PHẦN 3 : TIÊN VÀN LÀ MỘT LINH MỤC THỨ ĐẾN MỚI LÀ MỘT BỆNH NHÂN (tt)

SUY NIỆM : THỰC HÀNH ĐIỀU TÔI RAO GIẢNG

Ngay trước lúc được phẫu thuật, nhiều người xin tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình. Tôi nói : "Tôi đã từng là Linh mục suốt 43 năm và 29 trong 43 năm ấy là Giám mục. Tôi luôn luôn dạy người khác phải biết phó thác trong vòng tay của Chúa. Tôi đã khuyên nhủ nhiều người đương đầu với điều mà lúc này chính tôi cũng đang phải đương đầu. Cho nên đã đến lúc tôi phải thực hiện điều mà mình đã rao giảng".

Trong suốt giai đoạn ấy, tôi đã nài xin Chúa ban ơn để có thể trải qua cuộc phẫu thuật và việc điều trị trong đức tin, không thất vọng hay lo lắng thái quá. Ân sủng đặc biệt Chúa ban đã làm cho tôi đủ khả năng để đón nhận những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là vụ việc vu khống trước đây và bây giờ là bệnh ung thư. Ân sủng đặc biệt ấy chính là sự BÌNH AN .

Về phần mình, quà tặng đặc biệt tôi dành cho người khác là chia sẻ sự BÌNH AN của Chúa cho họ, giúp họ đương đầu với bệnh hoạn và những tháng ngày dao động.

Nói với họ về sự an bình trong tâm hồn mình, tôi hy vọng họ có thể thấy rằng cầu nguyện và tin tưởng thì cần thiết hơn mọi ngôn từ khác nhiều. Thiên Chúa thật sự hành động để nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta sống trọn vẹn ngay cả trong những tình cảnh tồi tệ nhất. Và khả năng để xác định sự thật ấy tùy thuộc nơi chiều sâu mối tương quan mà chúng ta có với Chúa qua cầu nguyện.

MỘT VÀI SUY TƯ VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

Nhiều năm trước tôi đã biết rằng phương thức duy nhất để có thể có nhiều thời gian dành cho việc cầu nguyện cách hữu hiệu hơn cả là phải dậy sớm vào buổi sáng (ở đây tôi xin phép được mở ngoặc để thú nhận rằng tôi rất ngại dậy sớm và cố nằm ỳ lại giường chừng nào có thể !). Những giờ phút sớm sủa của buổi mai, trước khi chuông điện thoại và chuông cửa kịp reo, trước khi thư từ tới tấp đến, là những thời gian tuyệt vời nhất để tôi có thể ở với Chúa. Cho nên tôi đã từng hứa với Chúa và với chính mình rằng tôi muốn dành giờ đầu tiên trong ngày để cầu nguyện. Không biết lúc này tôi có còn đủ điều kiện để giữa được lời hứa ấy hay không nhưng tôi sung sướng để quả quyết rằng tôi đã giữ được điều đó gần hai mươi năm qua. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là tôi đã học biết phải cầu nguyện như thế nào cho hoàn hảo hoặc tôi không vấp đụng những phấn đấu mà người khác phải đương đầu. Hoàn toàn ngược lại. Nhưng khi vấp đụng khó khăn, tôi đã có ngay được một quyết tâm khác. Tôi thân thưa : "Lạy Chúa, con biết là con phải dành một giờ buổi sáng để cầu nguyện cho những ước mơ trong ngày, cho những vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên không chắc là con có thể cầu nguyện nổi trong cả một tiếng đồng hồ này không. Con sẽ cố gắng và quan trọng hơn cả là con sẽ nhất định không dành giờ này cho bất cứ ai khác. Nếu gỉa như con không thể kết hợp với Chúa được như lòng con mong ước thì cũng không một ai có thể lấy đi được giờ này của con".

Và tôi thâm tín rằng dù thời gian một giờ ấy qua đi nhưng hiệu quả không chấm dứt ngay sau đó. Chắc chắn là giờ đầu tiên nối kết tôi với Chúa trong phần sớm sủa nhất của ngày sống đồng thời vẫn giúp tôi kết hợp với Ngài cách tuyệt vời trong phần còn lại của ngày ấy. Thường khi vấp đụng những vấn đề, tích cực cũng như tiêu cực tôi nghĩ ngay đến tương quan tôi có với Thiên Chúa và xin Ngài giúp đỡ tôi. Cho nên có hai điểm quan trọng, ít ra là đối với chính tôi, đó là. Nếu giờ cầu nguyện không được sốt sắng lắm thì bạn cũng đừng dành thời gian ấy cho bất cứ ai, bạn cứ kiên trì ở lại đó. Và thứ đến nếu bạn trung thành được với giờ đó, dần dần bạn sẽ có thể kết hợp được với Thiên Chúa trong suốt đời bạn; điều này thật vô cùng quan trọng.

Tôi làm gì trong giờ cầu nguyện buổi sáng ? Tôi đọc một vài giờ kinh Phụng vụ. Với tôi, đó là kinh nguỵên quan trọng nhất. Đó là kinh nguyện của Giáo hội, và tôi thấy mình hiệp thông với mọi người nhất là các Linh mục và Tu sĩ, những người cũng đang cầu nguyện bằng giờ kinh khác nhau đều là các Thánh vịnh. Tôi nhận thấy các Thánh vịnh rất ư đặc biệt vì trực tiếp liên hệ cách rất nhân bản đến những niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống, các nhân đức và cả tội lỗi nữa. Các Thánh vịnh truyền đi sứ điệp là : Cuối cùng thì sự thiện sẽ thắng. Và nếu bạn nhìn thấy những con người được nêu danh trong các Thánh vịnh đã kiên cường kết hợp với Chúa như thế nào, bạn sẽ được khích lệ vì biết rằng, trước đây cả ngàn năm sự việc cũng đã xảy ra như thế rồi.

Tôi cũng lần chuỗi Môi Khôi nữa vì chuỗi Môi Khôi ghi lại bằng hình ảnh sống động một số những biến cố lớn trong đời sống và sứ vụ của Chúa cũng như của người Mẹ yêu dấu của Ngài. Chuỗi Mân Khôi quá đơn điệu và điều đó đúng ở một phương diện nào đó. Thế nhưng chuỗi Mân Khôi buộc bạn đào sâu các mầu nhiệm của Chúa : Mầu nhiệm vui, Thương và Mừng.

Rồi sau đó tôi dành một ít thời gian cho việc tâm nguyện, suy tư. Tôi cố làm giàu suy tư của mình bằng cách cầu nguyện với Thánh Kinh hay những cuốn sách thiêng liêng hữu ích khác. Như đã nói, tôi có hơi ngạc nhiên khi thử cầu nguyện trong thời gian hồi sức ngay sau khi vừa được giải phẫu, nhưng tôi thấy mình thực sự không muốn và không đủ sức để cầu nguyện. Cho nên tôi đã tâm sự với một vài người bạn : "Hãy cố để lo cầu nguyện khi còn khoẻ khoắn, vì lúc đau yếu, mình sẽ không làm được điều ấy nữa". Tuy nhiên không gì có thể làm xói mòn đức tin của tôi vào Chúa. Tôi thấy điều đó rất có giá trị đối với một vài bệnh nhân ung thư của tôi sau này. Đôi khi họ nghĩ rằng đức tin của họ suy yếu đi khi họ không còn có thể cầu nguyện sốt sắng như trước được. Tôi xin trở lại một từ thôi. : "Hiệp thông !". Không cầu nguyện, bạn không thể kết hợp hay hiệp thông với Chúa được. Điều này tuyệt đối cần thiết.

LÀ LINH MỤC TRƯỚC LÀ BỆNH NHÂN SAU

Trước khi rời Bệnh viện vào ngày 19 tháng 6 năm 1995, tôi được giới thiệu với bác sĩ Anne R. McCall, chuyên viên quang tuyến, và bác sĩ Ellen Gaynor, người vốn là chuyên gia về ung thư của tôi và cũng là bạn chí thân sau này.

Họ giải thích cho tôi rằng lần tái điều trị sau vào ngày 10 tháng 7, mỗi ngày tôi sẽ được đốt điện, trong vòng sáu tuần trừ những ngày cuối tuần. Trong suốt thời gian ấy, cứ hai tuần tôi được chích hoá chất một lần để tăng cường hiệu quả của việc đốt điện. Các bác sĩ cho biết là có thể có những phản ứng phụ như mệt mỏi hay rắc rồi tiêu hoá, nhưng cũng có thể không có phản ứng phụ nào cả, kể cả việc rụng tóc nữa. Tôi đùa với họ là thực ra tôi cũng chẳng có nhiều tóc lắm đâu. Họ mỉm cười và động viên tôi không việc gì mà phải lo sợ cả.

Mỗi lần hoá trị chỉ mất chừng mười phút nhưng những thăm viếng lại kéo dài cả năm giờ đồng hồ. Tôi muốn lợi dụng cơ hội ấy để gặp gỡ bệnh nhân, cầu nguyện với họ và những thân nhân chăm sóc họ. Ngày kia có vị bác sĩ nói với tôi : "Đức Hồng y, nếu Ngài muốn, Ngài có thể vào phía trong sau cổng hậu, ở đấy Ngài có thể thoải mái đi lui đi tới". Tôi im lặng một lúc rồi trả lời : "Tiên vàn tôi là Linh mục và thứ đến mới là bệnh nhân".

Một trong những câu chuyện xảy ra trong những lần thăm viếng ấy vẫn được tôi kể đi kể lại trong các bài giảng hay diễn văn sau này. Nó cũng đáng được chia sẻ ở đây.

Trong thời gian điều trị bằng đốt điện, tôi gặp một thiếu phụ tên là Lottie. Chị ta cũng được điều trị như tôi. Chị ta rất yếu và tôi không dám chắc là chị ta sống được bao lâu nữa. Chúng tôi cùng chấm dứt việc điều trị ấy gần như là đồng thời với nhau, tức là vào khoảng đầu tháng 8. Trong suốt cả tháng đó, tôi vẫn giữ liên lạc với chị và có thể nói tình trạng của chị càng ngày càng nguy kịch. Cuối cùng vào ngày truớc lễ Labor Day (Ngày Quốc tế Lao động : Tại Mỹ là ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 9), con gái chị, cháu Chris, gọi dây nói cho tôi : "Thưa Đức Hồng y, mẹ con xuống sức rất mau, rất mau ! Con không nghĩ là mẹ có thể sống lâu nữa !". Tôi nói ngay là tôi sẽ đến thăm Lottie. Lúc ấy chồng và con gái chị cũng có mặt.

Khi tôi đến, Chris nói : "Mẹ con bị lên cơn từng đợt và rất lo âu, bà chỉ còn nửa tỉnh nửa mê !". Tôi bước đến nói chuyện với Lottie. Tôi không biết chị có thực sự nhận ra tôi không nhưng tôi vẫn nói với chị và xức dầu cho chị. Khi tôi ra khỏi phòng, Chris nói : "Ngài biết không, con nghĩ một trong những vấn đề là ba con, ông không chịu để yên cho mẹ con đi, ông cứ lải nhải : "Lottie ! Em không thể ra đi được, anh cần em, em không thể chết được !". Rồi cháu xin tôi : "Đức Hồng y có thể nói với ba con được không ?".

Tôi đã nói với chồng của Lottie và động viên anh rằng có lẽ đã đến lúc nên để chị yên tâm mà đi. Chris gọi cho tôi đêm ấy và cho biết là chỉ một ít phút sau khi tôi ra về, cháu đã thấy ba vào phòng mẹ và cháu nghe ba nói : "Lottie ! Em có thể ra đi được rồi đấy !". Chris bảo rằng mẹ cháu nằm yên lại ngay và hai ngày sau thì chị ra đi an bình.

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch