GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

Hôm nay VietCatholic giới thiệu tài liệu “TRẺ EM CHẬM PHÁT TRIỂN. PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC VÀ DẠY DỖ” của Giáo Sư Nguyễn Văn Thành.

Giáo sư Nguyễn Văn Thành chuyên về môn Tâm Lý Trắc Nghiệm và Ứng Dụng. Trước 1975, Gs Thành dạy môn tâm lý ở các Đại Học Huế, Saigon, Vạn Hạnh và làm Trưởng Ban môn Tâm Lý Ứng Dụng tại Đại Học Minh Đức. Từ 1982 đến 2000, Gs Nguyễn Văn Thành làm giáo viên dạy cho các trẻ em chậm phát triển ở Lausanne, Thụy Sĩ. Từ 1993, hằng năm vào mỗi mùa hè, Gs Thành đều về VN để giúp huấn luyện các giáo viên chuyên môn về các trẻ em khuyết tật.

Hiện nay Gs Thành đã hồi hưu và dùng những kinh nghiệm giáo dục của mình đối với những trẻ em khuyết tật để viết nên tài liệu nầy. Điều mong ước của Gs Thành là được trao lại những kiến thức học hỏi cũng như những kinh nghiệm đã thu thập được trong quá khứ, ngõ hầu giúp những phụ huynh và giáo viên có trách nhiệm với các em khuyết tật để họ giúp các em đó trở nên những trẻ em có quyền lợi học tập và giáo dục như các trẻ em bình thường khác, hầu có thể hội nhập với xã hội bình thường.

Được như vậy thì Gs Nguyễn Văn Thành rất lấy làm mãn nguyện vì đã đóng góp phần nhỏ nào vào việc hàn gắn những vết thương đau của xã hội.

Vietcatholic

LỜI MỞ ĐƯỜNG

TRẺ CHẬM PHÁT TRIỂN LÀM ĐƯỢC GÌ?

Khi một trẻ em mang nhãn hiệu "Khuyết Tật Tâm Thần" hay là "Chậm Phát triển" xuất hiện trong môi trường gia đình cũng như tại lớp học, người lớn như cha mẹ, thầy và cô tự khắc đặt ra rất nhiều câu hỏi chồng chéo lên nhau:

- Khuyết tật hay là chậm phát triển có nghĩa là gì?

- Tại sao EM mà không phải đứa khác?

- Cái gì đã gây ra tình trạng ấy?

- Em sẽ ra làm sao sau này ? Tương lai của Em sẽ như thế nào?

- Em làm được gì? Em có khả năng học hay không?

Không có tham vọng giải đáp mọi thắc mắc chung quanh vấn đề khuyết tật hay là chậm phát triển, tập sách này chỉ nhắm một điều rất cụ thể là : Từ giây phút tôi biết được một trẻ em mắc hội chứng chậm phát triển, với tư cách là cha mẹ hay là người giáo viên của Em, tôi làm được những gì cho đời của Em? Tôi có thể dạy Em những gì?

Câu trả lời của cuốn sách nầy thật đơn giản, bao gồm những trọng điểm sau đây:

Thứ nhất, dù khuyết tật tâm thần bắt nguồn từ đâu; dù chậm phát triển ở cấp độ nào… trẻ em ấy là CON NGƯỜI giống như tôi, cần được tôi tôn trọng và yêu thương. Em đã sinh ra làm người. Em có quyền làm người, được cư xử, đãi ngộ như một con người toàn phần "đang thành và sẽ thành".

Thứ hai, với trách nhiệm làm cha mẹ và giáo viên, tôi đại diện cộng đồng nhân loại để giáo dục và dạy dỗ Em thành người, với tất cả vốn liếng hay là hành trang Em mang theo trên mình, khi xuất hiện làm người.

Thứ ba, giống như tất cả mọi trẻ em khác, hành trang của Em bao gồm bốn nội dung khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau:

- Khả năng tiếp nhận và thu hóa, bằng các giác quan, những tin tức do môi trường mang đến. Nhờ khả năng đóng và mở nầy, Em sẽ làm quen dần dần với môi trường sinh sống chung quanh và tạo quan hệ gắn bó với những người thân yêu, bắt đầu từ người mẹ của Em.

- Khả năng tiếp xúc và trao đổi với những người thuộc gia đình và xã hội.

- Khả năng khẳng định bản sắc độc đáo của mình, bằng cách trình bày và diễn tả nhu cầu, nguyện vọng, sở thích…để kẻ khác tôn trọng, lắng nghe và đáp ứng.

- Khả năng tác động trên môi trường, bằng cách vận dụng tư duy, để khám phá những qui luật thực tế cần tôn trọng và tuân hành, cũng như những ước mơ cần thực hiện trong cuộc đời.

Tất cả vốn liếng nầy không đồng đều, giống nhau cho mọi trẻ em. Cho nên phương pháp giáo dục và dạy dỗ một trẻ em là BƯỚC THEO Em, khởi đầu từ những điều Em đang LÀM được, một cách tự nhiên, dễ dàng và thích thú.

Một cách đặc biệt, thay vì áp đặt từ ngoài một chương trình dạy dỗ, do người lớn đề xuất và dự phóng một cách hoàn toàn tùy tiện và lý thuyết, cha mẹ và giáo viên cần lắng nghe, đồng cảm với trẻ em. Với nhiều phương thức như « tác hành, diễn xuất » đời sống xúc động và tình cảm, hay là diễn tả bằng ngôn ngữ, Em trình bày cho người hai bên cạnh, nhu cầu, sở thích và nguyện vọng của mình. Khi khám phá những điều cơ bản nầy và tìm cách đáp ứng, một cách trung thực, thích ứng với hoàn cảnh và thực tế của cuộc sống, chúng ta sẽ làm cho trẻ em VUI THÍCHSUNG SƯỚNG, TOẠI NGUYỆN TỰ TIN.

Và khi có những động cơ ấy thúc đẩy từ bên trong, trẻ em sẽ có khả năng vượt qua mọi trở ngại, để học tập, phát huy ÝTHỨC về mình, về người và về môi trường sinh sống chung quanh Em. Nhờ đó, mai ngày vào tuổi lớn khôn, ít nhất Em sẽ có một đời sống làm người tương đối TỰ LẬP, với sự hỗ trợ liên tục của toàn thể cộng đồng xã hội và Đất nước. Cơ hồ một ngày nào đó trong quá khứ, họ hàng, bà con xa gần đã góp phần nuôi ăn nuôi mặc cho Thánh Gióng, còn được gọi là Phù Đổng Thiên Vương.

Trong chiều hướng dạy dỗ và giáo dục như vậy, tôi sẽ lần lượt trình bày bốn nội dung học tập của một trẻ em khuyết tật tâm thần, từ lúc Em sinh ra đến ngày khôn lớn :

Chương Một: Khám phá môi trường và thiết lập quan hệ gắn bó.

Chương Hai: Tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều.

Chương Ba: Diễn tả xúc động và tình cảm cũng như trình bày, nối kết những ý tưởng lại với nhau.

Chương Bốn: Phát huy khả năng suy luận để làm chủ tình hình và khắc phục những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

Tôi hy vọng tập sách nho nhỏ nầy sẽ là người bạn đồng hành trung tín và đáng tin tưởng cho những ai đang mang trọng trách làm cha mẹ và giáo viên của một trẻ em chậm phát triển… thuộc bất cứ diện nào…nhất là trong những ngày bão táp mây mù che khuất mọi lối đi…Xin họ nhớ cho rằng : tác giả cũng đã đi qua những chặng đường lầy lội, mà hiện tại họ đang đi qua. Và trong những tình huống éo le như vậy, nếu chúng ta biết nhìn và can đảm nhìn… thì thế nào cũng có một đóa hoa tuyệt đẹp xuất hiện đâu đó, trên những chặng đường chúng ta đang và sẽ đi qua.

Mùa Hè 2004- Lausanne, Thụy Sĩ