PHẦN 3 : TIÊN VÀN LÀ MỘT LINH MỤC THỨ ĐẾN MỚI LÀ MỘT BỆNH NHÂN (tt)

SUY NIỆM : NHỮNG THỬ THÁCH TĂNG THÊM

SAU khi đã bắt đầu việc điều trị, những rắc rối mới lại gây thêm cho tôi một mớ những phiền toái. Khi đang có dịp bách bộ với Cha Vello, tôi buột miệng nói : "Cha Ken, đôi chân của tôi thấy tức cười lắm !". Ngài hỏi : "Đức Hồng thấy thế nào ?". Tôi trả lời : "Cha biết là khi cha bị một cơn sốt, cha thấy có vẻ như tay và chân của mình không còn thuộc về mình nữa ! Đôi chân của tôi cũng như vậy đấy. Không biết có phải do đốt điện hay hoá trị không ?".

Sau đó tôi hỏi các bác sĩ : "Có phải tình trạng cảm thấy ở đôi chân là do phản ứng phụ của việc đốt điện hay hoá trị không ? ". Họ trả lời : 'Không, Ngài không bị khó khăn gì với đôi chân của Ngài đâu !". Nhưng hai chân của tôi cứ mỗi ngày một tệ thêm !

Tháng 9 năm 1995, tôi bị té lần thứ nhất và sau này là cả một loạt những lần té khác nữa : Hậu quả của đôi chân yếu ớt. Lúc té tôi đang ở Villa in Mundelein và bị gãy mất một đốt xuơng sống. Tháng Giêng sau tôi bị té trên cầu thang Toà Tổng Giám mục. Từ sáu cho đến tám tháng sau đó, tôi bị gãy tất cả là 8 đốt xương và 4 xương sườn ! Điều này gây đau đớn ghê gớm. Các bác sĩ đã khám phá ngay ra là bên cạnh căn bệnh liệt cột sống, tôi còn bị chứng khớp và cong cột sống. Tôi bị mất đi 4 inches theo chiều cao ! Hậu quả là tôi phải sửa lại các phẩm Hồng y của mình cho ngắn hơn !

Mặc cho nỗi đau đớn triền miên trong cột sống và hai chân, gần cuối mùa hè năm 1995, tôi vẫn tiếp tục điều trị bệnh ung thư rất tốt và tinh thần cũng rất sảng khoái.

Một trong những hồi ức thích thú trong thời gian này là việc tổ chức chương trình cuối khoá "Bồi dưỡng Thần học" bao gồm một loạt các bài thuyết trình kéo dài trong bốn tuần dành cho Tổng Giáo phận Chicago và Giáo phận Joliet trình bày khoảng hai mươi hay ba mươi đề tài. Chương trình này vốn đã có từ mười bốn năm nay, và mỗi năm hàng ngàn người trẻ đến với nhau để nghe thuyết trình và cùng nhau khai thác nhiều chiều kích đức tin khác nhau. Vào cuối tuần thứ tư, tất cả đều quây quần trên sân cỏ Toà Tổng Giám mục để dùng bữa, nghe nhạc và đùa giỡn. Mặc dù tôi luôn ước mong được chia sẻ bầu khí vui nhộn của họ, nhưng tôi không nghĩ là năm nay tôi sẽ có thể có mặt được.

Thế nhưng tôi đã có mặt ! Kìa mọi người chào đón tôi với quá nhiều tình yêu và khích lệ đến độ tôi không thể ngưng cười đùa với họ được. Một người hét lên : "Con hy vọng Đức Hồng y thực sự khoẻ như chúng con đang nhìn thấy Ngài đây !" Thường thì tôi muốn nói thật là tôi không được khoẻ, nhưng hôm đó thực sự tôi thấy mình khoẻ khoắn.

Việc đốt điện và hoá trị chấm dứt vào giữa tháng 8, và thế là tôi lại có thêm một tháng nghỉ.

Đến giữa tháng 9, tôi bắt đầu một chương trình điều trị thường xuyên, nghĩa là mỗi tuần phải chích một lượng hoá chất có tên là 5 FU - (5 - Fluorouracil), một loại thuốc đặc trị dùng cho bệnh ung thư tuyến tụy. Phản ứng phụ của những lần vào thuốc ấy (tôi được chích tại nhà) tương đối là có thể chịu đựng được. Chương tình vào thuốc như thế được dự định là sẽ phải kéo dài trong hai năm.

"MỘT DẤU CHỈ CỦA HY VỌNG" : LÁ THƯ MỤC VỤ CỦA TÔI VỀ VẤN ĐỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ

VIỆC đương đầu với bệnh ung thư và chia sẻ thời gian với những bệnh nhân ung thư khác đã đào sâu thêm lời hứa của tôi về việc phải bàn cãi xem làm sao để có thể bảo đảm chất lượng trong việc chăm sóc sức khoẻ để tất cả những ai cần đều có thể được hưởng. Khi rời Trung tâm Y khoa của Đại học Loyola, tôi đã hết lòng ca tụng các bác sĩ ở đó với những ngôn từ chân thành nhất mà tôi nghĩ là một bệnh nhân có thể có đối với những người có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho họ. Tôi nói với họ rằng điều gây ấn tượng cho tôi nhất đối với Ban Giám đốc, đó là họ đã chăm sóc mọi bệnh nhân với sự tôn trọng và cảm thông ngang bằng nhau. Tôi thích được chăm sóc kỹ hơn nhưng tôi cũng hiểu ngay được là mọi người cũng muốn như vậy. Màu da, chủng tộc, giới tính và địa vị kinh tế hay xã hội chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả. Tôi nói với các bác sĩ và Ban Giám đốc rằng họ có thể tự hào về cách chữa trị tuyệt vời họ đã có !

Tháng 10 năm 1995, tôi cho lưu hành lá thư mục vụ của tôi về vấn đề chăm sóc sức khoẻ với chủ đề : "Một dấu chỉ của hy vọng". Lá thư ấy được chuyển đến các giáo xứ sau ngày tôi được phẫu thuật 4 tháng, và vấn đề chăm sóc sức khoẻ cứ ám ảnh tâm trí tôi hoài. Tôi đã quyết định bắt đầu văn kiện ấy với một lá thư rất riêng tư mà tôi tin rằng đáng để được chia sẻ ở đây :

"Trong suốt thời gian thi hành thừa tác vụ Giám mục, tôi đã đầu tư rất nhiều thời giờ và ý chí cho những vấn để liên quan đến. Tổ chức chăm sóc sức khoẻ do người Công giáo đám trách. Khi việc canh tân tổ chức chăm sóc sức khoẻ trở thành một phần của kế hoạch công khai được bàn luận đến trong năm trước, tôi đã có nhiều đóng góp trong lần thảo luận ấy, chẳng hạn như phải lưu ý đếu tầm quan trọng của việc không vị lợi nhuận của các Tổ chức chăm sóc sức khỏe Công giáo. Với tất cả cố gắng, tôi đã diễn tả sự cảm kích đứng trước sự tận tụy trước đây cũng như bây giờ trong trọng trách chăm sóc sức khoẻ nơi các nam nữ tu sĩ đảm nhận công tác này và anh chị em giáo dân cộng tác với họ.

Nhiều tháng trước tôi đã quyết định viết lá thư mục vụ này để trình bày suy nghĩ của tôi về Tổ chức chăm sóc sức khoẻ của người Công giáo, mục đích là để xin tất cả những ai cùng chung chia những quan điểm với tôi hãy cùng nhau đưa ra những hướng dẫn cho trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ trong Tổng Giáo phận Chicago. Nhưng chưa kịp khởi sự công việc đó thì tôi đã được chẩn đoán là bị ung thư. Sau lần giải phẫu tại Loyola University Medical Center ở Maywood, Illinois và thời gian ngắn ngủi để hồi sức, tôi đã phải trải qua sáu tuần điều trị bằng đốt điện và hoá chất.

Giờ đây tôi quay lại với chương trình này không chỉ với tư cách là một Giám mục có một quan tâm đặc biệt và lời hứa đối với Tổ chức chăm sóc sức khoẻ Công giáo mà còn với cảm nghiệm của một bệnh nhân ung thư đã từng được hưởng sự chăm sóc thân tình và đầy cảm thông theo gương Chúa Giêsu, Đấng chữa lành các bệnh nhân.

Khi vào Loyola University Medical Center tháng sáu trước, sự sống tôi hoàn toàn suy sụp với những tín hiệu vô vọng tôi cảm nghiệm được nơi thân xác mình đứng trước căn bệnh ung thư nguy hiểm và ác tính này. Rồi thời gian từ khi được chấn đoán cho đến lúc giải phẫu và điều trị bằng đốt điện và hoá chất đã dẫn đưa tôi đến một chiều kích mới trong hành trình đức tin.

Tôi cảm nghiệm tình trạng hỗn loạn mà những căn bệnh nặng gây ra trong cuộc sống mỗi người. Tôi đã phải chối từ nhiều thứ có vẻ mang lại cho tôi đôi chút an toàn và thoả mãn để đi tìm sự lành lặn mà chỉ có đức tin vào Chúa mới có thể mang lại cho tôi được thôi.

Lúc ban đầu tôi có cảm tưởng như một cơn lũ lụt đe doạ nhận chìm tôi xuống. Bởi vì đây là lần đầu tôi thực sự đối diện với cái chết. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mọi ước mơ riêng tư và chương trình mục vụ cho tuơng lai đều bị đình hoãn. Mọi sự trong cuộc sống cá nhân cũng như trong sứ mệnh mục vụ đều được sắp xếp theo một chiều kích mới. Và cảm nghiệm đầu tiên của tôi là sự mất hướng đơn côi và ý nghĩ mình không còn "trong nhà mình nữa".

Mặc dù gần như là bị tê liệt bởi những tín hiệu về bệnh ung thư, tôi vẫn bắt đầu tự chuẩn bị chính mình để được giải phẫu và điều trị. Tôi trao đổi với gia đình và bạn bè. Tôi đã cầu nguyện như chưa từng cầu nguyện như thế bao giờ để có được sự can đảm và ân sủng hầu đối mặt với bất cứ điều gì xảy đến. Tôi quyết định dâng mọi đau khổ tôi phải chịu cho Giáo hội, đặc biệt là cho Tổng Giáo phận chicago. Được Chúa chúc lành, một sự bình an trong trí, trong tâm và trong hồn chan hoà nơi tôi, sự bình an mà trước đây tôi chưa hề được nếm biết. Và tôi tin tưởng vào con đường mới Chúa muốn cùng đi với tôi qua cuộc hành trình bệnh hoạn này, cuộc hành trình đưa tôi từ phong cách sống cũ đến một phong cách sống mới.

Tuy nhiên, suốt thời gian hồi sức, tôi thấy hình như đêm có dài thêm cách đặc biệt, thời gian của nhiều nỗi hoảng sợ xuất hiện. Thỉnh thoảng tôi thấy mình khóc thầm, điều mà trước đây hiếm khi xảy ra. Và tôi bắt đầu hiểu phải làm sao để có thể qua được những ngày sống trống trải và vô nghĩa này. Trong những giai đoạn đen tối ấy, bên cạnh đức tin và niềm trông cậy vào Chúa, tôi không ngớt được khích lệ bởi sự quan tâm mà hàng ngàn người trong Tổng Giáo phận và trên thế giới đã cầu nguyện cho tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc vì tình cảm dồi dào và sự khích lệ ấy đã giúp tôi cảm nghiệm được đời sống của Giáo hội như một "Cộng đoàn của niềm hy vọng" với một đường lối vô cùng thâm tình.

Tôi cũng thấy nơi mình sự gắn bó đặc biệt với những con người khác cũng đang phải đương đầu với cuộc sống bị bệnh tật đe doạ. Tôi đã tâm sự và cầu nguyện với những bệnh nhân ung thư khác đang cùng chờ đợi trong phòng với tôi để được đốt điện hay vào hoá chất. Tôi cũng liên hệ với hàng trăm người muốn hỏi ý kiến tôi hay xin tôi cầu nguyện cho những người thân thương của họ đang phải chịu đựng những chứng bệnh nghiêm trọng và cứ thường là bệnh ung thư.

Kinh nghiệm trong bốn tháng qua đã có một vai trò quan trọng trong việc định hướng cho suy tư mục vụ về Tổ chức chăm sóc sức khoẻ Công giáo này. Tôi có lý do để tin rằng suy tư về tình trạng bệnh hoạn và tương lai việc chăm sóc sức khoẻ do người Công giáo đảm nhiệm sẽ đem lại lợi ích nhất định và khích lệ tất cả những ai còn đang phải vật lộn với bệnh hoạn hay cần được chăm sóc sức khoẻ trong một môi trường xã hội, kinh tế và chính trị đang thay đổi một cách rất mau lẹ.

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch