VAI TRÒ PHU NHÂN PHÓ TẾ VĨNH VIỄN

Từ khi Công Đồng Vatican II tái lập Phó Tế Vĩnh Viễn cho các vị nam giới đã lập gia đình, thì tất nhiên là có lớp người mới xuất hiện trong Giáo Hội. Đó là những phu nhân của các Phó Tế này. Khi chồng làm việc phục vụ Giáo Hội, thì vợ cũng phải giữ vai trò gì bên chồng để làm tròn trách vụ lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối. Trong khi chồng mình lãnh nhận cả hai Bí Tích Hôn Phối và Truyền Chức Thánh. Trong thực tế, chưa có một định nghĩa hay phân định rõ rệt về vai trò người vợ của các Phó tế. Nhưng căn cứ vào quá trình đào tạo và hành sự của các Phó Tế, người ta thấy rõ tầm mức quan trọng của các bà. Tại sao ?

Đọc lại Thánh Kinh Tân Ước, thấy có nhiều phụ nữ sống đời sống bình thường mà đạo hạnh bên cạnh Chúa Giêsu, nhưng họ cũng là những người góp công phần nào vào công việc truyền giáo của Ngài. Trong VN Giáo Sử, có nhiều chị em phụ nữ nêu gương anh hùng sống đạo và tryuền đạo. Rất đáng kính phục.

Không phải dễ khi có chồng làm Phó Tế. Ngày nay, phu nhân các Phó Tế thường theo chồng dự các lớp học huấn luyện Phó Tế, chấp nhận cho chồng chịu chức Phó Tế và lắm khi giữ vai trò đồng hành khi chồng thi hành mục vụ.

I. Các Phụ nữ bên cạnh Chúa Giêsu.

Những phụ nữ nào đã đến với Chúa Giêsu ? Tại sao họ đến và Chúa đã trao cho họ sứ mệnh gì ?

Trổi vượt là Đức Trinh Nữ Maria, người đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ hàn. Cuộc đời Đức Mẹ là một hành trình đức tin, trung thành và hiệp nhất với người Con là Đức Giêsu. Đức Mẹ cùng chịu khổ với Con, dự phần vào việc đồng công cứu chuộc nhân loại.

Khi Đức Mẹ trả lời : Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1, 38). Qua câu này, thấy ơn gọi của Mẹ Maria là phục vụ. Đức Mẹ còn vẻ đẹp ân phúc cao qúi hơn ở chỗ mau mắn đón nhận Lời Chúa. Đức Mẹ là con người đức tin, lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2, 19). Những lời khiến Đức Mẹ suy ngẫm chính Chúa nói trong đền thờ (Lc 2, 49), của ông già Simeon (Lc 2,35).

Sau khi được thiên sứ báo tin, Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm người chị Elisabeth (x. Lc 1, 39-45). Cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ là Đức Maria và bà Elisabeth, và giữa hai người con, là Đức Giêsu và Gioan. Theo luật Maisen, Đức Maria dâng hiến Con trong đền thờ. Tiên báo sau này Đức Maria dâng hiến Con trên thập giá. Ông già Simeon bồng Con Trẻ trong tay và chúc tụng Thiên Chúa vì tận mắt nhìn thấy ơn Cứu Độ, Ánh sáng mạc khải cho muôn dân.

Đức Maria xuất hiện trong giai đoạn khởi đầu hành trình rao giảng khi dự tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-12). Từ Cana dẫn đến đồi Golgota, giờ hoàn tất ơn cứu chuộc.

Sau khi Chúa về trời, cộng đoàn tiên khởi gồm 3 nhóm : nhóm 11 môn đệ, nhóm các bà, trong đó có Mẹ Chúa Giêsu, và nhóm ‘‘anh em Đức Giêsu’’. Đức Maria thành phần thuộc nhóm 11 Môn Đệ. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu (Cv 1, 14). Nhóm Đức Maria giữ vai trò quan trọng trong việc khai sinh đức tin vào sự sống lại vì chính các bà là chứng nhân. Đức Tin của công đoàn sơ khai bị thử thách rất lớn. Đức Giêsu đã chết. Đức Mẹ còn lại với các môn đệ. Những người còn sống trong hồi hộp, cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần.

Sau Đức Mẹ có nhiều phụ nữ khác đến với Chúa Giêsu. Họ đến và gặp khi Chúa đi rao giảng và ngay cả khi Ngài bị hành xử như tội nhân.

- Người phụ nữ tàn tật còng lưng đã 18 năm, ở Galilê. Được Chúa chữa lành đi lại hẳn hoi, bà hiên ngang không chút sợ hãi tôn vinh Chúa. Như làm chứng về quyền năng của Ngài. (Lc 13, 10-17).

- Bà góa thành Nain. Động lòng thương mẹ góa con côi, Chúa đã làm cho con bà sống lại, nằm trong quan tài, trên đường đem đi chôn. Phép lạ được mọi người chứng kiến và loan báo nhanh chóng khắp nơi. (Lc 7,11-17)

- Người phụ nữ ngoại tình. Đức Giêsu đến núi Ôliu. Vừa tảng sáng, Người trở lại đền thờ. Toàn dân đến với Người. Đang ngồi giảng dạy, người phụ nữ bị dân chúng ghét xuất hiện. Chúa thương tội nhân, như người phụ nữ này, và không kết án. Chỉ mong đừng bao giờ tái phạm. (Ga 8,1-11)

- Thiếu phụ bên bờ giếng Samarita. Chúa không quản ngại dạy bảo cho từng người, như thiếu phụ này. Về nước ‘‘hằng sống’’, ‘‘ân sủng’’ và ‘‘ Đức Kitô’’. Sau khi được giảng dạy và hiểu biết chị đã lôi kéo đông người đến với Chúa Kitô. (Ga 4,7-30)

- Chị em Martha và Maria. Chúa cho Ladaro sống lại sau 4 ngày đã chết. Để cho hai chị em, các tông đồ và mọi người tin ‘‘xác sẽ sống lại’’, và nhất là tin vào quyền năng của Chúa là ‘‘sự sống lại và là sự sống’’. (Ga 11.1-43)

- Những người nữ tại mồ Thánh: Bà Maria Madalena và bà Maria mẹ Giacôbê và Jopseph, và bà mẹ các con ông Zébedée đã từng theo và giúp đỡ Chúa Kitô và các Tông Đồ trên đường truyền giáo (Lc 8, 1-3). Bà là phụ nữ đứng dưới chân Thánh Giá, trong giờ tử nạn của Chúa Kitô (Mt 27, 55-56). Chính bà không sợ một ai, ở lại canh chừng ngôi mộ (Mc 15, 47), xem người ta đặt mộ (Lc 23, 55) chuẩn bị dầu thơm (Lc 23,56) đến thăm mộ, khóc nức nở vì không thấy xác Thày đâu (Ga 20, 1-2). Và để đáp lại lòng quí mến của bà, Chúa đã hiện ra và nói chuyện với bà đầu tiên (Ga 2,14-18). Sau đó bà hất ha hất hải vội về ngay loan báo việc Chúa sống lại cho các Môn Đệ (Lc 24, 10-11). Điểm chính yếu và được đánh giá cao là Madalena trung kiên đến cùng dù gặp khó khăn, đe dọa.

Nhiều phụ nữ khác, không kể tên hết. Như trên đường Chúa Kitô vác Thánh Giá, dân chúng đi theo rất đông, trong đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại nói với các bà : Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm chi. Có khóc thì khóc cho phận mình và con cháu của các chị. (Lc 23, 27-29)

Trước mặt Chúa, nam nữ đều là người được Thiên Chúa dựng nên, bổ túc nhau theo chương trình và kế hoạch của Ngài (x. 1Cr 11, 2-16)

- Ngoài ra, Thánh Phaolô đã kể tên một số phụ nữ phục vụ trong các cộng đoàn đầu tiên, như : chị Phébé, chị Prisca và Aqilas, chị Maria, chị Tryphène và Tryphose, chị Persis, mẹ của anh Rufus, chị Julie, cô em của anh Néré (Rm 16, 1-15), chị Evodie, chị Syntyché (Ph 4, 2-3 ), chị Nymphas ở Laodicée (Cl 4, 15), nhiều phụ nữ khi cầu nguyện để đầu trần (1Cr 11,5).

II. Phụ nữ Việt Nam trong thời cấm Đạo

Mở Giáo Sử VIệt Nam trong thời cấm đạo, thấy có nhiều phụ nữ can đảm phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Không kể thánh Anê Lê Thị Thành. Xin trích dẫn một số phụ nữ khác.

- Năm 1591 công chúa Maria Mai Hoa, chị của vua Lê Thái Tôn, được Linh mục Ordonnez de Cevallos rửa tội, mang tên thánh Maria. Cô rất sùng đạo, sẵn sàng cống hiến tài năng và vật chất cho công việc truyền giáo, xây cơ sở, nhà dòng kín.

- Năm 1625, bà Maria Minh Đức vợ chót của Nguyễn Hoàng được cha Francesco Pina rửa tội. Bà bao che các giáo sỹ, để tránh khỏi quan quân lùng bắt.

- Bà Gionna, mẹ chân phước Anrê Phú Yên. Chồng chết lại đông con, Bà Gionna sống đạo hạnh thờ chồng và nuôi con. Bà dạy kinh bổn và xin Cha Đắc Lộ rửa tội cho Anrê. Anrê tử đạo ngày 26-7-1644.

- Mẹ thầy giảng Inhaxu. Năm 1645, cùng đi truyền giáo và bị bắt với Cha Đắc Lộ có 3 thầy giảng : Anrê Phú Yên, Vincent và Inhaxu. Cha Đắc lộ bị trục xuất. Còn 3 thầy bị tống ngục và kết án chém đầu. Mẹ thầy Inhaxu lén lút vào ngục thăm khuyên con kiên tâm cầu nguyện. Trên đường ra pháp trường, mẹ thầy luôn bên cạnh. Phiên xử ngày 25-7-1645, có 9 thầy. Inhaxu đi đầu. Inhaxu và Vincent bị chém đầu. Còn 7 thầy kia bị chặt một ngón tay. Thầy Inhaxu 37 tuổi và Vincent 19 tuổi.

- Các nữ tu Mến Thánh Giá. Thời cấm đạo, các Chị Dòng MTG từng hai người chia nhau đi khắp thôn làng giả dạng bán thuốc nâng đỡ an ủi các tín hữu, rửa tội cho trẻ em sắp chết, hoặc sơ sinh. Ngày đêm trà trộn, có mặt bên các Thừa sai, chịu đòn vọt tù đày và cùng tử đạo với nhau. Trong thỉnh nguyện thư ngày 14-11-1917, đệ đơn xin phong thánh cho 1265 anh hùng tử đạo, có 270 nữ tu MTG. Đáng kể nhất là Chị Elisabette Ngọ ở Cái Mơn, Chị Anna Kiêm và Anê Thanh cùng bị bắt với Bà thánh Đê, ơ’ Phúc Nhạc.

- Mẹ chủng sinh Phalô Bột. Năm 1855, chủng sinh Phaolô Bột cùng bị bắt với 3 bạn trong chủng viện Vĩnh Trị và 14 giáo dân khác. Bị đánh đập tra khảo, Phaolô kiệt sức không cưỡng lại nổi khi quân lính khiêng mình qua dấu thánh Giá. Biết con mình trót dại. Mẹ của Bột đóng cửa không tiếp con vào nhà và còn mắng : Không bao giờ tao cho đứa bỏ đạo ở chung. Dù đứa ấy là con tao đi nữa. Con ơi ! Nếu con chịu chết thì mẹ sẽ khóc con như khóc một vị tử đạo. Nay mẹ khóc vì hổ thẹn, sinh ra đứa con bỏ đạo. Bà đóng sập cửa lại khóc và cầu nguyện cho con. Phaolô Bột được Cụ Sáu Trần Lục khuyên nhủ, nên đã trở lại nộp mình cho quan quân ở Nam Định. Phaolo Bột bị voi giẵm nát ngực. Nhờ người mẹ khôn ngoan, Giáo Hội VN có thêm một vị tử đạo. (GXVN số 120, 1-1996. ttr. 7-12)

III. Vai trò Phu nhân phó tế

Điểm qua những khuôn mặt phụ nữ trong Tân Ước và Giáo Sử VN trên đây không để so sánh các bà vợ của Phó Tế với các Ngài. Mục đích là nêu ra những gương sáng làm ánh sáng soi đường cho phụ nữ hậu sinh. Nhờ đó, các chị can đảm sẵn sàng cống hiến đời mình và đời chồng mình cho sứ vụ tông đồ Nước Trời.

Không phải dễ khi mang trong người ba trách nhiệm vừa là mẹ trong gia đình, làm vợ và ra nơi cộng đoàn là phu nhân Thày Sáu. Ngày trước đi dự lễ hay hội họp, thường hai vợ chồng ngồi bên. Từ ngày chồng lãnh chức Thánh, chồng trên bàn thánh, chồng giảng. Vợ ngồi dưới. Có một khoảng ghế trống. Hy sinh cho chồng đáp lại tiếng gọi của Chúa hay mơ ước một hãnh diện, một vinh dự. Chắc hẳn là hy sinh nhiều hơn.

Từ ngày cưới, rồi có con, có cháu, việc gì việc gì hai vợ chồng cũng luôn bên nhau lo liệu, bàn tính. Bây giờ, trong nhà đôi khi trống vắng vì chồng bận việc nhà thờ việc cộng đoàn. Ai mua lấy vất vả vào thân hay vì muốn chia sẻ tình thương yêu với người khác. Việc nhà đâu cần gấp bằng việc nhà Chúa ? Rồi, ban ngày đi làm trong sở, chiều về nhà lại lăn vào cơm nước cho con và chỉ dạy chúng học hành. Không còn week-end, đi dạo chơi hay shopping. Bây giờ, ông xã không có nhà, vì bao nhiêu việc, công tác mục vụ, từ thiện và xã hội đều phải giải quyết vào ngày lễ hay cuối tuần. Lúc đó mới thật cần có ông !

Tất cả những trăn trở này, các bà đã được chỉ dẫn qua học hỏi, thảo luận, và nhiều ngày giờ tĩnh tâm cầu nguyện chung với chồng, đáp lại và dấn theo con đường mà Chúa mời gọi.

Nhận thức kỹ càng, thâm sâu và đáp lại tiếng gọi của Chúa

Sau khi chồng được phỏng vấn, là tới phiên người vợ cũng được mời gặp riêng vị phụ trách đào tạo khóa học. Trong đơn xin theo học của chồng, có một phần dành cho người vợ viết ra mong muốn hay nguyện vọng với chữ ký rõ ràng. Vợ không bằng lòng cho chồng theo học là không ai nhận cho chồng đi học.

Các con trưởng thành cũng được hỏi ý kiến. Trong đơn xin học, cũng có phần dành hỏi ý kiến các con khôn lớn. Họ cần ghi ưng thuận kèm theo, ngày và chữ ký.

Có trường hợp ứng viên mang đơn về nhà. Vợ không ký. Chồng đâu làm gì được. Hoặc bà vợ chỉ cần nói một câu : Anh để tôi ở nhà cho ai ? Ngược lại, có bà muốn chồng theo học. Nhưng người chồng quá nặng tình gia đình. Không nỡ bỏ công việc nhà cho vợ. Cộng đoàn mất một chiến sỹ nhiệt thành. Ở đây, cả hai cần nhắm mục đích cao cả, quảng đại, ra khỏi khuôn khổ chật hẹp gia đình. Cộng đoàn được nhờ.

- Theo khóa học đào tạo Phó Tế như chồng

Vợ cùng chồng theo học lớp đào tạo Phó Tế. Khóa học kéo dài 3 năm trước khi chịu chức. Học để biết thêm về thần học, giáo lý. Hiểu rõ công việc của chồng làm. Sau khi chồng chịu chức, với kiến thức thâu thập được trong khóa học, người vợ đã trở nên người cố vấn cho chồng. Hiện nay nhiều bà sửa có khi soạn chung bài giảng với chồng. Được biết có một nhóm các bà chuyên soạn bài giảng và được cả các linh mục xử dụng. Nhưng tuyệt nhiên và cấm kị, không được xen vào công việc mục vụ của chồng. Đã có cha sở, ban mục vụ xứ đạo, cùng trách nhiệm với chồng.

Trong gia đình khác, mà ngoài cộng đoàn khác. Vì thế, nhiều bà khôn ngoan, giữ khoảng cách mình chỉ là giáo dân thường như bao nhiêu phụ nữ khác. Tâm lý các bà không thích ai gọi mình bằng cô. Vì ông chồng được gọi là thày. Họ thích gọi là bà hay chị, tùy theo tuổi của mình.

Ngoài theo chương trình học. Các bà còn tham dự các buổi họp mặt và tĩnh tâm hàng tháng hay năm chung với chồng mình và các cặp Phó Tế khác. Tại Paris, sau khi chịu chức, các Phó Tế còn phải tiếp tục học thêm. Một năm ít là hai môn học. Các bà đôi khi cùng chồng đi học. Khi chồng bận thì vợ ghi bài thay.

- Quan trọng nhất

Lời hứa ‘‘vâng, tôi chấp nhận’’ (oui, je l’accepte) trong lễ truyền chức. Trước khi truyền chức, vị chủ phong hỏi vợ có chấp nhận hoàn cảnh gia đình hiện nay và như đồng ý cho chồng tiến lên chức thánh, thì nghi thức truyền phép mới tiến hành.

Sau khi linh mục giám đốc khóa học giới thiệu ứng viên lãnh chức Phó Tế và trả lời với vị chủ phong là ứng viên có mặt xứng đáng lãnh chức. Các phu nhân ứng viên cũng được triệu gọi và vị chủ phong hỏi :

Thiên Chúa đã gọi bà qua ơn thánh của Phép Rửa Tội. Phép Hôn Phối đã liên kết bà với chồng bà, để bà sống trong mầu nhiệm tình yêu Chúa Kitiô và Giáo Hội của Ngài.

Hôm nay, Giáo Hội ủy thác cho tôi truyền chức Phó Tế cho chồng bà. Việc truyền chức này là hồng ân của Thiên Chúa, ban cho ông, cho Giáo Hội và cho cả bà nữa.

Vào những năm cuối cùng, sự nhận thức, nâng đỡ và sự có mặt của bà đã giúp người mà Giáo Hội tuyển gọi hôm nay cho công việc phục vụ Giáo Hội. Giáo Hội khẩn khoản kêu mời sự hiệp lực và sự tự do đồng ý của bà.

Vậy, bà có chấp nhận những mời gọi và ân sủng cho đời sống vợ chồng và gia đình không? (Nghi thức truyền chức Phó Tế)

Chờ bà vợ thưa : Vâng, tôi chấp nhận.

Sau đó, vị chủ phong tuyên bố : Với ơn trợ giúp của Chúa Kitô. Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta. Tôi đón nhận ‘‘... ’’ (đọc tên chồng của bà).

- Hậu thuẫn khi chồng phục vụ Giáo Hội

Khó khăn nhất và cũng là thử thách đối với các bà là khi chồng vắng nhà. Dĩ nhiên là bao nhiêu việc nhà phải gánh hết. Nhưng chấp nhận vui vẻ sẽ nhẹ nhàng. Cái vui của các bà gián tiếp cộng tác với chồng phục vụ người khác. An ủi vô vàn, nhiều bà thổ lộ là được Chúa ban nhiều ơn. Trả công những khó nhọc mình gánh chịu. Phấn khởi, trong bữa cơm chiều hay giờ kinh gia đình. Người vợ được nghe kể lại kết quả trong ngày của chồng. Một đêm ngủ an lành, quên đi gian truân. Để hôm sau bắt đầu ngày mới. Ngày của công phúc và nhân bản. Ý nghĩa đẹp ở chỗ phục vụ mà chẳng quản ngại công lao.

- Đôi khi người vợ cũng dấn thân trong các công tác từ thiện.

Được biết, đa số các Phó Tế phục vụ cho các công tác từ thiện và xã hội. Có khoảng 20% các ông làm công tác mục vụ cho Giáo Xứ. Với những công tác xã hội, thì các bà có thể tiếp tay dễ dàng. Đa số các cặp Phó Tế này, thường là rảnh rang về nuôi con. Chúng đã trưởng thành. Nên ông bà có nhiều giờ làm việc tông đồ. Có bà dấn thân làm công việc tương tự. Tránh sự lấn át. Có trường hợp người ta nhận xét ‘‘chồng bà làm Thày Sáu, chứ đâu có phải bà’’.

- Thách đố của những Phó Tế góa vợ hay những phu nhân Phó Tế góa chồng

Một trong những ràng buộc quan trọng, có ghi trong ‘‘điều lệ’’ của việc tuyển ứng viên theo khóa học : Khi vợ qua đời. Người Phó Tế không được phép lấy vợ khác. Người Phó Tế độc thân phải cam đoan ở trong tình trạng độc thân suốt đời. Một vài trường hợp cá biệt, đã có Phó Tế, sau khi vợ qua đời được chọn học và thụ phong linh mục.

Về phía các bà vợ Phó Tế, không có điều khoản nào ghi khi chồng qua đời, người vợ không được tái giá. Tuy nhiên, các bà rất trung thành với chồng hy sinh sống ‘‘ở vậy’’. Để đúng với ý nghĩa ‘‘một vợ một chồng’’ khi còn sống cũng như chết.

Dưới đây xin trích cảm nghĩ của một phu nhân Phó tế qua lá thư không dán của bà trao cho chồng, ngày ông chịu chức Phó Tế.

«Cũng như mỗi kỳ sinh nhật, chúng mình đều làm một bữa tiệc đặc biệt và một món quà nhỏ cho nhau để đánh dấu những ngày kỷ niệm mà hai chúng ta đã sống với nhau bên trời âu này.

Đáng lý ra sinh nhật Lục Tuần của anh chúng mình phải đãi lớn hơn, có mời bạn bè hai đứa. Và kỳ này món quà độc nhất vô nhị chỉ có mình anh thôi. Đó là món quà Thiên Chúa và em cùng mua để trao tặng Anh. Đó là chức Phó Tế Vĩnh Viễn mà Anh đã lãnh nhận từ tay Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger. Buổi lễ thật tôn nghiêm và long trọng. Sau câu tuyên thệ là ‘‘Em chấp nhận’’, Em đã qùy phía dưới chân Anh. Còn Anh nằm xấp úp mặt xuống đất. Cử chỉ nói lên sự phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sứ mạng thiêng liêng mà Hội Thánh giao phó. Ôi ! Giây phút linh thiêng và xúc động làm sao ấy. Nước mắt cứ từ lăn trên má. Qùy giữa nhà thờ mà tâm hồn Em cứ tưởng lạc vào cõi thiên cung. Ở đó có Bố Mẹ, các người đã khuất hai bên nội ngoại, với tất cả triều thần chứng giám cho vợ chồng mình. Lời giao ước nhận Anh làm chồng khi xưa cách nay 28 năm như sống lại một cách mãnh liệt và ràng buộc Em một lần nữa với câu trả lời hôm nay : ‘‘Vâng, Con chấp nhận’’. Tức là chấp nhận mọi hy sinh cuộc sống gia đình trong giai đoạn mới, để và nâng đỡ Anh làm tròn sứ mạng Phó Tế mà Chúa trao phó cho Anh
.. .»

Thế đó mà đã 14 năm rồi nhỉ ! Lập nghiệp ở xứ người, chỉ cu ki vợ chồng mình, không họ hàng thân thuộc. Chúa Quan Phòng giúp đỡ chúng mình từng giây từng phút. Có những lúc chúng mình cảm thấy Thánh Giá nặng quá sức. Nhưng với lòng thương bao la của Thiên Chúa, chúng mình đã chỗi dậy hoàn toàn phó thác và chấp nhận mọi sự khó Chúa gửi đến. Và hôm nay ‘‘Sinh Nhật Lục Tuần Đặc Biệt’’ này. Em và Anh xấp mình cảm đội ơn Chúa và xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng con được làm tròn sứ mạng mà Chúa đã trao ban" (28-3-1998).

_________________

Tài liệu tham khảo

- France QuérÉ, Les Femmes de l’Évangile, Éditions du Seuil, 1982

- NS. Giáo Xứ Việt Nam
. số 120. 1-1996. ttr. 7-12.