PHẦN 3 : TIÊN VÀN LÀ MỘT LINH MỤC THỨ ĐẾN MỚI LÀ MỘT BỆNH NHÂN (tt)

SUY NIỆM : LÀ "CHA SỞ KHÔNG CHÍNH THỨC" CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ

Việc thăm viếng các bệnh nhân điều trị trong cùng một tầng lầu với tôi tại Loyola Medical Center đã hình thành một sứ vụ tuyệt vời và mang lại sự sống.

Khi xuất viện vào ngày thứ hai, 19 tháng 6 năm 1995, tôi mang theo trong trái tim mình tất cả những người tôi đã gặp ở Loyola. Hôm đó là một ngày đầy xúc động về nhiều mặt, nhất là vì tất cả tình yêu và sự khích lệ tôi nhận được từ quần chúng ở Chicago và trên khắp thế giới. Giống như trước, các phóng viên chen chúc bên ngoài nhà thương chờ đợi tôi ra. Tôi muốn tự mình bước đi nhưng luật lệ của nhà thương buộc mọi người, sau khi được phẫu thuật, phải ra cửa trên một chiếc xe lăn. Hầu hết những tấm hình hôm đó đều ghi lại cảnh tôi ngồi trên xe lăn, mặc dù tôi đã đứng dậy và bước đi ngay được khi chúng tôi vừa ra đến cửa. Tuy nhiên phải thú nhận rằng tôi không được khoẻ như thứ Hai tuần trước, nhưng tôi đã cố gắng.

Mãi đến ngày mùng 10 tháng 7 mới là lần hoá trị sau nên tôi có được ba tuần để phục hồi sức khoẻ. Rất ý nghĩa đối với tôi việc tôi được điều trị vào ngày mùng 10 tháng 7 vì đó cũng là ngày tôi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Chicago 13 năm trước đây. Chắc chắn đó là ngày của tin tưởng và hy vọng, với tôi cũng như với giáo dân trong Tổng Giáo phận nữa, tôi tin như thế. Với niềm tin tưởng và hy vọng ấy, tôi nhập viện để đựơc điều trị.

Trong thời gian nghỉ ngơi, tôi đã làm một vài việc ưng ý là lang thang qua mấy nhà lân cận. Đầu tiên tôi chỉ muốn đi qua một vài khu nhà thôi. Đôi khi tôi thử đi lại con đường cũ từ Toà Tổng Giám mục đến Chicago River rồi quay về - quãng đường khoảng 2,5 dặm. Thấy việc đi lại ấy cũng không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả. Tôi đi rất chậm và rất ý tứ.

Suốt thời gian chuẩn bị để được tái điều trị, "fax" và điện thoại dồn dập đổ về để hỗ trợ và khích lệ.

Bệnh nhân ung thư và các chứng rối loạn nghiêm trọng khác cho tôi biết là họ luôn cầu nguyện cho tôi, đồng thời cũng xin tôi cầu nguyện cho họ.

Rất sớm tôi thường gọi dây nói hay viết thư cho bạn bè, những người đã từng cố vấn cho tôi và những người huớng dẫn tinh thần của tôi. Trước đó không lâu các phương tiện truyền thông đã đề cập đến sứ vụ của tôi và loan đi rộng rãi công việc tôi đang làm. Thế là tôi thực sự dấn thân vào sứ vụ dành cho các bệnh nhân ung thư ! Với lòng khiêm tốn, tôi nhận ra rằng tôi đã âm thầm trở thành "Cha sở không chính thức" của bệnh nhân nghĩ rằng họ có thể đến với tôi. Và tôi đã tự sắp xếp thời gian để gặp gỡ họ đồng thời được khích lệ bởi niềm tin can trường và sâu xa của những người cùng chia sẻ những vật lộn với bệnh ung thư như tôi.

MỘT CỘNG ĐOÀN ĐẶC BIỆT

Trải qua quảng đời Linh mục, tôi luôn luôn nghiêm chỉnh hoàn thành vai trò của mình như một người có thể tiếp cận được với người khác trong hiệp thông và hiểu biết lẫn nhau, một chứng nhân của đức tin. Bởi vì tôi thực sự là một phần của cộng đồng nhân loại, là người anh em của mọi người. Và hơn nữa, vì tôi là một người tôi tớ của Thiên Chúa nên thấy mình tự do hơn nhiều trong việc thâm nhập vào các cộng đoàn khác nhau mà mỗi cộng đoàn đều có những nét đặc thù nhất định, đồng thời cũng nối kết chặt chẽ với toàn thể cộng đoàn nhân loại nói chung.

Trong ánh sáng của sứ vụ dành cho bệnh nhân ung thư, tôi đã bắt đầu nhận ra được bản chất duy nhất và đặc thù của một cộng đoàn khác mà lúc này tôi đã là thành viên : Cộng đoàn của những con người phải chịu đựng bệnh ung thư và nhiều chứng bệnh nan y khác nữa. Những con người trong cộng đoàn này nhìn mọi sự một cách khác. Cuộc sống mang một ý nghĩa mới, và đột nhiên tôi thấy dễ dàng hơn trong việc tách rời điều cốt lõi ra khỏi những gì là phù phiếm.

Cũng như với bất cứ cộng đoàn nào, việc quan trọng là chia sẻ những mẩu chuyện riêng tư của mình, tiếp cận với quần chúng làm cho họ hiểu được mình.

Đã từ lâu tôi vẫn lấy làm khâm phục khi các bệnh nhân đang điều trị chia sẻ với tôi những nhận thức của họ về cuộc sống. Tôi đã phấn chấn thấy họ thực sự nhân bản và sáng suốt biết bao. Trước đây, cũng giống như hầu hết mọi người trong chúng ta, tôi thường thấy khó khăn trong việc trao đổi với những người đang phải chịu đựng đau khổ. Nhưng từ khi được chẩn đoán là mang bệnh ung thư thì tự nhiên thấy dễ dàng để ăn nói hơn nhiều. Có thể là nhờ căn bệnh mà tôi biết lúc nào thì phải lắng nghe và lúc nào thì chỉ cần đưa tay ra là đủ.

Qua căn bệnh của mình, tôi chia sẻ những tin tức về tình hình sức khoẻ của tôi và những gì người ta cho tôi được biết về chính mình. Gia đình tôi là quần chúng trong vùng Chicago này - và cũng là dân chúng trong nước và trên thế giới. Cái gia đình ấy có quyền biết tôi đang làm gì.

Nhiều lần người ta bảo rằng tôi can đảm. Quyết định công khai hoá và nghiêm túc trình bày về bệnh ung thư của tôi là một sứ điệp nhắn gửi : khi đau bệnh, chúng ta không cần phải co rút lại hay cách ly với mọi người. Ngược lại, trong những giai đoạn ấy, chúng ta cần đến người khác hơn bao giờ hết.

Một vài phóng viên và đôi người khác cũng cho rằng tôi là một người thánh. Tôi thấy mình không thoải mái với những nhận xét ấy. Tôi chỉ cố để sống cuộc đời mình cách quang minh chính đại trong sự kết ước với Thiên Chúa, Giáo hội và cộng đoàn nhân loại thôi. Ba năm vừa qua đã tôi luyện tôi hơn lúc nào hết để tôi vững chãi trong niềm tin và tin vào Chúa. Điều quan trọng là trình bày đức tin của tôi qua hành động, sống những nguyên tắc hướng dẫn đời sống mình. Vượt lên trên tất cả là tôi muốn cho mọi người biết rằng tôi đồng hành với họ như một người anh và một người bạn.

Qua việc quyết định công khai hoá bệnh ung thư của mình, tôi chỉ muốn chia sẻ một sứ điệp đơn giản : Đức tin thực sự là tất cả. Cùng với tâm tình đâm rễ sâu trong Chúa, mở rộng lòng mình đón nhận ý Ngài, tôi dễ dàng để mình bằng lòng với căn bệnh mình có, và giờ đây là cái chết đến gần. Hình ảnh người ta đã thấy trên báo chí hay đài truyền hình thì không phải là hình ảnh một con người muốn tỏ ra can đảm trong ý chí đâu. Hình ảnh ấy chỉ là của một con người tin vào Thiên Chúa và để cho đức tin hướng dẫn mọi việc mình làm. Không có Thiên Chúa, đau khổ và bệnh hoạn ít có ý nghĩa đối với tôi, và con tim tôi thao thức với những người thấy mình bị bỏ rơi hay đơn côi trong những giai đoạn khẩn thiết nhất của họ. Là con người đức tin, tôi chỉ có thể thực sự nói về bệnh hoạn và đau khổ trong chiều kích chúng mang chở những đặc trưng của ơn cứu độ, của sự giải thoát. Nói như vậy không có nghĩa là, như Chúa Giêsu ngày xưa, tôi đã không nài xin để nếu Thiên Chúa muốn thì "chén đắng được cất khỏi" tôi đâu ! Nhưng một khi đã ôm lấy đau đớn, nhìn vào đau đớn và nhìn qua đau đớn, tôi có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất !

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch