TÌNH ĐỒNG CHÍ, ĐẾN THẾ LÀ CÙNG

Ngày 02.04.2016, Đại tướng công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Nước tại Quốc hội, sau khi được đại biểu cơ quan này chuẩn nhận với 483/494, tức 91,5% hiện diện, có 29 phiếu không đồng ý, chiếm 5,8%. Ông là ứng viên độc diễn được Đảng giới thiệu. Ông đọc lời tuyên thệ ‘tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’. Trước đó hai hôm, ngày 31.03.2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đọc lời tuyên thệ này trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội để yêu cầu các vị đồng viện miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người mà bà tuyên dương ‘luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao’. Lạ thật, trong chế độ cộng sản Việt, được khen như vậy mà bị ‘cất chức’ trong khi chỉ còn hơn 3 tháng là đáo nhiệm như thường lệ. Do việc chuyển giao kỳ này không được êm thắm lắm, bị dư luận phản ứng cho là vi hiến. Thật sự, đó chỉ là hậu quả của cuộc đấu đá nội bộ và thanh toán giữa các đảng viên ‘chóp bu’.

I./ TRANH CHẤP NỘI BỘ ĐẢNG.

A. Loại trừ một đối thủ nặng ký.

1.) Tiên đoán lịch sử.

Ngày 14.07.2000, tại Washington D.C., đại diện hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt (US-VN Bilateral Trade Agreement, BTA) sau nhiều vòng đàm phán. Ngày 13.02.2001, đêă chuẩn bị cho Quốc hội Hoa kỳ thông qua Thương ước, Ủy ban Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cơ quan có nhiệm vụ cố vấn Hành pháp và Lập pháp về tình trạng vi phạm Tự do Tôn giáo trên thế giới qua các bản báo cáo thường niên, đã mời nhiều tín hữu các tôn giáo đến góp ý bằng trả lời ba câu hỏi :
- Thực trạng các Tôn giáo tại Việt Nam vào đầu ngàn năm thứ Ba,
- Quốc hội Hoa kỳ có nên phê chuẩn Hiệp ước Thương mại song phương (BTA) với Việt Nam vào mùa xuân 2001 không? Việc nầy có ảnh hưởng thế nào đến Tự do Tôn giáo tại Việt Nam?
- Hoa kỳ làm thế nào để giúp Việt Nam được có Tự do Tôn giáo thật sự trước mắt và lâu dài?

Các thuyết trình viên đều trả lời câu 1 và 3, nhưng Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, đã đáp cả câu số 2 mang tính tiên tri như sau :

1. Việt-Nam cần Hiệp ước Thương mại song phương để phát triển kinh tế;
2. Khi còn sự cai trị độc đoán thì sự trợ giúp của các nước chỉ lợi cho thiểu số để áp bức đa số lâu dài thêm;
3. Kinh nghiệm cho thấy nhà nước Việt-Nam sẵn sàng ký kết các thỏa ước nhưng rồi không thi hành;
4. Ký kết các hiệp ước về Nhân quyền, chánh quyền Việt-Nam chỉ muốn lừa cộng đồng quốc tế;
5. Nếu các nước có thương Dân tộc bất hạnh chúng tôi thì hãy tìm cách gây sức ép để Dân Việt sớm có dân chủ thực sự.

Sau khi lưỡng viện Lập pháp biểu quyết chấp thuận BTA, ngày 17.10.2001, Tổng thống George W. Bush ký ban hành Hiệp định này. Sau đó, một lần nữa, Hoa kỳ đã bị Việt cộng gạt (hay biết bị gạt mà vẫn biểu quyết ‘thuận’ vì lợi ích cá nhân hay tập thể) bằng tin lời hứa về Nhân quyền để Dân Việt sớm có dân chủ thực sự hầu Việt Nam được thu nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, World Trade Organization) từ ngày 11.01.2007.

2.) Thủ tướng 2 nhiệm kỳ trừ 2 tháng.

Nhậm chức Thủ tướng ngày 27.05.2006 và tái đắc cử ngày 25.07.2011, ông Nguyễn Tấn Dũng đã hưởng tất cả những thành quả từ Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt và, từ đó, các nhóm lợi ích được ra đời đúng như tiên đoán trên của Linh mục Nguyễn Văn Lý. Vì nói lên Sự Thật, Cha phải suốt đời ở tù và bị chụp mũ ‘làm chính trị’ bởi nhiều giáo sĩ tự cho ‘không làm chính trị’.

[Cách nay 10 năm, ngày 08.04.2006, Khối 8406 loan truyền ‘Tuyên ngôn Tư do Dân chủ cho Việt Nam 2006’ ký bởi 118 công dân Việt Nam, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý và 14 Linh mục khác : http://www.tdngonluan.com/. Xin chúc mừng và hiệp thông cầu nguyện.]
Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ bước lên ngai Tổng Bí thư đảng cộng sản ngày 19.01.2011 và là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhận chức trong khi ông Dũng quá mạnh, ông Trọng bị ‘lép vế’, từ trước tới nay, Tổng Bí thư Đảng là ‘vua’ trong nước, nhưng, Thủ tướng Dũng lấn quyền ‘vua’ trong cũng như ngoài nước. Những vụ Vinashin lẫn Vinalines ‘sập tiệm’, tiền vào túi ai thì các đảng viên đều biết, nhưng không ai dám tố ra vì ‘đánh con chuột đừng để vỡ bình’ như Tổng Trọng từng tuyên bố, với ngụ ý chỉ diệt tham nhũng nhưng đừng làm bể Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần 6 ngày 01.10.2012, sau khi Bộ Chính trị Đảng vừa có phiên họp tuần qua để duyệt lại kết quả kiểm điểm, chỉnh đốn Đảng, nhằm trình lên Ban chấp hành Trung ương lần họp này. Biến cố được nhiều người lưu ý vì diễn ra trong bối cảnh đặc biệt sau đợt phê và tự phê vừa được triển khai trong toàn bộ hệ thống Đảng và những vụ bắt các nhân vật trong giới ngân hàng được cho là gần với Thủ tướng Dũng và nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chiến dịch chỉnh đốn Đảng do Tổng Bí thư Trọng phát động được xem như dấu chỉ cho một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ cấp cao nhất của Đảng. Nhân dịp này, 175 ủy viên Trung ương Đảng cũng bàn về cải cách doanh nghiệp nhà nước, sở hữu đất đai, tình hình kinh tế-xã hội, v.v... Ngày 17.10.2012, khi tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói về quyết định không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, mà ông gọi là 'đồng chí X'. Do đó, từ đây, danh xưng ‘đồng chí X’ được dùng để chỉ Thủ tướng Dũng.

Từ năm 2015, nhiền tin đồn việc ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều triển vọng trở thành không những là Tổng Bí thư Đảng mà còn kiêm Chủ tịch nước như Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng vì không được Tàu ủng hộ, nên ngày 25.01.2016, Đại hội 12 đã đồng ý cho 29 ứng cử viên (23 chính thức và 6 dự khuyết) rút khỏi danh sách đề cử và đã được Đại hội đồng ý. Trong số đó có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, … Như vậy, chỉ còn một mình Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng Bí thư. Nói dối đến thế là cùng khi ông cho biết rất ngạc nhiên, không ngờ được tái cử ở tuổi 72, quá với tuổi qui định phải về hưu, nhưng là đảng viên, ông ‘đành phải chấp nhận sự phân công của Đảng’. Sau đó, để bác bỏ những chỉ trích về chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng sản, ông nói ‘chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dân chủ hơn hẳn một số nước có phổ thông đầu phiếu, nhân danh dân chủ nhưng cá nhân quyết định cả và tự mãn Việt Nam ‘dân chủ đến thế là cùng’.

Chưa thỏa mãn sự trả thù đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nên khi Tổng thống Mỹ mời nguyên thủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, Associaton of Southeast Asian Nations) họp thượng đỉnh với Hoa kỳ các ngày 15 và 16.02.2016, tại Sunnylands, California, thoạt đầu, Tổng Trọng muốn cử Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là Trưởng đoàn. Nhưng, rất tiếc, ông này không xứng đáng để dự thượng đỉnh, nên Tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam phải để ông Dũng làm Trưởng đoàn và ông Trọng phải nhượng bộ. Gặp Tổng thống Barack Obama, ông Dũng mời vị này sang thăm Việt Nam và chỉ thị ông Phạm Bình Minh phối hợp với Hành pháp Mỹ để chuẩn bị cuộc công du dự trù vào tháng 05/2016.

Do không muốn thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Tổng thống Obama khi đến Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng ra lịnh cho Quốc hội trong phiên họp kỳ 11 ngày 21.03.2016 phải ấn định ngày để bãi nhiệm ông Dũng và đám ‘đảng cử dân bầu’ này phải vâng lời chọn chiều ngày 06.04.2016 để thực hiện việc chọn ứng cử viên vào chức này và, ngày 07.04.2016, sẽ tổ chức bầu mà chúng ta đã biết người sẽ được đắc cử là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bình thường, sau khi Đại hội Đảng bầu ‘Tứ Trụ’ thì Tổng Bí thư nhận ngay chức vụ. Ba vị khác chờ Quốc hội mới sẽ bầu vào ngày 22.05.2016, sau đó và sẽ họp phiên đầu vào tháng 7 để chuẩn nhận 3 chức vụ còn lại. Bất ngờ, lịnh miễn nhiệm được ban hành, đại biểu Quốc hội phải thi hành trước sự bất lực của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.

3.) Việt Nam cộng sản không theo thể chế dân chủ.

Việc Nguyễn Phú Trọng tự mãn Việt Nam ‘dân chủ đến thế là cùng’ xác nhận lời ông Nguyễn Văn Thiệu ‘Đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’. Sau khi được tái cử, lợi dụng điều 4 Hiến pháp, ông trở thành một Vua trong chế độ quân chủ. Từng tuyên bố Cương lĩnh Đảng có giá trị hơn Hiến pháp và Đảng là ông thì phải biết Hiến pháp chỉ để qua mặt quốc tế. Tuy thế, vẫn có những nhân vật (đại biểu Quốc hội, nhà báo… ) tranh luận về vi phạm Hiến pháp, bộ luật cơ bản, có hiệu lực cao nhứt.

Miễn nhiệm là gì ? Theo Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02.10.2009 của Bộ Chính trị, do Trương Tấn Sang ký, điều 2 Giải thích từ ngữ. Vấn đề ‘miễn nhiệm’ cán bộ được định nghĩa nguyên văn như sau: ‘Miễn nhiệm’ là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tíùn nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên’. Như vậy, các ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng đã vi phạm những điều đã ghi trong Quy định này ?

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo