Đức thứ tư

HẠNH (Nết na phẩm hạnh)

Hạnh tức là nết tốt của người phụ nữ, hạnh cũng có nghĩa là phẩm chất tốt đẹp như hạnh kiểm, đức hạnh, khổ hạnh, ngôn hạnh, phẩm hạnh, tiết hạnh.v.v... (1), hạnh cũng là tiêu chuẩn để chọn vợ nơi người nam, hạnh cũng là thước đo chuẩn mực giá trị đạo đức nơi người con gái, đồng thời hạnh cũng là nét đẹp tâm hồn của một con người bất kể là nam hay nữ...

Người linh mục Chúa Kitô không những đẹp người mà còn đẹp nết, bởi vì cái nết -tức là phẩm hạnh- chính là tiêu chuẩn thứ nhất mà các đấng bậc có trách nhiệm đào tạo linh mục tương lai cho Giáo Hội hằng quan tâm để ý, không thể nhận vào dòng tu hay vào chủng viện người thanh niên không có phẩm hạnh, do đó làm linh mục tức là làm người có đủ phẩm hạnh, cũng có nghĩa là trở thành một con người mẫu mực của mọi người và là thầy dạy mọi người về đàng nhân đức trọn lành...

Có nhiều linh mục có đời sống đạo hạnh và hi sinh được mọi người kính yêu và khen ngợi, bên cạnh đó cũng thấy có một số linh mục trẻ quên mất mình là ai khi nhập vào giới trẻ : các linh mục này đã bị cuốn hút vào những thói quen không đúng với chức vụ linh mục của mình, các ngài hoà đồng với lớp người trẻ nhưng các người trẻ này lại nhìn không thấy đạo hạnh nơi các cha để noi theo, vì các cha cũng như họ uống rượu như hủ chìm; các bạn trẻ này nhìn cũng không thấy các cha linh hướng của mình có tác phong đạo đức vì các cha cũng như họ ăn nói gắt gỏng và thái độ thì quá “tự nhiên” rất cố ý không phù hợp với người Việt Nam, hoà đồng mà gượng ép thì khó coi, tự nhiên mà sỗ sàng thì sinh ra gương xấu, cho nên thay vì đem đời sống đạo hạnh của mình ra để làm gương thì các linh mục này lại bày ra “cái tôi linh mục”, “cái tôi đạo mạo”, “cái tôi kẻ cả”, “cái tôi kiêu ngạo” để cho các bạn trẻ nhìn thấy...

Có những linh mục trẻ chỉ ân cần và rất chịu chơi với giới trẻ, nhưng khi những cụ già có chuyện cần muốn hỏi hoặc hỏi không đúng thì các ngài lớn tiếng nạt nộ và có thái độ coi thường, những lúc như thế thì đạo hạnh mà các ngài học tập tu luyện trong chủng viện đã trả lại cho cha linh hướng chủng viện mất rồi...

Hạnh của người linh mục Chúa Kitô không những là hạnh (nết na phẩm hạnh) như bao người khác mà còn hơn thế nữa, nghĩa là nơi các ngài có hạnh của tự nhiên và hạnh của siêu nhiên, hạnh tự nhiên là các ngài luyện tập và hạnh siêu nhiên thì do ơn Chúa ban cho mỗi khi các ngài suy tư và thực hành Lời Chúa.

Hạnh của Linh Mục Chúa Kitô có thể căn bản là như sau :

Hạnh là lễ phép lịch sự

Một trẻ em được mọi người yêu thích là một trẻ em biết lễ phép với mọi người, biết người trên và người dưới, biết vâng dạ khi được người lớn gọi.v.v...

Khi bước chân vào Tiểu chủng viện hoặc nhà thử của các dòng tu, cái mà bề trên hoặc những người có bổn phận đào tạo linh mục tương lai đòi hỏi và rất chú ý đến nơi các ứng sinh là lễ phép, là ăn nói biết kính trên nhường dưới, và đó là tiêu chuẩn số một của ứng sinh làm linh mục hay tu sĩ.

Các linh mục là những người -tự bản chất- rất có lễ phép với mọi người, lễ phép này khi lớn lên thành người lớn thì gọi là lịch sự. Các linh mục đã được đào tạo qua các trường lớp, hoặc nữa luôn ý thức mình muốn làm linh mục thì cần phải có đạo hạnh, tức là tự mình rèn luyện lấy cho phù hợp với ơn gọi linh mục của mình...

Hình như có một số linh mục cho rằng, mục đích của mình đã đạt được nên trong cuộc sống không còn giữ gìn phép lịch sự và không cần giữ lễ phép với giáo dân của mình nữa, các ngài -có những lúc- lợi dụng vào chức thánh của mình để áp đảo giáo dân với thái độ không mấy lịch sự và lễ phép khi cố chấp cho lí lẽ của mình là đúng. Bên cạnh đó cũng có một số linh mục giữ cái lễ phép quá đáng, quá đáng đến độ quên mất mình là linh mục, tôi thấy có một vài linh mục khi nói chuyện với các cô gái hoặc những phụ nữ thì làm bộ làm dáng nói năng đớt nhã không tự nhiên, hai tay xoa xoa như làm duyên làm dáng, và khi nói chuyện với những người có “máu mặt” thì dạ dạ bẩm bẩm... Đó không phải là cái hạnh của linh mục, càng không phải là lễ phép lịch sự nhưng là nhu nhược và có một vài nét không phù hợp với chức vụ linh mục là khiêm tốn trong tự tin...Hạnh của linh mục không như hạnh của các cô gái, nhưng là hạnh đã được ơn thánh thánh hoá làm cho nó không những trở nên áo giáp bảo vệ linh hồn của mình mà còn trở nên đối tượng thu hút và là mẫu người lý tưởng của mọi người.

Không ai chấp nhận một linh mục ăn nói ngang tàng, càng không ai chấp nhận một linh mục không có lịch sự với mọi người và không lễ phép với cha mẹ hay những người lớn tuổi, giáo dân có thể chấp nhận một linh mục học lực bình thường hoặc một linh mục nhà quê nhưng khiêm tốn đạo hạnh và biết kính nhường mọi người, nhưng chắc chắn là họ không chấp nhận một linh mục thông thái uyên bác mà không khiêm tốn và đạo hạnh quá kém. Xã hội có quá nhiều gương xấu và đạo đức đang tuột dốc, cho nên họ coi những linh mục là những con người đáng để cho họ noi theo, bởi vì các ngài là những con người mà đạo hạnh trổi vượt giữa thế gian hơn mọi người.

Hạnh là vui tươi

Tu dưỡng tinh thần cho có nét vui tươi trên khuôn mặt là một thành quả của đạo hạnh mà không phải người nào cũng có.

Có linh mục thì cả ngày không nở một nụ cười làm cho giáo dân...mất vui, có linh mục thì mặt mày cau có khi giáo dân góp ý, có linh mục thì đạo mạo khi tiếp chuyện với giáo dân nhưng khi giáo dân ra về thì nét đạo mạo mất đi để trở về với tính thô lỗ cộc cằn của mình, những nét đạo mạo giả dối này không che giấu được Thiên Chúa và mọi người, thậm chí nó còn làm cản trở người giáo dân đến với Thiên Chúa vì sự giả tạo của các linh mục.

Khuôn mặt vui tươi là hoa quả của phẩm hạnh, do suy tư và bồi dưỡng Lời Chúa mỗi ngày mà các linh mục thấm nhuần đức ái trong cách hành xử cũng như trong cách nói năng, chính nhờ thế mà các ngài biết cảm thông với mọi người nhất là với giáo dân của mình, nét cảm thông này hiện lên trên khuôn mặt làm cho nó trở thành niềm vui tươi thánh thiện. Phẩm hạnh không phải chỉ là nghiêm trang nhưng còn phải là vui tươi niềm nở với hết mọi người, và không phải mọi người ai cũng có thể nở nụ cười tươi khi bị người khác phê bình, cũng không phải ai cũng có khuôn mặt rạng rỡ khi bị chống đối, người linh mục của Chúa Kitô cũng không thoát khỏi cảnh ấy, nhưng chắc chắn là các ngài không để mãi nét buồn phiền bực tức trên khuôn mặt của mình khi bị phê bình và chống đối, bởi vì các ngài chính là Chúa Kitô thứ hai nên chí ít các ngài cũng học được nơi Thầy Chí Thánh của mình sự khoan dung khi bị chống đối, vui tươi trong lo âu buồn phiền, đó chính là phẩm hạnh mà Chúa Giêsu đã nói qua lời của thánh Phaolô tông đồ như sau : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em !” (2) vui tươi là kết quả sự tu luyện tâm hồn vậy !

Vui tươi luôn là biểu hiện một đức hạnh hiếm có, đức hạnh được tập luyện và trau dồi dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô, không một ai báo tin vui mà khuôn mặt buồn rầu, cũng vậy linh mục là người -trước tiên- loan báo tin vui Chúa Sống Lại cho mọi người, cho nên các ngài không được phép có khuôn mặt nhăn nhó buồn phiền, cũng như không được phép bi quan yếm thế...

Có những linh mục trẻ nhưng dáng điệu đạo mạo hơn cả các cụ già, bởi vì các vị này cho rằng như thế mới ra vẻ một linh mục quyền cao chức trọng, có linh mục mới ra trường mà khuôn mặt già cổi khó tính hơn cả những người khó tính, bởi vì các vị này cho rằng phải như thế để cho giáo dân biết mình không phải là kẻ “dễ chơi, dễ bắt nạt”, lại có một vài linh mục ngày ngày có khuôn mặt đăm chiêu như muốn “tránh khỏi” cõi đời ô trọc này, các ngài không muốn nghe giáo dân bàn chuyện cũng không muốn thấy ai cười nói vui vẻ khi đến nhà thờ, bởi vì các ngài cho là không nghiêm trang đứng đắn.

Phẩm hạnh vui tươi nơi một linh mục thì có sức quyến rũ người ta đến với Chúa hơn là một linh mục đạo mạo mà cách biệt giáo dân.

Hạnh là tha thứ.

Tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những người đóng đinh mình trên thập giá, tha thứ như thánh Stêphanô xin Thiên Chúa đừng chấp tội những kẻ ném đá mình, tất cả mọi tha thứ đều được phát xuất từ tâm hồn đạo hạnh kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Không tha thứ thì không thể có đạo hạnh, chính vì biết tha thứ cho những kẻ giết mình mà các thánh tử đạo đã trở nên những con người bất tử của Giáo Hội. Lòng tha thứ đạo hạnh này không phải chỉ đến khi gần chết mới tha thứ, nhưng phải tha thứ luôn trong cuộc sống của người linh mục Chúa Kitô, bởi khi các ngài tha thứ thì các ngài đã trở nên Chúa Kitô thứ hai tha thứ cho những kẻ làm hại mình, và như thế đạo hạnh của các ngài sẽ như hương thơm toả lan đến cho khắp mọi người.

Mỗi con người đều có một tấm lòng trắc ẩn, mỗi một người đều có một tâm hồn biết yêu thương và tha thứ, bởi vì không yêu thương thì không biết tha thứ, do đó mà Chúa Kitô dạy chúng ta hãy yêu thương và tha thứ lỗi lầm cho nhau. Linh mục Chúa Kitô thì chắc chắn là phải có một tâm hồn yêu thương và tha thứ hơn tất cả những người khác.

Theo sự thường, linh mục là người không biết đem cái giận chứa vào trong tâm hồn mình, bởi vì các ngài có một tâm hồn yêu thương quảng đại, bởi vì các ngài là những người thay mặt Chúa Kitô tha thứ cho hối nhân trong toà giải tội. Nhưng thực tế có nhiều giáo dân thấy cha sở của mình không có sự tha thứ mau mắn như Chúa Kitô : có một vài cha sở giận giáo dân vì dám phản đối ngài không nghe lời ngài, thế là không thèm nhìn mặt họ nữa; có một vài cha sở còn “oai” hơn bắt giáo dân phải công khai xin lỗi mình mới cho họ rước lễ; nhưng cái phổ biến nhất là khi cha sở giận một giáo dân nào đó thì chửi xéo trên toà giảng...

Lòng tha thứ đạo hạnh nơi một linh mục Chúa Kitô chắc chắn là không phải thế, nơi giáo xứ, các ngài là cha linh hồn, là gia trưởng, là thầy dạy đức tin, là người lãnh đạo giáo dân đến với Chúa, cho nên nói theo cách của con người thì các ngài cũng có quyền giận hờn và nổi nóng vì các ngài cũng là con người như mọi người, nhưng nói theo lòng đạo đức và chức vụ thánh mà các ngài đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa -qua Giáo Hội- thì các ngài phải ngay lập tức tha thứ cho người xúc phạm đến mình, bởi vì như thế mới biểu hiện được lòng từ ái của Thiên Chúa qua nơi các ngài.

Như người cha đầy lòng khoan nhân như người mẹ giàu lòng từ ái với đứa con ngỗ nghịch của mình, dù nó chưa mở miệng nói lời xin lỗi thì cha mẹ cũng đã tha thứ cho rồi, các linh mục cần phải đào sâu và thực hành sự tha thứ cho nhau cũng như cho các giáo dân của mình, bởi vì tha thứ là một phẩm hạnh của người linh mục, cho nên trước khi giáo dân xin lỗi mình thì các ngài đã tha thứ cho họ, đó là cách hành xử đẹp nhất mà chỉ có các linh mục Chúa Kitô mới có mà thôi, bởi vì cách hành xử này rất giống với Chúa Kitô -Linh Mục Đời Đời-

Hạnh là chia sẻ

Chúa Giêsu xuống thế gian không phải để được người ta phục vụ hầu hạ nhưng là phục vụ và hầu hạ người ta, đó là lời tâm sự của Ngài với các môn đệ của mình ngày xưa và với các linh mục hôm nay, trong xã hội hiện đại hoá này.

Chia sẻ là phục vụ, đó là một tình thương chân chính xuất phát từ một quả tim hiền hoà nhân hậu của một con người đầy tình yêu của Chúa, mà nổi bật nhất chính là các linh mục của Giáo Hội Công Giáo.

Các ngài đã từ bỏ tất cả mọi thứ thường tình trong cuộc sống -mà đáng lẽ- các ngài có quyền hưởng thụ như tất cả những người nam khác, nhưng vì tình yêu của Chúa Kitô thúc bách, các ngài đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Kitô làm tông đồ, làm người loan báo tình yêu Nước Trời, đó là thiên chức linh mục cao quý. Các linh mục đã từ bỏ mọi thú vui thế gian, đã khước từ những lời mời gọi chính đáng của tình yêu nam nữ để thong dong phục vụ Thiên Chúa qua con người hôm nay, cho nên cái hạnh (nết na phẩm hạnh) nổi bật nhất của các ngài là chia sẻ với tha nhân về những gì mình nhận được từ nơi Thiên Chúa.

a/ Chia sẻ với các anh em linh mục.

Không biết các linh mục có cảm nhận như thế nào trong ngày chịu chức linh mục của mình, riêng tôi cái cảm nhận rõ ràng nhất trong ngày tôi chịu chức thánh là : tôi đang đón nhận hồng ân cao cả của Thiên Chúa để gánh vác thập giá mà Ngài trao cho tôi kể từ giờ phút ấy (chịu chức linh mục). Tôi luôn xác tín rằng hồng ân càng nhiều thì thập giá càng nặng, cho nên trong suốt những ngày tháng thi hành chức vụ thánh của mình tôi luôn chuẩn bị đón nhận hồng ân và thập giá mà Chúa gởi đến cho tôi qua cộng đoàn xứ đạo, qua việc dạy học nơi trường học và qua cuộc sống đời thường...

Các linh mục anh em cũng thế, họ cũng được đón nhận hồng ân và thập giá của Chúa như tôi, nhưng hồng ân thì giống nhau mà thập giá thì không giống nhau.

Có linh mục được sai đi đến một họ đạo nhỏ lẻ loi và nghèo nàn, tóc các ngài nhanh chóng đổi thành màu trắng vì lo âu và vì lo cho giáo dân việc đạo việc đời tốt đẹp, thập giá của các ngài quá nặng, có những nơi phải làm lại từ đầu cho phù hợp với giáo huấn và phụng vụ của Giáo Hội, có những nơi các ngài phải khổ cực vất vả kiếm từng viên gạch để xây dựng phòng học giáo lý cho trẻ em, có những nơi các ngài bị giáo dân to tiếng nặng lời vì các ngài quyết tâm sửa dạy những thói cổ hủ gây gương mù cho mọi người trong giáo xứ.v.v... Chia sẻ với linh mục anh em là bổn phận và là phẩm hạnh của người linh mục chúng ta, có chia sẻ với anh em thì Thiên Chúa mới ban cho mình, đó là giáo lý của Chúa Kitô mà người linh mục biết rất rõ trong đời sống tu đức của mình, có chia sẻ với các anh em linh mục gặp khó khăn chúng ta mới thấm thía ý nghĩa Lời Chúa qua bài ca tụng của thánh Phanxicô Khó Nghèo : cho đi là nhận lại.

Chia sẻ với các anh em linh mục là phẩm hạnh của các linh mục Chúa Kitô, có một vài linh mục ở xứ đạo giàu có không muốn cho các linh mục khác đến họ đạo mình quyên tiền, có một vài linh mục từ chối lời giúp đỡ của các linh mục nghèo, có một vài linh mục mỗi khi giúp đỡ các linh mục bạn thì lên mặt dạy đời họ là phải làm như thế này cho có tiền, làm như thế nọ để giáo dân đóng góp... Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều linh mục biết cảm thông với các linh mục ở các xứ nghèo khó, có cha sở thì sẵn lòng mở ngay hầu bao để chia sẻ, có cha sở nhiệt tình hơn không những bỏ tiền ra giúp đỡ mà còn mời gọi giáo dân của mình giúp đỡ, tất cả những hành vi này đều nói lên tinh thần yêu thương và chia sẻ của Chúa Kitô nơi các linh mục ấy.

Không những chia sẻ vật chất mà các linh mục Chúa Kitô cũng còn chia sẻ cho nhau những công tác mục vụ nếu thấy không cản trở và giẫm chân nhau.

Tôi còn nhớ tại nhà thờ nhỏ nọ ở thành phố Saigòn, cha sở bị bệnh hai chân đi lại rất khó khăn, ban hành giáo bèn mời một linh mục trẻ (linh mục này được cha sở mời đến giáo xứ của ngài làm việc mục vụ cho thánh lễ trẻ em và làm lễ các ngày chẳn trong tuần, vì ngài không coi xứ, là linh mục chui) đến làm lễ giùm, vị linh mục này đã từ chối thẳng thừng rằng : việc của ông cha sở là của ông cha sở lo, còn tôi bận việc rồi (ngài đang ngồi đánh cờ tướng), Cuối cùng thì cha sở cũng phải lê lết đôi chân đau đi làm lễ.

Chia sẻ với nhau trong ăn uống thì rất dễ nhưng chia sẻ với nhau trong khi cần cho công tác mục vụ thì lại khó khăn, vì ai cũng có một lý do rất chính đáng, đó là : mắc bận.

Hạnh (nết na phẩm hạnh) của linh mục là ở đó, nó thể hiện ra một tâm hồn mau mắn giúp đỡ và phục vụ người khác, cái dễ dàng và có lợi cho mình thì ai cũng sẵn lòng, nhưng cái mệt nhọc thì không muốn chia sẻ với nhau. Hạnh của linh mục càng trổi vượt hơn khi các ngài chia sẻ với mọi người về những gì mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài bất kể đối tượng cần chia sẻ là ai.

Trong truyện Hiệp Khách Hành (kiếm hiệp của Kim Dung) người yêu của Thạch Phá Thiên là A Tú vì thấy môn đao pháp của phái Kim Ô rất bí hiểm, hể vung đao là giết người nên đã khuyên chàng : “Hể tha người được thì nên tha ngay”, đúng là câu nói đầy tính nhân hậu và vị tha. Chúng ta -những linh mục Chúa Kitô- có thể đổi câu này thanh câu châm ngôn sống của mình : “Hể giúp được thì giúp ngay”, dĩ nhiên là không phân biệt bạn hay thù, người thân hay không thân đó là nết na phẩm hạnh đáng quý của linh mục vậy.

b/ Chia sẻ với giáo dân.

Không phải tất cả các giáo dân trong giáo xứ của mình đều giàu có, nhưng cũng có một vài giáo dân nghèo; không phải tất cả các trẻ em trong giáo xứ đều được đến trường học, nhưng cũng có một vài em vì gia đình nghèo mà không được đi học, đó là chuyện “phổ thông” ở trong đất nước nghèo.

Phẩm hạnh của linh mục không chỉ là chấp tay cầu nguyện trong nhà thờ, hoặc giang tay dâng thánh lễ, hoặc chỉ lo dạy dỗ giáo lý, nhưng còn là chia sẻ với giáo dân những gì có thể được. Có nhiều cha sở mở lớp dạy nghề cho con em trong giáo xứ, có nhiều cha sở chạy ngược xuôi như người mẹ chạy lo thuốc thang cho con cái khi ngài xin phép mở nhà trẻ tình thương cho các trẻ em nghèo... tất cả những việc làm ấy đều nói lên tinh thần phục vụ của các linh mục, và hơn thế nữa, phẩm hạnh của các ngài không ai chê vào đâu được vì các ngài đã vì đàn chiên mà lao tâm lao lực...

Tôi còn nhớ một cha sở nọ khi mới về nhận một giáo xứ nghèo ở trung tâm Saigòn, ngài rất muốn xây lại nhà thờ cho khang trang để xứng đáng làm nơi thờ phượng Thiên Chúa (vì nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng), bản vẽ đã có, tiền bạc trước mắt cũng có thể kiếm, nhưng sau nhiều tháng suy tư vì thấy chung quanh nhà thờ toàn là những người dân đi vùng kinh tế mới về, nhà cửa ổ chuột, thiếu thốn mọi bề, nên ngài đã chia sẻ với giáo dân : “Cha xây nhà thờ mới cũng được, nhưng nhà Chúa thì quá đẹp đẽ mà nhà dân thì quá nghèo khó, hai cảnh tương phản không đúng với tinh thần truyền giáo, cho nên cha không xây nhà thờ nữa mà chỉ sửa lại cho khang trang và dồn cho việc xây nhà trẻ tình thương cho con em nghèo là tốt nhất, đó là việc truyền giáo cách thực tiển nơi họ đạo chúng ta...” Và thế là ngôi nhà trẻ tình thương ra đời ở ngay trong khuôn viên nhà thờ, các em nghèo được đến học miễn phí, nhà thờ sửa lại khang trang không xa hoa lộng lẫy, không tháp chuông cao vút như bản vẽ, không trang trí xa hoa đắc tiền, nhưng sạch sẽ và ấm cúng rất phù hợp với hoàn cảnh nghèo của giáo xứ, và giáo xứ ngày càng có người đến tham dự thánh lễ dù nhà thờ ở vị trí không thuận đường cho lắm...

Đó là cái chia sẻ lớn của người có tâm hồn truyền giáo lớn ngay tại trong giáo xứ của mình, chia sẻ với con cái là bổn phận của người làm cha làm mẹ, là bổn phận của mục tử nhân lành là các linh mục.

Có một vài linh mục xây nhà cha xứ lộng lẫy hơn cả nhà Chúa và dĩ nhiên lộng lẫy hơn nhà của giáo dân, máy điều hoà mát rượi của kính sáng loáng, giáo dân vào nhà cha sở còn rón rén sợ sệt hơn cả đến sở công an thành phố, vào gặp cha sở còn khó khăn hơn gặp thủ trưởng cơ quan vì phải qua dò xét của người gác cổng rồi qua cặp mắt xoi mói của cô thư ký và cuối cùng thì trả lời câu hỏi của bà bếp rồi mới được gặp cha sở !

Các ngài dù không sống xa hoa nhưng với kiểu cách học đòi như thế thì các ngài vô tình đóng khung mình lại trong phạm vi nhà kính lộng lẫy của nhà xứ, giáo dân không dám đến mà cha sở cũng không muốn ra, cho nên nói chuyện chia sẻ với giáo dân thì cũng là khó lắm đấy chứ.

Hạnh là sống bình dị (bình dân giản dị)

Các vị thánh không ai sống kiêu kỳ kiểu cách với tha nhân, các bậc vĩ nhân đa số cũng sống rất bình dị, các linh mục của Chúa Kitô thì càng phải sống bình dị hơn nữa trong cuộc sống đời thường của mình, bởi vì lối sống bình dị không làm cho mình mất nhân cách, không làm cho mình “mất tiếng” và càng không làm cho mình trở thành tên cù lần...

Không một mục tử nào đi chăn chiên mà thắt cà vạt áo vét chân mang giày đinh, nhưng mặc áo chăn chiên tay cầm gậy và đi trước đàn chiên; không một mục tử nào khi dạy dỗ con chiên mà la mắng chiên ngu như bò (!) nhưng trái lại ân cần chăm sóc từng con chiên. Đời sống bình dị của một linh mục có ảnh hưởng lớn lao trên cuộc sống tâm linh của người Kitô hữu, làm cho họ nhận ra khuôn mặt dễ thương khả ái của Chúa Kitô.

Có nhiều linh mục sống rất bình dị, các ngài tâm niệm rằng mình được sai đến họ đạo là vì phần rỗi của giáo dân chứ không vì cá nhân mình, nên các ngài hết sức phục vụ giáo dân và ưu tiên cho công việc mục vụ, vì thế đời sống của các ngài luôn bình dân giản dị không cầu kì kiểu cách để khi giáo dân cần là lập tức đi ngay đến với họ, cuộc sống bình dị này làm cho người linh mục gần gủi thân tình với giáo dân hơn, phá bỏ quan niệm các cha là bậc cao sang giáo dân không dám đến gần nơi giáo dân của mình. Có một vài linh mục cho rằng mình sống bình dị làm cho giáo dân coi thường, giáo dân không bao giờ coi thường linh mục nhưng chính các linh mục đã làm cho họ coi thường mình bằng đời sống buông lỏng không xứng hợp với chức vụ thánh mà Thiên Chúa đã chọn và trao cho các ngài.

Sống bình dị trong cách ăn mặc là biểu hiện một tâm hồn đơn sơ rộng rãi và không cố chấp, đó là đức hạnh của linh mục.

Sống bình dị trong cách ăn uống là biểu hiện một tâm hồn đạo đức hi sinh và vui tươi, đó là đức hạnh của linh mục.


Có những linh mục rất bình dị trong cuộc sống đời thường, các ngài không đòi hỏi phải có người phục vụ, cũng không đòi hỏi phải được mọi người quan tâm đến mình, và vì sống bình dị nên các ngài đi đến đâu là được người ở đó yêu mến và sẵn sàng giúp đỡ các ngài, và vì cách sống bình dị của các ngài nên trong nhà xứ đầy ắp tiếng cười vui vẻ của giáo dân, trong nhà thờ mọi người đều sốt sắng nghe ngài giảng dạy giáo huấn như là đàn chiên ngoan ngoãn nghe tiếng người mục tử của mình trong yêu thương và kính trọng...

Con người thời nay -nhất là giới trẻ- sống ngày càng mất phương hướng, họ có khuynh hướng giải quyết mọi vấn đề trong thực tiển cho nên ý thức về đời sống đạo hạnh ngày càng thiếu đi, hơn nữa, lối sống hưởng thụ đã làm cho họ xa dần những đạo đức căn bản nhưng lại có giá trị hơn bất cứ môn khoa học nào, căn bản đây chính là cái hạnh để bảo vệ đời sống con người trong gia đình, trong xã hội và nơi mỗi cá nhân của họ. Khoa học và đạo đức không thể tách rời nhau, nó như chị em sinh đôi trong một gia đình hạnh phúc, một bên phát huy trí tuệ một bên phát huy đời sống tâm linh làm cho con người ta trở nên công cụ tốt đẹp của Thiên Chúa.

Thay lời kết

Công, Dung, Ngôn, Hạnh của Linh Mục Chúa Kitô đến đây là chấm dứt, cũng như những bài viết khác, nó chỉ chấm dứt trên giấy trắng mực đen, nhưng sẽ chưa chấm dứt trong cuộc sống của người linh mục, bởi vì linh mục là người được Thiên Chúa chọn thay mặt Ngài để thánh hóa, giáo huấn và dẫn dắt dân Ngài về quê hương vĩnh phúc trên thiên đàng, do đó mà người linh mục Chúa Kitô đức hạnh phải vượt trên mọi người, các ngài như những hiền thê luôn chung thủy với ơn gọi của mình và sốt sắng chăm lo việc nhà Thiên Chúa nơi giáo xứ của mình.

Công Dung Ngôn Hạnh là tứ đức của người con gái, nó cũng sẽ là những đức tính tốt đẹp mà người linh mục Chúa Kitô cần nên có trong xã hội hôm nay, bởi vì trước khi được học các môn thần và triết để trở thành linh mục thì các ngài phải học cách làm người trước đã, đó chính là nhân bản Kitô giáo vậy, mà Công Dung Ngôn Hạnh cũng là nhân bản vậy...

Tôi cũng là một linh mục Chúa Kitô, nên tự xét mình, muôn ngàn lần không xứng đáng làm linh mục của Ngài bởi vì thân vẫn còn mang nặng tham sân si, nhưng tin tưởng vào tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho tôi, tôi xin Ngài thánh hóa tôi trở thành hiền thê luôn sống trung thành với Ngài, đem Công Dung Ngôn Hạnh của thế gian thánh hóa thành những đức hạnh tốt đẹp của người Linh Mục Chúa Kitô.

Xin Thiên Chúa -nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, mẹ của Linh Mục- cầu bàu và gìn giữ chúng ta trong ơn gọi linh mục đời đời của mình.

Tác giả

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------------------------------------

(1) Đại từ điển Tiếng Việt trang 781.

(2) Pl 4, 4.