Thư chung 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định chọn năm 2004 làm năm Truyền giáo, nhân dịp kỷ niệm 470 năm, kể từ ngày bước chân của vị truyền giáo đầu tiên đặt trên đất Việt Nam, tại Ninh cường - Quần anh (thuộc huyện Hải hậu Nam Định ngày nay) như sử sách ghi chép.

Nhân dịp này, tôi xin đóng góp một vài suy nghĩ về vấn đề có thể coi là thuộc bản chất của Giáo hội, bởi vì Giáo hội được Đức Giêsu lập ra cốt yếu để được sai đi loan báo Tin Mừng (x. Mc 3, 14; 14,15; Mt 28,19; Ga 20,21).

I. “TRUYỀN GIÁO” HAY “TIN MỪNG HOÁ” ?

Thuật ngữ “truyền giáo” đươc sử dụng từ lâu đời, nên đã trở nên quen thuộc đối với phần đông chúng ta. Tuy nhiên, thuật ngữ đó không nói lên được ý nghĩa sâu xa của sứ vụ mà Đức Kitô đã trao cho các Tông đồ, và qua các ngài, cho toàn thể Giáo hội, ở khắp mọi nơi và mọi thời. Thật vậy trong tiếng La tinh, Propaganda, mà Pháp dịch là Propagande, có một gợi ý không mấy tôn giáo, bởi vì dịch ra tiếng Việt thì propagande là “tuyên truyền”, có ý nghĩa chính trị nhiều hơn, thậm chí đôi khi còn có nghĩa tiêu cực, như người ta thường nói : “Toàn là chuyện tuyên truyền !”. Điều đáng chú ý là chính Bộ Truyền bá Đức tin của Toà Thánh, thường được gọi là Bộ Truyền giáo, từ sau Công đồng Vatican II đã được đổi tên thành Bộ Tin Mừng hoá. Tuy nhiên, thuật ngữ “Tin Mừng hoá” nghe lại có vẻ Tây, không thuận tai (1). Còn nếu nói là “loan báo Tin Mừng” hay “rao giảng Tin Mừng”, thì cũng không thực sự diễn tả được cốt lõi của sứ vụ mà Đức Kitô trao cho Giáo hội.

CÔNG BỐ TIN MỪNG KHÔNG CHỈ LÀ DẠY GIÁO LÝ, DẠY ĐẠO

Thật vậy, sứ vụ của Giáo hội không chỉ là thông tin, càng không phải là “tuyên truyền” một học thuyết hay một giáo lý, mà là bằng cách làm sao cho muôn dân nghe biết và đón nhận Tin Mừng, để trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô, như Người đã nói với Nhóm 11 : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), mà sứ vụ của người Tông đồ lại là để “ở với Người (Đức Giêsu) và để Người sai đi rao giảng” (x.Mc 3,14). Nói cách khác, sứ vụ của Giáo hội là làm sao cho muôn dân trở thành những “người Kitô”, quen gọi là Kitô hữu (Cv 11,26), nghĩa là sống như Đức Kitô đã sống.

Chuyện đọc sách Tin Mừng, hay nghe biết nội dung giáo lý của Tin Mừng, thì không thiếu gì những người ngoài Kitô giáo cũng làm điều đó, thậm chí có những nhà bác học, những nhà chuyên môn nghiên cứu còn biết rõ hơn nhiều người Kitô hữu. Thậm chí có người còn nghiên cứu kỹ để có thể phản bác đạo Kitô.

Vậy tóm lại, “Tin Mừng hoá” chính là làm cho người ta trở thành môn đệ Chúa Kitô, những người “đi theo sau”, nghĩa là noi gương bắt chước, để nên giống Người, hay là sống như Người đã sống, và như vậy là trở thành “người Kitô”.

Tình trạng suy thoái của tôn giáo nói chung, và của Kitô giáo nói riêng, chứng minh cho thấy không phải tất cả những ai biết Tin Mừng, thuộc giáo lý, thậm chí chuyên sâu về thần học, đều là những người Kitô đích thực. Trái lại, số người rời bỏ Giáo hội, chối bỏ đức tin, mỗi ngày một gia tăng. Người ta thường nói những người này “mất đức tin” hay “chối bỏ đức tin”, nhưng đúng hơn phải nói họ đã chẳng có đức tin để mà đánh mất hay chối bỏ ! Nếu muốn chơi chữ, ta có thể nói họ là những người mới chỉ “có đạo”, nghĩa là theo một “tôn giáo”, thực hành một số nghi thức, giữ một số luật lệ tập quán của đạo, nhưng thực ra chẳng có đức tin theo nghĩa trọn vẹn. Nay họ bỏ, là bỏ không còn “giữ” những luật lệ hay tập tục, như đi lễ, đọc kinh vv., thế thôi.

Như trên đã nói, không phải bất cứ ai nghe biết Tin Mừng, kể cả người nghiên cứu Kinh Thánh, đều là những người tin Chúa Kitô. Nghe biết là một chuyện, còn tin hay không lại là một chuyện khác. Ngoài ra, còn một lý do khác khá quan trọng, đáng nói ở đây, đó là nếu chỉ “tin” theo nghĩa là chấp nhận một giáo lý trừu tượng, như có một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai có hai bản tính vv., nhưng chưa phải là tin theo, hay tin yêu, phó thác vào Đức Kitô Thiên Chúa thật và hằng sống, và thờ phượng Người đích thực “trong thần khí và sự thật” (x.Ga 4,23-24), thì đó chưa phải là đức tin theo nghĩa trọn vẹn của Kinh Thánh, và đặc biệt là của Tin Mừng.

Xưa nay người ta thường quan niệm “truyền giáo” đúng theo nghĩa là truyền dạy một giáo lý, mục đích là để đưa kẻ khác “vào đạo” và “giữ đạo” bằng việc tuân theo các lề luật của Chúa và Giáo hội, tham dự các nghi lễ trong đạo vv. Vì thế việc làm chủ yếu của nhà truyền giáo là dạy giáo lý. Dạy giáo lý là việc làm căn bản, ưu tiên, được tổ chức cho người muốn theo đạo, cũng như cho các thiếu nhi con nhà có đạo. Việc làm ấy dĩ nhiên đòi hỏi “giáo lý viên” phải có chút ít “chuyên môn”, như đã được huấn luyện qua một khoá học nào đó. Nhưng thực tế, trong khá nhiều trường hợp, các “giáo lý viên” cũng chỉ biết khá sơ sài về nội dung họ giảng dạy, nên cứ theo sách mà dạy người khác học thuộc lòng, cuối khoá học thì khảo bài, ai thuộc thì coi như có thể được vào đạo, hay được xưng tội rước lễ lần đầu, được kết hôn vv., (đối với người đã được rửa tội). Hiện nay Giáo hội đang muốn canh tân việc dạy giáo lý, nên đã cho xuất bản cuốn Giáo lý Công giáo cho toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai đọc và hiểu cuốn sách đó, cũng trở thành tín hữu. Thậm chí còn phải nói ngay cả các nhà thần học hay nghiên cứu Kinh Thánh cũng không đương nhiên là người đức tin.

Vì thế, “truyền giáo” không chỉ có nghĩa là dạy giáo lý hay dạy người ta giữ các lề luật và nghi lễ của Giáo hội. Đàng khác, cũng cần nói là nội dung các sách giáo lý chưa chắc đều trung thực với Chân lý của Tin Mừng, và được cập nhật hoá về mọi phương diện, kể cả về ngôn ngữ, cũng như dưạ theo những phương pháp chú giải Kinh Thánh có cơ sở khoa học đã được Giáo hội chấp nhận. Thật vậy, trong thực tế, ở nhiều nơi tại Việt Nam, người ta vẫn còn dùng những “Sách Bổn”, mà nội dung có khá nhiều điều sai sót, cần phải sửa đổi và bổ sung. Chẳng hạn như trong cuốn Bổn đồng ấu của đức cha Hồ ngọc Cẩn, giám mục Bùi chu, mà tôi được học hồi còn bé có câu : “Hỏi cái gì tròn tròn ta xem thấy đấy ? Thưa đấy là hình dạng bánh bề ngoài mà thôi, chứ bánh thì không còn nữa.”. Nói về Thánh Thể mà chỉ có một câu như thế thì người lớn cũng chẳng hiểu được gì, phương chi là bọn con nít !

TIN MỪNG LÀ MỘT "THỰC TẠI ”

Còn nhiều chuyện để nói về giáo lý và về việc dạy giáo lý. Nhưng chúng ta phải trở về đề tài chính là “Tin Mừng hoá”.

Sau khi đã tạm giải thích ý nghĩa của thuật ngữ “Tin Mừng hoá”, theo nghĩa là làm cho muôn dân nghe biết, đón nhận và sống theo Tin Mừng của Đức Giêsu để trở nên môn đệ của Người, tưởng cũng nên nhấn mạnh thêm về tính chất “cụ thể” của Tin Mừng, hay nói cách khác, Tin Mừng không phải chỉ là một thông điệp, một đạo lý hay một triết thuyết, mà trước hết là một cái gì có thể gọi là “thực tại” có thể mắt thấy tai nghe. Thật vậy, hẳn chúng ta còn nhớ có lần ông Gioan Tẩy giả sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” Đức Giêsu, lúc ấy đang “chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy”, bèn trả lời rằng : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng.” (Lc 7,20-22; Mt 11,2-5). Như vậy đã rõ, Tin Mừng không chỉ là một lời rao giảng, mà còn là một hành động cứu độ, giải phóng. Nói đúng hơn, đó là hành động đem niềm vui thực sự đến cho người ta, bởi vì không vui sao được khi được chữa lành khỏi bệnh hoạn tật nguyền, được cứu sống ! Vì thế nên mới gọi là “La Bonne Nouvelle”, Tin Lành, Tin Tốt, Tin Vui, Tin Mừng (2). Bởi thế, sau này, khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn luôn kèm theo mệnh lệnh là phải trừ quỉ và chữa lành các bệnh nhân (x.Mt 10,1; Mc 3,15; Lc 9,1-2; Mc 14,17-18).

Khi đọc sách Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu không chỉ giảng dạy, mà đúng ra phải nói, là Người dành nhiều thời giờ hơn để đi đến với nhiều người ở nhiều nơi, kể cả trong những vùng đất của dân ngoại, và đâu đâu Người cũng “thi ân giáng phúc” (Cv 11,38) cho họ, cụ thể là chữa lành cho họ khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, cả phần hồn lẫn phần xác.

Và cuối cùng, Tin Mừng, còn chủ yếu là Tin Mừng Phục Sinh, bởi vì nếu không có biến cố Phục Sinh thì chẳng có tin mừng nào để công bố. Tuy nhiên chính Tin Mừng Phục Sinh cũng đòi hỏi kẻ đi loan báo phải là chứng nhân của biến cố (x.Lc 24,48), ít ra là bằng cách sống một cuộc đời được đổi mới nhờ mầu nhiệm Phục Sinh.

II. ĐỐI TƯỢNG “TIN MỪNG HOÁ”

Trong Tin Mừng của Gioan, ngay trong bốn chương đầu, tác giả đã giới thiệu cho chúng ta bốn đối tượng tiêu biểu mà Đức Giêsu gặp gỡ : trước hết là những người mà Chúa sẽ chọn làm Tông đồ (1,35-51), tiếp đến là ông Nicôđêmô, đại diện cho giới lãnh đạo Do thái (3,1-21), rồi sau đó là người thiếu phụ Samari, đại diện cho những người “lạc giáo”, cũng là dân ngoại theo quan niệm Do thái (4,1-42), và cuối cùng là viên sĩ quan cận vệ nhà vua, đại diện cho những người dân ngoại theo nghĩa chung (4,46-54). Ngày nay chúng ta cũng có rất nhiều đối tượng cần phải được loan báo Tin Mừng, mà nếu kể ra sẽ chẳng đủ thì giờ, bởi vì chúng ta không thể chỉ gom tất cả nhân loại vào hai phạm trù chính : “kẻ có đạo và kẻ chẳng có đạo”, hay là Dân Chúa và Dân ngoại. Trái lại, ngày nay chúng ta còn phải “Tái Tin Mừng hoá” (3), cho cả những người Kitô hữu còn đang “giữ đạo” cũng như những người đã “bỏ đạo”. Và trong giới “dân ngoại”, cũng cần phân biệt những người “vô thần”, không tôn giáo, tín ngưỡng, với những người thuộc nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác nhau.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ phân loại theo ba phạm trù chính : những người kitô hữu, những người ngoài Kitô giáo, và những người đã rời bỏ Giáo hội hay “ bỏ đạo”.

1. “TÁI TIN MỪNG HOÁ" CHO NGƯỜI KITÔ HỮU .

Khi Đức Kitô vào đời, Người đã không chọn các dân ngoại như đối tượng đầu tiên để loan báo Tin Mừng, mà chọn dân tộc Do thái, được mệnh danh là Dân riêng của Thiên Chúa, vốn xưa nay tưởng mình đã biết Thiên Chúa và thờ phượng Người. Hơn thế nữa, Đức Giêsu lại gặp gỡ, không phải một kẻ tầm thường, ngu dốt, mà là một “bậc thầy trong dân Ítraen”, đó là ông Nicôđêmô ! Vậy mà ông này không hiểu nổi những gì Đức Giêsu muốn nói với ông. Ông không hiểu chẳng phải vì ông kém thông minh, không hiểu Kinh Thánh, trái lại là đàng khác. Tuy nhiên, cũng như mọi người Do thái khác, kể các kinh sư, tư tế và luật sĩ, ông có một quan niệm khác về Thiên Chúa, không hoàn toàn đồng nhất với Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn mặc khải cho ông và đồng bào của ông. Thật vậy, Yavê Thiên Chúa của người Do thái là Yavê Sabaoth, Thiên Chúa các đạo binh, Đấng oai hùng, đáng kính đáng sợ, Đấng biết đến và bênh vực chở che người Do thái, “dân riêng” của Người, và không ngừng ra tay trừng phạt dân ngoại và những người tội lỗi. Trong khi đó, Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn mặc khải cho ông cũng như cho mọi người, kể cả những kẻ tội lỗi và dân ngoại, là “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Mà Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”, chỉ cần là họ “tin vào Con của Người.” (Ga 3,16-18). Như vậy đả rõ, Đức Giêsu đã vạch ra cho nhân loại một con đường mới, đó là Đạo của niềm tin, chứ không phải là đạo của Lề luật. Ai tin thì sẽ được cứu độ, được sống chứ không phải người giữ Lề luật, thi hành mọi nghi thức của đạo.

Nhiều người Kitô ngày nay hình như cũng có một quan niệm về Thiên Chúa không khác gì người Do thái, hay có khi còn tệ hơn là đàng khác, vì người Do thái không thờ kính ảnh tượng, còn chúng ta thì khác. Thật vậy, nhiều người đã vật chất hóa Thiên Chúa, đến nỗi vô tình trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng : họ cúi mình thờ lạy, hôn kính các tượng Chúa bằng gỗ, đá hay vàng bạc, nhưng lại không ngần ngại hành hạ, đánh đập, thậm chí giết hại những con người sống động, là hình ảnh của Thiên Chúa. Họ “giữ” mọi lề luật, mọi nghi thức của đạo, chỉ trừ điều răn yêu thương mà Đức Giêsu đã trối lại cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly.

Đó là lý do khiến chúng ta cần phải rao giảng Tin Mừng lại cho người Kitô hữu. Và đây là sứ vụ quan trọng hàng đầu, bởi vì sở dĩ ngày nay có khá nhiều người đang chối bỏ đức tin, hay rời bỏ Giáo hội, chính là vì họ đã không được hiểu biết, hay không sống đúng Tin Mừng của Chúa Giêsu, trái lại nhiều khi chỉ được học thuộc lòng một mớ giáo lý khô khan, trừu tượng, quá thiên về luân lý, đạo đức. Thiên Chúa mà họ tin thờ không đích thực là Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã mặc khải, và Đức Giêsu mà họ tuyên xưng chẳng giống với Đức Giêsu mà các tác giả sách Tin Mừng đã phản ánh lại cho chúng ta. Vì thế, phải làm thế nào để họ nhận ra khuôn mặt thật của Thiên Chúa đích thực và hằng sống, mà Đức Giêsu mặc khải bằng mầu nhiệm Nhập thể, Khổ nạn và Phục sinh, nghĩa là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, sống, hoạt động, giảng dạy, chữa lành, và hy sinh mạng sống vì mọi người, chết và sống lại, để đem lại cho nhân loại sự sống đời đời, đó là chính sự sống thần linh của Người.

Thiên Chúa thì vẫn là một, và “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” (Dt 13,8), nhưng nhận thức của con người mỗi thời mỗi khác, và nhất là cách người ta truyền lại cho nhau những nhận thức ấy cũng không hoàn toàn đồng nhất. Hơn nữa, từ một Đức Giêsu Con Người, bằng xương bằng thịt, đến một Đức Giêsu trong sách vở, trong bài giảng hay trong giáo lý, thần học, hoặc được diễn giải qua nghi thức Phụng vụ, nhiều khi đã biến thành tượng, thành thần, như vừa nói trên đây, khiến cho nhiều người thực tế chỉ là “hữu thần”, chứ không phải là “người Kitô”. Đó là lý do phải rao giảng, giới thiệu lại một Đức Giêsu đích thực, đúng theo Tin Mừng, nghĩa là một Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa tình yêu. Nói tóm lại, phải đổi mới nội dung, ngôn ngữ, cách thức cũng như phương tiện loan báo Tin Mừng. Nhưng xin đừng hiểu việc đổi mới “nội dung” ở đây theo nghĩa là thay thế Đức Giêsu bằng một con người hay một vị thần nào khác, mà chỉ có nghĩa là trình bày, giới thiệu một Đức Giêsu Kitô đúng như Tin Mừng phản ánh. Cái gì “mới” ở đây không phải Đức Giêsu Kitô, mà là sự hiểu biết của chúng ta về Người, hình ảnh và lời lẽ chúng ta diễn tả về Người.

Chỉ khi nào người Kitô hiểu biết đúng về Đức Giêsu Kitô, thì chúng ta mới có thể nói đến chuyện rao giảng hay giới thiệu Người cho những người ngoài Kitô giáo, và nhất là giúp cho những ai đã “mất đức tin”, đã rời bỏ Giáo hội, có thể “trở về”. Còn nếu không, thì sẽ chỉ như mù dắt mù mà thôi ! Vì thế mới nói rằng việc đổi mới này là ưu tiên, là tiên quyết cho sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay.

2. LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGOÀI KITÔ GIÁO

Đối tượng thứ hai này trước đây được coi là đối tượng duy nhất, nhưng ở đây, chúng ta xếp theo vào hạng thứ hai. Bởi vì như trên đã nói, chúng ta không thể nói cho ai biết điều mà chính mình chưa biết đúng, biết rõ. Nhưng về điểm này, ở đây tôi không muốn đi sâu vào mọi khía cạnh của vấn đề, vì đề tài “truyền giáo” là đề tài quen thuộc từ lâu, đã được nói tới, bàn luận ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Nhưng trước hết tôi chỉ xin nhấn mạnh đến cách thức mà chính Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng, mà thí dụ điển hình, và được coi như mẫu mực hoàn hảo nhất, đó là câu chuyện diễn ra bên bờ giếng Giacóp, được Gioan ghi lại trong chương 4,1-42. Đức Giêsu đích thân tìm đến vùng đất của dân ngoại, trong tư cách của một người lữ hành, đến bờ giếng để xin nước uống. Đối diện với Người là một thiếu phụ Samari, mà như được biết, đã có 5 đời chồng, và người chồng cuối cùng đang sống với chị ta, lại là chồng người. Nhưng không sao, Đức Giêsu vẫn xin chị cho mình nước uống. Qua cử chỉ ấy, Người cho thấy việc “truyền giáo” không nhất thiết phải bắt đầu bằng việc chúng ta phải cho người ta cái gì, kể cả những lời dạy dỗ. Người “truyền giáo” trước hết không phải là người đến để cho, mà trước hết lại là kẻ đi xin ! Đức Giêsu đã đến trần gian như vậy. Trong 33 năm sống ở trần gian, Người đã dành 30 năm, nghĩa là gấp 10 lần thời gian “thi ân giáng phúc” (Cv 11,38). Trong 33 năm tại thế, Người đã đón nhận máu thịt của Đức Trinh nữ Maria để làm người, sữa để bú, bánh ăn, nước uống, và sự giáo dục chăm nom, dạy dỗ : từ bước đi, tiếng nói cho đến cách sinh sống, hoạt động cho ra con người, và cả sự hiểu biết cũng như cách thức yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa là Cha của Người, tất cả những điều ấy, Người đã học được nơi Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và nhiều người khác. Và còn bao nhiêu chuyện khác nữa mà Người phải học nơi tha nhân để có thể “làm người”. Và ngay cả trong 3 năm cuối đời, Người vẫn tiếp tục đón nhận sự giúp đỡ của các môn đệ, cũng như của những người khác, để có thể hoàn thành sứ vụ (x.Lc 5,3; 8,1-3). Người ta thường nói : “Không ai có thể cho người khác cái gì mà mình không có”, nhưng cũng phải nói ngược lại rằng, chúng ta chỉ có, nhờ kẻ khác đã tặng cho, trước hết đó chính là hiện hữu, là sự sống, là cuộc đời, mà nếu không có thì chẳng có gì để nói !

Người Kitô hữu chúng ta thường đến với những người ngoài Giáo hội trong tư thế của kẻ hơn người, vì có đức tin, có Chúa, có sự sống đời đời vv. và vv. Chúng ta coi những “kẻ ngoại” là những người đáng thương, và chúng ta đem tình thương đến cho họ, “ban” Chúa cho họ. Đó là sứ vụ, đó là niềm hãnh diện của chúng ta. Chúng ta không chờ đợi nơi họ điều gì khác, ngoài việc họ đón nhận lời rao giảng của chúng ta mà tin theo Chúa. Đạo của chúng ta biến thành đạo của hai loại người, hai giai cấp khác biệt : những người ban phát, những người cho, và những kẻ “chịu”, nghĩa là đón nhận, hay “ăn mày” các phép và nhân đức…Đức Giêsu đến để lập một mối tương giao thân thiện, bình đẳng, tôn trọng nhân vị của kẻ khác, để hai bên đều có thể gặp gỡ, đối thoại và trao đổi với nhau như những con người, không phân biệt màu da, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo hay kinh tế, chính trị. Đó là lý do tại sao Chúa đã làm người, và chỉ làm người (4). Bởi vì Người chủ ý muốn làm người, để mặc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa muốn được nhận diện và yêu mến trong chính con người, mà Thiên Chúa đã sáng tạo “theo hình ảnh mình (St 1,27). Chính vì thế mà Gioan đã viết : “Ai không yêu thương (hiểu theo nghĩa là không yêu thương anh em), thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4,8).

Cái gì quan trọng nhất, quí giá nhất mà Đức Giêsu muốn trao tặng cho loài người, là chính bản thân mình, chứ không phải vàng bạc, của cải, quyền lực, địa vị hay danh vọng. Cử chỉ cuối cùng Người đã làm trong bữa Tiệc ly, khi lấy bánh và rượu để lập bí tích Thánh Thể, nói lên điều ấy : “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”… “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 19-20).

3. LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ RỜI BỎ GIÁO HỘI

Loại người thứ ba mà chúng ta cần loan báo Tin Mừng, hay nói đúng hơn, là “tái loan báo Tin Mừng”, đó là những người đã rời bỏ Giáo hội. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, không dễ dàng. Thật vậy, nếu “tái loan báo Tin Mừng” cho những người đang “giữ đạo” đã là một việc khó, vì hầu hết những người này tự nghĩ mình không cần phải được loan báo Tin Mừng, bởi vì đã được nghe và tin theo Tin Mừng rồi, thì đối với những người đã nghe, đã “giữ” Đạo mà nay đã bỏ, đã chối, thì làm thế nào để họ nghe và lại tin theo Tin Mừng ?

Có hai bản văn Tin Mừng mà chúng ta có thể đọc lại, để tìm ở đó lời giải đáp cho vấn đề của chúng ta. Bản văn thứ nhất, là dụ ngôn mà chúng ta quen gọi, tuy không đúng lắm, là “Đứa con hoang đàng” (Lc 15,11-32) (5), còn bản văn thứ hai, là câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmau”, cũng của Luca (24,13-35).

Bản văn thứ nhất cho chúng ta thấy đứa con thứ bỏ nhà ra đi, vì nó muốn độc lập tự do, tự khẳng định mình. Thế mà người cha đã không ngăn cản nó, vì tôn trọng quyền tự do của nó. Người tôn trọng tự do của con người mà Người đã dựng nên giống hình ảnh mình (x.St 1,26-27), không như chúng ta, Giáo hội nói chung, và mỗi người nói riêng, thích dùng quyền lực mà bắt kẻ khác quy phục mình ! Tôn trọng tự do của con, để nó ra đi, nhưng người cha vẫn tin tưởng, chờ đợi ngày nó trở về. Vì thế ông đã để dành quần áo đẹp, giầy dép với nhẫn đeo tay, và nuôi sẵn một con bê để ăn mừng vào ngày đó. Cuối cùng thì ngày ấy đã đến. Mặc dầu nó trở về không phải vì thương cha nhớ mẹ, hay thực sự ăn năn hối lỗi, mà chỉ vì không còn có gì bỏ vào bụng ! Vậy mà người cha không hề trách móc nó một câu, nhưng đã vội vàng ôm lấy nó, hôn lấy hôn để, không để nó ca hết “sáu câu” mà nó đã “sáng tác” lúc quyết định về nhà. Chưa hết, ông lại còn phải năn nỉ, cố gắng thuyết phục người con cả không chịu vào nhà để ăn mừng người mà nó không còn coi là em, mà gọi là “thằng con của cha”.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương cả những người đã rời bỏ Giáo hội, kiên nhẫn chờ đợi họ trở về, và sẵn sàng đón nhận họ trở về trong vòng tay thân ái.

Câu chuyện Hai môn đệ trên đường Emmau có lẽ còn sâu sắc và ý nghĩa hơn nữa, vì ở đây, không còn là chuyện đi tìm tự do, mà do hậu quả của một sự thất vọng : Đức Giêsu đã bị giết, và giấc mơ giải phóng của các môn đệ tan biến. Họ cảm thấy đời mình hụt hẫng, mất niềm tin, mất hy vọng vào con người mà họ vẫn tưởng sẽ là đấng cứu tinh, là vị anh hùng giải phóng đem lại độc lập tự do cho tổ quốc, và làm cho đời họ được tươi sáng.

Ngày nay, nhiều người tôn giáo nói chung, và người Kitô nói riêng, cũng đang thất vọng về tôn giáo, như tôi đã viết trong bài “Khát khao, đam mê và thất vọng về tôn giáo” (6).

Việc chúng ta phải làm, là tái loan báo Tin Mừng cho họ, cũng giống như cho những người vẫn còn “giữ đạo”, “giữ đức tin”, bởi vì sở dĩ họ đã bỏ ra đi, cũng chỉ vì đã hiểu lầm về Thiên Chúa,về Đức Giêsu. Thậm chí, như tôi vẫn thường nói, có thể họ đã không có “Đạo” để giữ, chưa có “đức tin” để bỏ ! Họ chỉ giữ một thứ tôn giáo có tính xã hội, hay như một tổ chức, một ý thức hệ, một mớ lý thuyết và một hệ thống luân lý, một số nghi thức, tập quán vv, mà thôi. Cái mà họ cho là đức tin, có khi mới chỉ là một thứ tín ngưỡng khá mơ hồ, không có gì làm cho họ xác tín, hay có ý nghĩa, giá trị tới mức khiến họ lấy đó làm lẽ sống, là nền tảng cuộc đời, mà nếu từ bỏ, họ sẽ không còn đứng vững.

Đối với những người như vậy, lời rao giảng suông chẳng ích lợi gì, mà cần đến chứng tá của đời sống chúng ta, một đời sống chỉ là trung thành, xác tín, mà còn là đời sống khiêm tốn, yêu thương và hiền hoà : không tự cao tự đại, khinh thường, loại trừ lên án bất cứ người nào, không coi ai là “hoang đàng” hay phản bội, trái lại sẵn sàng đồng bàn và ăn uống với họ như Đức Giêsu đã làm khi đồng hành và ăn uống với những “quân thu thuế và phường tội lỗi” (x.Lc 15,1), hay như Người đã vào quán trọ cùng bẻ bánh với hai môn đệ trên đường Emmau.

Hai môn đệ trên đường Emmau hơn hai ngàn năm về trước (7), đã thất vọng vì thấy Đức Giêsu không phải là Đấng mà họ mong đợi là sẽ giải phóng dân tộc Ítraen khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma, phục hồi ngai vàng Đavít, và đem lại cho dân tộc một thời kỳ vàng son. Nhưng sự việc lại không như vậy. Đức Giêsu đã bị bắt và bị giết chết. Họ chẳng còn gì để hy vọng, đành bỏ giấc mộng làm quan, đi về làng cũ tìm kế sinh nhai. Cũng vậy, nhiều tín hữu hôm nay cũng đang thất vọng về Giáo hội nói riêng, và về tôn giáo nói chung, nên bỏ ra đi. Họ không tìm được Chúa trong Giáo hội nữa, vì nhiều nhà thờ, đặc biệt là bên Âu châu, chỉ còn là những ngôi mộ trống. Chúng ta không thể thuyết phục họ tin rằng Chúa đã phục sinh, bằng cách đặt vào trong ngôi mộ trống những cái xác giả của Chúa làm bằng gỗ hay bằng đá cẩm thạch, hoặc bằng gì đi nữa, nhưng hãy thử cùng đi với họ ít là môt đoạn đường, tìm hiểu và thông cảm những nỗi buồn và thất vọng của họ, và sẵn sàng đón nhận những gì mà họ chia sẻ lại cho chúng ta, như Đức Giêsu đã làm. Đừng sợ, trái lại phải dám đi xa hơn họ, giúp họ tìm thấy Chúa bên ngoài nhà thờ, thậm chí bên ngoài cả Giáo hội, bởi vì Đức Giêsu phục sinh không chỉ xuất hiện trong những căn phòng đóng kín cửa (x.Ga 20,19.26), mà còn ở trên bờ biển hồ (x.Ga 21,4-14) trên đường đi và trong quán trọ Emmau (x.Lc 24,1-35). Người không xuất hiện dưới hình dáng một Thiên Chúa chiến thắng uy nghi đầy quyền thế, mà dưới hình dạng một người giữ vườn, một người đồng hành, một người đang dọn bữa ăn cho anh em mình.

Hãy nhớ, Đức Giêsu không hề thốt ra một lời khiển trách hai môn đệ trên đường đi Emmau. Người không trách họ đã thất vọng và bỏ ra đi, mà chỉ trách họ đã chậm hiểu chậm tin lời Kinh Thánh. Thế nên Người đã soi lòng mở trí cho họ hiểu những gì Kinh Thánh đã nói về Người, không phải như một Thượng Đế siêu việt trên tất cả mọi khổ đau của con người, nhưng là “Đấng Kitô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang của Người” (x.Lc 24,26.46).

Chìa khoá giúp chúng ta hiểu và nhận biết Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người, không phải là những phép lạ, hay tất cả những lời của Người đã được thu gom, đúc kết, hệ thống hoá, biến thành giáo lý, thần học, mà chính là mầu nhiệm Thập giá. Nói cách khác, đối tượng niềm tin của chúng ta không phải là một Thượng Đế chí thánh chí tôn, đáng kính đáng sợ, hùng mạnh, vinh hiển chói lọi…, mà là “Đấng Kitô chịu đóng đinh” ! (1 Cr 1,23), mà chỉ những ai sẵn sàng vác thập giá mình đi theo Người, thì mới xứng đáng làm môn đệ của Người ( x.Mc 8,34; Mt 16,24; Lc 9,23). Vì thế những ai đi tìm Chúa để hưởng lợi lộc vinh quang, để chiến thắng và thống trị kẻ khác, thì không bao giờ tìm được Người. Trái lại, bất cứ ai, dù ở ngoài Giáo hội, biết tìm đến, đón nhận, và yêu thương những người cùng khổ, đó rách, tật nguyền, tội lỗi hay bị khinh khi, loại trừ, chắn chắn sẽ gặp được Người (x.Mt 25,35...).

THAY LỜI KẾT

Đức Giêsu đã vào đời trong thân phận “một trẻ sơ sinh bọc tã, năm trong máng cỏ” (Lc 2,12), để trở thành “người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5), và Người đã chết để trao tặng chính Thịt Máu Người làm của ăn thức uống nuôi ta sống đời đời (x. Ga 6,52-58).

Giáo hội nói chung, và mỗi người kitô hữu nói riêng, có sẵn sàng làm trẻ sơ sinh, làm người con, nghĩa là bé nhỏ, khiêm tốn, để được ban tặng cho nhân loại hay không ? Chính Đức Giêsu đã chẳng bảo chúng ta rằng : “Nếu anh em không trở lại mà nên giống như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời” đó sao ? (Mt 18,3). Đã là trẻ nhỏ thì chẳng có quyền bính, địa vị, cũng không thể làm chủ của cải mình, nên vì thế mà nghèo. Trẻ thơ, theo quan niệm Phật giáo, nhất là Thiền, thì vô tư, chưa biết phân biệt màu da, chủng, văn hoá, tôn giáo, chính trị, giàu nghèo. Trẻ thơ trong trắng, chân thật… Trẻ thơ cũng chẳng nghĩ đến cái tôi của mình, nên không làm chủ chính mình, trái lại hoàn toàn phó thác cho người khác, ai muốn làm gì cũng được, muốn ẵm, muốn bế, hay bỏ đói, đánh đập, hoặc có thể bán, cho, hay giao phó cho bất cứ ai …

Có bao giờ chúng ta nghĩ đến Tin Mừng theo nghĩa mà sứ thần nói với những người chăn chiên ở vùng Bêlem trong đêm Giáng Sinh : “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,10-12) ? Và nếu hiểu được điều ấy, thì liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận làm “xích tử”, làm “con đỏ”, nghĩa là trẻ sơ sinh, để chính mình trở thành Tin Mừng Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại hay không ?

Có bao giờ chúng ta loan báo Tin Mừng Phục Sinh mà không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã chịu đau khổ và chịu chết ? Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình có thể tìm được vinh quang ngoài thập giá Đức Giêsu chăng ? (x.Gl 6,14).

Tại giáo xứ Quản Long, Cà Mau

Ngày 24-03-2004

CHÚ THÍCH

1. Xin đọc bài "Tại sao phải tái Phúc âm hóa" trong Cỏ dại ven đường Tập 11 (2003), trang 10tt. Ở đây tôi tạm thời sử dụng thuật ngữ này cho tiện, vì ngắn gọn. Nhưng đây là chuyệt bất đắc dĩ!

2. Xin đọc bài "Loan báo Tin lành và chữa lành bệnh nhân "của tác giả, trong Cỏ dại ven đường Tập 9 (2003), trang 18-22

3. Xin đọc bài "Thế nào là Tái Phúc âm hoá" của tác giả, trong Cỏ dại ven đường Tập 11 (2003), trang 42-64.

4. Xin đọc bài "Làm người không dễ" của tác giả, trong Cỏ dại ven đường Tập 9 (2003), trang 3-17; và bài "Chúa đã làm người, để người làm Chúa như Chúa đã làm người.", trong Cỏ dại ven đường Tập 11 (2003), trang 122-143..

5. Nói đúng hơn phải gọi là Dụ ngôn về người cha nhân hậu.

6. x. Ns Cg&Dt, số 110, Tháng 02-04, trang 5 tt.

7. Xin đọc "2000 Năm Emmau", trong "Cỏ dại ven đường V", trang 155.