọn đó của họ. Chỉ những ai sống trong hoàn cảnh đó mới tạm có cái nhìn đứng đắn để lên tiếng. Ðiều quan trọng nhất là chúng ta phải thận trọng trong khi phê bình với một tinh thần thông cảm hoàn cảnh oái oăm khó xử của anh chị em đó, và đừng để trúng kế ly gián.

Một vài con số cho chúng ta thấy sự khủng bố của cộng sản Trung quốc tàn bạo đến mức nào. Số linh mục bản xứ đang từ 2698 vị tụt xuống còn 400 vị trong đó có 160 vị đã bị kết án tử hình hay chung thân. Một số nhỏ tham gia vào hội Công Giáo Yêu Nước, số lớn trốn tránh trong dân không dám hành đạo vì công an ruồng bắt ngày đêm. Tất cả tài sản Giáo Hội bị tịch thu. Tất cả chủng viện bị đóng cửa.

Thâm ý của Mao trong việc thành lập "Công Giáo Yêu Nước" không phải là để dễ dàng "đăng ký quản lý" - như Mao tuyên bố - mà thực ra để khi cần thì cho toàn bộ người Công Giáo đi tàu suốt với nhau một lượt. Chỉ sau khi Mao chém nhát cuối cùng trong trong thời kỳ "Cách Mạng Văn Hóa" thì người ta mới thấy rõ chính sách tàn độc của y.

Giáo Hội Thầm Lặng

Ðời sống của các linh mục chui khó khăn và nguy hiểm đến độ nhiều người cho rằng nguy hiểm và khó khăn hơn các linh mục trong tù. Nhiều linh mục cho biết họ luôn luôn bị cám dỗ giữa việc ra đầu thú và việc tiếp tục hành đạo chui. Nếu đầu thú thì đi tù, mạng sống có thể bị nguy hiểm nhưng bớt cơ cực và lo lắng hơn. Tuy nhiên, giáo dân sẽ không ai coi sóc. Chính vì vậy, các vị đành phó thác trong tay Chúa. Các ngài nên chứng nhân cho Ðức Kitô qua việc liên kết những thử thách và cơ cực của các ngài với Ðức Kitô trên thập giá. Nhiều giáo dân cho biết họ vẫn còn giữ được đức tin là nhờ các gương hy sinh cao cả của các linh mục chui.

Các linh mục chui không được phép làm việc vì các ngài thường không có hộ khẩu. Các ngài cũng không thể sống nhờ sự chu cấp của giáo dân vì giáo dân cũng nghèo rớt mồng tơi. Các vị thường làm những việc vặt vãnh độ nhật và dâng lễ chui, làm các phép bí tích tại tư gia và lợi dụng các đám ma để dâng lễ rong đường. Chính vì phải sống trốn tránh như vậy, Giáo Hội Thầm Lặng hầu như không tồn tại được tại thôn quê mà chỉ quanh quẩn nơi các thành thị đông dân, nơi nhà nước khó kiểm soát hơn.

Ngày 1/5/1975, một đám công an Trung quốc xông vào nhà ông Tăng Hà tại Triệu Huyện, tỉnh Hà Bắc đánh đấm dữ dội ông Vương Kính Tâm, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp huyện. Vì bị đám công an đá liên tục vào đầu, ông chủ nhiệm hợp tác xã chết tại chỗ. Tại sao một ông chủ nhiệm hợp tác xã, người của nhà nước hẳn hoi lại bị công an đánh đến chết? Thưa, vì ông Vương Kính Tâm vừa là chủ nhiệm hợp tác xã, vừa là một linh mục chui. Hôm đó, cha Vương Kính Tâm cáo ốm không tham dự mít tinh ngày quốc tế lao động để đến nhà ông Tăng Hà cử hành lễ Thánh Giuse thợ. Cha Vương Kính Tâm đã được thụ phong linh mục trước khi tốt nghiệp đại học Nông Nghiệp Hà Bắc.

Chuyện này cho thấy một phương thức tồn tại phổ biến khác của các linh mục chui được chịu chức sau ngày ban hành lệnh cấm đạo năm 1957: làm việc như những người bình thường, thậm chí có khi leo lên những chức vụ rất cao, và làm việc mục vụ "ngoài giờ". Nhiều linh mục cho biết tình cảnh này cũng nguy hiểm không thua gì tình cảnh của các vị trốn tránh không có hộ khẩu. Nếu bị phát hiện, họ có thể bị đánh chết mà không cần tòa án nào xét xử như trường hợp cha Vương Kính Tâm. Có điều, phương thế này giúp các ngài bớt cơ cực hơn và phần nào yên tâm hơn vì có thể đoán trước được các chiến dịch ruồng bắt. Những năm gần đây khi Trung quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường, cán bộ các cấp đua nhau ăn hối lộ, tình hình càng bớt nguy hiểm hơn vì giáo dân có thể "mua" cán bộ địa phương. Bọn này có thể lờ đi cho các linh mục chui muốn làm gì thì làm miễn là kín đáo một chút.

Chủ trương chung của đảng là cấm đạo nhưng việc thực hiện ở các địa phương từng nơi, từng lúc có những khác biệt rất lớn. Có nơi, chính quyền địa phương "phấn đấu, kiếm điểm" bằng cách làm quá "chỉ tiêu" của đảng. Nhưng cũng có nơi lờ đi, miễn đừng để rắc rối cho họ. Có lẽ, trong thẳm sâu tâm hồn những người như thế, dù họ đang phải sống trong một môi trường tàn độc, Thánh Thần Chúa vẫn tác động để giúp họ nhìn ra được đâu là thiện, đâu là ác, và soi sáng lương tâm của họ để họ thực hiện các chức trách của họ cách khôn ngoan hơn là cắm đầu làm bậy theo đảng.

Hội Công Giáo Yêu Nước và những hệ lụy (1957-1966)

Sau khi chiếm được toàn Hoa Lục, Mao thực hiện ngay chính sách "Thanh Lý Giai Cấp". Người cộng sản thường thích chơi chữ. Chẳng hạn, thay vì nói trấn áp nhân dân thì nói trại đi là "chuyên chính vô sản" cho nó có vẻ trang nghiêm, đứng đắn, tử tế và long trọng. Thực tế, nội dung của từ đó chỉ có nghĩa là "bắt nạt" nhân dân, "bully" nhân dân, theo đúng nghĩa đen của từ đó. Cũng vậy, "Thanh Lý Giai Cấp" nghĩa là giết, cột đá vào cổ đạp xuống sông, cho đi mò tôm tất cả những người nào đảng thấy không ưa, không muốn cho lên thiên đường xã hội chủ nghĩa với đảng.

Mao chia xã hội ra thành 13 loại và lần lượt giết những loại mà y cho là "ác ôn" nhất. Khắp nơi trên Hoa Lục, người ta chết vô kể. Tuy nhiên, trong những năm 1952, 1953 xảy ra liên tiếp các trường hợp quân đội bắn chết công an và đánh tháo cho tù chạy. Cũng có những trường hợp các cán bộ địa phương bị bắn chết. Làn sóng thanh lý giai cấp khựng hẳn lại vì Mao bắt được tín hiệu rõ ràng của quân đội. Rõ ràng một số người trong đảng và quân đội đã không đồng tình nhìn thấy đồng bào họ chết nhiều như vậy.

Trong một cuộc họp với quân ủy trung ương, Mao tuyên bố chấm dứt giai đoạn chuẩn bị (nghĩa là thôi không giết nữa) và chuyển sang giai đoạn "Hiện Ðại Hóa". Tại thời điểm đó, Mao đã giết khoảng 20 triệu người Trung quốc. Sau này, Mao vẫn ân hận về chuyện đã cho ngưng thanh lý giai cấp quá sớm khiến cho dân tình chưa thuần. Thành ra, Mao phải làm thêm một phát "Cắt Mạng Văn Hóa" nữa.

Nội dung của "Hiện Ðại Hóa", theo Mao là đoàn kết toàn dân, đủ mọi thành phần, ngay cả các thành phần ác ôn đã cải tạo tốt để tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi thấy cái thòng lọng đã được kéo ra khỏi cổ mình.

Mao nhấn mạnh rằng: "Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa". Con người xã hội chủ nghĩa là con người như thế nào? Có những đặc trưng, tiêu chuẩn gì thì chính Mao không bao giờ định nghĩa và cũng chẳng ai dám hỏi. Nếu hỏi rõ ràng thấu đáo ra, có khi đối chiếu với các tiêu chuẩn, lại phát hiện mình chưa đạt thì lại mất công lo. Trong tình cảnh mơ màng đó, ai cũng thấy mình là con người xã hội chủ nghĩa hết cả. Nếu không, chắc mình đã ngỏm củ tỏi lâu rồi. Yên trí như thế, mọi người sẵn sàng theo ý Mao, sẵn sàng cố thêm một tí, chiều hắn thêm một tí cho yên thân. Trong tình hình đó, đối với tôn giáo, Mao nhắc lại chủ trương phải theo con đường "3 tự cường" vì, theo Mao, con đường đó là con đường duy nhất để xây dựng thành công con người vừa kính Chúa vừa yêu chủ nghĩa xã hội.

Trên tờ Bắc Kinh nhân dân nhật báo và Quân Ðội Nhân Dân, từ năm 1953, đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều những bài báo của các linh mục hô hào người Công Giáo kính Chúa, yêu nước, hô hào tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cũng có những bài bôi bác Thập Tự Chinh, mạ lî giáo triều Rôma, xuyên tạc lịch sử Giáo Hội và kêu gọi thành lập Giáo Hội mới cho người Trung Hoa. Có bài còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần khẩu hiệu "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" để "dằn mặt" các Ðức Giám Mục còn đang "ương ngạnh", "chưa yêu nước lắm".

Cố nhiên, đã có những bài ký tên là linh mục nhưng là linh mục dỏm. Nhưng không cần dấu diếm, đa số những bài đó do các linh mục thứ thiệt viết. Tại sao họ lại viết như những kẻ không có đức tin và không có đức vâng lời như vậy? Trả lời câu hỏi này không dễ và một câu trả lời dễ thường sẽ gây đau thương thêm cho Giáo Hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có những linh mục đã không giữ đức thanh sạch nên bị nhà nước khống chế, họ hành động không khác gì "âm binh" của chế độ. Cũng có những linh mục có những vấn đề cá nhân với các Ðức Giám Mục người nước ngoài là bề trên của họ. Có những vị theo "chủ nghĩa cơ hội". Cũng có những "Giu-đa bán Chúa". Tuy nhiên, cũng có những vị đã chứng kiến quá nhiều những bất công trong xã hội dưới các thể chế trước đây. Họ hy vọng vào chủ nghĩa xã hội như con đường duy nhất đưa đất nước tiến lên. Các ngài biết đâu rằng chính trị với những thủ đoạn lắt léo đâu có chỗ cho những người đơn sơ, nhẹ dạ như các ngài.

Ở đây cũng cần nói về một bài học lịch sử mà anh chị em giáo dân Hoa Lục đã nhận thấy và đã giúp họ giữ đạo cho đến nay. Giáo Hội không phải là một tổ chức trần thế. Thật vậy, nếu Giáo Hội là một tổ chức trần thế thì với những thành viên bất toàn, sa ngã, yếu đuối, ngây thơ và bán rẻ chủ như vậy thì Giáo Hội đã "đi đoong" từ lâu rồi. Không một tổ chức đời nào tồn tại nỗi trong trạng huống bi đát như vậy.

Ðức Giáo Hoàng Piô XII thấy trước xu thế từ các vị này nên đã gởi thư cho các Ðức Giám Mục Hoa Lục tháng 10/1954, trong đó, có đoạn viết "..Tuyệt đối cần thiết rằng cộng đồng Kitô Giáo ở đất nước các hiền huynh, nếu muốn là một phần của xã hội thánh thiện do Ðấng Cứu Ðộ chúng ta thiết lập, phải tuân phục trong mọi điều quyền bính của Giáo Hoàng, người đại diện Thiên Chúa dưới thế.. "

Năm 1957, nhà nước cho ra đời Hội Công Giáo Yêu Nước. Mục đích của Hội Công Giáo Yêu Nước trước mắt là cắt đứt sự hiệp thông với Ðức Thánh Cha và Giáo Hội Hoàn Vũ. Lâu dài hơn là thành lập một Giáo Hội thay thế cho Giáo Hội Công Giáo đích thực và cuối cùng là xóa bỏ luôn Công Giáo khỏi Hoa Lục.

Tất cả tài sản của Giáo Hội bao gồm tất cả các nhà thờ, nhà nguyện... mà chưa bị tịch thu từ mấy năm trước thì nay bị tịch thu và giao cho Hội Công Giáo Yêu Nước quản lý. Chỉ một số ít linh mục, tu sĩ tham gia hội, đa số rút lui vào trong bóng tối.

Các linh mục, tu sĩ tham gia hội, dân chúng gọi chung là tu sĩ quốc doanh. Theo linh mục Francis J. Peffley, người Hoa, trong tổ chức Ðức Hồng Y Cung Phần Mai, chữ "quốc doanh" có lẽ xuất phát từ sự kiện là trong thời gian từ 1957 đến 1966, họ được trả lương như những công nhân khác của chế độ và được phép sống trong khuôn viên thánh đường do nhà nước ủy thác coi sóc. Ngoài ra, họ buộc phải nói theo quan điểm của đảng. Thí dụ, tu sĩ quốc doanh phải cỗ võ cho việc kế hoạch hóa gia đình và phá thai mặc dù họ biết đó là lỗi luật Chúa. Không chỉ nói theo đảng, nhiều người còn "tích cực" sống theo quan điểm của đảng nữa. Trong số 45 giám mục được nhà nước tấn phong, 7 người lập gia đình. Trong số các linh mục, khoảng 20% có gia đình.

Tu sĩ quốc doanh không được phép dạy giáo lý cho trẻ em dưới 18 tuổi vì nhà nước cho là bé quá chưa đủ khả năng phán đoán và lựa chọn. Lứa tuổi này phải để ưu tiên cho nhà nước nhồi sọ những tư tưởng ấm ớ, điên rồ và bệnh hoạn của Mao chủ tịch. Ðiều cấm đoán dạy giáo lý cho trẻ em dưới 18 tuổi đương nhiên dẫn đến hệ lụy là không được rửa tội cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Khi xảy ra việc thành lập Hội Công Giáo Yêu Nước, đa số các Ðức Giám Mục, linh mục lui vào làm việc mục vụ trong bóng tối. Còn giáo dân thì sao? Theo sử gia Terry McCarthy, anh chị em giáo dân Hoa Lục bị dìm trong lo buồn và cay đắng.

Họ lo buồn vì họ buộc phải đứng trước một lựa chọn: nếu đi theo nhóm Công Giáo Yêu Nước thì bị bà con khinh chê, chửi bới. Họ cũng không chắc gì được rỗi vì quá nhiều người cho họ biết: đi theo Hội Công Giáo Yêu Nước là bất trung với Tòa Thánh, là lạc đạo. Còn nếu đi theo Giáo Hội Thầm Lặng thì nguy hiểm vì sẽ bị kết tội là không yêu nước, cầm chắc cái chết trong tay, hay nhẹ ra cũng vướng vào vòng lao lý.

Họ cũng cảm thấy cay đắng vì thấy các đấng làm thầy trong Hội Công Giáo Yêu Nước làm nhiều điều vượt quá giới hạn tâm lý mà họ có thể thông cảm nổi. Nói thí dụ, hình Chúa và các Thánh là các đấng vô hình, nhà nước không cho treo ở nhà thờ. Các đấng gỡ hết đi, đem hình Mao to đùng treo ngay gian cung thánh.

Trong bối cảnh đó, đa số giáo dân Công Giáo Hoa Lục đi đến một lựa chọn dứt khoát, tuy đau lòng: bỏ đạo. Họ không đến nhà thờ nữa, không xưng tội với các linh mục quốc doanh, không chịu các phép bí tích nào cả. Chính thái độ phản đối thầm lặng này đã giúp nhiều linh mục quốc doanh nhìn thấy ánh sáng mà quay trở về. Số còn lại buồn chán, cô đơn, muốn bỏ việc nhưng không dám vì sợ tù tội. Họ luôn sống trong tình trạng bất ổn và lương tâm cắn rứt.

Tuy nhiên, Giáo Hội Hoa Lục có thể tự hào vì vẫn có những giáo dân kiên trung. Nhân đức anh hùng này đã đem lại kết quả là Giáo Hội Công Giáo hiện nay tại Hoa Lục đã nhiều gấp 3 lần năm 1949.

Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976)

Mao tính đa nghi, lại tàn bạo và ít học. Do đó, không ai dám hiến kế cho Mao. Tất cả guồng máy đều cố gắng vâng lời Mao, ít người dám có ý kiến ngược lại. Gương của Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ làm cho ai cũng sợ Mao như sợ cọp. Thành ra, Mao được dịp tung ra những "sáng kiến" chết người. Chẳng hạn, ngày kia Mao nghĩ ra là chim sẻ thường "phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa" bằng cách ăn lúa của hợp tác xã. Mao ra lệnh phát động một chiến dịch quy mô nhằm diệt chim sẻ. Chim sẻ chết rồi, môi sinh bị đảo lộn, sâu bọ phá hoại mùa màng gây thất thu vô kể. Ngày nọ, Mao phát động nhà nhà đúc thép. Lại thêm một "sáng kiến kinh ngạc" của Mao làm dân tình khốn đốn lao đao.

Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều người trong đảng và trong quân đội bắt đầu xét lại sự tín nhiệm của họ dành cho Mao. Ðể phản ứng lại, Mao phát động chiến dịch "Trăm Hoa Ðua Nở" khuyến khích mọi người nói thẳng nói thật những cảm nghĩ của họ về chính sách của nhà nước, của đảng, và về Mao chủ tịch. Tuy nhiên, chớ mắc quả lừa. Bề ngoài thì nói như thế nhưng những ai phê bình Mao đều bị ghi sổ bìa đen và bị gọi là "bọn xét lại". Nhiều người ân hận suốt đời vì đã để "thần khẩu hại xác phàm".

Sau khi đã nắm trong tay danh sách những kẻ chống đối, Mao phát động cuộc "Cách Mạng Văn Hóa" để trừng trị những ai dám nói xấu y, dám nghi ngờ sự vĩ đại của y. Bọn Hồng Vệ Binh đi đến đâu giết đến đó. Cuộc "Cách Mạng Văn Hóa" nhanh chóng vượt quá vòng kiểm soát của những kẻ đẻ ra nó. Bọn Hồng Vệ Binh tấn công luôn Công Giáo. Chúng bắt tất cả giáo dân Công Giáo và các chức sắc không phân biệt ngoài Hội Công Giáo Yêu Nước hay trong Hội. Lớp đánh đập, lớp tù đầy, lớp giết. Chúng phá tan nhiều nhà thờ. Biến nhiều nhà thờ khác thành rạp hát, xưởng thợ. Tất cả các hoạt động tôn giáo bị cấm chỉ.

Suốt trong thời kỳ này, giáo dân Hoa Lục không được tham dự thánh lễ công khai. Lâu lâu mới có thánh lễ chui tại tư gia do các linh mục chui không bị bắt cử hành. Ðời sống đạo trong giai đoạn này nguy hiểm đến độ các linh mục chui đã đệ đơn xin Tòa Thánh chước cho việc giải tội cá nhân để tránh trường hợp các ngài vì bị tra tấn mà vi phạm ấn tín giải tội. Thực tế, đã có linh mục bị đánh đến chết vì không chịu khai ra giáo dân xưng tội gì.

Chính trong và sau thời kỳ này, nhiều vị Yêu Nước Yêu Non mới sáng mắt ra làm đơn xin thần phục Tòa Thánh.

Hậu Cách Mạng Văn Hoá (1979 -)

Mao qua đời năm 1976 mang theo mối hận không tiêu diệt được đạo Công Giáo tại Hoa Lục. Sau khi Mao chết đi, đảng cộng sản cũng thay đổi theo hướng bớt tàn bạo như trước. Trong phong trào hạ bệ Mao, năm 1979, nhà nước cho hành đạo trở lại nhưng vẫn chỉ công nhận Hội Công Giáo Yêu Nước và tiếp tục bách hại Giáo Hội Thầm Lặng.

Trong bối cảnh đó, dân số Công Giáo tăng dần lên. Thống kê năm 1986 ghi nhận có 8 triệu người Công Giáo. Theo tổ chức nhân quyền Ðức Hồng Y Cung Phần Mai, hiện nay có khoảng 12 triệu người Công Giáo tại Hoa Lục.

Năm 1986, một số linh mục quốc doanh được ra ngoài mới thấy kinh ngạc về sự bưng bít thông tin của đảng. Ðến thời điểm đó họ vẫn không biết gì đến công đồng Vatican II tổ chức 23 năm trước đó. Nhiều linh mục cho biết họ vẫn dâng thánh lễ bằng tiếng La Tinh và vẫn dùng các sách thần học viết từ thế kỷ 15/16. Từ năm 1988 mới có thánh lễ bằng tiếng Hoa tại các thành phố lớn.

Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là ở Hoa Lục hiện nay có mấy Giáo Hội?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng tại Hoa Lục có hai Giáo Hội: Giáo Hội Yêu Nước và Giáo Hội Thầm Lặng. Giáo Hội Yêu Nước không phải là Giáo Hội công giáo, thánh thiện, và tông truyền. Họ là lạc giáo và đang sử dụng bạo lực của chế độ để quản lý trái phép các tài sản của Công Giáo. Giáo Hội Thầm Lặng mới chính là Giáo Hội Công Giáo thật sự ở Hoa Lục.

Tuy nhiên, có những khuynh hướng không đồng ý với cách giải thích trên. Thứ nhất, chính Tòa Thánh chưa bao giờ dùng từ lạc giáo với những người tham gia trong Hội Công Giáo Yêu Nước. Thứ hai, chính họ cũng chỉ tự xưng là một Hội (Association) hơn là một Giáo Hội (Church). Khuynh hướng này nghiêng về cách giải thích sau:

- Ở Hoa Lục hiện nay có một Giáo Hội Công Giáo duy nhất.

- Trong Giáo Hội đó có những vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ không được nhà nước cho phép hoạt động mục vụ.

- Ðồng thời, trong Giáo Hội đó, cũng có những vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ được nhà nước cho phép hoạt động mục vụ với điều kiện phải gia nhập một ủy ban dân sự (nghĩa là không phải tôn giáo (non-religious)) do nhà nước dựng lên gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước.

Nhiều người nghiêng về cách giải thích thứ hai vì theo cách giải thích thứ nhất có thể chúng ta loại bỏ đi những anh em của mình, nhất là những tu sĩ trẻ sinh ra trong thời kỳ Mao lãnh đạo. Họ tham gia vào Hội Công Giáo Yêu Nước có thể vì chưa bao giờ nghe nói đến Vatican. Họ hoàn toàn không biết gì ngoài nước Trung Hoa to lớn mà họ chưa thể đi hết. Thế giới của họ là nước Trung Hoa khổng lồ, ngoài ra không còn gì khác.

Hơn nữa, hiện nay, theo thống tấn xã Fides, nhiều linh mục quốc doanh cũng cộng tác cách nào đó với các linh mục thầm lặng trong việc cung cấp các phương tiện ấn loát, soạn kinh sách chung với nhau...

Một biến chuyển khác là năm 1980, Hội Công Giáo Yêu Nước xin phép nhà nước tổ chức họp Hội Ðồng Giám Mục toàn quốc. Trong cuộc họp này, một bản kiến nghị 3 điểm đã được đưa lên nhà nước:

Thứ nhất, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là đầu Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Toàn thể giáo dân Hoa Lục phải cầu nguyện cho ngài.

Thứ hai, Hội Ðồng Giám Mục thầm lặng phải là tiếng nói chính thức của Giáo Hội Công Giáo Hoa Lục.

Thứ ba, Giám Mục lập gia đình không được thi hành chức vụ chủ chăn.

Cố nhiên là nhà nước lờ đi không trả lời. Tuy nhiên, qua đó, cũng có thể thấy được cách giải thích thứ nhất cứng rắn quá và không hợp tình hợp lý.

Kết luận

Câu thơ của Nguyễn Chí Thiện

Tự do tôi quý thiết tha

Mà sao tù ngục hết ra lại vào


đúng cho không biết bao nhiêu những giám mục, linh mục và anh chị em giáo dân Hoa Lục. Nhiều vị ngồi hết tù này sang trại lao động khác hàng ba, bốn chục năm để làm chứng cho lời mời gọi:

Ai muốn theo ta, hãy vác thập giá mình mà theo ta.

Lạy Chúa, đôi khi chúng con đã bị cám dỗ, đôi khi chúng con yếu đuối tham sống sợ chết, không dám vác thánh giá theo Chúa, đôi khi chúng con tự ru ngủ mình, tự làm mờ lương tâm chúng con và nên cớ vấp phạm cho anh chị em chúng con, đôi khi chúng con sợ chết đến nỗi chối Chúa một cách trâng tráo hay lặng lẽ trong tờ khai lý lịch của chúng con.

Lạy Chúa, trong những ngày qua, khi khắp nơi trên thế giới, người Công Giáo có dịp đọc lại những trang sử máu của Giáo Hội Hoa Lục, nhiều anh chị em - không phải là người Hoa - cũng không cầm được nước mắt. Chớ gì cho chúng con cũng không đến nỗi chai đá lương tâm để có thể nhìn thấy nơi anh chị em người Hoa của chúng con sự bất khuất của họ như một tâm gương để chúng con can đảm nói lên sự thật trong thế giới còn quá nhiều bất công, vô lý, và còn quá nhiều sự chà đạp nhân phẩm con người.