CÔNG DUNG NGÔN HẠNH

CỦA

LINH MỤC CHÚA KITÔ


Thưa các bạn,

Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, mà hiền thê theo tiếng Hán là “người vợ hiền”, mà người vợ hiền thì cái quan trọng nhất theo quan niệm của thánh hiền là phải có Công, Dung, Ngôn, Hạnh, hoặc là ít nữa cũng là một người có phẩm hạnh tốt. Do đó, mà khi chọn vợ cho con mình, cha mẹ luôn để ý khuyên con trai nên “chọn heo xem giống, chọn vợ xem giòng”, để được có một người vợ đạo đức biết yêu thương và chăm sóc chồng con.

Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, mà Giáo Hội thì bao gồm tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Rôma, như thế thì tất cả chúng ta đều là -một cách nào đó- là hiền thê của Chúa Kitô, nhưng điều mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay chính là vai trò của các linh mục, các ngài chính là những hiền thê trung thành và sáng chói của Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô không chọn cho mình những “người vợ” chỉ có sắc mà không có đức, Ngài đã đích thân tìm kiếm và gọi đích danh những “người vợ” bất toàn để thánh hoá họ trở thành những “hiền thê” gương mẫu, chung thuỷ và đạo đức, để các ngài sinh, dưỡng và giáo dục con cái của Thiên Chúa trở nên những người con tốt đẹp hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội.

Trong công tác mục vụ hằng ngày, các linh mục đóng rất nhiều vai trò : mục tử chăn dắt đoàn chiên, cha mẹ dưỡng dục và là người thầy giáo huấn dạy dỗ, người bạn đáng yêu của tuổi trẻ, vì vậy trách nhiệm rất là nặng nề đòi hỏi linh mục phải trở nên vị hiền thê trung thành, đảm đang của Chúa Kitô và Giáo Hội.

Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, linh mục là hiền thê của Chúa Kitô, nói như thế không có nghĩa là hiểu sai vai trò mục tử của các linh mục, nhưng xét cho cùng, người cha người mẹ cũng là mục tử của con cái, người thầy cũng là mục tử của học trò.v.v...

Vì vậy, tôi muốn chia sẻ những suy tư của mình về vai trò “hiền thê” của linh mục trong cuộc sống hằng ngày, với “tứ đức” của người con gái, hay của người vợ hiền, mà các linh mục chính là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên một “Hiền Thê” mẫu mực của Ngài.

Tứ đức đó chính là Công, Dung, Ngôn, Hạnh mà tôi tạm gọi là tứ đức hay “công, dung, ngôn, hạnh của linh mục Chúa Kitô” vậy.

Taiwan, ngày 8.7.2003

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------------------------------------------

Lời ngỏ

Công, dung, ngôn, hạnh là “tứ đức” của người con gái, mà theo đại từ điển tiếng Việt định nghĩa như sau : “Bốn đức tính mà người phụ nữ trước đây phải vươn tới, phải đạt được là : Khéo tay (công), nét mặt tươi tỉnh (dung), ăn nói lịch sự (ngôn), nết na phẩm hạnh (hạnh).

Người linh mục cũng được gọi là Hiền Thê của Chúa Kitô, cho nên trong cách sống của ngài cũng phải trở nên một người vợ hiền biết quản trị gia đình và chăm sóc con cái theo đúng tinh thần của Chúa Kitô : kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình.

Con người ta khi chọn vợ thì cái quan trọng nhất chính là đạo đức chứ không phải là sắc đẹp, là chuyên cần chứ không phải là biếng nhác, là biết làm việc chứ không phải là biết rong chơi... nhưng có những lúc người ta quá “hấp tấp” khi chọn vợ, có người mới quen nhau vài tháng đã làm đám cưới, có người mới quen nhau một năm thì đã cho là quá lâu, cho nên có những cặp hôn phối mới cưới chưa hết tuần trăng thì đường ai nấy đi, hoặc là cứ hục hặc nhau vì không hợp tính tình của nhau...

Chúa Giêsu không hấp tấp chọn “hiền thê” cho mình, Ngài không gượng ép khi chọn đối tượng để trao phó một trách nhiệm nặng nề là cai quản và ban phát ân sủng của Ngài cho con cái, cho nên nói được là Chúa không lầm khi chọn các linh mục, nhưng chính các linh mục -có một số người- đã không nhận ra một tình yêu quảng đại của Thiên Chúa cho nên đã không chung thuỷ với Ngài, hoặc là có chung thuỷ nhưng không làm tốt bổn phận của mình, cho nên thay vì trở thành người mẹ hiền của đàn con, thì lại trở thành người dì ghẻ chỉ biết con mình là cái tôi hưởng thụ, cái tôi tham lam và cái tôi ích kỉ, còn con cái Thiên Chúa trao cho các ngài thì các ngài không tận tâm chăm lo...

Chúa Giêsu đã chọn hiền thê cho mình, và Ngài cũng muốn người hiền thê ấy phải hiểu rõ sứ mạng và trách nhiệm ấy trong tự do và tự nguyện chứ không bị ép buộc, cho nên không một người thanh niên nào được gọi thì lập tức trở thành linh mục của Chúa, nhưng phải qua một thời gian dài được huấn luyện, thời gian dài cầu nguyện, thời gian dài suy tư và tự do quyết định đáp trả lại lời mời gọi làm linh mục, hiền thê của Chúa Kitô.

Nhưng trong thực tế có nhiều cảnh khiến cho Chúa Giêsu phải đau lòng vì vị hiền thê của mình đã không còn chung thuỷ với những gì đã thề hứa, đã đua đòi theo thế tục và trở thành những mục tử không vì đàn chiên, những người vợ không vì chồng, những người thầy không vì học trò, mà vì tư lợi cho mình mà thôi.

Tại sao vậy ?

Trong Giáo Hội đại đa số các hiền thê linh mục đều là những người tài cao đức rộng, ý thức cao về bổn phận và trách nhiệm của mình, và được đông đảo giáo dân, quần chúng yêu mến, và qua các ngài, người ta nhận ra được khuôn mặt từ ái của Chúa Kitô Phục Sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hiền thê linh mục đang khi làm quản gia (cha sở) thì không lo nghĩ đến con cái, không đối xử với họ như là những con người có đầy đủ phẩm giá một con người đáng được tôn trọng, có vị hiền thê linh mục coi giáo dân bằng “nửa” con mắt, có vị hiền thê linh mục thì chỉ coi trọng những con chiên giàu có mà quên mất con chiên nghèo, có những vị hiền thê linh mục chỉ biết hưởng thụ...

Do đó, tứ đức công dung ngôn hạnh -xét cho cùng- cũng là những đức tính mà các “hiền thê linh mục” của Chúa Kitô cũng nên ngồi lại, và dưới ánh sáng Lời Chúa soi sáng, nhận ra rằng, mình cũng cần phải có những đức tính ấy để trở nên hiền thê đẹp nhất, khả ái nhất của Chúa Kitô.

Đức thứ nhất :

CÔNG (khéo tay)

Người khéo tay là người làm gì cũng đẹp, đặc biệt là về thêu thùa vá may, hoặc là những nghề thủ công, thường thường là chỉ để nói về cô gái may vá thêu thùa đẹp, nhưng thời buổi hiện nay, nam giới cũng rất là khéo tay trong những công việc may vá, thủ công và mỹ nghệ.

Khéo tay mà tôi muốn nói với các bạn đây là hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là vừa khéo tay hay làm vừa khéo tay chăm sóc đàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho linh mục.

1. Công - Khéo tay hay làm.

Có những nhà thờ mà khi nhìn vào thì người ta trầm trồ khen ngợi ông cha có hoa tay, trang hoàng bố trí đẹp mắt thanh nhã, làm cho giáo dân cảm thấy tâm hồn thanh thoát khi đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh.

Sau những năm giải phóng, các nhà thờ hiếm mà kiếm được một thầy giúp xứ, các bà xơ thì cũng hạn chế, cho nên có những nhà thờ cha sở “bao sân”, tức là ngài kiêm công việc của ông từ kéo chuông, mở cửa nhà thờ, ngài kiêm luôn việc của thầy giúp xứ dạy giáo lí, tập hát, tập giúp lễ, ngài cũng kiêm luôn công việc của các nữ tu giặt khăn thánh, cắm hoa và có khi quét nhà thờ... tóm lại là ngài đã làm được tất cả mọi việc trong nhà thờ của mình. Đó chính là “công - khéo tay hay làm” của cha sở vậy.

Tuy nhiên, cũng có một vài linh mục không quen với công việc tay chân, hoặc không khéo tay cho lắm, nên làm cái gì cũng lệ thuộc vào giáo dân, vào người thợ, và có khi chỉ một vài công việc đơn sơ như lên kế hoạch làm một vườn hoa trong nhà thờ, ngài cũng khoán trắng cho giáo dân làm tuỳ ý, để rồi nhiều phức tạp phát sinh gây chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ, bởi vì giáo dân ai cũng muốn. ..làm cha phó.

Nếu một linh mục khéo tay hay làm thì không những ngài tìm thấy được niềm vui trong phục vụ, mà ngài còn làm cho nhiều người cộng tác với ngài trong nhiều công việc. Tôi thấy có một vài nhà thờ cha sở ngài tự tay mua gỗ về làm lấy toà giảng, bàn thờ theo ý mình rất đẹp, tôi cũng thấy có nhiều cha sở cắt chữ bằng giấy thủ công rất khéo, tôi cũng thấy có một vài cha sở rất có đầu óc mỹ thuật, các ngài tự mình vẽ lấy hoạ đồ xây cất nhà thờ, đài Đức Mẹ, rồi sau đó xin mọi người góp ý...

Không phải tất cả linh mục nào cũng làm được như thế, bởi vì linh mục được đào tạo là để rao giảng Phúc Am của Chúa, có nghĩa là -theo quan niệm giáo dân- linh mục là những “bạch diện thư sinh” chỉ biết cầm cây viết chứ không biết cầm cái cuốc, cho nên việc khéo tay hay làm thì không thích hợp với các ngài, nhưng nếu có một cha sở khéo tay hay làm, thì họ đạo ấy chắc chắn là sẽ sinh động hẳn lên, và bộ mặt nhà thờ nhà xứ sẽ khác hẳn, bởi vì chính ngài chứ không ai khác sẽ là mẫu gương phục vụ tuyệt vời nhất khi đứng chỉ huy và cùng làm công việc với giáo dân trong những dịp trang hoàng lễ giáng sinh, phục sinh hay một đề án công trình nào đó.

Khéo tay hay làm nơi một linh mục thì khác với một chuyên gia, hay một người chuyên môn về một ngành nghề nào đó, bởi vì chuyên môn của các ngài là giảng giải và sống Lời Chúa cho giáo dân nghe thấy, trong Tin Mừng của thánh Mattheô Chúa Giêsu dặn các tông đồ : “Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần (Mt 10, 7). Nhưng có lẽ bản dịch câu này bằng tiếng Hoa thì xem ra thực tế và có ý nghĩa hơn : “Các con vừa đi vừa rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần”, vừa đi vừa rao giảng tức là mọi công việc của mình làm đều vì Chúa, đều nhìn thấy là có Thiên Chúa hiện diện trong công việc của mình, có như thế người ta mới có thể nhận ra được Thiên Chúa trong con người của mình. Vừa đi vừa rao giảng tức là vừa làm vừa rao giảng, vừa sống vừa rao giảng, vừa thực hành vừa rao giảng, đó chính là phương pháp hay nhất và hiệu quả nhất trong công việc rao giảng Tin Mừng cho con người hiện nay vậy.

2. Công - Khéo tay chăm sóc.

Một linh mục giỏi là người biết quản lí giáo xứ tốt, có nghĩa là ngài biết rõ từng con chiên trong giáo xứ của mình, cũng như cha mẹ trong gia đình, linh mục hiểu và biết tên từng giáo dân một, hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình để an ủi, khuyến khích và cầu nguyện cách riêng cho họ.

Một mục tử giỏi là người biết hướng dẫn đàn chiên của mình sống đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần của Chúa Kitô, ngài không những là mục tử mà còn là con chiên đầu đàn, ngài đi trước để mở đường cho chiên theo, cũng có nghĩa là ngài sống tinh thần Phúc Am trước mọi người, và qua đời sống của ngài, giáo hữu nhận ra ngài chính là người mục tử chân thật được sai đến với họ chứ không như những người làm thuê, chỉ biết lãnh tiền lương rồi mặc cho chiên tan nát, đau ốm, lạc đường...

Khéo tay chăm sóc là cách nói và là lời khen của con người dành cho một người nào đó có tinh thần phục vụ và lãnh đạo.

Một linh mục không khéo tay chăm sóc là một linh mục không biết học hỏi và vươn lên trong bổn phận của mình, các ngài chỉ có an phận và thỏa mãn với những gì mình có mà không phát triển tài năng nơi mình mà Thiên Chúa đã ban cho, và như thế có nghĩa là các ngài chỉ lo làm các công việc của mình như dâng thánh lễ, ban các bí tích rồi thôi, còn biết bao nhiêu là thời giờ rảnh rỗi mà các ngài đã không lợi dụng để làm cho giáo xứ của mình phong phú thêm về mặt đạo cũng như đời.

Phương pháp khéo tay chăm sóc hay nhất là linh mục dành nhiều thời gian cho sự thăm viếng : viếng Thánh Thể và thăm gia đình giáo dân, bởi vì chỉ có hai cách này mới làm cho linh mục đạo đời thêm phong phú.

Viếng Thánh Thể

Không nói thì các linh mục cũng hiểu rất rõ, chính Thánh Thể là nguồc mạch mọi ân sủng của đời sống thiêng liêng, là lương thực dồi dào phong phú cho linh mục, mỗi ngày bỏ ra năm mười phút chầu Thánh Thể thì quý báu hơn bỏ ra hàng nửa ngày để giải trí bằng chơi cờ domino hay bất cứ thứ gì khác.

Chính nơi nguồn ân sủng này mà linh mục tìm ra được sức mạnh để hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa, chính nơi nguồn ân sủng này mà linh mục trở thành người khéo tay chăm sóc đàn chiên của Chúa đã trao phó cho ngài. Một linh mục thiếu vắng Thánh Thể là một linh mục đầy ắp tự tư tự lợi, tức là chỉ luôn nghĩ đến sự hưởng thụ cho thân xác của mình mà không bơi dưỡng đào sâu tinh thần phúc âm trong cuộc sống.

Giáo xứ như một chậu hoa bonsai, linh mục như những nghệ nhân uốn nắn cây bonsai cho đẹp, cắt bỏ những cành khô và tỉa những ngọn lá úa, để cho cây bonsai có nét nổi bật riêng của nó, giáo xứ mà linh mục coi sóc phải hơn hẳn cây bonsai, vì cây bon sai chỉ là thực vật vô hồn không biết suy nghĩ, nhưng giáo xứ là một cộng đoàn với những hạng người có nhiều cá tính và cách suy nghĩ không giống nhau. Là một nghệ nhân của đời sống tinh thần, linh mục khéo tay chăm sóc nó, biết gạt bỏ những bất hòa trong cộng đoàn, biết dung hòa những ý tưởng của cộng đoàn và hướng dẫn họ đi tới cùng mục đích tức là cùng nhau nên thánh.

Thăm mục vụ

Thăm gia đình giáo dân là công việc mục vụ của cha sở, là công việc đòi hỏi vị linh mục phải có tâm tình yêu mến con chiên bổn đạo của mình, qua sự thăm viếng, các ngài mới hiểu được hoàn cảnh và “biết tên chiên của mình”.

Là người khéo tay chăm sóc và lãnh đạo, người linh mục biết lên kế hoạch thăm viếng giáo dân mà không làm phiền hà họ, nhưng trái lại, đem tình thương của một mục tử nhân lành đến cho họ.

Có một vài cha sở không biết con chiên bổn đạo mình là ai, vì ngài không hề đi thăm họ, có bao nhiêu con chiên không đến nhà thờ ngài cũng không biết vì ngài không có đi thăm họ. Bối cảnh truyền giáo hôm nay không còn giống như bối cảnh truyền giáo trước công đồng Vatican II nữa, phương pháp truyền giáo hôm nay cũng khác với phương pháp truyền giáo trước đây, nghĩa là Giáo Hôi phải đi đến với muôn dân, đem ánh sáng Tin Mừng chiếu soi họ, cũng vậy, linh mục không còn ngồi lì trong nhà thờ để truyền giáo nữa, nhưng các ngài phải đi ra khỏi nhà thờ, đến với giáo dân, đem ánh sáng Lời Chúa tự trong lòng các ngài đã cảm nghiệm và đã sống chiếu soi nơi giáo dân của mình.

Đọc trên một vài trang báo nọ có mục “góp ý cho chủ chăn” tôi thấy có một vài giáo dân bức xúc vì cha sở của mình không đi thăm viếng giáo dân ngoại trừ khi có đám tang đám giỗ, các ngài chỉ đợi giáo dân đến xin lễ, nói qua loa vài câu rồi lịch sự rồi...xin lỗi vì bận việc.

Đi thăm giáo dân là công việc của một mục tử, cho nên có những nơi gọi những lần đi thăm như thế là “viếng thăm mục vụ” của cha sở, nó rất có ý nghĩa và làm cho tình cảm cha con trong giáo xứ thêm khắng khít. Hãy trãi rộng tấm lòng ra cho giáo dân thấy, rồi các ngài sẽ được thấy tâm tình yêu thương của họ đối với cha sở của mình, đừng vì thành kiến với một ai đó mà “đoạn tuyệt” với con chiên của mình.

Có một vài cha sở khi có người muốn tìm ngài mà không gặp, thì sẽ được mách nhỏ như sau : “Cứ đến nhà bà X... là có ngài ở đó”. hoặc là : “Giờ này ngài đang đánh cờ tướng ở nhà ông H....” - giáo dân rất tế nhị trong cách đối xử với vị mục tử của mình, thì mình cũng phải tế nhị trong cách giao thiệp làm sao cho được chan hoà với hết mọi giáo dân trong giáo xứ của mình.

Công cũng là học hỏi, nghiên cứu

Công là khéo tay hay làm, nhưng nếu không được học hành thì cũng không thể làm tốt được công việc được giao phó.

Học là một niềm vui cho kẻ sĩ, học cũng là sự hứng thú cho người ham hiểu biết, học cũng là chìa khoá để con người mở ra cánh cửa của vũ trụ thiên nhiên, và từ nơi vũ trụ ấy con người nhìn ra được Đấng Tạo Hoá là Thiên Chúa đang hiện diện và điều hành công cuộc sáng tạo của Ngài...

Thời nay việc học hỏi càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ, cứ buổi tối sau khi đèn đường bật sáng chúng ta thử nhìn thấy nơi các trung tâm dạy sinh ngữ, nơi các trung tâm luyện thi, nơi các trung tâm học và làm toàn là người với người, họ đến đó để học thêm, để trau dồi kiến thức cho kịp với thời đại, họ đua nhau học hỏi với hi vọng có số vốn kiến thức dằn túi, nhưng sự tiến bộ của khoa học thi mỗi ngày mỗi khác học hôm nay ngày mai là thấy mình lạc hậu, cho nên sự học thì vô bờ bến...

Các linh mục cần phải coi trọng công việc học hỏi mới có thể thăng tiến được mình và giáo xứ của mình.

“Có một giáo xứ nọ ở thành phố Saigòn, mấy lâu nay không có cha sở cho nên các vị trong ban hành giáo phải khổ sở đi mời linh mục khách đến dâng lễ ngày chủ nhật, đến khi giáo xứ được bổ nhiệm một linh mục trẻ đến làm cha sở thì cả giáo xứ rất phấn khởi vui mừng, vui mừng vì từ nay mình đã có cha sở, vui mừng vì cha sở còn rất trẻ hi vọng sẽ năng nổ làm việc hăng say để giáo xứ phát triển, nhưng sau đó thì tất cả giáo dân đều thất vọng vì cha sở trẻ đã không hăng say làm việc, chỉ an nhàn tự tại như một ông chủ, lại còn thay đổi tất cả sinh hoạt đã thành nếp trong giáo xứ như giờ lễ, giờ hội họp, không phải để tiện cho giáo dân mà là tiện lợi cho cha sở... và cuối cùng thì họ hoàn toàn thất vọng nơi cha sở trẻ trung của mình...”

Nếu cha sở trẻ của giáo xứ trên mà biết bàn hỏi với ban hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ khi muốn thay đổi giờ lễ thì đẹp biết bao; nếu cha sở trẻ ấy biết khiêm tốn đi hỏi các cụ già cao niên trong giáo xứ về truyền thống tốt đẹp của giáo xứ, thì cha sẽ trở thành cha sở vĩ đại của giáo xứ vì cha đã “nắm” được quả tim của con chiên bổn đạo mình.

Học là hỏi, đừng tự ái cho mình là linh mục mà không đi hỏi chuyện với một cụ già nua tuổi tác, hay một bà lão giáo dân về “thói quen” của giáo xứ.

Dưới con mắt giáo dân, linh mục là người của Chúa, thay mặt Chúa để lãnh đạo đoàn chiên, cho nên các ngài là những người trí thức chữ nghĩa đầy mình, nhưng giáo dân ngày nay khác rất xa với giáo dân ngày trước, khác rát xa vì trình độ dân trí của giáo dân ngày càng cao, nhất là ở các thành phố, trình độ học hành của họ -nhất là giới trẻ- ngày càng cao, và do đó họ rất khó chịu khi có một linh mục lên mặt dạy đời cho họ, và nếu không vì đức tin, không vì tín ngưỡng thì họ sẽ không đến với linh mục...

Do đó, việc học hỏi là điều cần thiết, chủng viện là nơi đào tạo những môn học căn bản chuyên môn về triết học và thần học, cũng như các môn học khác để hổ trợ cho công tác mục vụ nơi các linh mục, cho nên, hãy lấy cái mà mình học được trong chủng viện làm căn bản, làm nền móng để dung hoà và thích ứng với hoàn cảnh mà mình đang làm công tác mục vụ, bởi vì cái nền móng thì không thể làm trần nhà, càng không thể làm xà nhà hay cột nhà, hoặc bất cứ gì khác, cho nên việc học hỏi thêm trong cuộc sống chính là thích nghi với hoàn cảnh để kiến tạo ngôi nhà giáo xứ vậy.

Tại sao giáo dân vẫn luôn kính trọng các linh mục già hơn các linh mục trẻ, dù cho các linh mục trẻ được học nhiều thứ ? Thưa, bởi vì giáo dân người ta thường đặt cái đạo đức và tinh thần tận tuỵ lên trên tất cả mọi chuyên môn, mọi học thức, mọi tài năng. Nói như thế không có nghĩa là tất cả các linh mục trẻ đều dở, không phải vậy, bởi vì có một số linh mục trẻ rất năng nổ trong công tác mục vụ, ham học hỏi và luôn thao thức với sứ mệnh linh mục của mình.

(còn tiếp)