Đức thứ ba :

NGÔN (Ăn nói lịch sự)

Ngôn là lời nói mà chắc chắn là lời nói lịch sự và dễ nghe chứ không khó nghe như có nhiều người đã dùng nó để chọc cười, để chửi hoặc để thoá mạ người khác.

Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã làm người, Ngài là Lời của Chúa Cha và lời Ngài nói là Chúa Cha nói, việc Ngài làm là làm theo ý của Chúa Cha, chỉ giảng dạy ba năm nhưng Ngài đã chuẩn bị ba mươi năm trong gia đình Nagiarét, chỉ giảng dạy có ba năm mà Ngài đã giáo huấn và dạy dỗ rất nhiều người tin và theo Ngài, tại sao vậy ? Thưa vì Chúa Giêsu đã nói Lời của Thiên Chúa, đã giảng lời sự thật và nhất là chính Ngài đã sống như lời Ngài giảng.

Linh mục là Chúa Kitô thứ hai được xức dầu tấn phong để trở nên người nói lời của Thiên Chúa, giảng dạy cho mọi người biết và tin theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, cho nên lời của linh mục giảng dạy là lời của Thiên Chúa, lời của linh mục nói thì luôn là sự thật và làm mát lòng người nghe, lời linh mục rất có quyền năng khi đọc lời truyền phép bánh miến và rượu nho trở nên Mình và Máu thánh của Chúa Kitô.

Thưa các bạn,

Các bạn nghĩ coi, nếu một người bình thường ăn thô nói tục thì người ta đã chịu không nổi, đôi lúc khinh thường và cho đó là người mất dạy, vô giáo dục, hoặc là những đứa bụi đời lang thang đầu đường xó chợ, còn nếu một linh mục mở miệng ra là chửi thề, ăn nói cộc cằn thô lỗ thì người ta nghĩ như thế nào và nói sao nhỉ ???

Một người vợ dịu dàng và nết na không phải chỉ trong thái độ cử chỉ nhưng cả trong lời nói nữa, lời nói của nàng nhẹ nhàng và reo vang như khúc nhạc khiến cho chồng nàng thích thú yêu thương, lời nói của nàng nhẹ nhàng và rất có hiệu quả khi dạy dỗ bảo ban con cái của mình, bởi vì lời nói nhẹ nhàng thì có sức mạnh hơn cả trăm cái bạt tai...

Ngôn là lời nói, không những nhẹ nhàng dễ nghe mà còn là lời nói trung thực phát xuất từ trong một tâm hồn hiền lành thật thà và thấm nhuần tinh thần tu đức kính Chúa yêu người.

Linh mục của Chúa Kitô trong vai trò là mẹ của giáo dân, các ngài cũng sẽ luôn hiền lành và nhẹ nhàng trong cách nói năng để dạy dỗ giáo dân của mình, chứ không phải là một dì ghẻ mỗi lần lên toà giảng là hết mắng chửi người này đến phê bình người kia, làm cho con cái (giáo dân) nản lòng nản chí không muốn đi nhà thờ nữa.

Ngôn là nói Lời Thiên Chúa.

Linh mục là người được đặt tay để trở thành người phát ngôn chính thức Lời của Chúa, nghĩa là các ngài có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho mọi người thuộc mọi dân tộc và mọi quốc gia trên khắp thế giới, đó không những là bổn phận mà còn là sứ mạng cao cả của các linh mục khi các ngài được Giáo Hội -qua Giám Mục- kêu gọi và đặt tay xức dầu thánh hiến.

Cho nên lời của các linh mục luôn là lời đem lại bình an và động viên người ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân.

Được vinh dự là người phát ngôn chính thức Lời của Thiên Chúa, các linh mục cần phải suy tư, đào sâu và sống Lời Chúa để có “chất” mà giảng dạy cho giáo dân nghe và sống Lời Chúa như mình, các ngài là những thầy dạy người ta về chân lí của sự sống đời đời là Chúa Giêsu Kitô, cho nên các ngài không thể lãng phí thời gian vào các bộ phim hoặc những quyển tiểu thuyết không đem lại ích lợi cho việc đào sâu và thực hành Lời Chúa.

Có một vài linh mục có thói quen tốt một ngày đọc vài hàng tin tức trên báo chí, trên internet để biết tin tức thế giới và Giáo Hội, đọc một quyển sách thiêng liêng và suy gẫm để có chất liệu giảng dạy cho giáo dân, những linh mục này là kì vọng của giáo dân và là niềm hãnh diện cho Giáo Hội, bởi vì nơi các ngài đời sống thánh thiện và tinh thần cầu tiến đã trở thành sức hấp dẫn người khác đến với Chúa Giêsu.

Ngôn nơi toà giảng

Toà giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa cho nên nó rất quan trọng, tầm quan trọng này đến mức nào thì các linh mục chắc chắn hiểu rõ hơn những người khác, nó quan trọng đến mức mà Giáo Hội cấm những người không phải là linh mục được giảng trên toà giảng trong khi cử hành thánh lễ dù họ là tiến sĩ hay là nhà bác học lừng danh thế giới, dù họ là ông tổng thống hay bà bộ trưởng...

Nơi toà giảng, ngôn từ của linh mục thật đặc biệt và cao quý bởi vì giờ đây không còn phải là lời của các ngài nữa, nhưng là lời của Chúa Thánh Thần nói qua miệng của các ngài để giáo dân hiểu và sống đúng lời dạy của Thiên Chúa, và nơi đây -toà giảng- Lời Chúa trong bài Tin Mừng được vang ra từ miệng và từ tâm hồn của linh mục để đến nơi từng tâm hồn của các tín hữu đang hiện diện và đang lắng nghe Lời Chúa qua vị mục tử của mình, họ hân hoan phấn khởi lắng nghe và suy tư những gì mà linh mục chia sẻ với họ, họ vui mừng vì những thắc mắc trong đời sống đầy lo âu đã được linh mục -qua bài giảng- nói cho họ nghe và họ an tâm tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa cuộc sống của họ...

Đa số giáo dân thời nay đều biết và hiểu rất rõ toà giảng là nơi công bố và giảng dạy Lời Chúa, là nơi mà chính họ đã băn khoăn bức xúc khi mà không được đến nghe Lời Chúa trong các ngày chủ nhật hoặc là các ngày lễ trọng khác, là nơi mà họ lấy làm tiếc rẽ khi đi lễ trể vì bận công việc nên không được nghe linh mục giảng...

Thế mà có một số linh mục đã lợi dụng toà giảng để nói lời “của mình” cho giáo giáo dân chứ không nói Lời Chúa cho họ nghe, các ngài đem những nổi bực tức của mình trút lên đầu giáo dân nơi toà giảng, các ngài “giận cá chém thớt” trên toà giảng, lời của các ngài không còn là Lời Chúa nữa bởi vì làm cho giáo dân bực mình, lời của các ngài cũng không còn là lời giáo huấn nữa nhưng là lời dạy đời thiên hạ, mà thiên hạ đó chính là những giáo dân của mình có người chín mươi tuổi, có người bảy mươi tuổi, có người tuổi đáng cha ông của mình với kinh nghiệm đầy mình, họ nghĩ gì khi nghe những lời dạy đời thiên hạ của một linh mục đáng con cháu của mình, họ sẽ nghĩ rằng : chúng tôi đến đây là để nghe Lời Chúa qua miệng các linh mục là những người thay mặt Chúa, chứ không phải đến đây để nghe dạy đời qua miệng một người chưa từng lăn lộn với đời như chúng tôi...

Ngôn nơi toà giảng là ngôn (lời nói) đã được uốn lưỡi bảy mươi bảy lần bảy, là ngôn đã được suy tư, đã được cầu nguyện và thánh hoá bởi chức thánh nơi bản thân các linh mục, do đó mà ngôn của các ngài cần phải chừng mực không la lối tại sao các ông các bà không đi lễ, không kể lể là tại sao quý vị không xin lễ cầu hồn cho ông bà cha mẹ, và cũng không khen người này đã dâng cúng cho nhà thờ và cha sở tiền bạc vật chất, người kia thì quanh năm không thấy đi xin lễ và không đóng góp cho nhà thờ.v.v... Tất cả những ngôn từ ấy không phải để nói nơi toà giảng trong thánh lễ -ngày thường hay chủ nhật- bởi vì những ngôn từ ấy không phải của Thánh Thần và cũng không được uốn lưỡi bảy mươi bảy lần bảy trước khi nói, cho nên nó dễ làm cho giáo dân ngao ngán mà bỏ nhà thờ đi lang thang kiếm nhà thờ khác để tâm hồn bình an hơn...

Nếu vậy thì, ngôn của các ngài -nơi toà giảng- đã trở thành những ngọn roi tra tấn tâm hồn những người yếu đức tin, làm rát tâm hồn những người ngoan đạo và làm chảy máu tâm hồn của những người hết lòng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô.

Ngôn trong đời thường

Cuộc sống đời thường của mỗi người thì cứ theo thứ tự như sau : ngủ, ăn, làm việc, nghỉ ngơi giải trí, trong bốn việc cần thiết này chỉ có ngủ là không nói mà thôi, ngoài ra thì đều có nhu cầu khơi thông tức là lời nói.

Ăn cũng phải nói,

Làm việc cần phải nói,

Nghỉ ngơi giải trí cũng phải nói.

Các linh mục cũng không ra ngoài cái lệ này, nhưng -xét cho cùng- cuộc sống đời thường của linh mục thì khác rất xa người khác về nội dung, bởi vì linh mục đã được chọn để sống đời tận hiến cách đặc biệt giữa nhân loại như Chúa Giêsu đã sống giữa dân Do Thái nơi làng Nagiarét vậy, do đó mà các linh mục cần phải cẩn trọng lời nói của mình dù khi ăn, khi làm việc hay khi nghỉ ngơi giải trí, bởi vì chính lời nói của mình sẽ phán xét mình trong ngày Chúa quang lâm.

1. Ngôn khi ăn uống

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói của một vị linh mục đáng kính đã nói với chúng tôi : “Mỗi lần cha làm tiệc đãi các linh mục (bổn mạng, sinh nhật) thì không bao giờ cha mời giáo dân cùng dự, ngay cả ban chấp hành của giáo xứ, bởi vì các ngài (linh mục) khi ăn thì uống bia rượu nhiều hơn giáo dân và ăn nói thì ồn ào rất tự do dễ gây gương mù gương xấu cho giáo dân”.

Khi ăn uống có rượu vào thì lời ra, đó là một “quy luật” tự nhiên, nhưng đó là quy luật của người đời bởi vì họ thường cho rằng chỉ có rượu mới giúp họ giải sầu, còn đối với các linh mục nói chuyện khi ăn uống là cả một mẫu mực cho mọi người, có những linh mục khi ăn uống thì nói văng cả thức ăn ra, có linh mục khi ăn uống thì đem chuyện giáo dân này giáo dân nọ ra mà nói giữa đám tiệc, và tệ hơn có một vài linh mục khi ăn uống thì nói liên tu bất tận về mình...

Giáo dân đứng hầu bàn khi linh mục ăn uống là thái độ kính trọng của họ đối với các ngài là đại diện Chúa Kitô, họ trân trọng mời linh mục lên bàn trên rất danh dự vì chức vụ của các ngài quả là đặc biệt hơn các chức vụ khác của người thế gian, và quan trọng hơn các ngài là người cha dẫn dắt linh hồn của họ. Nhưng có những lúc -chúng ta- những linh mục của Chúa Kitô đã phụ lòng kính trọng của giáo dân dành cho mình, chúng ta coi giáo dân là hạng thứ nên trong bữa tiệc cùng ăn uống với họ, ngôn từ của chúng ta toàn là “dao to búa lớn” lên mặt kẻ cả với họ, kêu người này bằng thằng, xưng người kia là tớ tớ cậu cậu (vai thấp) và có khi cả mày mày tao tao rất ư là không hợp với lời nói và lối xưng hô của một linh mục. Thân mật và thân tình trong cách gọi như thế giữa đám đông là không đúng, bởi vì có nhiều người ngoại giáo sẽ lấy làm ngạc nhiên khi chúng ta vô phép và bất lịch sự với người lớn tuổi hơn mình...

2. Ngôn trong làm việc.

Việc làm của linh mục đôi khi quá bề bộn và đôi khi cũng thật nhàn hạ, nhưng có việc làm để bận rộn thì có lợi cho đời sống tu trì hơn là rãnh rỗi nhàn hạ.

Vì bận rộn với công việc của giáo xứ mà đôi khi linh mục cũng có những lời nói không hay khi tiếp xúc với giáo dân. Có những linh mục khi mệt nhọc mà nghe giáo dân hỏi chuyện thì càng bực thêm và có những lời nói gắt gỏng, có những linh mục mà giáo dân không dám đến gần để hỏi chuyện hoặc là chuyện trò thân tình như con cái trong gia đình, bởi vì ngài hay nạt nộ và có khi chê người giáo dân là không biết gì, thế là họ không muốn đến chuyện trò bàn hỏi với linh mục của mình nữa.

Chúa Giêsu bận rộn rất nhiều với công việc giảng dạy và chữa trị đủ các thứ bệnh hoạn cho dân chúng, nhưng chưa bao giờ thấy Ngài gắt gỏng với ai hoặc nói nặng lời với họ, ngoại trừ đối với những người biệt phái kiêu căng coi mình là thầy dạy thiên hạ.

Có những giáo dân thích nghe cha giảng trong nhà thờ chứ không thích hỏi chuyện với ngài (!) vì ngài quá hách trong khi làm việc mục vụ, lời nói của ngài phán ra thì bắt buộc mọi người phải nghe răm rắp dù lời nói ấy không phù hợp với hoàn cảnh của họ và cũng không phù hợp với môi trường sống đạo của họ, có những linh mục độc quyền ra lệnh chứ không muốn bàn hỏi với giáo dân, có những linh mục lớn tiếng khi có giáo dân góp ý cho công việc của mình, có những linh mục thì đỏ mặt tía tai cãi nhau với giáo dân về vấn đề xã hội mà quên mất rằng mình là linh mục của Chúa Kitô chứ không phải là cán bộ nhà nước.

Công việc mục vụ của linh mục không như công việc hành chánh của nhà nước, công việc mục vụ của ngài đòi hỏi trước hết là thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa dạy qua hoàn cảnh của giáo xứ và qua cuộc sống của mình, kinh nghiệm cho biết linh mục nào cầu nguyện nhiều hơn thì khi tiếp xúc với giáo dân đều có những lời nói rất tế nhị mà sâu sắc, hoà nhã và thân ái, bởi vì chính các ngài đã hiểu được mình là ai khi cầu nguyện với Chúa và giáo dân là ai khi tiếp xúc với mình : ngài là linh mục của Chúa Kitô và giáo dân là những người đã được Chúa trao cho các ngài dạy dỗ đường nên trọn lành.

Linh mục Chúa Kitô luôn hoà nhã với hết mọi người, lời nói của các ngài luôn phản ảnh tâm hồn vị tha và khiêm tốn, đôi lúc có một chút hài hước đáng yêu để mọi người nhận ra cha sở của mình không phải là một ông quan bệ vệ làm bộ làm tịch với dáng điệu và lời nói của “người bề trên”...

3. Ngôn khi nghỉ ngơi giải trí

Ở ngoại quốc hình như mỗi tuần đều có ngày nghỉ ngơi của cha sở, có giáo phận thì nghỉ ngày thứ hai, có giáo phận thì nghỉ ngày khác trong tuần, và một năm thì được nghỉ một tháng, đó là những nghỉ ngơi có ích cho các linh mục bận rộn với công tác mục vụ trong tuần hoặc trong năm. Tuy nhiên hội dòng của chúng tôi thì không có ngày nghỉ vì đấng tổ phụ của hội dòng -cha Vincent Lebbe- đã dạy : thay đổi công việc là nghỉ ngơi.

Có linh mục lợi dụng ngày nghỉ ngơi của mình để đi leo núi, có linh mục thì tắm biển, có linh mục thì đi thăm bạn bè, và có linh mục thì đọc sách báo viết lách trong ngày nghỉ, tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa ban cho.

Ngôn trong giải trí của linh mục của Chúa Kitô cũng đáng được mọi người để ý, bởi vì có một vài linh mục khi cùng nhau chơi cờ đominô giải trí cũng có những lời lẽ “vượt quá” tầm mức chức vụ của mình, tức là các ngài vì quá hưng phấn trong giải trí nên thốt ra những lời không mấy hay ho chẳng khác chi người đời; cũng có một vài linh mục cùng nhau giải trí đã to tiếng cãi nhau đến mặt đỏ gân xanh nổi lên trên khuôn mặt vốn hiền hoà khả ái của mình, khiến cho giáo dân cười “tủm tỉm” các cha của mình mà cũng như thế...

Nghỉ ngơi giải trí không có nghĩa là buông lỏng con người của mình, giải trí cũng không có nghĩa là thích gì làm nấy mà quên mất mình là Linh mục của Chúa Kitô, nhưng giải trí có nghĩa là thư giản tâm hồn và thân xác sau một tuần, một năm mệt nhọc vì công cuộc mục vụ truyền giáo của mình và lợi dụng kỳ nghỉ để bồi dưỡng thêm tu đức của mình trong những lúc cầu nguyện và giải trí.

Nghỉ ngơi giải trí không có nghĩa là mình hết làm linh mục để rồi ngôn hành như những người ngoài đời, nhưng trong cách nghỉ ngơi giải trí cũng luôn làm nổi bật nét hiền hoà thánh thiện của một linh mục, có một vài linh mục nghỉ ngơi giải trí bằng cách coi phim, coi truyền hình đến nổi gắt gỏng khi có người gọi điện thoại hỏi thăm cha sở, lại có linh mục bực tức vì phải tiếp khách trong ngày nghỉ hàng tuần của mình...

Một người vợ hiền là một người mẹ biết chăm lo cho chồng con và dọn dẹp nhà cửa khi được nghỉ trong tuần, nàng hết sức lợi dụng những ngày nghỉ để chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình, do đó mà nết na đức hạnh của nàng bay xa và chồng nàng và con cái của nàng rất hãnh diện về nàng.

Cũng vậy, linh mục là hiền thê của Chúa Kitô và của Giáo Hội, ngài cũng là mẹ của các giáo hữu trong giáo xứ của ngài, cho nên dù là đang kỳ nghỉ hay giờ giải trí, dù là xuất ngoại, leo núi hay tắm biển thì tâm hồn của ngài cũng luôn hướng về đoàn con của mình nơi giáo xứ, và lời của ngài lúc này chính là những lời cầu nguyện thiêng liêng và thánh thiện nhất cho con cái của mình, và như thế cuộc nghỉ ngơi giải trí của ngài thật giá trị và trở nên mẫu gương sáng cho mọi người.

Ngôn trong đời sống tu đức

Đời sống tu đức của các linh mục thì chắc chắn là trổi vượt hơn giáo dân, bởi vì các ngài là thầy dạy đàng nhân đức cho mọi người, do đó mà đời sống của các ngài luôn trở thành mô phạm phản ảnh trung thực sống đời sống của Chúa Giêsu ngay trước mặt giáo dân tại trần gian này, cho nên thiết nghĩ ngôn (lời nói) trong đời sống tu đức của các linh mục khác xa ngôn trong cuộc sống bon chen của giáo dân. Ngôn trong đời sống tu đức chính là...không nói gì cả, nhưng lắng nghe và làm cho đúng điều mà mình đã lắng nghe trong khi cầu nguyện, đó là ngôn phát xuất từ tâm linh đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần nơi các linh mục hiền thê của Chúa Kitô.

1. Ngôn trong thinh lặng.

Linh mục có cái uy của linh mục, cái uy này không phải làm bộ làm tịch mà có, cũng không phải tập tành điệu dáng đi đứng cho nó uy nghi bệ vệ như những vị tướng tá hay những ông quan hống hách, nhưng cái uy của linh mục hệ tại nơi tâm hồn của các ngài.

Có linh mục rất dễ thương đơn sơ với hết mọi người, vậy mà không ai dám hó hé với ngài cái gì cả, bởi vì nơi ngài toát ra vẻ uy nghiêm thánh thiện của linh mục; có linh mục rất ít nói nhưng khi nói thì ai cũng thích nghe và có thái độ kính trọng bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn, bởi vì nơi ngài phát ra một hấp lực khiến cho người đối diện kính nể. Tại sao vậy ? Thưa vì các ngài dùng tâm hồn để nói.

Dùng tâm hồn để nói tức là im lặng, bởi vì trong thinh lặng người ta dễ dàng nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất, cũng vậy linh mục Chúa Kitô khi thinh lặng suy tư cầu nguyện thì sẽ thấy và nghe được rất nhiều điều trong giáo xứ và trong mỗi tâm hồn của con chiên bổn đạo của mình, mà đã nghe và thấy thì chắc chắn lời nói có giá trị và hiệu quả hơn nhiều. Đa số giáo dân thích và yêu mến một linh mục nói ít làm nhiều hơn là nói nhiều làm ít, bởi vì nói nhiều không phải là “cá tính’ của thiên chức linh mục nhưng là cá tính của cá nhân người linh mục, cho nên để xứng đáng hơn với thiên chức linh mục cao quý của mình thì người linh mục càng phải luyện tập cá tính của mình cho phù hợp với chức vụ thánh mà mình đã lãnh nhận, đặc biệt là tính nói nhiều, bởi vì nói nhiều là bày tỏ một tâm hồn khoe khoang và rỗng tuếch. Kinh nghiệm cho thấy người nói nhiều là người ít làm việc và làm không tốt, một linh mục nói nhiều là một linh mục ít cầu nguyện và dù việc làm của ngài có thành công dưới mắt người đời chăng nữa, nhưng sẽ không bền lâu vì không có nền tảng khiêm tốn và cầu nguyện.

2. Ngôn trong giảng dạy.

Giảng dạy đây không những ở trên toà giảng trong thánh lễ mà ngay cả trong cuộc sống đời thường : khi dạy giáo lý, dạy học chữ ở nhà trường, dạy các lớp khác có liên quan đến đời sống tôn giáo của giáo dân...

Có một vài linh mục khi giảng dạy thì tự khoe khoang mình quá đáng nên có những lời không được thực tế và không khiêm tốn, có một vài linh mục khi dạy giáo lý hôn nhân cho người sắp làm đám cưới thì không một chút tế nhị với đôi bạn trẻ với những câu hỏi khiến họ đỏ mặt tía tai; lại có những linh mục khi dạy giáo lý cho trẻ em thì dùng những lời lẽ như đe doạ và thái độ như ông kẹ làm cho các em có ấn tượng không mấy thiện cảm về cha sở của mình...

Ngôn trong giảng dạy là ngôn từ giáo dục chứ không phải ngôn từ tranh luận, là ngôn từ của con tim hiền hoà chứ không phải là của tra tấn và kiêu căng, cho nên người linh mục của Chúa Kitô như người mẹ hiền dạy dỗ con cái mình nên người, nàng không cáu gắt khi dạy con, nàng cũng chẳng la lối thoá mạ, nhưng với tất cả tình mẫu tử nàng yêu thương và có khi rơi nước mắt khi dạy dỗ con cái mình.

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu này được tỏ hiện qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tình yêu và vì yêu mà chết để tình yêu được thăng hoa và viên mãn, chính Ngài muốn tình yêu này được liên tục thực hiện giữa trần thế cho đến ngày thế mạt, nên đã chọn các linh mục làm những hiền mẫu thay mặt Ngài đem tình yêu đến cho nhân loại, do đó mà các linh mục khi thi hành bổn phận bảo ban dạy dỗ giáo hữu của mình thì cũng như một bà mẹ hiền với giọng nói hiền hoà và con tim yêu thương trong một tâm hồn khiêm tốn, đó chính là linh mục của Chúa Kitô và người mục tử nhân hiền của giáo dân vậy.

Ngôn (lời nói) của linh mục thì rất có ảnh hưởng trên giáo dân, dù cho ngài là cha sở hay cha phó, hay đang về hưu, dù cho các ngài ở đâu và bất cứ lúc nào cũng đều được giáo dân vâng lời và nể vì, bởi vì với đức tin mà họ đã lãnh nhận, với giáo huấn mà họ đã học được trong Giáo Hội Công Giáo, với đức vâng lời như Chúa Giêsu, họ (giáo dân) luôn luôn coi các ngài như những người thay mặt Thiên Chúa dạy dỗ họ, ban các bí tích ân sủng của Chúa cho họ, cho nên họ luôn yêu mến và kính trọng các linh mục của mình, đó chính là một mẫu gương nhân đức mà chúng ta -linh mục- cần phải noi theo, tại sao ? Thưa, bởi vì có một quan niệm “khó hiểu” nơi một số các linh mục trẻ rằng : mình là linh mục thì cũng giống như các linh mục khác, cho nên tự cho mình ngang hàng với các linh mục đàn anh lớn tuổi, không có ý nể vì các vị đàn anh đáng bậc cha ông ấy của mình, thế là các linh mục trẻ ăn nói ít lễ phép, tự do phê bình các vị lớn tuổi và -có lúc- còn cho mình học cao học giỏi hơn các vị ấy, thậm chí còn phát ngôn rằng : thần học các vị ấy học là xưa rồi không hợp thời và cổ hủ...

Ngôn là đức thứ ba trong “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái có nề nếp gia phong, và cũng là của các linh mục -những hiền thê của Chúa Kitô và của Giáo Hội- có thể nói “công, dung” là tiêu biểu cho cái vẻ bên ngoài, và “ngôn, hạnh” là tiêu biểu cho cái nội tâm bên trong, cho nên người ta có thể nghe lời nói của một linh mục -hoặc của ai đó- thì biết rằng “công lực” tu đức của ngài tu luyện đã đến mức nào rồi vậy.

(còn tiếp)