Chấm dứt một bi kịch

Hôm 27.4.2004, Lữ Giang đã đến dự phiên tòa cuối cùng xét xử vụ Bùi Đình Thi bị truy tố về tội đối xử tàn bạo (atrocities) đối với các tù nhân khác trong trại Tù Thanh Cẩm. Tòa đã ra lệnh trục xuất Bùi Đình Thi về lại Việt Nam. Bản án này kết thúc một thảm kịch kéo dài đã 25 năm. Đây là lần đầu tiên, một tù nhân chính trị Việt Nam bị kết án vì đối xử tàn bạo với các tù nhân chính trị khác trong trại tù cộng sản.

BỌN ANTÈNE NỔI LÊN NHƯ RƯƠI

Trong 10 năm ở tù, Tú Gàn đã trải qua 5 trại, chứng kiến nhiều chuyện nhiễu dương đã xẩy ra giữa anh em đồng cảnh với nhau. Bọn mật báo viên, thường được gọi là “antène”, gồm đủ mọi loại, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong chính quyền miền Nam. Chúng đã làm nhiều anh em đồng cảnh điêu đứng chỉ vì một lời hứa láo phét “cải tạo tốt sẽ được về sớm”! Có không biết bao nhiêu anh em bị gông cùm, đánh đập, hành hạ, bị bỏ đói... vì những lời báo cáo vu vơ của những tên antène... Gần như buồng nào, đội nào cũng có.

Dĩ nhiên, anh em cũng phải tìm cách để “hóa giải” hay thanh toán chúng, nhưng ít khi thành công, vì chúng được bọn cán bộ che chở.

Khi tôi mới được chuyển tới buồng 5 trong trại Thanh Cẩm, anh em chỉ ngay cho tôi một tên antène thứ dữ và bảo tôi phải coi chừng. Tên này vốn là Sĩ Quan Đà Lạt, cấp bậc Đại Úy, nên rất mưu mô xảo quyệt, đã ngụy tạo nhiều báo cáo khiến anh em điêu đứng. (Nghe nói tên này hiện đang ở quanh Orange County). Khi tôi mới qua buồng này thì có ông Tính mới ở nhà kiên giam xuống. Trước 1975 ông làm ở Tổng Nha Ngân Sách, chức vụ thấp thôi, nhưng tướng rất đạo mạo, nên thường bị bọn antène quy cho ông đủ thứ tội, nhất là tội “cố vấn” cho các tù nhân trong trại, nên ông cứ bị đưa đi cùm hoài.

Một hôm tôi giả đến ngồi chơi với tên antène nói trên. Thấy ông Tính đi qua, tôi bảo với nó: Ông này là Thầy Sáu đó, ông coi sóc tất cả bọn công giáo trong trại này, ai muốn xưng tội hay rửa tội gì là ông ta lo hết. Ông ta uy tín lắm, người công giáo muốn làm gì cũng đều xin ý kiến của ông ta. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn xong, ông ta đều bỏ mùng xuống ngồi đọc kinh... Nghe tôi kể như vậy, tên này mừng lắm. Tối đó nó làm báo cáo liền. Vài ngày sau ông Tính được tên Thiếu Úy Lăng phụ trách về an ninh gọi lên và chất vấn về những chuyện đã bị báo cáo. Ông Tính rất ngạc nhiên về những chuyện này và xác quyết ông ta là một Phật tử và gia đình ông ta theo đạo Phật từ lâu đời, không có ai theo Công Giáo cả. Tên Lăng hỏi có phải mỗi buổi tối anh bỏ mùng xuống ngồi đọc kinh phải không, ông ta trả lời rằng tối nào ông cũng bỏ mùng xuống ngồi thiền chứ không phải đọc kinh. Tên Lăng gọi thêm vài người khác cùng buồn lên hỏi thì họ đều xác nhận ông Tính là Phật tử. Từ đó, tên Lăng không còn tin tên antène này nữa. Nhờ vậy anh em cũng đỡ khổ.

Tên Thuật làm Văn Hòa trong trại Thanh Cẩm cũng là một tên antène nguy hiểm, không ai làm gì qua mắt nó được. Cuối năm 1979 vợ tôi ra thăm nuôi. Tôi được gặp 15 phút. Trong lúc tên cán bộ giáo dục đi ra ngoài vì có một cán bộ bên ngoài gọi, vợ tôi lén đưa tay cho tôi 100 đồng, nhưng tên Thuật nấp đàng sau thấy, nó báo cáo cho ban an ninh trại ngay. Khi tôi xách xắc quà từ nhà thăm nuôi đi vào cổng trại thì bị chận xét đến 4 lần. Lần nào chúng cũng mở tung các gói quà ra, lấy cây thọc nát và mò mẫn khắp người tôi, nhưng chẳng tìm được gì cả. Chúng không biết tôi không hề nhét 100 bạc trong xắc quà hay trong người mà cầm ngay trên tay. Mỗi lần chúng nó bảo bỏ xắc quà xuống để xét, tôi đặt trăm bạc xuống đât rồi đặt xắc quà lên trên. Khi xét, chúng chỉ lục trong xắc quà chứ không xem dưới đất, nên không thấy được. Khi lấy xắc quà đứng dậy, tôi lại cầm trăm bạc trong tay. Tối hôm đó, tôi thấy tên Thuật có vẽ bực mình lắm. Hắn mất đi một chuyến lập công. Còn tôi vui vẻ vì khỏi bị đưa đi cùm.

Ngoài chuyện antène quậy phá, bọn trật tự hay đội trưởng hành hạ anh em cũng không kém kinh hoàng, nhất là mỗi khi đi lao động. Tôi còn nhớ ông Nguyễn Dõng, Thanh Tra Ngân Hàng, ở đội rau xanh, đã trên 60 tuổi mà mỗi ngày bị thằng Ngọ, Đội Trưởng Rau Xanh, bắt gánh mấy chục thùng nước tưới rau, ông đuối sức rồi chết. Trước khi ông chết một hôm, tôi có ghé thăm ông. Ông thì thào nói với tôi: “Tôi chết vì thằng Ngọ.” Nghe nói tên Ngọ hiện đang định cư ở bên Úc.

Chuyện trong tù cộng sản nhiều vô số kể. Trong cuốn “Tôi phải sống”, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ mới ghi lại một phần. Năm ngoái, đồng bào vùng Orange County nghe một người hàng đêm gọi vào đài Sống Trên Đất Mỹ đòi bẻ răng Việt Cộng. Ông ta nói hăng lắm. Nhưng tôi biết trong thời gian ở tù, ông ta nhũn hơn con chi chi, một tiếng thưa cán bộ, hai tiếng bẩm cán bô, và bị chúng nó lừa như dế..., không khác gì Hoàng Việt Cương lừa các lãnh tụ Đại Việt và Quốc Dân Đảng ngoài này.

Nhưng có lẽ trong các chuyện trong tù, chuyện Bùi Đình Thi là chuyện đáng ghê tởm nhất. Những người không sống qua những ngày kinh hoàng đó, cứ tưởng chúng tôi phịa ra hay “cường điệu”.

Sau khi Linh mục Lễ lên tiếng tố cáo, Bùi Đình Thi đã xin lỗi. Với tư cách Linh mục, cha Lễ đã tuyên bố tha thứ. Nhưng sau đó, Cơ quan Di Trú Hoa Kỳ biết được chuyện này do sự tố cáo của Nguyễn Đình Thắng, họ đã quyết định làm tới nơi tới chốn, dù rất tốn kém.

NƯỚC MỸ KHÔNG THỂ LÀ NƠI AN TOÀN CHO NHỮNG KẺ PHẠM TỘI CHỐNG CON NGƯỜI.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của Nguyễn Đình Thắng, Sở Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế (The U.S. Bureau of Immigration and Customs Enforcement) đã mở cuộc điều tra. Họ đã phỏng vấn hàng chục người trước đây đã có mặt trong trại Thanh Cẩm, trong thời gian các vụ án xẩy ra, tức từ 1979 đến 1981.

Trong thời gian Sở Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế mở cuộc điều tra, nhóm thân Bùi Đình Thi đã cố gắng đưa ra những phản chứng nói rằng những vụ Bùi Đình Thi bị tố cáo là hoàn toàn bịa đặt. Dân Biểu Đặng Văn Tiếp bị tên cán trưởng trại đánh chết chứ không phải Bùi Đình Thi. Họ còn nói rõ rằng họ thấy tên Thiếu Tá Sử, Trại Trưởng, đã nện gót dày vào cổ Dân Biểu Tiếp, khiến anh Tiếp chết ngay. Nhưng khi chúng tôi cho họ biết Trại Trưởng Thanh Cẩm trong thời gian Dân Biểu Đặng Văn Tiếp bị đánh chết không phải là Thiếu Tá Sử mà Đại Úy Thực. Họ liền đổi lại!

Sau một thời gian lấy lời khai của các nhân chứng, Sở Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế thấy rằng có đủ yếu tố để truy tố Bùi Đình Thi về tội đối xử tàn bạo với các tù nhân khác ở trong tù. Ngày 8.8.2003, Bùi Đình Thi đã bị bắt và bị giam ở nhà tù San Petro ở Long Beach, California. Ông Loraine Brown, Quyền Trưởng Phòng Thám Tử Đặc Biệt (ICE) tại Los Angeles, đã nói với báo chí: “Truy tìm những cá nhân từng khủng bố chính đồng hương của họ và bây giờ đang tìm an toàn và ẩn tích tại Mỹ là một ưu tiên cho ICE và Bộ Nội An.” Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không để cho nước Mỹ trở thành nơi an toàn cho những ai từng phạm tội chống con người.”

Sau đó, Bùi Đình Thi đã bị truy tố một lúc đến 15 tội danh, trong đó bao gồm những hành vi chính sau đây:

  • - Đánh chết Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp, Dân biểu Quốc Hội VNCH.
  • - Đánh Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và tưởng linh mục đã chết rồi, nhưng linh mục không chết và được anh em cứu sống.
  • - Đánh trọng thương Đại Tá Trịnh Tiếu và Giáo Sư Nguyễn Sỹ Thuyên.
  • - Bỏ đói anh Lâm Thành Văn đến chết đói.
  • - Đánh Linh Mục Nguyễn Quang Bao
  • - Đánh Linh Mục Phạm Quý Hòa
  • - Đánh Linh Mục Trần Văn Nghị.
Bản cáo trạng nói: “Sau khi Sài Gòn sụp đổ, vào tháng 4-1975, Bùi Đình Thi, một cựu đại úy trong quân đội VNCH, bị đưa vào trại cải tạo Thanh Cẩm nơi giam các tù chính trị và tôn giáo. Trong tù, ông làm trật tự viên và ăng-ten cho cai tù. Với nhiệm vụ này, ông bị cáo buộc đã đánh 3 tù nhân, một trong những người đó sau đó đã chết vì vết thương. Bùi cũng bị cáo buộc đã gay gắt hạn chế khẩu phần lương thực, làm một tù nhân chết đói, và cấm các tù nhân khác làm các nghi lễ tôn giáo...”

MỘT PHIÊN TÒA KÉO DÀI HƠN 7 THÁNG

Tòa án thụ lý là Tòa Di Trú San Petro. Tòa này nằm trong khu Đảo Bến Tàu của Trại Tù giam giữ những người vi phạm luật di trú (Terminal Island Detention Facility), trong thành phố San Pedro.

Tòa bắt đầu xét xử kể từ ngày 22.9.2003 và kéo dài đến ngày 27.4.2004 mới kết thúc.

Bên Sở Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế và Công Tố Viện đã đưa ra khoảng 10 nhân chứng khai có biết rõ nội vụ, đa số là những người nằm sát xung quang nơi xẩy ra vụ án, trong đó người ta thấy có Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Linh mục Phạm Quý Hòa, Linh mục Phạm Hữu Nam, anh Nguyễn Tiến Đạt, anh Lê Thiên Bảo, v.v. Linh mục Phạm Quý Hòa hiện nay đang ở Nouvelle Caledonie, không thể đến hầu tòa được, nên được lấy lời khai qua điện thoại, sau đó Linh mục đã làm một tờ khai hữu thệ gởi qua. Tòa cũng đã cứu xét cả tờ tường thuật của Đại Tá Trịnh Tiếu, một nạn nhân trong vụ án, viết khi còn sống.

Luật sư Louis M. Piscopo biện hộ cho Bùi Đình Thi đã đưa ra các nhân chứng sau đây để phản chứng: Nguyễn Huyến, Mai Van An, Dư Văn Hạ, Nguyễn Văn Lợi. Bài viết của Võ Bình cũng được Tòa xét đến, vì Võ Bình đã chết.

Chúng tôi đã giúp Sở Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế và Công Tố Viện thiết lập bản đồ trại Thanh Cẩm một cách chính xác. Do đó, mỗi khi lấy lời khai, Tòa đều hỏi lúc đó nhân chứng đang ở đâu khi chứng kiến nội vụ xẩy ra. Các nhân chứng bên Công Tố đã chỉ ra các phòng họ đang bị giam tại nhà kiên giam khi xẩy ra các vụ án. Các phòng này đều nằm sát bên cạnh hay phía trước nơi xảy ra vụ án, nên đã kể gióng nhau những điều họ thấy và nghe.

Trái lại, khi các nhân chứng bên Bùi Đình Thi chỉ ra những nơi họ đang bị giam khi vụ án xẩy ra, Tòa nhận xét rằng ở trong các vị trí đó, các nhân chứng này không thể chứng kiến được. Nhân chứng chính là Mai Văn An, khai đã thấy và nghe bọn cán bộ đánh và giết anh Đặng Văn Tiếp. Sở Kiểm Soát Di Trú và Quan Thuế và Tòa đã giao cho nhân chứng một bản đồ trại Thanh Cẩm và hỏi nhân chứng đang bị giam ở đâu khi vụ án xẩy ra. Nhân chứng khai đang bị giam trong Nhà Đen, tức nhà kỷ luật. Nhà Đen chỉ có một cửa ra vào thường đóng kín, không có cửa sổ, chỉ có một lỗ tò vò nhỏ trên cao, không thể trông ra bên ngoài được.

Nhà Đen lại nằm ở phía dưới thấp, sau khu hội trường, trong khi nhà kiên giam nằm ở khu phía trên, có hai dãy tường ngắn cách với Nhà Đen ở dưới. Các chuyên viên giám định nói rằng khi bị giam ở Nhà Den, Mai Văn An không thể thấy và nghe rõ những chuyện đã xẩy ra trên khu kiên giam. Nếu có nghe được thì cũng chỉ nghe tiếng động mà thôi, chứ không thể nghe rõ từng tiếng nói được. Vì thế lời khai của nhân chứng Mai Văn An bị coi là không có giá trị.

Cớ nhân chứng của Bùi Đình Thi đã khai rằng họ không hề nghe đến vụ này khi ở trại Thanh Cẩm. Họ chỉ biết được qua báo chí sau khi đến Mỹ. Vì thế, họ kết luận vụ án này không có!

Tòa có hỏi Tú Gàn đã thấy những gì khi vụ án trên xẩy ra. Tú Gàn cho biết lúc đó Tú Gàn đang bị giam ở buồng 4. Buổi sáng 2.5.1979, sau khi thức dậy một lúc, mọi người đều nghe mấy phát súng và biết ngay đã có tù trốn trại. Tất cả các tù nhân đêu bị nhốt lại trong buồng. Chúng tôi đoán những ngừời trốn trại là tù hình sự hay gián điệp Trung Quốc đang bị giam ở khu kiên giam, nên không quan tâm lắm.

Ít lâu sau, chúng tôi nghe có tiếng ồn ào ở giữa sân, trước hội trường. Một số anh em leo lên cửa sổ xem thì thấy Bùi Đình Thi đang đánh một người nào đó. Khi tôi leo lên xem thì thấy Bùi Đình Thi đang cầm chân kéo một người ngược lên các bậc thang bằng xi măng ở sát buổng 5, đi vào nhà kiên giam. Anh ta kéo không khác gì kéo xác một con vật, vùa kéo vừa nguyền rủa. Một lúc sau, tôi lại thấy Thi xuống kéo người thứ hai, cũng đúng theo cung cách kéo người thứ nhất. Thang lên nhà kiên giam có đến 12 bậc nên Thi kéo có vẽ vất vã lắm. Chúng tôi không thể nhận ra 2 người đó là ai. Về sau, những người ở nhà kiên giam cũng khai họ thấy Bùi Đình Thi kéo hai người đi qua buồng họ, theo kiểu như tôi khai.

Mãi đến trưa, khi những người cấp dưỡng gánh thức ăn lên, chúng tôi mới được thông báo chính xác 5 người trốn trại đêm qua là Dân Biểu Đặng Văn Tiếp, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Đại Tá Trịnh Tiếu, Giáo sư Nguyễn Sĩ Tuyên và anh Lâm Thành Văn. Tất cả đều bị bắt lại. Chúng tôi cũng được biết hai người bị Bùi Đình Thi đánh đập rồi cầm chân kéo ngược lên nhà kiên giam là Dân Biểu Đặng Văn Tiếp và Linh mục Nguyễn Hữu Lễ. Chúng tôi bắt đầu lo lắng, tìm cách hỏi thăm tình trạng của họ và kiếm sửa lén gởi lên cho họ. Nhưng sau đó xác Dân Biểu Tiếp đã được đưa ra khỏi trại. Ba ngày, đến lượt xác anh Lâm Thành Văn. Hôm xẩy ra biến cố, cả trại đều nghỉ đi lao động và bàn tán rất xôn xao. Ấy thế mà các nhân chứng của Bùi Đình Thi dám khai họ không biết gì hết!

Tòa có hỏi, theo tôi khi Bùi Đình Thi kéo anh Tiếp và cha Lễ lên các bậc thang như vậy, họ còn sống hay đã chết. Tôi trả lời rằng tôi tin họ còn sống. Nếu họ chết, xác của họ được đưa ra khỏi trại ngay. Tôi đã chứng kiến cảnh bọn cán bộ đánh chết một tên hình sự trốn trại ngay trước hội trường. Khi đánh chết xong, họ bảo trật tự kéo xác ra khỏi trại ngay.

Tòa lại hỏi tại sao lần này bọn cán bộ không đánh chết Dân Biểu Tiếp và Linh mục Lễ mà bảo Bùi Đình Thi đánh. Tôi trả lời rằng Dân Biểu Tiếp và Linh mục Lễ là tù chính trị, họ không dám đánh chết vì sợ các tù chính trị nổi loạn, họ phải giao cho Bùi Đình Thi giết.

Tức cười nhất là có một số anh em được gọi ra làm nhân chứng, cứ tưởng đây là dịp tốt để tố cộng nên cứ chửi cộng sản vung xích chó lên, còn chuyện xẩy ra thì nói quá ít, nên cuối cùng họ bị loại. Tôi đã lưu ý anh em nhiều lần rằng chính các sự kiện xẩy ra tố áo tội ác của Cộng Sản chứ không phải những lời nguyền rủa, nhưng họ không nghe.

Với cách khai trước tòa như thế, chưa tranh luận, người ta cũng thấy Bùi Đình Thi không thể thoát được.

“MOTHER! I WILL DIE!”

Sau hơn 7 tháng lấy lời khai và tranh luận, hôm 5.3.2004 Tòa xác nhận Bùi Đình Thi có phạm các tội đã bị truy tố. Ngay lập tức, Luật sư của Bùi Đình Thi nộp đơn xin cho Bùi Đình Thi khỏi bị trục xuất về Việt Nam, viện lý do khi trở về Bùi Đình Thi sẽ bị ngược đãi và không nơi nương tựa, vì vợ con Bùi Đình Thi đang ở Mỹ. Tòa cho biết sẽ công bố quyết định hôm 27.4.2004.

Tú Gàn phải rời Little Saigon vào lúc 6 giờ 30 sáng mới có thể kịp dự phiên tòa cuối cùng bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 ngày 27.4.2004. Lữ Giang thấy có các phóng viên của AP, Los Angelos Times và ông chủ bút báo Người Việt cũng tới theo dõi phiên tòa. Gia đình Bùi Đình Thi hiện diện đầy đủ

Bà Chánh Án D.D. Sitgraves đã đọc một bản án dài 88 trang, từ 8 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều mới xong. Trong bản án, bà đã lược thuật lại lời khai của từng nhân chứng của cả hai bên, các cuộc tranh luận giữa luật sư bị cáo và Công Tế Viện, sự phân tích của Tòa, những lý lẽ và những luật lệ mà tòa viện dẫn để xác định Bùi Đình Thi có tội.

Các nhân chứng của bên Công Tố Viện đều khai giống nhau rằng họ có nghe Dân Biểu Tiếp thốt lên sau khi bị Bùi Đình Thi đánh đập: “CHẮC CON CHẾT MẤT MẸ ƠI!” (MOTHER! I WILL DIE!). Do đó, mỗi lần bà chánh án lược lại lời khái của một nhân chứng, tiếng kêu đó lại vọng lên làm nhiều người cảm thấy xót xa.

Cuối cùng, Tòa tuyên bố Bùi Đình Thi có phạm những tội bị tố cáo và vi phạm công ước quốc tế chống lại sự tra tấn, ra lệnh trục xuất Bùi Đình Thi trở về Việt Nam. Cấm Bùi Đình Thi không được tự ý hồi hương mà phải hồi hương theo thủ tục trục xuất luật định.

Về đơn của Bùi Đình Thi xin khỏi bị trục xuất về Việt Nam, Tòa đã viện dẫn hai lý do sau đây để bác đơn:

Lý do thứ nhất: Bùi Đình Thi đã về thăm Việt Nam hai lần, năm 1998 và 2002, mà chỉ gặp một sự khó khăn duy nhất như ông ta đã kể lại là phải rút 10 đô la hối lộ ở phi cảng Tân Sơn Nhất. Tòa cũng nhắc đền trường hợp Tướng Nguyễn Cao Kỳ mới đây đã về Việt Nam mà không gặp khó khăn nào, mặc dầu trước 30 tháng 4 năm 1975 ông đã từng là Thủ Tướng và Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.

Lý do thứ hai: Bùi Đình Thi, 62 tuổi, còn hai người con gái đã có gia đình ở Việt Nam, một người đang ở trong một căn nhà ở Hố Nai do ông Thi vẫn đứng tên làm chủ, như lời ông đã khai trước tòa.

Tòa kết luận: Bùi Đình Thi có đủ điều kiện để sống ở Việt Nam an toàn nên bác đơn.

Vợ và con Bùi Đình Thi đã nhập tịch Mỹ nên lệnh trục xuất Bùi Đình Thi không ảnh hưởng đến họ.

Bùi Đình Thi có 30 ngày để kháng cáo. Tuy nhiên, các chuyên gia đều tin rằng dù có kháng cáo (appeal), Bùi Đình Thi khó làm đảo ngược bản án được vì hai lý do. Lý do thứ nhất là Tòa Kháng Cáo (Appeals Court) không xét lại các sự kiện đã xẩy ra mà chỉ xem Tòa dưới có áp dụng sai luật lệ khi xét xử hay không mà thôi. Lý do thứ hai là việc làm lệnh trạng kháng cáo rất phức tạp, đòi hỏi phí tổn rất cao, gia đình Bùi Đình Thi khó đài thọ nổi.

HẬU QUẢ CỦA BẢN ÁN

Bản án Bùi Đình Thi đã đem lại những hậu quả quan trọng sau đây:

1.- Thi hành luật pháp của Hoa Kỳ:

Ông John Salter, công tố viên thuộc Cơ Quan Kiểm Soát Di Dân và Hải Quan đã nói: “Chúng tôi sẽ không đứng yên và để Hoa Kỳ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đã vi phạm các trọng tội đối với loài người,”

Ông John Salter và hai công tố viên khác là bà Rodin Rooyani và bà Tracy Nguyễn đã tốn hàng trăm giờ đồng hồ để truy tầm bằng chứng và lý lẻ kết tội Bùi Đình Thi.

Ngày nay, luật pháp Hoa Kỳ còn cho phép các tòa hình sự tại Hoa Kỳ xét xử những tội ác chống nhân loại ở ngoại quốc. Vì thế, những kẻ phạm tội ác chống nhân loại đều không dám mò tới đất nước này nữa.

2.- Xác định Bùi Đình Thi đă phạm những tội phạm chống nhân loại: Khi vụ án này được đem ra trước công luận, nhiều người đã cho rằng vụ án này không có thật. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ phịa ra để được nổi tiếng và bán sách. Họ đưa ra những ngụy chứng và những lời ngụy biện để bác bỏ. Nhưng khi đối diện với cơ quan tư pháp, họ không còn cách nào khác hơn là công nhận sự thật.

3.- Làm vơi đi những đau khổ của gia đình các nạn nhân: Những đau khổ của gia đình Bùi Đình Thi nếu có, cũng không nghĩa lý gì so với những đau khổ của những người khác do Bùi Đình Thi gây ra và thân nhân của họ. Bản án này đã làm vơi đi những nổi đau khổ của họ.

4.- Đưa ra ánh sáng chế độ quản lý trại giam của CSVN: Vụ án là một lời tố cáo mạnh mẽ về những tội phạm chống nhân loại trong các trại tù cộng sản mà nhà cầm quyền Hà Nội không thể chối cải được.

Việc đánh đập và giết chết tù được Cộng Sản thực hiện dưới nhiểu hình thức khác nhau:

  • - Bắt lao động cực nhọc và bỏ đói cho chết lần chết mòn.
  • - Giao cho tù hình sự hành hạ cho chết. Đây là trường hợp được xử dụng thường xuyên trong trại tù Quyết Tiến, tức trại Cổng Trời.
  • - Giả sai đi ra những nơi vắng rồi hô “trốn chạy” và bắn. Đây là trường hợp của ông Nguyễn Đức Xích, cựu Tỉnh Trưởng Gia Định, ở trại Vườn Đào và nhiều trường hợp khác ở trại Tiên Lãnh.
  • - Sai tù giết tù như trường hợp của Bùi Đình Thi giết Đặng Văn Tiếp hay Tuấn Béo giết Sửu Què trong trại Thanh Cẩm.
  • - Bọn cán bộ và võ trang tự tay đánh chết tù trước mặt mọi người trong trại để cảnh cáo. Khi tôi đến Thanh Cẩm năm 1978, có tất cả 26 người bị coi là “gián điệp Trung Quốc” đang bị giam ở đó. Khi tôi từ giả trại Thanh Cẩm qua trại Lam Sơn năm 1983, chỉ còn 2 người. Nghe nói 2 người này về sau cũng bị giết luôn
.

Bước vào tòa San Pedro, Tú Gàn chú ý ngay đến một câu bằng tiếng Latin ở giữa: “Qui pro Domina Justitia Sequitur”, có nghĩa là theo Công Lý của Thượng Đế. H. W. Longfellow nói: “Con người bất công nhưng Thượng Đế rất chí công, và sau cùng công lý chiến thắng.”