MẸ ƠI, CON TỪ ĐÂU TỚI ?

Vài giòng suy tư về clonage humain

Mẹ ơi, con từ đâu tới ? Con có phải là tình thương của cha, là ánh mắt của mẹ, là niềm vui của ông, là tin yêu của bà, là tình yêu muôn thuở mà đất trời đã đặt vào lòng mẹ ?

Biết trả lời sao đây, nếu con chính là cha, là ông, là bà ? Biết gọi làm sao đây, nếu con chẳng phải là chính con ? Làm sao mẹ có thể nói cho con biết là con chỉ là một bản sao ? Làm sao mẹ có thể cắt nghĩa cho con hiểu được rằng con không phải là đứa con yêu qúy của mẹ ?

1. ĐI VỀ ĐÂU ?

Độc nhất vô nhị. Quái chiêu hay tuyệt chiêu thì ta vẫn là ta. Họ có bắt chước ta, có giống ta, nhưng vẫn không phải là ta. Tôi là một tổng hợp sáng tạo giữa cha và mẹ, nhưng tôi vẫn là tôi. Tôi chẳng phải là bản sao của riêng cha hay bản sao của riêng mẹ. Dù là ai đi nữa, dù họ có quyền mắc nhiếc, hành hạ, bỏ tôi vào ngục tối, nhưng tôi vẫn là cái tôi độc nhất. Thì tại sao lại có người muốn tôi chỉ thuần là một bản sao ? Này nhé, không phải bản sao là gì ?

Họ lấy noãn bào của một người phụ nữ X, rồi họ rút cái nhân của noãn bào ấy bỏ vô sọt rác. Họ lấy nhân của một tế bào nơi người Y, rồi đem bỏ cái nhân của người Y đó vào trong noãn bào của phụ nữ X. Họ cho nẩy nở thêm vài ba ngày, thế là đã có một phôi thai bé tí. Bà X chẳng phải là mẹ tôi, vì cái nhân đã bị rớt trong một góc của phòng thí nghiệm rồi ! Và người Y cũng chẳng phải là cha tôi, vì Y có thể là đàn bà, có thể là đàn ông, có thể là ông nội, bà cố của tôi… Nhưng tới đây thì tôi không thể nói tiếp được. Vì đứng trên phương diện di truyền học, tôi không chỉ giống hệt người Y, mà tôi thực là người Y. Nếu thế, tôi là ông nội, bà cố của chính tôi ?

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay

Tôi biết bạn buồn, bạn khổ nên mới thốt lên như thế ! Nhưng tôi cũng biết là con người đứng trên cao điểm của cuộc tiến hoá. Làm người tuy có khổ, nhưng vẫn là một hồng ân. Thì tại sao có người muốn biến tôi thành con sâu, con trùn ? Tôi sợ là còn ghê hơn thế nữa ! Bạn tin không ? Nếu chưa tin tôi hoàn toàn thì xin mời bạn nghe Cha J. de Longeaux, thay mặt toà Hồng Y Paris giải thích cho bạn :

«Khi cấy nhân để tạo sinh (clonage reproductif), họ đã dùng tới phương pháp sinh sản vô tính. Đó không còn là sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà, mà chỉ còn một thân sinh sinh học duy nhất. Đó là một thoái hoá kinh khủng về phương diện di truyền học. Sản sinh đồng tính (reproduction à l’identique) là đặc điểm của những sinh vật hạ đẳng. Vi trùng sinh sản theo lối đồng tính một cách vô tận. Nếu có biến đổi thì chỉ nhờ đột biến mà thôi. Ngược lại, khi sinh sản hữu tính, mỗi sinh vật thì vừa giống lại vừa khác biệt với chính cha mẹ mình. Nhờ đó mới có sự phân hoá, cá biệt, tiến bộ … »

2. TỚI ĐÂU RỒI ?

- Vậy thì họ đã làm tới đâu rồi ?

Họ đã thành công trên những động vật có vú rồi đấy ! Họ đã tạo ra được những con cừu Dolly, bản sao y hệt của một con cừu khác. Và mới đây, tà phái Rael rao lên là đã cấy nhân ra được một em bé. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng không cần tốn một đồng xu để quảng cáo mà giờ đây ai cũng biết tới giáo phái này !

Ngoại trừ một vài người, hầu hết các khoa học gia đều lên án việc cấy nhân để tạo sinh (clonage reproductif) như đã nói ở trên. Nếu có bàn cãi thì chỉ bàn về việc cấy nhân để trị liệu (clonage therapeutique). Cấy nhân để trị liệu mới đầu cũng dùng những phương pháp y hệt như việc cấy nhân để tạo sinh, nhưng họ chỉ cho mầm phôi phát triển chừng 8 ngày rồi ngừng. Sau đó, họ tách rời những chủng bào (cellule souche) của mầm phôi, đặt chúng nó vào trong một môi sinh đặc biệt để chúng có thể biến thành những tế bào của một cơ quan nào đó, như tế bào tim, tế bào não, tế bào máu… Nhưng chẳng phải chỉ nhờ cấy nhân mới có chủng bào. Chủng bào còn có thể tìm thấy nơi khác, ví dụ như ở máu của cuống rún của trẻ sơ sanh, hoặc ở những mầm phôi dư dôi ra khi thụ tinh nhân tạo…

- Nhưng họ bàn cãi về việc sử dụng chủng bào để trị liệu như thế nào ?

Họ còn bàn cãi nhiều về việc sử dụng chủng bào từ mầm phôi do cấy nhân, còn được gọi là chủng bào phôi người (cellules souches embryonnaires). Nhưng có lẽ việc sử dụng các chủng bào từ một nguồn gốc khác thì ít gây bàn cãi hơn. Và hiện nay đang có nhiều nghiên cứu khoa học về hướng này. Nói rõ hơn là họ đang tìm kiếm các chủng bào ở đâu đó trên cơ thể con người. Rồi để những chủng bào này trong một môi sinh đặc biệt để chúng biến thành tế bào não, tế bào máu v.v…

- Và những nhà cầm quyền nghĩ thế nào ?

Bên Mỹ thì họ cấm triệt để việc cấy nhân phôi người, dù đó là để tạo sinh hay để trị liệu. Bên Anh thì họ chỉ cấm việc cấy nhân để tạo sinh, và chánh quyền cho phép nghiên cứu về việc cấy nhân để trị liệu, với một số điều kiện nhất định. Còn ở xứ Pháp thì mời bạn đọc vài hàng giải thích của ông Mario Stasi, thành viên của Comité Consultatif National d’Ethique :

«Luật năm 1994 về luân lý sinh học (bio-ethique) cấm hẳn mọi cấy nhân phôi người (clonage humain), vì nó xâm phạm tới tính toàn vẹn của giống người… nhưng luật 1994 đang được xem lại, và có lẽ phải đợi tới cuối năm 2003 mới xong. Và rất có thể luật sẽ trừng trị việc cấy nhân tạo sinh bằng những hình phạt nghiêm khắc». Mặt khác, cách đây hơn một năm, ngày 22 tháng 12 năm 2002, đương kim thủ tướng L. Jospin đã đưa ra một dự luật trong đó có 2 điều khoản chính như sau :

. Cấm triệt để việc cấy nhân để tạo sinh

. Cho phép nghiên cứu trên mầm phôi để giúp làm tốt hơn các phương pháp y khoa giúp sinh sản (Assistance Médicale à la Procréation), và để giúp nghiên cứu về những phương pháp trị liệu những bệnh nan trị.

Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết là Pháp đi theo hướng nước Mỹ hay đi theo hướng nước Anh, vì những điều L. Jospin đưa ra mới chỉ là một dự luật. Từ đây tới lúc sửa lại luật 1994 thế nào cũng còn nhiều bàn cãi.

3. CÒN GIÁO HỘI THÌ SAO ?

Mời bạn đọc ý kiến của Académie Pontificale pour la Vie (Viện Giáo Hoàng về Sự Sống) : «Từ sau khi noãn bào được thụ tinh, một mầm phôi đã bắt đầu hình thành. Một cá nhân với một cá tính biệt lập bắt đầu phát triển đều đặn, liên tục, từng bước, cho nên không ai có thể nói đó chỉ là một mớ tế bào. Do đó, vì là một cá nhân thực thụ, nên đời sống của nó phải được tôn trọng. Vì thế, mọi tác động không nhằm giúp ích cho chính phôi thai đều xâm phạm tới đời sống của nó…»

Cha J. de Longeaux thay mặt toà Hồng Y Paris cũng đã nói : «Người KiTô giáo tin rằng sự hiện hữu của mỗi một người trong chúng ta là đều do ý Chúa, dù phải qua trung gian con người. Khi họ dùng con người như một dụng cụ, như một vật cho lợi ích cá nhân, cho thế lực tiền tài thì họ đã xâm phạm tới phẩm hạnh của con người… »

Cha Trần Mạnh Hùng cũng có viết trên VietCatholic một bài về «Mầm phôi và khía cạnh luân lý». Ngài đã trích huấn thị Donum Vitae do bộ Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin ban hành vào năm 1987 : «Ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp tạo thành. »

Tuy thế, các nhà thần học còn đang bàn cãi về tiến trình thụ tinh. Cái «giây phút thụ tinh» đó phải hiểu như thế nào ? Có người nói nó chỉ độ chừng 24 tiếng đồng hồ. Có người lại nói phải hiểu đó như là sự hiện diện của một cá thể độc nhất vô nhị, và do đó, nó có thể kéo dài tới 2-3 tuần ! Dù gì đi nữa thì Giáo Hội đã khẳng định lập trường của mình : không chấp nhận bất cứ tác động nào có hại cho chính sự phát triển của phôi thai. Điều đó đã đúng cho việc phá thai, và cũng còn đúng cho việc cấy nhân.

4. ĐỪNG LÀM CON SỢ !

Không có cha, con đã khổ. Không còn mẹ, con còn khổ hơn. Bây giờ, nếu con lại không còn biết chính con là ai, thì con càng khổ biết chừng nào ? Con được nuôi nấng đầy đủ, con được người ta mến yêu, con xin cảm tạ người, cám ơn đời. Nhưng con cũng muốn tìm về cội nguồn của chính con. Con sông, cái suối còn có cội nguồn, nhưng phần con, con chỉ thấy mịt mù !

Khoa học là tiến bộ. Nhưng cấy nhân để tạo sinh có thực sự là tiến bộ hay không ? Xin bạn trả lời cho tôi ! (Giaoxuvnparis.org)

----------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

- Paris Notre-Dame, l’ebdomadaire des catholiques à Paris, n° 976, Janvier 2003

- Révision des lois 1994. Les enjeux pratiques de la bio-éthique. Bulletin de l’Ordre des Médecins, Janvier 2001

- Dossier «Vers le clonage humain ?» Journal «Le Monde» 09.08.2001

- «Mầm phôi và khía cạnh luân lý» LM. Trần Mạnh Hùng đã đăng trên VietCatholic