PHÁT TRIỂN TINH THẦN LIÊN ÐỚI

GIỮA CÁC HỘI ÐOÀN HOẠT ÐỘNG VĂN HÓA, XÃ HỘI


Ngay trong "Lời Mở Đầu" của Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay, trên bình diện cá nhân, Giáo Hội đã khẳng định" không có gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu Chúa Kitô" (Gaudium et spes, n. 1). Trên bình diện tập thể, Công Đồng Vatican II cũng thể hiện lập trường của Giáo Hội : "Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với con người lịch sử nhân loại "( nt.). Những điều khẳng định trên đây đã gói ghém trọn vẹn bản chất tín lý kitô-giáo và sứ mạng của Giáo Hội cũng như của người kitô-hữu, sứ mạng thông truyền Ơn Cứu Độ cho gia đình nhân loại; đồng thời cũng xác định vị trí của Giáo Hội và người kitô-hữu là ở giữa trần thế. Để nắm vững vấn đề phát huy, phát triển tinh thần liên đới giữa các hội đoàn hoạt động văn hóa, xã hội, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu định nghĩa và ý nghĩa sự liên đới theo tinh thần Giáo Hội; tìm hiểu các hoạt động văn hóa, xã hội của các tập thể trong và ngoài Giáo Hội và nhất là suy nghĩ về những phương án có thể áp dụng để phát triển sự liên đới đó.

ÐỊNH NGHĨA VÀ Ý NGHĨA CỦA SỰ LIÊN ÐỚI.

Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh thì chữ "liên" có nghĩa là tiếp hợp với nhau, liền với nhau; chứ "đới" có nghĩa là cái đai áo, mang vào, đeo vào, đội vào. Hai chữ "liên đới" đứng liền có nghĩa "buộc liền lại với nhau". Nói cách khác, liên đới còn là "gắn bó với nhau".

Trong ngôn ngữ bình dân, người Việt Nam mình ít dùng danh từ kép "liên đới". Có chăng, chỉ thấy xử dụng nơi pháp đình khi người ta nói đến "liên đới trách nhiệm". Tuy vậy, quan niệm liên đới luôn luôn tiềm ẩn trong tâm thức dân tộc ta. Một số câu ca dao tục ngữ như "một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ", "đồng bệnh tương lân" vv... nói lên ý niệm này. Người Việt Nam quan niệm gia đình là một đơn vị xã hội, trong đó các phần tử được "gắn liền" với nhau, không những bằng quan hệ máu mủ, "quan hệ hữu cơ; mà còn được "ràng buộc" với nhau bằng những sợi dây tinh thần, tình cảm, xuất phát từ những truyền thống văn hóa lịch sử. Một số người thường nói đến tinh thần "đoàn kết" khi chuyển ngữ chữ "solidarité" hay "solidaire", như khi họ dịch nghiệp đoàn Solidarnosc của Ba Lan là "Công Đoàn Đoàn Kết". Trong một số hoàn cảnh nào đó, có thể hai ý niệm liên đới và đoàn kết giống nhau. Nhưng về ý nghĩa, nếu "đoàn kết" là lối nói ít nhiều gì mang tính cách chính trị thì nó lại không nói lên hết nghĩa của "liên đới", vốn là một mối quan hệ đậm tính con người, xuất phát từ tâm và hồn con người.

Đức Tin Công Giáo dạy chúng ta mầu nhiệm "chi thể Đức Kitô". Trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn Corintô, thánh Phaolô đã viết "Tất cả anh chị em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi anh chị em là một bộ phận trong thân thể ấy" (1 Cor. 12,27). Trong cùng một cơ thể, các bộ phận phải hoạt động liên đới, nhịp nhàng với nhau. Người đời có thể nói : "không thể có ví dụ nào hay hơn thế được". Nhưng đối với người Công Giáo, "Hết thảy chúng ta đã chịu phép Rửa bởi một Chúa Thánh Thần để thành một thân thể" (1 Cor, 12, 13), không phải là một ví dụ, mà là một mầu nhiệm của kitô-giáo là điều xác tín của người tín hữu. Sự liên đới, theo Đức Tin, không chỉ thu hẹp ở giữa những người mang dấu ấn của phép Rửa trên cuộc đời này, mà còn giữa những con cái Thiên Chúa đã về nước Trời hay còn đang thanh tẩy trong lửa luyện tội. Người Công Giáo hằng tín vào sự "thông công" giữa Giáo Hội trần thế và Giáo Hội trên Trời. Nhưng, Thiên Chúa và Giáo Hội Thánh của Ngài không chỉ đòi hỏi sự liên đới trong nội bộ Giáo Hội, giữa những người Công Giáo với nhau. Sự liên đới này phải được mở rộng ra tới tất cả mọi người, mọi dân tộc trên thế gian. Ðức Kitô đã phán: ’’Ta còn nhiều chiên khác chưa thuộc về đàn này. Ta phải dẫn đưa chúng về và chúng sẽ nghe tiếng Ta và chỉ còn là một đàn chiên và một mục tử" (Ga 11,16).

Trên cơ sở đó, Công Đồng Vatican II đã đề cập đến sự "liên đới" một cách đặc biệt trong Hiến Chế Gaudium et spes. Không phải là một lời hô hào đoàn kết hời hợt; nhưng Giáo Hội đã đề xuất một nhiệm vụ, một sứ mạng cho mọi người tín hữu kitô-giáo. Liên đới với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi nền văn hóa trên thế gian. Sự "liên đới" qua giáo huấn của Công Đồng Vatican II, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, vô cùng rộng lớn. Vì sống giữa trần thế, Giáo Hội và giáo dân không thể tách rời với con người, với xã hội; không thể tách rời với những sinh hoạt của con người trong những lãnh vực tin thần cũng như vật chất của đời sống.

HOẠT ÐỘNG VĂN HÓA, XÃ HỘI TRONG GIÁO HỘI.

Văn hóa, xã hội là hai lãnh vực rộng lớn trong đời sống nhân loại. Vì thế, một cách tổng thể, các hoạt động trên hai lãnh vực này cũng rất phong phú và đa dạng. Riêng đối với dân tộc Việt Nam, với quá khứ và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, không những với đồng bào ta ở trong nước mà nhất là đối với tập thể người Việt đang sống ở hải ngoại, những hoạt động này đã trở nên một nhu cầu thiết yếu. Vì những đức tính đặc trưng của nòi giống như tính can đảm nhưng hiếu hòa, tính bất khuất nhưng bao dung..., Văn Hóa Việt Nam là sự kết tinh của nhiều trào lưu văn hóa đông tây, kim cổ. Vì Việt Nam là một nước nông nghiệp và suốt trên chiều dài của lịch sử dân tộc, đất nước bị chiến tranh liên tục. Không chiến tranh chống giặc ngoại xâm thì cũng nội chiến như loạn 12 sứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh, chiến tranh quốc cộng. Chính vì hai yếu tố nông nghiệp lạc hậu và chiến tranh triền miên mà Việt Nam là một trong những nước nghèo và kém mở mang trên thế giới với biết bao vấn đề xã hội, vốn là những hậu quả tất yếu của cái nghèo, cái loạn.

Vì sự mênh mông của các lãnh vực văn hóa, xã hội trong một nước, đây chủ yếu phải là nhiệm vụ của chính quyền với chính sách và phương tiện mới lo được quốc kế dân sinh. Trên lý thuyết, sự tham gia của "tư nhân" vào các hoạt động mang tính văn hóa, xã hội chỉ là một sự hỗ trợ với quốc gia. Nhưng cũng trên lý thuyết, nếu những lãnh vực này bị chính quyền bỏ phế thì "tư nhân" lại đóng một vai trò quan trọng. Thực tế này đang diễn ra tại hải ngoại. Người Việt lưu vong phải bảo tồn lấy văn hóa của mình, phải đùm bọc lấy nhau... Chính quyền các nước tạm dung ít có những chính sách giúp đỡ chúng ta một cách tận tình. Chính vì thế mà văn hóa và xã hội là hai lãnh vực đã thu hút rất nhiều cá nhân hay tập thể thuộc nhiều khuynh hướng, nhiều lứa tuổi, nhiều tôn giáo ở cả trong lẫn ngoài nước. Trên bình diện thế giới, Giáo Hội và người Công Giáo được coi như tích cực nhất trong các hoạt động văn hoá, xã hội từ hơn 2000 năm nay. Để có được những thành quả phục vụ nhân loại, một sự liên đới giữa những người hay tập thể hoạt động văn hóa, xã hội rất cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc.

Trước hết xin đề cập đến sự liên đới giữa các hiệp hội hoạt động văn hóa, xã hội trong lòng Giáo Hội chúng ta. Trước hai cuộc thế chiến, các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội được Giáo Hội giao phó cho các tu hội nam nữ trong mục đích vừa phục vụ tha nhân vừa thi hành sứ mạng tông đồ. Trong hậu bán thế kỷ 20, với sự tiến triển của nhân loại về mọi mặt, "các điều kiện xã hội và văn hóa của đời sống con người nay đã thay đổi rất sâu xa, có thể nói đây là một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Nhiều lối mới đã mở ra để làm nẩy nở và truyền bá văn hóa. .." (Gaudium et spes n. 54). Và "Càng ngày càng thêm nhiều người ý thức vai trò sáng tạo và tiền phong của mình về mặt văn hóa, trong lãnh vực quốc gia cũng như tập thể họ sống." (Gaudium et spes, n. 55).

Xã hội và văn hóa là hai lãnh vực có quan hệ mật thiết với nhau vì đều nhằm phục vụ con người. Các công tác xã hội của Giáo Hội trước đây thường nhằm thể hiện tinh thần Bác Ái, từ thiện. Nhưng với sự tiến hóa của xã hội ngày nay, rất nhiều vấn đề mới mang tính xã hội đã xuất hiện và vì thế, lãnh vực xã hội trở nên rộng lớn hơn. Công tác xã hội không còn mang tính chất ban phát, mà đòi hỏi tác nhân phải chan hòa trong môi trường xã hội để đương đầu, để giải đáp những bài toán do tình hình xã hội thực tế đặt ra. Nếu văn hóa và xã hội quan hệ mật thiết với nhau thì xã hội và chính trị cũng là hai lãnh vực rất gần gũi. Giáo Hội đã thấy rõ điều này và qua các văn kiện của Công Đồng Vatican II, nhất là trong Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay, Giáo Hội đã đề cập đến vấn đề chính trị (x. Gaudium et spes, chương IV & V). Cũng vì thế mà công tác xã hội không còn khu vườn riêng biệt của các tu hội, dù đã có những cải tiến thích hợp; mà cần phải có sự tham gia hoạt động tích cực của giáo dân các giới. Các hội đoàn hoạt động xã hội bao gồm thuần tuý giáo dân hoặc liên kết giáo dân và tu sĩ đã xuất hiện. Trong những thế kỷ trước, sự liên đới giữa các cơ phận của Giáo Hội hoạt động văn hóa, xã hội, đương nhiên đã có. Mẫu số chung của sự liên đới là mục đích nhân bản và tông đồ theo đúng chủ trương, đường lối của Hội Thánh. Trong hiện tại, vấn đề có lẽ phức tạp hơn và vấn đề phát triển tinh thần liên đới giữa các hội đoàn hoạt động văn hóa, xã hội đã được đặt ra và phải tìm phương sách giải quyết.

CÁC HỘI ÐOÀN HOẠT ÐỘNG VĂN HÓA, XÃ HỘI

Trong hoàn cảnh của các cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, hoạt động văn hóa và xã hội mang tính cách đặc biệt, không giống như bình thường. Tất cả các giáo sứ, các cộng đoàn Việt Nam đều phải hoạt động trong khuôn khổ giáo hội địa phương. Tuy Tòa Thánh đã có những tài liệu về "mục vụ di dân", tuy sự hiện diện của người Công Giáo Việt Nam tỵ nạn ỏ nhiều nơi trên thế giới đã làm khởi sắc các sinh hoạt của giáo hội địa phương; nhưng mỗi giáo phận, mỗi giám mục sở tại có những quan điểm và chính sách riêng biệt đối với các cộng đoàn người Việt. Vì vậy, các hoạt động văn hóa, xã hội cũng như sự hình thành trong cộng đoàn những tổ chức, hội đoàn hoạt động văn hóa, xã hội đều do sáng kiến của vị tuyên úy và điều kiện của cộng đoàn người Việt. Chỉ thị của giám mục giáo phận cũng như sự chủ động, đề xuất của giáo dân còn hạn chế.

. Các Hội Đoàn công giáo hoạt động văn hóa, xã hội.

Ngoại trừ các hội đoàn đạo đức, tại các giáo sứ Việt Nam, các hội đoàn hoạt động Việt Nam, xã hội đúng với tiêu chuẩn và danh hiệu còn hiếm. Tuy nhu cầu về văn hóa, xã hội rất nhiều : Bảo tồn nền văn hóa Việt Nam; hướng dẫn thế hệ trẻ hướng về cội nguồn dân tộc; giữ gìn tiếng Việt, tổ chức lớp Việt ngữ; hướng dẫn hội nhập vào nền văn hóa bản xứ mà không bị mất bản tính; hướng nghiệp; sinh hoạt, tương trợ đối với các thế hệ, nhất là người lớn tuổi, phụ nữ, thanh niên, vv... Kể ra thì không sao hết được. Nhưng, nếu tất cả những công việc đó đổ lên vai vị tuyên úy, hay chờ đợi ở tòa giám mục sở tại thì sẽ không bao giờ có được. Hoặc giả, nếu có thì cũng chỉ đáp ứng một số tối thiểu nhu cầu thực tế. Nói như vậy để các cộng đoàn cùng nhìn rõ trách nhiệm của mình để xây dựng cái xã hội Công Giáo Việt Nam thu hẹp, mang nhiều đặc tính chủ quan cũng như khách quan hiện nay tại hải ngoại.

. Hội đoàn hoạt động văn hóa xã hội ngoài Giáo Hội.

Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, theo số liệu không chính xác, nhưng ước lượng khoảng 3 triệu người. Có nơi, cộng đồng lớn mạnh như ở Hoa Kỳ, có nơi ít hơn như ở Bỉ, ở Hòa La, Đan Mạch. Nhưng ở đâu thì sau 27 năm đồng bào ta cũng đã an cư, lạc nghiệp và có phần nào tổ chức. Cộng đồng này gồm đủ thành phần xã hội, tôn giáo và địa phương khác nhau. Ngoại trừ những hội đoàn mang tính cách ái hữu, tương trợ, cũng đã xuất hiện một số tổ chức hội đoàn hoạt động văn hóa, xã hội. Các hội đoàn này lúc ban đầu xuất phát từ những tôn giáo như Công Gíáo, Phật Giáo, Tin Lành với nền văn hóa đặc trưng của họ. Đồng thời trên mặt văn hóa, giáo dục, các tổ chức, hội đoàn này quy tụ các thành phần trẻ, giầu thiện chí, cũng như giáo chức. Họ ưu tư về việc bảo tồn văn hóa dân tộc, hướng dẫn thế hệ thứ hai hướng về cội nguồn. Một số tổ chức chính trị cũng chủ trương làm văn hóa xã hội với mục đích bành trướng ảnh hưởng của họ. Vì thế, trong nhiều cộng đồng, ta thấy có những lớp dậy tiếng Việt rất quy mô như ở Bắc California, các lớp hướng nghiệp, các lớp dạy nghề, các lớp âm nhạc vv... Nhiều nơi thành lập được thư viện để cung cấp món ăn tinh thần cho bạn đọc. Nhiều sách báo đứng đắn trước và sau 1975 đã được tái bản hoặc ấn hành. Ở một số quốc gia, các sinh hoạt văn hóa, xã hội còn nhận được sự giúp đỡ phương tiện, tài chánh của chính quyền sở tại. Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi chính quyền Việt Nam mở cửa, cũng đã có một số hội đoàn hoạt động xã hội hướng về trong nước ra đời. Dù các hội đoàn hoạt động văn hóa xã hội là của ai và ở đâu đi nữa thì cũng phải công tâm mà ghi nhận là họ đã đạt được một số thành quả nhất định. Những thành quả đó phục vụ cho cộng đồng, có ích lợi cho cộng đồng.

TINH THẦN LIÊN ÐỚI GIỮA CÁC HỘI ÐOÀN HOẠT ÐỘNG VĂN HÓA XÃ HỘI.

. Liên đới giữa các hội đoàn Công Giáo làm văn hóa xã hội.

Phát triển tinh thần liên đới giữa các hội đoàn Công Giáo hoạt động văn hóa, xã hội trong một cộng đoàn tương đối dễ dàng. Nhưng muốn có tầm vóc, muốn tạo cơ sở cho những hoạt động rộng lớn, vượt ra khỏi địa giới của giáo phận, của quốc gia, vấn đề là phải làm thế nào tạo mối quan hệ, gặp gỡ, thảo luận với các hội đoàn Công Giáo Việt Nam thuộc các giáo phận khác trên thế giới. Nếu tất cả các hội đoàn đều hiểu rõ tinh thần liên đới như đã đề cập ở trên đây, và có nhiệt tâm, ý chí liên đới thì sẽ có sự "cùng tìm đến nhau" mà không có cái cảnh "đuổi bắt". Tinh thần liên đới sẽ giúp các hội đoàn có thể "liên kết", phối hợp, chia sẻ với nhau kinh nghiệm cũng như công việc. Sự liên kết rộng lớn "không biên giới" được hình thành bởi tinh thần liên đới và xây dựng trên nền tảng Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái, không những sẽ giúp chúng ta làm được những việc trọng đại, phục vụ Giáo Hội và phục vụ tha nhân một cách bền bỉ, trường kỳ; mà còn làm tỏa sáng ánh sáng Phúc Âm đến mọi người. Hơn nữa, nếu chúng ta có phát huy tinh thần liên đới giữa các hội đoàn của chúng ta, những người Công Giáo, thì chúng ta mới có thể "hợp tác liên đới" (coopération solidaire) với những tổ chức, hội đoàn ngoài Công Giáo được.

Một vấn đề quan trọng cần được nêu ra để chúng ta cùng suy nghĩ và hành động. Đó là vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội và đặc biệt là trong các hoạt động văn hóa xã hội. Công Đồng Vatican II và nhiều tông huấn, tông thư của Giáo Hội từ nửa thế kỷ nay đã đề cập đến vấn đề này. Nhưng nhận thấy, vẫn còn tồn tại tinh thần ỷ lại, dựa dẫm và hàng linh mục. Đương nhiên quý vị linh mục là những đấng chăn dắt, giáo dục và hướng dẫn chúng ta về tín lý. Nhưng có những vấn đề mà không ai ngoài giáo dân phải giải quyết. Linh mục có ơn gọi làm phận sự linh mục. Giáo dân cũng được ơn gọi làm phận sự giáo dân. Nói nôm na, đừng bắt linh mục làm công việc phận sự của giáo dân; mà giáo dân cũng không được dành làm công việc phận sự của linh mục. Như vậy, sự liên đới đầu tiên và chặt chẽ phải có là giữa giáo dân và linh mục. Có được sự liên đới này, chúng ta sẽ có được sự liên đới giữa các hội đoàn Công Giáo hoạt động văn hóa xã hội trên khắp thế giới và ở trong nước.

. Liên đới với các hội đoàn hoạt động văn hóa xã hội ngoài Công Giáo.

Như đã nói, văn hóa là một lãnh vực vô cùng rộng lớn. Hơn nữa, nó không đơn giản và thuần nhất. Riêng đối với người Việt Nam, có nền văn hóa Việt Nam, kết tinh từ nền văn hóa đông phương với truyền thống ngàn đời của dân tộc ta. Nhưng trong nền văn hóa Việt Nam đó, còn có nền văn hóa Kitô Giáo; văn hóa Phật Giáo; văn hóa Khổng Giáo; văn hóa Lão Giáo; văn hóa Tin Lành vv... Tuy trên mặt hoạt động văn hóa, có nhiều hình thức giống nhau; nhưng xuất phát từ những nguyên tắc, lý luận khác nhau. Sự liên đới chỉ có thể thực hiện được khi có sự "thông cảm", "hiểu biết" lẫn nhau và nhất là sự "tương kính" giữa các nền văn hóa. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô Đệ Nhị đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề "đối thoại" giữa các nền văn hóa. Mà thật vậy, "đối thoại" trong tinh thần khiêm cung, bình đảng, là chìa khóa duy nhất để mở cửa cho sự liên đới giữa các nền văn hóa, và trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, giữa các hoạt động văn hóa. Trong tinh thần bác ái Công Giáo, trong ý niệm "gia đình nhân loại" của Công Đồng Vatican II, những tư tưởng kỳ thị, hiềm khích, thù hận... đều là những trở ngại cho sự liên đới.

Một vấn đề tế nhị khác, thiết tưởng không nêu lên ở đây thì sẽ thiếu. Đó là quan hệ và hợp tác liên đới với các tổ chức, hội đoàn mang tính chất chính trị, trong các hoạt động văn hóa xã hội của họ. Còn một số suy nghĩ tồn tại từ lâu của người Việt Nam nói chung và của người Công Giáo Việt Nam nói riêng "dị ứng" với những gì liên quan đến chính trị. Thực chất, trong hoạt động xã hội, chúng ta thường giải quyết những hiện tượng cụ thể trước mắt. Nhưng nếu truy nguyên thì chúng ta thấy rõ những hiện tượng đó xuất phát từ những nguyên nhân kinh tế và chính trị. Huống hồ, trong đời sống con người, mọi sinh hoạt trong xã hội đều ít nhiều gì dính líu tới chính trị. Các hội đoàn hoạt động văn hóa xã hội không có chức năng làm chính trị. Nhưng không vì thế mà gạt bỏ chính trị sang một bên, coi đó là cái gì xấu xa, tội lỗi. Muốn giúp đỡ một trại cùi ở Việt Nam chẳng hạn, đương nhiên một hội đoàn phải xin phép nhà nước Việt Nam, nhiều khi phải vận động với những quan chức trong chính quyền, trong đảng cộng sản Việt Nam. Những hành động đó không phải là làm chính trị. Cũng đừng nghĩ, nếu cái ngõ để vào được ngôi nhà hoạt động văn hóa xã hội mà mang tính chính trị thì ta không vào. Như vậy, ta sẽ không có cơ hội thực hiện mục đích của ta.

Giáo Hội chỉ thị các chức sắc trong Giáo Hội không được làm chính trị. Nhưng Giáo Hội khuyến khích giáo dân tham gia đời sống và hoạt động chính trị. Như vậy, đừng yêu cầu các linh mục làm chính trị. Các ngài không được phép và các ngài cũng không được đào tạo để làm công việc đó. Vì thế, những hoạt động văn hóa, xã hội của các hội đoàn mà có dính líu gì về chính trị, giáo dân phải đảm đang. Thiết nghĩ, với Đức Tin trưởng thành, chúng ta có thể đối phó được với mọi tình huống kể cả những trường hợp tế nhị liên quan đến chính trị.

KẾT LUẬN.

Tinh thần Liên Đới được Công Đồng Vatican II nêu lên và đề cao. Hy vọng là những người Công Giáo chúng ta đã một lần đọc qua. Nhưng vấn đề là các cộng đoàn nên có những lớp để triển khai, quảng diễn hầu đưa vào đới sống người Công Giáo những giáo huấn của Giáo Hội. Hoạt động văn hóa xã hội đối với các hội đoàn ngoài Công Giáo thường nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt, trên bình diện đáp ứng những nhu cầu trần thế. Những hoạt động tương tự trong Giáo Hội thể hiện tinh thần Bác Ái của Thiên Chúa, chia sẻ đến tha nhân Ơn Cứu Độ và đưa Ánh Sáng Phúc Âm đến cho nhân loại. Với tinh thần liên đới như những bộ phận trong cùng một cơ thể Đức Kitô, các hoạt động văn hóa xã hội trong Giáo Hội phải nhịp nhàng, hài hòa, cùng nhắm tới mục đích chung của Giáo Hội. Riêng về mặt văn hóa, Giáo Hội quan niệm "Mọi người được hưởng những hoa quả của văn hóa và phải làm cho nó trở nên hữu hiệu. Phải tạo nền văn hóa toàn vẹn. Phải kết hợp Đức Tin với văn hóa. Phải làm nổi bật mối tương quan giữa Tin Mừng và văn hóa. Và phải tạo hòa hợp giữa các giá trị khác nhau trong nền văn hóa nhân loại" (Gaudium et spes, chương II). (giaoxuvn.org).