VÀI NÉT TỔNG QUÁT VỀ HẠT HỐ NAI

Quá trình hình thành và phát triển:

Từ ngày di cư vào Nam (1954), giáo Hạt Hố Nai thuộc giáo phận Sài Gòn, trải dài từ cầu San Máu đến ngã ba Dầu Giây, do Cha Chính Phêrô Vũ Trọng Thư làm Quản hạt. Đến năm 1965, khi giáo phận Xuân Lộc được tách ra từ giáo phận Sài Gòn, thời Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn - giáo hạt Hố Nai thuộc về giáo phận Xuân Lộc và được chia thành 2 giáo hạt là Hố Nai I và Hố Nai II. Hạt Hố Nai I do linh mục Gioan Baotixita Trần Ngọc Thọ làm Quản hạt, còn Hạt Hố Nai II do Cha Cẩm làm Quản hạt. Thời Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, hạt Hố Nai lại được chia thành hạt Hố Nai, Hạt Hòa Thanh và Hạt Phú Thịnh như hiện nay.

Trên địa bàn giáo Hạt có 1 bệnh viện, nơi các tu sĩ Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa đang làm việc, 3 trường Tiểu học, 3 trường cấp II và 1 trường cấp III của nhà nước, 1 trường Tiểu học của giáo xứ Thánh Tâm và 4 trường Mầm non, mẫu giáo của các dòng, 1 nhà nuôi dạy trẻ khuyết tật, 1 viện mồ côi và 1 nhà dưỡng lão.

Địa dư: Giáo hạt Hố Nai hiện nay có 17 giáo xứ, trải dài trên 4 km thuộc quốc lộ I, từ cầu San Máu đến giáo xứ Thánh Tâm.

Số giáo dân: 56.435 giáo dân.

Cơ sở: Giáo Hạt có 17 nhà thờ giáo xứ, 4 nhà thờ giáo họ, 6 nhà nguyện thuộc 6 Dòng tu.

Tình hình nhân sự:

Các linh mục: 31

Tu sĩ: 6 dòng tu lớn là: Dòng Đaminh Martinô, Dòng Đaminh Thánh Tâm, Đaminh Hà Nội, Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải và Dòng Thánh Thể nam.

Một số sinh hoạt tiêu biểu:

Về mặt Đức Tin:

Vì trung thành với truyền thống giữ đạo của cha ông từ ngày di cư, và hầu hết các giáo xứ đều là toàn tòng Công Giáo, nên đời sống Đức tin của người tín hữu phải nói là rất mạnh mẽ. Có đến 99% số các tín hữu trung thành với các sinh hoạt trong các giáo xứ, tích cực và thường xuyên tham dự phụng vụ và lãnh nhận các Bí Tích.

Ngoài ra, phải kể đến sự đóng góp to lớn của các Dòng tu. Vì có nhiều dòng lớn trên địa bàn và hầu hết lại là những nhà chính, nhà mẹ, nên nhờ lời cầu nguyện của các Dòng tu mà đời sống Đức tin của tín hữu được củng cố vững mạnh hơn. Nơi đây rất nhiều người thường xuyên lui tới để cầu nguyện, học hỏi và tĩnh tâm.

Về mặt tông đồ.

Tại các giáo xứ, người tín hữu rất tích cực làm việc tông đồ như thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ những người nghèo… Đặc biệt là việc quan tâm giúp đỡ, hay dạy giáo lý cho những người Dự tòng, nhờ đó mà hằng năm giáo Hạt có đến hàng trăm người xin trở lại đạo. Đặc biệt có các sinh hoạt của anh chị em Legio Maria và Dòng Ba Đaminh.

Về mặt xã hội.

Nhờ thấm nhuần tinh thần bác ái Kytô giáo, nên mọi tín hữu trong giáo Hạt tích cực sống tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Giáo Hạt đã đẩy mạnh việc chăm sóc và giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai bão lụt… Mỗi một đợt giúp như thế trị giá hai, ba trăm triệu đồng.

Tổng kết về năm Thánh 2000.

Về đời sống đạo đức.

Các giáo dân đã trở nên sốt sắng và gắn bó với Chúa hơn qua việc đón nhận bí tích Hòa giải, tham dự các Thánh lễ, các giờ Chầu, các giờ Phụng tự và đưa được nhiều linh hồn trở về với Chúa. Việc bỏ lễ ngày Chúa nhật đã giảm và nhiều người tham dự Thánh lễ ý thức hơn.

Về đời sống luân lý.

Các tệ nạn xã hội đang thời kỳ bành trướng, nhưng nhờ Năm Thánh mà các tệ nạn này dường như có sự thuyên giảm hay ít ra là dừng lại. Nhiều vấn đề nan giải trong Hôn phối đã có cứu gỡ.

Về đời sống Đức tin.

Các gia đình, các bạn trẻ đã quan tâm đến việc học hỏi giáo lý nhiều hơn. Một bằng chứng rất cụ thể là trong những ngày học về Năm Thánh hầu như các nhà thờ nào cũng đông người.

GIÁO XỨ HÀ NỘI

Địa Dư: Giáo xứ Hà Nội nằm ngay đầu xa lộ Hà Nội), nơi tiếp giáp với quốc lộ IA cách trung tâm Tỉnh Đồng nai 9 km về phía đông thuộc phường Tân Biên, Tp. Biên Hòa.

Diện tích: 8,950 km2. Đông giáp xứ Thánh Tâm; Tây giáp xứ Kẻ Sặt; Nam giáp khu Long Bình; Bắc giáp họ Gò Xoài

Dân số: 13.000 giáo dân chia ra làm 9 giáo họ: Thánh Tâm, Vô Nhiễm, Truyền Tin, Mông Triệu, Hiện Xuống, Mẹ Thiên Chúa, Mân Côi, Trinh Vương, Giuse.

Linh mục Quản xứ.

Phanxicô Vũ Kim Loan (1954 - 1956)

Phaolô Nguyễn. Quang Hiền (1956 - 1975)

Linh mục đương nhiệm:

Đaminh Trần Xuân Thảo (từ 1975)

Các Linh mục Phó:

Phaolô Phan Lâm (1962 - 1965)

Giuse Trần Văn Nghị (1965 - 1967)

Vinh Sơn Phạm Liên Hùng (1966 - 1968)

Matthêô Bùi Tiến San (1968 - 1969)

Giuse Đinh Đức Chăm (1968 - 1970)

Giuse Trần Minh Phú (1969 - 1971)

Marcô Bùi Quốc Khánh (1972 - 1974)

Đaminh Trần Văn Nguyện (1974 - 1975)

Antôn Ngô Xuân Hữu (1975 - 1981)

Đaminh Nguyễn Văn Tòng (1975 - 1977)

Vinh Sơn Nguyễn Văn Tuyền (1980-1995)

Bênêdictô Nguyễn Hưng (1995 - 1999)

Giuse Phạm Sơn Lâm (từ 09-2000)

Quá trình hình thành và phát triển:

Năm 1954, giáo dân Hà Nội được sự dìu dắt của Cha Phanxicô Vũ Kim Loan đã dựng lên một ngôi nhà nguyện bằng gỗ rộng 6m x 12m làm nơi cử hành Thánh lễ. Lúc bấy giờ vùng đất Hố Nai còn hoang sơ nên Cha con đã cùng nhau phá rừng làm rẫy để hình thành nên giáo xứ Hà Nội.

Ngày 01-09-1956, Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền được bổ nhiệm làm Chánh xứ Hà Nội, Ngài đã từng bước ổn định, đoàn kết giáo dân và đặt những nền móng căn bản cho giáo xứ.

Ngày 09-06-1975, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo vâng lời Đức Cha giáo phận về làm Chánh xứ Hà Nội. Từ đó Cha Đaminh đã triển khai những thành quả đã có của Người Tiền nhiệm đồng thời hoàn thiện các sinh hoạt của giáo xứ và tu sửa, tân tạo các cơ sở vật chất làm nên một giáo xứ Hà Nội tốt đẹp như ngày nay.

Các cơ sở và sinh hoạt của giáo xứ:

Thánh đường có diện tích 24m x 64m tháp cao 40m bằng vật liệu nặng được xây dựng từ năm 1969 - 1971 dưới thời Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền.

Trung tâm Bác ái xã hội rộng 3.000 m2 là một cơ sở để nuôi cô nhi có thể nuôi dưỡng được 50 em (hiện đang nuôi dưỡng 16 em).

Nhà xứ và nhà giáo lý được xây dựng kiên cố.

Sinh hoạt trong giáo xứ.

Về khuyến học, giáo xứ mở 6 lớp học tình thương cho 200 em có hoàn cảnh khó khăn từ mẫu giáo đến lớp 9 (độ tuổi từ 7 đến 25), cấp 80 học bổng bình quân mỗi em được nhận 150.000đ/ tháng trong suốt năm học. Trung bình hàng năm giáo xứ cấp 200 triệu tiền học bổng và đặc biệt giáo xứ có quỹ hỗ trợ cho các trẻ em nghèo phải lao động sớm để các em có điều kiện nâng cao tri thức, hàng năm hỗ trợ cho khoảng 100 em trong toàn giáo xứ.

Về bác ái xã hội, ngoài một cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi hiện đang nuôi dưỡng 16 em, giáo xứ có cộng tác với nhà dòng Martinô Thánh Tâm lo tang chế cho những người già neo đơn, hàng năm lo cho khoảng 15 người.

Ngày Quốc tế Các Bệnh Nhân vừa qua, giáo xứ đã dùng 15 triệu làm quà tặng cho các bệnh nhân.

Theo truyền thống, vào những ngày Tết Nguyên Đán, giáo xứ trợ cấp cho những người nghèo trong giáo xứ khoảng 8 triệu đ/ năm và có quà tặng cho khoảng 100 gia đình khó khăn.

Ngoài ra, trong 2 năm 1999 và 2000, giáo xứ cũng đã cứu trợ lũ lụt tổng số tiền là 160 triệu đồng. Giáo xứ còn kết hợp với các Nữ tu dòng

Đaminh Thái Bình khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các người nghèo, dạy các lớp tình thương, các lớp năng khiếu…

Dự án phát triển giáo xứ trong tương lai:

Xây thêm nhà giáo lý.

Nâng cao đời sống Đức Tin cho giới trẻ, giúp giới trẻ sống đạo phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội thời kỳ đổi mới.

Đẩy mạnh khuyến học.

Về đời sống xã hội.

Đây là dịp để người Công Giáo thể hiện tinh thần Bác ái Kytô giáo, nhiều nhà tình thương trong các xứ đạo được xây dựng và đường ngay ngõ hẻm được khai thẳng và tráng nhựa, nhiều người nghèo được giúp đỡ. (Vietcatholic.net/com)

GHI CHÚ : Thứ Tư tuần tới tiết mục Mỗi Tuần Giới Thiệu Một Giáo Xứ sẽ giới thiệu giáo xứ Thanh Xuân, hạt Hàm Tân, địa phận Phan Thiết. Kính mời quý độc giả nhớ theo dõi.