PHẦN 4 : THÂM TÌNH VỚI SỰ CHẾT

SUY NIỆM : "HÃY ĐẾN VỚI TA HỠI NHỮNG AI KHÓ NHỌC VÀ GÁNH NẶNG"

Ngày 31 tháng 8 năm 1996, tức là hôm sau ngày tôi công bố cho mọi người biết căn bệnh ung thư đã lan đến gan và không còn có thể giải phẫu được nữa, tôi chủ sự một buổi cử hành Bích tích Xức dầu chung cho các bệnh nhân tại nhà thờ Saint Barbara ở Brookfield, Ilinois. Tôi nói với các bạn bè bệnh nhân của mình rằng : Khi chúng ta phải đương đầu với những căn bệnh nghiêm trọng (hay bất cứ thứ khó khăn trầm trọng nào khác), chúng ta phải làm rất nhiều việc - những việc mà, với cá nhân tôi, chúng mang lại an bình cho tâm hồn.

Việc đầu tiên là chúng ta phải hoàn toàn đặt mình vào trong tay Chúa. Chúng ta phải tin rằng Chúa yêu chúng ta, ấp ủ chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta (đặc biệt là trong những lúc khó khăn nhất). Đó là điều mang lại cho chúng ta niềm hy vọng ngay giữa cuộc sống khổ đau và dao động. Ngài cũng là Đấng mời gọi chúng ta : 'Hãy đến với Ta, tất cả những ai mỏi mòn và gánh nặng, Ta sẽ giải thoát anh em. Hãy gánh lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi vì ách của Ta êm ái và gánh của Ta nhẹ nhàng" (Mt 11,26 - 30).

Đây là đoạn Tin Mừng tôi thích và có thể các bạn cũng thích nữa, đoạn Tin Mừng đầy an ủi và vô cùng êm dịu. Có lẽ Lời Chúa cũng báo trước một sự thật nào đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên việc suy niệm cho thấy sứ điệp của Chúa Giêsu có đôi chút phức tạp hơn những gì chúng ta thoáng thấy hay thoáng nghe.

Chẳng hạn như phải chăng không có một sự căng thẳng giữa "sự an nghỉ" Chúa Giêsu ban và "gánh" Ngài mời gọi chúng ta vác ? Chúa Giêsu muốn nói gì với gánh của Ngài ? Các nhà thông luật thời trước cho rằng luật Môsê được coi như một thứ gánh. Nhưng biểu tượng Chúa Giêsu đưa ra thì khác vì tâm điểm của "gánh" Ngài hay của sự khôn ngoan, của lề luật là chính Chúa ! Ngài thực hiện điều Ngài dạy. Ngài hiền lành với người Ngài phục vụ và khiêm tốn vâng theo ý muốn của Cha Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta yêu thương lẫn nhau và hy sinh mạng sống riêng của Ngài cho chúng ta. "Sự an nghỉ" Ngài ban cho chúng ta đến từ việc chấp nhận và sống mỗi ngày những thái độ, những giá trị, sứ mệnh, sứ vụ và sự sẵn sàng dâng hiến mạng sống trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta.

Cái gì làm cho gánh nặng của Chúa Giêsu trở nên "dễ dàng" ? Một gánh nặng dễ chịu là một gánh nặng được cột, được bó sao đó để ít gây đau khổ nhất trên vai người gánh. Chúa Giêsu hứa là gánh của Ngài sẽ nhẹ và êm trên vai của chúng ta, làm cho chúng ta gánh nó dễ dàng hơn. Ngài ám chỉ điều đó khi bảo rằng gánh của Ngài "nhẹ nhàng". Lúc này có lẽ nó còn rất nặng, nhưng chúng ta thấy mình sẽ có thể gánh được những trách nhiệm của mình. Tại sao ? Vì Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta. Thường thì cái ách dùng để ghép hai con bò lại và làm cho chúng trở thành một sức mạnh. Vớí hình ảnh ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta : "Hãy đi bên cạnh Ta, học biết để gánh lấy gánh nặng bằng cách nhìn vào những gì Ta làm. Nếu ngươi để Ta giúp ngươi, công việc nặng nề có vẻ sẽ nhẹ nhàng hơn".

Dĩ nhiên gánh nặng cuối cùng sẽ là cái chết. Gánh nặng ấy thường được báo trước bằng những đau đớn và khốn khổ, và đôi khi còn là sự gian truân đến tột cùng nữa. Trong trường hợp của tôi, gánh nặng ấy tiên vàn là sự mỏi mệt khắp châu thân và có vẻ như mỗi ngày một tăng thêm lên, nó buộc tôi phải nằm rất nhiều ngày và đêm. Nhưng xin hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu không hề hứa Ngài sẽ cất đi gánh nặng cho chúng ta đâu. Ngài hứa sẽ giúp chúng ta mang gánh nặng. Và nếu từ bỏ chính mình, những nguồn lợi của riêng mình và để cho Chúa giúp, chúng ta có thể thấy cái chết không là một kẻ thù, một đe doạ nhưng là một người bạn.

CUỘC THĂM VIẾNG CỦA MỘT NGƯỜI BẠN CŨ

Một sự kiện vô cùng ý nghĩa đã xảy ra vào tháng 6 năm ngoái : Đó là việc Cha Henri Nouwen, một trong những người bạn cũ trên hai mươi lăm năm qua, đã cất công đến thăm tôi. Ngài đến tham dự một cuộc Hội thảo trong thành phố này và đã điện thoại hỏi xem có thể đến thăm tôi được không ? Tôi trả lời : "Vô cùng hân hoan". Chúng tôi trao đổi với nhau hơn một tiếng đồng hồ, và Ngài mang đến cho tôi một trong những cuốn sách Ngài vừa viết xong, Ân sủng của chúng ta : Một suy tư về sự chết và việc quan tâm đến sự chết ! chúng tôi nói với nhau về cuốn sách, và điểm cốt lõi tôi nhớ đó là những gì Ngài nói về việc phải nhìn cái chết như một người bạn hơn là một kẻ thù. Trong khi đó tôi lại nhìn sự chết theo cái nhìn của đức tin, tôi phải nhớ lại điều này, vì tôi đã kiệt sức sau lần chữa trị bằng đốt điện vừa qua. Cha Henri nói : "Vấn đề rất đơn giản, nếu Ngài thấy sợ hãi, xao xuyến và Ngài nói được với một người bạn thì sợ hãi và lo lắng sẽ giảm đi, thậm chí còn có thể biến mất nữa. Nếu Ngài coi sợ hãi hay xao xuyến như một kẻ thù, khi đó Ngài sẽ đi đến chỗ chối từ hay cố gắng chạy trốn", Henri tiếp : "Con người của đức tin tin rằng sự chết là giai đoạn chuyển tiếp từ cuộc sống này đến cuộc sống vĩnh cửu. Họ coi sự chết như một người bạn".

Cuộc trao đổi này hỗ trợ tôi nhiều lắm. Nó giúp tôi vượt ra khỏi một vài sự hoang mang, sợ hãi khi đứng trước cái chết. Khi Cha Nouwen qua đời bất thình lình do một cơn đau tim vào ngày 21 tháng 9 năm ấy ở cái tuổi 59 thì cũng chẳng ai lấy làm ngạc nhiên gì. Phải, chắc chắn là Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng rồi ! Ngài đã dành cả một đời để hướng dẫn người khác sống làm sao và chết như thế nào.

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch