PHẦN 3 : TIÊN VÀN LÀ MỘT LINH MỤC THỨ ĐẾN MỚI LÀ MỘT BỆNH NHÂN



SUY NIỆM : " NHƯ NHỮNG TÔI TỚ"

CÔNG tác mục vụ nếu được xây dựng trên những gì vị Mục Tử Nhân Lành đã làm thì vừa rất đơn giản và vừa rất sâu xa. Đơn giản vì nó đưa con người đến cả với những thông thường lẫn những bất thường của cuộc sống hằng ngày. Công tác ấy có thể được thực hiện mọi lúc, mọi nơi và với mọi lý do. Sâu xa vì công tác mục vụ là một cuộc gặp gỡ vượt lên trên cả tác viên lẫn cộng đoàn và nó đưa cả hai vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa.

Là một mục tử, Chúa Giêsu đã bắt đầu với những hoàn cảnh rất thực của cuộc sống. Ngài sống trên đường, Ngài không có văn phòng, không có giờ hành chánh, không có thư ký, không có "computer" và "fax" ! Ngài lang thang trên đường cũng như các lối mòn của làng mạc để kiếm tìm chiên lạc nhà Israel. Người ta đến với Ngài vì nhiều lý do. Họ muốn được chữa lành một chứng bệnh, muốn được giải thích một vấn nạn, muốn giải quyết một tranh cãi hay đơn giản chỉ vì tò mò mà thôi. Nhưng quan trọng là, với sự quan tâm và hiện diện giữa họ, Chúa Giêsu đã giúp cho dân chúng cảm nghiệm được về ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Đó là điều vô cùng căn bản để được gọi là mục tử, là chủ chăn: qua sứ mệnh thừa hành, dân chúng gặp gỡ được Thiên Chúa hằng sống.

Sứ vụ của Chúa Giêsu không có thứ tự gì nhưng chúng ta khó có thể cho rằng nó không có trọng tâm. Ngài luôn luôn mở rộng lãnh vực hoạt động của mình đến với những ai đang cần, nhưng lại không bao giờ đánh mất đường lối của mình. Công việc nhiều khi làm Ngài mất ngủ nhưng không chiếm mất thời gian cầu nguyện của Ngài. Nhiều năm tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu làm cách nào Ngài có thể trung thành với sứ mệnh của mình cách rõ ràng như thế giữa những gián đoạn và ngăn trở ấy - cả “một mớ những lộn xộn" của thế giời này đổ dồn vào đời sống và sứ vụ của Ngài.

Một ngày kia tôi bỗng nhận ra rằng : Khi Chúa Giêsu dang tay ôm lấy một em bé vào lòng và khi Ngài dang rộng đôi tay trên thập giá để ôm toàn bộ thế giới thì cũng chỉ là một hành vi của một con người. Ngài đến để mang lại sự lành lặn Chúa Cha muốn và tình yêu cứu độ cho gia đình nhân loại : Một con người của một thời điểm viên mãn. Ngài đến giữa chúng ta để đong đầy chúng ta với tình yêu dung thứ. Vì thế những người Ngài gặp gỡ trong hành trình rong ruổi của mình không bao giờ là những gián đoạn, phân tâm hay trở ngại. Với Ngài, họ là những cơ hội để hoàn thành sứ mệnh, đó là lý do tại sao Chúa Cha đã gởi Ngài vào trần gian Phục vụ tha nhân là cốt lõi của đời sống và sứ vụ Ngài.

Ngay trước khi Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem trong ngày Chúa nhật Lễ Lá, bà mẹ của Giacôbê và Gioan đã xin cho hai con những chỗ ngồi danh giá trong nước Ngài. Chúa Giêsu trả lời : "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải phục vụ anh em..Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,27 - 28). Cũng thế, trong bữa ăn cuối vào đêm trước khi Ngài chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ : "Kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ, người lãnh đạo hãy sống như tôi tớ …Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ" (Ga. 13,1- 16). Ngài còn trao cho các ông một giới răn mới : "Hãy yêu thương nhau. Như Thầy yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau. Đây là dấu chỉ anh em là môn đệ Thầy : “Đó là anh em yêu thương nhau" (Ga.13,34 - 35). Yêu như Chúa Giêsu yêu nghĩa là gì ? Ngài giải thích sau trong diễn từ chung cuộc : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga.15,13). Và chính Chúa Giêsu đã làm như vậy ngày hôm sau.

Phục vụ Dân Chúa theo gương vị Mục Tử Nhân Lành là bản chất của sứ vụ Linh mục và Giám mục của tôi. Đó cũng là lý do tại sao tôi chọn lựa câu : "Như những người phục vụ" làm phù hiệu Giám mục của mình. Phù hiệu ấy được thêu ngay trên chiếc áo choàng ngắn tay tôi vẫn thường dùng. Nó được gợi hứng từ Sắc lệnh Công đồng Vatican II về bổn phận của các Giám mục trong Giáo hội : "Khi thi hành bổn phận của người cha và người mục tử. Giám mục phải ở với Dân Chúa như một người phục vụ, như một mục tử tất biết chiên mình và chiên cũng biết mình, như một người cha thực sự luôn trồi vượt trong tình yêu và sự lo lắng đối với mọi người".

Việc phục vụ này thường thì rất đơn giản. Là Tổng Giám mục, khi đến thăm các giáo xứ, tôi luôn luôn cố gắng làm cho mọi người có cảm tưởng họ đang ở tại nhà của họ với tôi. Nếu chẳng may tôi không thể lưu lại một giáo xứ nào đó trong một thời gian dài thì khi có sự đón tiếp, tôi cố để mắt đến mọi người và làm cho từng người một nghĩ rằng họ quan trọng đối với tôi. Điều này có vẻ có một tác dụng rất ấn tượng đối với dân chúng. Tôi vẫn thường nhận được nhiều thư từ gởi đến cho với câu nhập đề : "Con đã được gặp Đức Hồng y tại nhà xứ của Giáo xứ con nhiều năm trước đây. ."

Bằng một cách nào đó, khi bạn có những thông tin trao đổi với nhau qua ánh mắt, khi bạn làm cho người khác tin rằng bạn thực sự quan tâm đến họ, và dù có hàng trăm ngàn người vây quanh thì họ vẫn là người duy nhất được chú ý tới trong giờ phút đặc biệt này, lúc đó bạn sẽ tạo được một tuơng quan mới. Họ sẽ giữ lại ý nghĩ là họ có được một tương quan thân tình với bạn dù chỉ là trong khoảnh khắc. Họ cảm nghiệm rằng dù sao đi chăng nữa thì bạn cũng quan tâm đến họ và, quan trọng hơn cả, là bạn trở thành trung gian của tình yêu, của ơn lành và của cảm thông Thiên Chúa dành cho họ. Nói cách khác, cuộc gặp gỡ mang chiều kích tâm linh : nó củng cố sự nối kết và mối tương quan của mỗi người với Thiên Chúa.

Cho nên sứ vụ mới dành cho bệnh nhân ung thư của tôi vừa đơn giản vừa sâu xa. Nó nảy sinh từ những trạng huống bình thường trong đời sống hằng ngày của tôi như là một bệnh nhân ung thư và nó đưa tôi đến sự cận kề mật thiết hơn với cộng đồng rộng rãi những người bị ung thư và với Chúa của sự sống. Đồng thời sứ vụ này rất phù hợp với tôi, nó không thể thiếu được đối với thiên chức Linh mục. Xin để cho tôi được phép giải thích. (còn tiếp)

Lm Ngô Mạnh Điệp dịch