Từ những quằn quại: tranh Vincent van Gogh trong Thơ Du Tử Lê.

(Để có thể mọc cây sinh hoa kết trái, hạt giống cần phải bị vùi giập thối mục đi. Từ những thống khổ bầm dập bỗng mở lối bật sáng thênh thang. Đó chính là qui trình của thập giá và Phục Sinh. Cũng là điều mà Lm. Trần Cao Tường cảm nhận qua bài nói chuyện trong Ðêm Thơ Nhạc Du Tử Lê do đh Santa Ana College Nam Cali bảo trợ)


Ðược hân hạnh góp mặt trong Ðêm Thơ Nhạc Du Tử Lê, tôi muốn so sánh hiện tượng nhà thơ “chuyên trị” tình yêu mà lại bị tình yêu “điểm huyệt” này với một số tuyệt tác của họa sĩ Vincent van Gogh gốc người Hòa Lan, một cuộc gặp gỡ giữa đông và tây ở cùng một cơn quằn quại rên xiết mà lại đang đáp ứng thời điểm nhất.

Nói Du Tử Lê đã trở thành một hiện tượng là đúng. Vì thơ Du Tử Lê đã được dùng để dạy tại đại học ở Mỹ cũng như bên Âu, đã vào trong tuyển tập Thi Ca Thế Giới, đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, và đã trở thành rất phổ thông nơi môi miệng người Việt, thậm chí có cả hý họa trên báo Phụ Nữ Việt với bà vợ quát chồng không cho đi đâu nữa: “Ðã nói đi với về cũng một nghĩa như nhau thì sao lại còn đòi đi... thêm nữa!”

Phải nói ngay, tôi mắc nợ nặng với Du Tử Lê, mê thơ Du Tử Lê từ lâu trước khi quen biết, và đây là lần đầu tiên có dịp gặp mặt. Nhiều người mắc nợ với Du Tử Lê có thể cũng vì trước hết Du Tử Lê là một tay chẩn bệnh rất thần kỳ mà lại cũng là hiện thân của một con bệnh bất trị. Chẩn bệnh cho mình “khởi đi từ những rung động” mà lại có sức lay chuyển xoáy sâu vào nhiều cõi lòng vì đó cũng chính là những ray rứt cào cấu đục khoét bên trong mỗi người. Những sần sượng nhức nhối không sao nói thành lời mà nay có người diễn ra hộ được thì sao không mắc nợ?! Và hơn nữa, Du Tử Lê đã cung cấp một phương thức hóa giải thật bất ngờ. Ðó là thứ thuốc mang chất tình, cảm được chất đạo trong đời thường và nhất là trong chất tình tuyệt đối.

ÐIỀM THỜI ÐẠI: ÐI TÌM PHƯƠNG THUỐC GIẢI HUYỆT

Cả đời họa sĩ Vincent van Gogh chỉ bán được một bức tranh duy nhất, đó là bức “Vườn Nho Ðỏ” giá khoảng tám chục Mỹ kim. Ông đã sống thật nghèo túng và lại bị một loại bệnh kinh phong hành hạ, qua đời lúc 37 tuổi vào năm 1890 tại Auvers-sur-Oise phía bắc Paris. Vậy mà sau đúng 100 năm, vào năm 1990, bức vẽ bác sĩ Gachet đã được bán với giá 82 triệu rưỡi tại New York. Nhiều bức tranh khác cũng được bán với giá khủng khiếp như vậy: bức Hoa Hướng Dương bán 40 triệu tại Luân Ðôn vào năm 1987; bức Hoa Cầu Vồng (Irises) bán 54 triệu tại New York vào năm 1987; và mới đây vào tháng 11 năm 1998 bức Chân Dung Một Nghệ Sĩ Không Râu bán 71 triệu cũng tại New York. Dấu gì lạ vậy?

Như một cơ may hiếm có trong đời, nhân dịp bảo tàng viện nghệ thuật Vincent van Gogh ở Amsterdam phải tu sửa lại, 70 bức tranh vô giá của nhà hội họa lừng danh này đã được xếp đặt để đưa sang triển lãm bên Mỹ ở Washington D.C. và Los Angeles. Tại Washington D.C. đã có tới nửa triệu người thưởng ngoạn. Riêng tại Los Angeles cuộc triển lãm kéo dài bốn tháng đầu năm 1999, từ giữa tháng giêng đến ngày 16 tháng 5 tại Los Angeles County Museum of Arts (LACMA) với khoảng một triệu người xem.

Khi bước vào ngàn năm mới, con người bị thu hút tìm gì nơi người nghệ sĩ mà cuộc đời đúng là một hiện thân của một cơn quằn quại kéo dài xem ra phi lí? Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng bức Ðêm Sao (Starry Night) trong Bảo Tàng Viện Tân Thời (MOMA) tại New York vào năm 1994, và sau đó tìm sang Pháp dõi theo vết chân Van Gogh trong ba năm cuối cùng đời ông ở Arles miền nam nước Pháp, và ở Auvers-sur-Oise phía bắc Paris. Chính ở hai nơi này mà ông đã để lại những tác phẩm lạ lùng nhất.

Vincent van Gogh đã vẽ bức tranh Ðêm Sao trong những ngày đen tối nhất ở dưỡng trí viện vùng St Rémy gần Arles miền Nam nước Pháp. Ngày 20 tháng 2 năm 1888, Van Gogh rời ga Lyon của thành phố ngột ngạt tù túng Paris để đi “tìm ánh sáng” mở lối của miền nam nắng đẹp. Và ông đã dừng chân tại Arles với những bức tranh mang nhiều sắc vàng của màu nắng miền Provence, như bức Căn Nhà Vàng, Hoa Hướng Dương màu vàng, Thửa Vườn Hoa Vàng Nở... Bức nào cũng vàng óng lên như đang phô diễn vẻ giầu có sang trọng bật sáng cuộc đời.

Ấy thế mà bỗng dưng ông bị bệnh tâm trí “điểm huyệt” tối tăm mặt mày. Ðiều lạ ở bức tranh Ðêm Sao là cả một bầu trời đen thăm thẳm kia đang có một dòng sinh lực cựa mình luân chuyển. Sáng lạ lùng. Mạnh lắm. Những lớp sóng nhấp nhô lên xuống hiện trên mặt cuộc sống cũng chỉ như những bọt bèo trôi nổi. Dòng sống vẫn chảy tới theo hướng và theo một nhịp điệu huyền nhiệm, như sức sống đất trời cựa mình vào buổi sang xuân qua những ngày đông tàn lụi. Nhìn thấy được như vậy thì tranh mắc tiền chẳng có gì lạ.

Và bức bs Gachet là bức tranh vẽ chân dung người chữa bệnh cho van Gogh trong những ngày cuối đời. Ðiều nghịch thường là chính bác sĩ Gachet cũng đang bị cơn tâm bệnh hành hạ. Hình ông được diễn tả như một cơn giẫy giụa quằn quại, biểu tượng cho con người đang oằn oại trên sợi giây giữa hai đầu sinh với tử, phải với trái, giầu với nghèo, có với không, tây với đông, đời với đạo, vào với ra, đi với về. Chính van Gogh đã giải thích bức vẽ này: “Tôi muốn tìm diễn tả cái phù du của mọi sự qua nhanh một cách kinh khủng trong đời sống hiện tại..., trong đầu mỗi người và trong cơn đau đớn như trong cơn chuyển bụng sinh thành.” (Thư W 23) “Cuộc đời chúng ta vô thường như thế là điều tốt để nhận ra cái vĩnh cửu phía trước.” (Thư 518)

Quả là bức tranh này như một biểu tượng của thời đại, diễn tả được tâm trạng con người sực ý thức cái thân phận hữu hạn vô thường không thể tự giải thoát được, mà cần tìm vươn lên bến đậu vĩnh hằng. Nói theo nét văn hóa Việt là cõi đất vuông góc cạnh đang cần tìm hòa nhập vào cõi Trời tròn vô biên. Và đây cũng là lý do tại sao con người thời đại tìm mua tranh Van Gogh với giá cao như thế. Mua là mua cái phương thức hóa giải thần kỳ.

TIN VUI THỜI ÐIỂM: CHÀO 21 VẾT THƯƠNG

Ðiềm thời đại đây rồi. Một trăm năm đã gần xong thì cũng là lúc nhìn bảng trương mục ngân hàng cuộc đời mà giật mình như Du Tử Lê “hoa nào tin quả đắng đến không ngờ,” đếm kỹ được những vết thương rỉ máu mà “chào 21, vết thương, tôi”:

bây giờ sắp qua 20 và, đang bước vào sân cát, ngưỡng cửa 21

khoảng cách hẹp tí (hay rộng thênh) giữa hai con số

lúc nào cũng chen chúc (kẹt cứng) sum vầy/tan tác/buồn/vui

nơi khe hở mơ hồ giữa hai con số

luôn có một số người ra đi

cùng những người mới tới

...

bằng phương pháp cloning

người ta sẽ sản xuất hàng loạt những con vật...

giống như con người

(chỉ khác con người ở chỗ không có đầu)

để lấy bất cứ một bộ phận nào trong khối thịt kia

thay thế cho những cơ quan cần đổi thay trong thân thể ta

nhưng chẳng nhờ thế...

(mà) nhân loại sẽ tẩy xóa được những vết thẹo linh hồn

vốn ngồn ngộn, rói, tươi

tích lũy từ nghìn năm trước

chúng ta vẫn bất lực

trước những người đã chết...

từ thế kỷ trước

sẽ chết: một lần nữa

như linh hồn của những khối thịt không đầu kia

sẽ bơ vơ biết bao

vì chẳng có một ngôi đền nào

để trú, núp.


Bức tranh chân dung bác sĩ Gachet hay hình vẽ mỗi người “chào 21, vết thương, tôi” cũng chính là hiện thân những thống khổ bầm dập của Vincent van Gogh. Tất cả đều diễn tả điều mà Kinh Thánh nói tới trong phụng vụ cao điểm của Tuần Thánh: con người phải vượt qua diễn trình đen tối quằn quại để khơi mào cuộc sống mới, vượt qua lớp bụi bặm phù du, vượt qua những giằng co giành giật chèn cựa cục hạn nhỏ nhoi, vượt qua sợi giây oằn oại giữa hai bờ sinh tử, hơn thua, thắng bại, vượt qua cả tầng mây đen ám ảnh bấy lâu để mở vào một cõi sáng. Hình ảnh thật sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là con người thật của mỗi người, sau những quằn quại đau thương: cơn khổ nạn sinh thành. Họa sĩ Vincent đã vẽ bức bác sĩ Gachet để diễn tả một ý với bức Ðức Kitô của họa sĩ Gauguin, cùng một nét quằn quại của thập giá cõi tối vươn tới cõi sáng.

Qua những oan khiên cuộc đời, Du Tử Lê đã từng tuyệt đối hóa tình yêu là bến đậu an bình, một tình yêu nguyên chất tinh ròng, một tình yêu có sức mạnh chịu đựng được tất cả, hóa giải tất cả.

cõi tâm vô nhiễm. Tôi cần

đôi vai thánh nữ. Một lần Nhà Cha.

.....

trưa thúy ngọc, chiều thánh kinh

mai về dẫu có thọ hình cũng cam.


PHÚT TỊNH TÂM

Nhưng dù có ra sức vần vũ mấy, những đắng cay cuộc đời cứ chụp xuống. Vết thương trong cơ thể, vết thương tình nước, vết thương tình mẹ, vết thương tình đời, cứ mỗi ngày thêm lở loét.

mẹ tất tả dắt con vào cuộc sống

để cuối cùng cũng bỏ hết sau lưng.

........

tôi đôi lúc thấy mình như củi mục

giữa giòng sông. Biền biệt biết đâu nguồn

em tinh khiết trên đỉnh đồi Thánh Giá

tôi gõ hoài một cánh cửa vong thân.


Rồi cũng phải đến một ngày tàn tạ, đối diện với “mặt bên kia tấm gương đời sống.” Lúc hụt hẫng nhất thì cũng là lúc bước tới được một dòng sông miên viễn như bàn tay mẹ hiền ủi an vỗ về, tình yêu tuyệt đối. Ðó là hình ảnh một bến đậu vĩnh hằng, đi về Cõi Một, khi dòng Sông Ngọc với những nhịp lên xuống nhấp nhô đang nối được vào Nguồn Ðạo Tình Yêu là Trời tròn toàn mãn chung thủy tinh ròng. Karl Jung gọi là “the Self,” Ðại Ngã Tâm Linh.

cúi xuống một dòng sông

nghe đầu nguồn thác dội

giữ lấy một vầng trăng

dành tặng chàng sắp tối.


Lúc này mình cần tìm lại cho mình những phút đi lên “núi cao” vào trong thinh lặng, cho lớp bùn đục lắng đọng để tìm lại chính mình vốn là dòng nước trong sáng trong nguồn tình miên viễn. Và mình mượn lời thơ của Du Tử Lê mà tìm lại cho mình một điều gì khác.

không lâu nữa, chúng ta sẽ bước vào ngôi nhà 21

nhưng dù cho chúng ta có khua chiêng, gióng trống cách gì,

khoa học tiến bộ tới đâu

(thì) nhân loại cũng không thể triệt tiêu nổi

mặt bên kia

tấm gương đời sống.

phải chăng,

vì thế,

chúng ta vẫn cần có lấy cho riêng mình

một điều gì khác.


Lm. Trần Cao Tường