Nhân Năm Truyền Giáo, THỬ BÀN VỀ SẮC LỆNH AD GENTES

(tiếp lần trước)

CHƯƠNG III : CÁC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Sự tiến triển của các Hội thánh trẻ
(số 19)

Ngày nay, các Hội thánh trẻ tại các xứ trước đây gọi là truyền giáo đang lên. Họ đã có hàng giám mục và linh mục bản xứ với những cơ cấu rõ ràng. Hoạt động của họ mỗi ngày một tiến triển. Thường những Hội thánh này thuộc các nước nghèo. Vì vậy Hội thánh trung ương và Hội thánh các nước giầu nên lưu tâm giúp đỡ các Hội thánh trẻ này bằng nhiều h2nh thức khác nhau, như đã giúp và còn đang giúp. Vấn đề quan trọng hơn là giúp cho các Hội thánh này trưởng thành và chín chắn về mặt thần học, Kinh thánh, phụng vụ và đời sống đức tin để một ngày nào đó các Hội thánh ấy có thể tự túc và giúp đỡ những Hội thánh khác.

Hoạt động truyền giáo của các Hội thánh địa phương (số 20)

Hội thánh địa phương có nhiệm vụ phải đại diện cho Hội thánh toàn cầu cách thật hoàn hảo và nên biết rằng mình cũng được sai đến với những người chưa biết Chúa như mình trước đây. Hội thánh này phải làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng đời sống cá nhân của mỗi tín hữu và bằng đời sống tập thể của cả Hội thánh trên quê hương xứ sở mình. Vì thế, việc rao giảng lời Chúa là cần thiết để Tin Mừng đến được với mọi người. Vậy, trước hết giám mục phải là người rao giảng đức tin để dẫn đưa nhiều người đến cùng Chúa Ki-tô. Muốn chu toàn nhiệm vụ này cho thỏa đáng, ngài phải biết rõ tình trạng của đoàn chiên mình, xem đồng bào mình nghĩ về Chúa làm sao, dựa vào các thay đổi đang xảy ra chung quanh về vấn đề đô thị hóa, di dân, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, gia tăng dân số v.v… Trong các Hội thánh trẻ này, các linh mục bản xứ phải hăng hái, nhiệt thành loan báo Tin Mừng, rao giảng lời Chúa, hợp tác với các linh mục truyền giáo người nước ngoài, để làm thành một linh mục đoàn duy nhất, dưới quyền điều khiển của giám mục sở tại. Làm như thế không phải chỉ để coi sóc giáo dân, cử hành bí tích, lo việc thờ phượng mà còn chú tâm rao giảng Tin Mừng cho những người bên ngoài nữa. Các tu sĩ nam nữ, các giáo dân cũng phải có một mối bận tâm như vậy đối với đồng bào mình, nhất là đối với những người nghèo khổ.

Phát động việc tông đồ của giáo dân (số 21)

Hội thánh không được thiết lập thật sư, chưa sống trọn vẹn đầy đủ, chưa phải là dấu hiệu giữa loài người, bao lâu chưa có một bậc giáo dân đích thật làm việc và hợp tác với hàng giáo phẩm (Ecclesia non vere fundata est, non plene vivit, nec perfectum Christi signum est inter homines, nisi cum Hierarchia laicatus veri hominis exstet et laborat)

Giáo dân la những tín hữu vừa thuộc về dân Thiên Chúa, vừa thuộc về xã hội dân sự, về dân tộc mình. Họ sinh ra tại đó, thừa hưởng gia tài văn hóa của quê hương mình, gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc mình. Nhưng họ cũng thuộc về Chúa Ki-tô vì đã được sinh ra về đường thiêng liêng trong Hội thánh, nhờ đức tin và bí tích Thánh tẩy họ đã lãnh nhận (x. 1 Cr 15,23) Bổn phận chính yếu của họ là làm chứng cho Chúa bằng lời nói và việc làm, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Các linh mục phải tôn trọng hoạt động tông đồ của giáo dân, phải huấn luyện họ về tinh thần trách nhiệm và tông đồ, đồng hành với họ trong các nỗi khó khăn, theo lời chỉ dạy trong Hiến chế Anh sáng muôn dân và Sắc lệnh Tông đồ giáo dân.

Khác biệt nhưng duy nhất
(số 22)

Các Ki-tô hữu đến từ nhiều dân tộc, môi trường, văn hóa, tập quán khác nhau nhưng lại như nhau vì cùng có chung một đức tin, một phép rửa, một Chúa. Đây là một sư phong phú trong khác biệt, khác biệt nhưng duy nhất. Tính duy nhất được phô diễn trong sự khác biệt. Nét độc đáo của Ki-tô giáo là ở chỗ đó và riêng đối với công giáo, đạo chung cho mọi người, tuy khác nhau như mới nói. Nền tảng làm nên sự duy nhất trong khác biệt là các suy tư thần học, dưa vào mac khải, Kinh thánh, truyền thống và giáo huấn của Hội thánh. Khoa nói và suy nghĩ về Chúa, tức thần học, chỉ có một, nhung lại được diễn tả trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, qua các thời đại khác nhau, ở những khung trời văn hóa cũng khác nhau nữa, nhưng vẫn diễn tả một Chúa, một đức tin.

CHƯƠNG IV; CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO

Ơn gọi truyền giáo
(số 23)

Ai là môn đệ Chúa Ki-tô thì cũng có bổn phận phải quảng bá đức tin. Nhưng có một số người cũng như một số tu hội được ơn gọi đặc biệt lo việc truyền giáo. Họ là những người được chọn và gọi để được gửi đi xa, đến những nơi và những người chưa biết Chúa hay chưa được nghe nói đến Chúa. Để làm công việc này, ngoài ơn gọi ra, họ lại phải có một số điều kiện đặc biệt, như sẵn sàng ra đi, từ bỏ quê hương xứ sở của mình, dấn thân vào những miền xa lạ, bằng lòng đón nhận những rủi ro bất ngờ, những nguy hiểm, thiếu thốn. Những nhà truyền giáo này có thể là linh mục tu si nam nữ hay giáo dân. Bao giờ Hội thánh cũng cần người và luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho có những con người như thế.

Đường linh đạo truyền giáo (số 24)

Vì đi truyền giáo ở nơi xa cho những người lạ là một ơn gọi đặc biệt, nền nhà truyền giáo cũng phải được huấn luyện để có một nền linh đạo phù hợp. Nền linh đạo đó là noi gương Chúa Giê-su “mặc lấy thân nô lệ”, (Pl 2,7) và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22) Nhiệm vụ của nhà truyền giáo là loan báo Tin Mừng, nên cần phải dám can đảm nói. Dù đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hay phải mất mạng nữa. nhưng cố gắng sống như thánh Phao-lô đã sống : “Trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa; gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều kiên trì chịu đựng.” (2 Cr 6, 4-5) Ngoài ra, lại phải đổi mới mỗi ngày bằng một cuộc thay đổi thiêng liêng từ bên trong (x. 1 Tm 4, 14; Ep 4, 23; 2 Cr 4, 16) Các vị Thường quyền và các bề trên, vào những thời kỳ ấn định, phải tập họp các nhà truyền giáo lại để cho họ được bồi bổ tâm linh hầu kiên trì tiếp tục sứ mệnh. Nên có khu vực dành riêng cho công việc này.

Huấn luyện thiêng liêng và đạo đức (số 25)

Nhà truyền giáo tương lai phải được huấn luyện về đường thiêng liêng và đạo đức để có thể thực hiện công việc cao quí này. Người ấy phải mau mắn có sáng kiến, kiên trì làm nên những việc phải làm, nhẫn nại khi gặp khó khăn, can đảm gánh chịu sự cô đơn, nhọc mệt, vất vả., vui vẻ tiếp xúc với mọi người. Ngay trong thời kỳ thực tập, huấn luyện, nhà truyền giáo đã phải có những tâm tình và thái độ như thế, bằng một đời sống thiêng liêng sâu đậm, một đức tin sống động và một lòng trông cậy không gì lay chuyển. Và như vậy, nhà truyền giáo phải là con người cầu nguyện.

Huấn luyện về học thức và tinh thần tông đồ (số 26)

Học thức ở đây muốn nói trước hết là các khoa đạo. Truyền giáo là đi giảng đạo, nên phải thông thạo các khoa về đạo như thần học, Kinh thánh. Ngoài ra là khoa truyền giáo và các khoa khác có lợi ích thực dụng như chỉ thuốc trị bệnh, sử dụng và sửa chữa máy móc thường dùng, điện học, vi tính, kinh tế và nhất là huấn giáo. Nhà truyền giáo càng có kiến thức và khả năng sâu rộng càng được kính phục và có thể giúp ích nhiều cho người ta. Các cha truyền giáo Dòng Tên ở thế kỷ XVI, XVII đã chinh phục đuợc một số vua chúa và quan chức triều đình Trung hoa là nhờ tài cao học rộng của các ngài, cũng như tài ứng xử khôn khéo trong việc tôn trọng và cố gắng hội nhập nền văn hóa của họ. Vậy các nhà truyền giáo, bất kể linh mục hay giáo dân nam nữ phải lo học hành và biết cách làm việc tông đồ trong phạm vi truyền giáo. Điều này thật là cần thiết và bổ ích.

Các viện đào tạo hay các tổ chức làm việc trong các xứ truyền giáo (số 27)

Truyền giáo là công việc khó khăn và trọng đại. Một cá nhân, cho dẫu tài ba và hăng say đến mấy cũng không thể một mình làm nổi. Vì vậy, phải kết hợp thành những viện đào tạo, những tổ chức chuyên lo công việc này. May thay Hội thánh đã có những dòng tu, tu hội hay các tổ chức tông đồ đứng ra làm công việc đó. Đã có những trường lớp đào tạo huấn luyện người đi truyền giáo và đã có những đoàn thể kết hợp sáng kiến và nỗ lực với nhau để thúc đẩy và canh tân việc truyền giáo. Điều này la cần và còn cần mãi. Vậy phải lo duy trì và phát triển những viện đào tạo, nhưng tu hội, những tổ chức theo đường hướng này.

CHƯƠNG V : TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

Dẫn nhập
(số 28)

Các ki-tô hữu mỗi người theo ơn riêng đã nhận được, cũng như tùy khả năng, phải góp phần vào công việc truyền giáo. Người gieo cũng như người trồng phải hợp tác với nhau hướng về một mục đích chung. Như vậy, công việc cần phải được tổ chức theo một định hướng cho có trật tự và hiệu quả.

Tổ chức chung (số 29)

Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ và công việc hàng đầù của giám mục đoàn, của thượng hội đồng giám mục. Đây là một mối bận tâm lớn và một công việc rất quan trọng của Hội thánh. Vì vậy, cần có một Bộ riêng để lo về vấn đề này. Đó là Bộ Truyền giáo. Bộ này lo tổ chức, đôn đốc, cung cấp tài liệu, hướng dẫn và chỉ huy mọi công việc liên hệ. Cũng chính Bộ tuyển lựa nhân viên, liên hệ với các nơi và lo tài trợ vật chất cho các xứ truyền giáo.

Tổ chức tại địa phương trong các xứ truyền giáo (số 30)

Muốn cho công việc đạt kết quả tốt, các nhà truyền giáo phải một lòng một ý với nhau (x. Cv 4, 32). Đó là nhiệm vụ của giám mục với tư cách là thủ lãnh và trung tâm hợp nhất trong công việc tông đồ của giáo phận, để cổ võ hoạt động truyền giáo, chỉ huy, phối hợp, phân công … Vì vậy, nên có một hội đồng mục vụ để giúp ngài điều hành các công việc. Ngài cũng không nên chỉ lưu tâm đến các tín hữu mà còn phải để ý đến cả những người ở bên ngoài nữa.

Phối hợp với miền (số 31)

Các hội đồng giám mục phải thỏa thuận với nhau trong những vấn đề quan trọng và bức thiết, tuy vẫn phải lưu ý đến sự khác biệt của từng miền. Để khỏi phí phạm tài lực và nhân sự, nên tập trung sức và phương tiện lại, như mở chung các chủng viện, các trường đào tạo, các trung tâm mục vụ, huấn giáo, phụng vụ, thánh nhạc v.v… Tùy như thuận tiện và nên chăng, các hội đồng giám mục nên hợp tác với nhau theo hướng này.

Tổ chức hoạt động của các viện hay sở (số 32)

Phối hợp hoạt động của các viện hay các tổ chức giáo sĩ là điều hữu ích. Tất cả trường sở, viện hay tổ chức bất cứ thuộc loại nào liên quan đến hoạt động truyền giáo đều phải tùy thuộc giám mục sở tại. Vì the, nên có hợp đồng giữa bề trên viện, sở với giám mục. Khi một dòng tu hay tu hội nào được giao cho đất để hoạt động thì phải hoạt động theo mục đích đã được giao. Khi linh mục triều có đủ số, linh mục dòng nên nhường lại, nếu là nhà hay đất của địa phận, khi được yêu cầu. Tuy vậy, linh mục dòng nên tiếp tục ở lại để giúp địa phận mà trước đây mình đã tới để hợp tác. Tòa thánh sẽ đề ra những nguyên tắc chung điều hành việc ký kết hợp đồng giữa đôi bên.

Hợp tác giữa các dòng, tu hội (số 33)

Có thể có nhiều dòng tu hay tu hội cùng làm việc trong một giáo phận. Bề trên của các dòng hay tu hội, hoặc hiệp hội các bề trên dòng nam và dòng nữ nên bàn soạn xem có thể cùng nhau làm chung những gì cho đỡ phân tán sức lực và có thể tập trung vào một số hoạt động, để cùng làm với nhau cho mạnh và đỡ mất nhiều người. Một trong những hướng đó là tổ chức nơi đào luyện trí thức chung, gửi bản báo cáo chung cho các cơ quan quốc tế hay siêu quốc gia v.v... Ngoài ra các vị lại phải liên lạc mật thiết với hội đồng giám mục.

Phối hợp hoạt động giữa các “viện khoa học” (số 34)

Viện khoa học ở đây không phải là các viện khoa học như người ta thường hiểu mà là những dòng tu hay tu hội nghiên cứu chuyên môn về truyền giáo, đặc biêt về việc đối thoại với các tôn gíáo và các nền văn hóa khác, hay những khoa có ích cho việc truyền giáo như chủng tộc học, lịch sử các tôn giáo, xã hội học hay ngôn ngữ hoặc các môn mục vụ v.v… Các dòng hay tu hội nên trao đổi chuyên viên và hợp tác với nhau về mặt này.

CHƯƠNG VI : HỢP TÁC

Dẫn nhập (số35)

Công đồng khuyên mời mọi Ki-tô hữu đổi mới sâu xa bên trong cũng như bên ngoài để có ý niệm sâu sắc về trách nhiệm của mình trong công việc rao giảng Tin Mừng.

Bổn phận truyền giáo của toàn Dân Thiên Chúa (số 36)

Bổn phận trước tiên, quan trọng nhất là quảng bá đức tin, sống sâu sắc đời sống Ki-tô hữu của mình.

Bổn phận truyền giáo của cộng đồng (số 37)

Vì Dân Thiên Chúa sống trong các cộng đồng giáo phận, giáo xứ và hiện diện trong những cộng đồng ấy nên phải làm chứng cho Chúa Ki-tô trước mặt muôn dân. Ơn đổi mới chỉ có thể gia tăng nơi các cộng đồng, khi mỗi cộng đồng chiếu giãi đức ái của mình ra chung quanh và lưu tâm đến những người còn ở bên ngoài. Hội thánh dường như vẫn thường lưu tâm đến những người ở trong Hội thánh hơn. Chính vì vậy mà cả cộng đồng cần phải cầu nguyện, hợp tác, hoạt động, qua trung gian các con cái của mình cho những người còn ở bên ngoài.

Bổn phận truyền giáo của các giám mục (số 38)

Tất cả mọi giám mục, với tư cách là những người kế vị các Tông đồ, đã được hiến thánh không phải cho một giáo phận, nhưng chung cho toàn thế giới. Lệnh truyền của Chúa Ki-tô phải rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo (Mc 16, 15) liên hệ trước tiên và trực tiếp đến các ngài.

Trong giáo phận mình, giám mục đôn đốc, thúc đẩy, điều khiển công cuộc truyền giáo, làm khơi dậy tinh thần và hoạt động truyền giáo. Ngài lưu tâm động viên những người ốm đau bệnh tật dâng các nỗi hy sinh đau khổ của mình cho Chúa, để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, lại cổ động cho có nhiều ơn gọi làm linh mục, tu sĩ để lo việc truyền giáo.

Bổn phận truyền giáo của các linh mục (số 39)

Các linh mục, đại diện Chúa Ki-tô, cộng sự viên của các giám mục có ba nhiệm vụ liên quan đến sứ mệnh của Hội thánh. Trước hết, các vị phải hiểu thật kỹ là mình được hiến thánh để lo việc truyền giáo. Các vị hiệp thông với Chúa Ki-tô để đưa những người khác đến với Người. Các vị phải kết hợp các mối bận tâm của mình để làm sao cho Tin Mừng đến được với những người còn ở bên ngoài. Trong khi làm mục vụ, các vị phải thúc đẩy và khơi dậy nơi giáo dân lòng nhiệt thành lo việc truyền giáo bằng cách giảng dạy giáo lý và cách thức loan báo Tin Mừng. Các vị lại phải cổ động cho có nhiều thanh niên thiếu nữ dâng mình cho Chúa để làm việc tông đồ. Những vị nào là giáo sư dạy trong các đại chủng viện hay đại học nên nói cho các sinh viên biết tình hình thế giới và Hội thánh và làm nổi bật khía cạnh truyền giáo trong các môn tín lý, Kinh thánh, luân lý và lịch sử v.v… hầu gây ý thức truyền giáo nơi những người đó.

Bổn phận truyền giáo trong các dòng và tu hội (số 40)

Các dòng hoạt động hay chiêm niệm và các tu hội đã góp phần rất lớn trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới. Công lao của các dòng và tu hội đã được Công đồng ghi nhận và đề cao. Công đồng cảm tạ Chúa vì những sự hy sinh to lớn của các dòng và tu hội để tôn vinh danh Chúa và cứu vớt các linh hồn. Công đồng khuyên nhủ và khuyến khích các dòng cũng như tu hội kiên trì phát triển hơn nữa các hoạt động truyền giáo của mình. Dòng nào, tu hội nào có thể, nên mở thêm các nhà tại những nơi truyền giáo.

Hiện nay trong Hội thánh thấy xuất hiện nhiều hình thức tu trì mới ở ngay giữa lòng đời. Các tu hội đời là những hình thức mớ mẻ, thích hợp cho thời đại chúng ta. Công đồng khuyên mời những tu hội này hăng hái, tích cực hoạt động dưới quyền điều khiển và sự hướng dẫn của các giam mục.

Bổn phận truyền giáo của giáo dân (số 41)

Giáo dân hợp tác với các linh mục và giám mục trong việc loan báo Tin Mừng của Hội thánh, với danh nghĩa là những nhân chứng và đồng thời là những dụng cụ sống động trong sứ mệnh cứu độ. Trong những nước kỳ cựu theo Ki-tô giáo, họ là những người đã đóng góp công của và người để xây dựng Hội thánh. Trong những Hội thánh mới mẻ, giáo dân cũng đã làm như vậy. Họ là một lực lượng hùng hậu không thể thiếu và là những thành phần rất đắc lực trong mọi hoạt động của Hội thánh. Bổn phận của họ ngày nay là hợp tác với những người không phải là công giáo trong lãnh vực kinh tế xã hội, khoa học văn hóa v.v… để góp phần vào công việc phát triển xã hội và làm cho cõi đất này đáng sống hơn vì có tình nhân ái và mối bận tâm lo đến ích chung. Để có thể thi hành tốt những nhiệm vụ này, giáo dân cần được đào luyện trong các trường hay viện chuyên môn, để đời sống của họ thành một lời chứng hùng hồn cho Chúa Giê-su giữa những người ngoài công giáo.

KẾT LUẬN

Các Nghị phu trong Công đồng hiệp nhất với Đức Giám mục Rô-ma cảm nhận sâu xa bổn phận phải làm cho nước Thiên Chúa lan rộng khắp nơi, thân ái gửi lời chào tất cả mọi người rao giảng Tin Mừng, nhất là những ai vì danh Chúa Ki-tô đã phải chịu nhiều đau khổ. Công đồng chia sớt các nỗi thống khổ của họ và chân thành cám ơn tất cả vì những đóng góp lớn lao cho công cuộc truyền giáo.

Trên đây là phần giới thiệu và trình bày sắc lệnh Ad Gentes (Dến với muôn dân), một sắc lệnh, như nói ở đầu bài, quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong công cuộc truyền giáo của Hội thánh. Chúng ta nghe, đọc không thôi thì chưa đủ mà còn phải tiếp tục học hỏi, nghiền ngẫm, đào sâu mỗi ngày, cùng với lời cầu tha thiết xin Chúa đanh động lòng chúng ta và thúc đẩy chúng ta đi đến với những người khác, nhất là những người chưa biết Chúa, ở những nới Tin Mừng chưa đuợc loan báo, bằng những cách thế khôn khéo và thích hợp. Phải có một chính sách truyền giáo. Chính sách này, Hội thánh đã ban cho chúng ta qua sắc lệnh trên đây. Nhưng sắc lệnh mới là văn bản. Văn bản này cần đem ra áp dụng và thực hành.

Vậy chúng ta hãy sống và thực hành như sắc lệnh chỉ dạy, rồi sau một quá trình học tập và thực hiện, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm cụ thể và thiết thục để áp dụng vào thực tế.