ĐỨC TIN VÀ DÂN TỘC - Lm F.X. Hồng Kim Linh p.s.s.

Với tựa đề nầy, người viết muốn chia sẻ với người đồng đạo và đồng hương gốc Việt, nói gọn là “đồng bào Công giáo” về những suy tư liên quan đến căn tính Việt tộc với niềm tin Công giáo của mình : những điểm thuận lợi mà người Việt dân tộc tìm gặp khi đón nhận Đức Tin được tuyên xưng trong Giáo Hội Công giáo. Mong bài nầy được đón nhận như là một đóng góp nhỏ cho việc phát huy “Niềm Tin Công giáo” trong môi trường mới và mở ra một cuộc đối thoại hữu ích - khi có cơ hội - với các đồng bào khác tôn giáo sống quanh ta.

Vậy Đức tin "Công giáo" là gì ? Thưa là những điều đã được ghi nhận và truyền lại trong Thập Giới phải thực hành và hai bài kinh phải biết để sống theo : một bản tóm gọn trong "Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ", và một bản kinh, chi tiết hơn trong "Kinh Tin Kính Công đồng Nicée – Constantinople". Tất cả gồm 12 điều mà người Công giáo phải thuộc lòng nên thiết nghĩ không cần viết lên đây, chỉ nêu lên những điều khoản mà người Việt dân tộc nhận ra là đã có cách tiềm tàng hay minh nhiên trong tâm thức và niềm tin truyền thống của người Việt dân tộc : chẳng hạn niềm tin vào Ông Trời, niềm tin vào Đấng thưởng phạt : "Ông Trời có mắt", niềm tin hồn thiêng bất tử, niềm tin vào liên hệ giữa người sống và người chết vv. Đó là những điểm sẽ lần lượt nêu ra trong bài nầy.

Dân tộc nói đây là Dân tộc Việt nam. Nói theo căn tính chân tướng lịch sử thì dân Việt có một nền văn hóa lâu đời (5 ngàn năm văn hiến) và một truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng nhờ ý chí đảm lược kiên trì biết chấp nhận vượt qua những gian lao thử thách xứng với tên gọi là "Việt" (= Vượt quá, vượt lên). Một dân tộc biết bảo tồn cái gì của riêng mình qua sự xác định về tên gọi suốt dòng lịch sử (5 ngàn năm với 6 lần xưng danh là "Việt") để như nhắc nhở đến căn tính của Việt tộc. Một dân tộc biết lấy khiêm nhu làm khiên thuẫn, như việc "thắng xong là lo cầu hòa" vì chiến là bất đắc dĩ lấy "hòa bình" làm chiến thuật tâm công "dĩ hòa vi quý". Tâm thức yêu chuộng hòa bình của dân tộc đã được thể hiện qua ngôn từ danh gọi các địa danh khắp xứ sở từ bắc chí nam : Nhiều thôn làng đất nước mang tên "an, yên, bình, hòa, ninh" như Yên Thế, Bắc Ninh, Nam Ninh, Hòa Bình, Thái Bình, Ninh Bình, Ninh Hòa, Phú yên, Bình Định. Hội An, Khánh Hòa Tây Ninh, Biên Hòa, Long An, Kiến Hòa, An Thạnh, An Thới, Vĩnh Bình vv... Đó là một biểu chứng của tâm thức thuộc về cá tính dân tộc hiếu hòa.

Qua chiều dày của lịch sử nhiều chứng tích cho thấy dân tộc Việt được coi là "bại không nản, thắng không kiêu".

Gặp thất bại

- với giới binh nghiệp còn sức vóc đảm lược, thì biết trì chí rút lên non cao hang động rừng thẩm, để chờ đợi thời cơ, thiên cơ, địa lợi hầu xuống núi cứu đời, với giới văn nghiệp : thất bại ở quan trường là dịp để thi thố sở học để truyền đạt cho hậu sinh "khả quý" để nối chí xây dựng đất nước.

- với kẻ sĩ khí tự nhận thời vận đã qua thì hoặc về "vui thú điền viên ngâm thơ vịnh nguyệt tiêu khiên an nhàn, hoặc lên non tu thoát tục "Tu Tiên" không màn thế sự an hưởng cuộc đời nơi bồng lai tiên cảnh.(*1) Qua ba lối sống vừa kể, tiêu biểu ở những nhân vật "tiếng tăm lịch sữ" nghìn đời của Việt Nam, ta thấy người "Việt mẫu" không trốn tránh trách nhiệm khi phải lao mình vào binh đao trận chiến để cứu nước khi cần, nhưng khi hết binh loạn là thích qui về cảnh an nhàn hòa họp với thiên nhiên.

Thắng không kiêu

- tức là không tự mãn kiêu căng về chiến thắng. Một khi đã thắng địch thì biết xử hòa không làm nhục đối phương(*2a), như để vuốt mặt kẻ cả (*2b) tìm cách thông hiếu, nối lại bang giao với cựu thù, một mặt nương theo khí thế hòa bình đang lên để xây dựng xã tắc mong đưa vận nước bay cao làm một cuộc thăng hóa như Rồng (*3). Việc sớm sủa đặt danh hiệu thủ đô "Thăng long" (*4) và việc đặt tên nước rất kêu (*5) đúng với biệt danh con cháu Rồng Tiên (xem Truyền thuyết Lạc Long, Âu Cơ).

Thuật sống ôn nhu khôn khéo đó khiến một nước nhỏ vẫn còn tồn tại sau nhiều ngàn năm bên cạnh nước lớn như Trung quốc cũng là điều đáng gẫm suy như bài học lịch sử đặc biệt của dân tộc. Tuy có nhiều thời bị thôn tính - phần lớn tại chia rẽ nội bộ, bị người ngoài phân hóa - "bị trị" nhưng vẫn không bị "đồng hóa" : trái lại là dịp để tiếp nhận và thâu thái những cái mới mẽ, bất luận nó đến từ phương đông (Trung Hoa) hay phương tây (Pháp).

Dân Việt do đó được đánh giá là một dân tộc vừa già vừa trẻ, lão luyện vì hiện hữu dài lâu trong lịch sử, vừa trẻ trung sung sức vì biết thích nghi cập nhật. Bởi vậy qua những biến thiên của lịch sử cận đại, với những giai đoạn thăng trầm rất bi đát, dân Việt vẫn vượt thoát tái tạo vươn lên.

Được nhìn nhận là một dân tộc cần cù siêng năng có óc cầu tiến và hiếu học, biết thích nghi mau chóng, và khi có hoàn cảnh thuận lợi cho phép thì dân Việt có năng lực bắt kịp với đà tiến chung của nhân loại trên thế giới.

Với những đức tính làm nên bản chất của Việt tộc, coi như một "căn tính" được định hình qua muôn thử thách biến thiên lịch sử, mà các tôn giáo cũng như các luồng tư tưởng dù được du nhập từ đâu đến cũng được người Việt đón nhận một cách trang trọng. Tuy vẫn có những va chạm do sự chọn lựa hơn thua của các triều đại - như Triều Lý với Phật giáo, triều Trần với Khổng giáo - nhưng trong lịch sử Việt Nam không có "chiến tranh tôn giáo" như bên tây phương mà chỉ có việc cổ xúy "hòa đồng tôn giáo". Đó là một điểm son cần được ghi nhận về tinh thần khoan dung, nhường nhịn và tôn trọng tín ngưỡng của dân Việt truyền thống (*6). Tinh thần hòa đồng tôn giáo đã tôi luyện con người Việt thành "người có khí cốt tôn giáo" tự nhiên, do vậy với việc du nhập Kitô giáo (Công giáo) vào Việt Nam thế kỷ XVI (điểm mấu chốt 1522 hoặc 1533) Niềm Tin Công Giáo được đón nhận một cách thuận lợi. Bằng chứng là sau l00 năm truyền gíáo - tuy không liên tục - vào khoảng năm 1644-1652 có chừng 300.000 người được Rửa Tội (*7). Điều quan trọng là tuy đến nước Việt muộn màn do những nhà truyền giáo tây phương giàu nhiệt thành nhưng (phần lớn) không thông thạo ngôn ngữ bản địa - so với những vị thông học uyên bác trong các tôn giáo tới Việt Nam trước, nhưng "Đạo Chúa" vẫn lan tràn nhanh chóng mặc cho những cuộc bách hại từ phía vua quan đất Việt. Đó cũng là điều "kỳ diệu" theo cái nhìn của Đức tin : việc Đạo Chúa bị bách hại là chuyện Chúa đã nói trước, và việc bênh vực và truyền bá Đức Tin, phát triển Đạo Chúa qua thử thách là việc của Chúa Thánh Thần "máu Tử đạo là hột giống sanh người có đạo" (Tertullien). Nhưng ở đây trong cái nhìn so sánh với các dân tộc khác, dân Việt có lợi điểm là Đức tin Công giáo trở thành hột giống gặp được "đất mầu mỡ ở lòng của dân tộc" để phát triển nhanh chóng "một thứ đất thích hợp để dụng võ".

- Thứ nhứt đối với Tín điều số một của Đạo Chúa : về Thiên Chúa duy nhất. Trong vũ trụ quan và nhân sinh quan Việt tộc ta có cái nhìn tương quan trên dưới cao thấp dọc ngang với số quan niệm tiên thiên như sau : bên trên ta quan niệm về "Trời" rất phong phú với những cụm từ ngữ để diễn đạt : Trên (Ơn) (Bề) Trên, Trời (Ông), Trời (ơi) và những từ ngữ hệ thuộc Trời nắng, Trời mưa, Trời dông, Trời gió, Trời bão, Trời gầm, Trời trống, Trời giáng (*8). Qua đó ta có thể nói trong ngôn ngữ dân Việt có sẵn những từ ngữ nhắc nhớ hướng thiên. Với một nền văn hóa hướng thượng như thế, Đức Tin Công giáo giúp ta đi xa hơn trong tầm hiểu biết về Đấng tối cao, về Đức Chúa Trời, về Thiên Chúa đấng Sáng Tạo quyền năng, Quan Phòng yêu thương và gần gũi với nhân loại (Lc 12,28-31). Tín điều số một với Luật điều thứ nhứt trong Thập giới tôn thờ Thiên Chúa và yêu mến Ngài trên hết mọi sự (Lc 10,27-28) giúp ta tiến gần khỏi xa lạ với Đấng ta tin là có quyền thưởng phạt công minh...

- Kế đến với luật điều thứ bốn "thảo kính cha mẹ" trong 10 giới răn Đạo Chúa, nhân sinh quan của người Việt tộc ở tương quan hàng ngang bậc dưới Trời : bàng quang Thiên hạ, ta có đạo người. Trong gia đình là truyền thống thảo kính cha mẹ, người sống Đức Tin Công Giáo thấy rằng mình sống phù họp với Điều Răn thứ Bốn của Thập Giới Chúa truyền (Mt 19,19). Đức hiếu thảo được thể hiện không những lúc cha mẹ sanh tiền mà còn tiếp tục sau khi cha mẹ khuất bóng. Khi cha mẹ còn sống con cái biết lo phụng dưỡng, khi qua đời con cái vẫn có bổn phận cầu nguyện tế lễ dâng lễ trong Thánh lễ, trong các giờ kinh sớm tối. Ngoài ra còn phải lo hy sinh thực hành bác ái bằng đời sống để dâng ý chỉ cầu cho cha mẹ ông bà. Tiếp tục sống sự hiện diện liên kết phục vụ hằng ngày chứ không chỉ chờ ngày giỗ, giáp năm mới nghĩ tới vv.

Đó là cách sống Đức Tin sâu sắc diễn tả niềm tin - linh hồn bất tử - người sống và người chết vẫn còn liên hệ thông công, phù hợp với Đức Tin Công giáo về Tín điều "Các Thánh Thông Công"...

Con cái lo "tròn chữ hiếu để trọn đạo con" vì mẹ cha đã nêu gương sinh thành dưỡng dục và hợp nhứt với nhau. Các câu nói sau đây gói gọn tình tự dân tộc liên hệ đến cha mẹ con cái vợ chồng liên kết gắn bó với nhau :

"Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

"Dạy con dạy thuở nên ba

Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về

Thuận vợ thuận chồng,

Tát biển Đông cũng cạn".

(tức là Đông hải chứ không nói Nam Hải).

Với những câu nhắc nhủ dạy bảo gia đình vợ chồng con cái đối xử phải đạo với nhau, người Công giáo lại tăng cường niềm xác tín hơn nữa. Bởi chưng Lời dạy của Kinh Thánh nêu rõ khía cạnh bao quát sâu rộng cao siêu của tình yêu đó là bắt nguồn từ Thiên Chúa và chính Đức Giêsu đã nêu gương đối với Giáo Hội. Tình yêu con cái với cha mẹ, cha mẹ với nhau gọi là nghĩa tào khang là mô phỏng một tình yêu cao trổi của chính Thiên Chúa đối với con người (x. 1Cor13, thơ Ephêsô).

Cũng trong chiều ngang "Thiên hạ" (dưới trời) từ gia đình lan rộng ra chòm xóm làng nước, "bá tánh", ý niệm tình nghĩa đồng bào, "bà con" ruột thịt trong văn hoá Việt Nam : ngôn ngữ Việt với cụm từ "đùm bọc" hay câu chữ "lá lành đùm bọc lá rách" còn gói ghém ngữ nghĩa hay ho gắn liền với huyền thuyết "bọc trăm trứng", cụm từ "bà con" (chứ không nói "ông con" khi nói về họ hàng thân thuộc) "ruột thịt" nói lên tình tự con cái một Mẹ (Âu Cơ) cộng với tinh thần "tứ hải giai huynh đệ" : anh em bốn bể một nhà với những câu nhắn nhủ con dân đất nước ba miền hãy sống tinh thần tương thân tương ái dù đất nước có chia cách qua phân qua trong những giai đoạn bi đát của lịch sử nội chiến :

"Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Nhiểu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước hãy thương nhau cùng."

Nói rộng ra một cách rốt ráo hơn nữa theo tinh thần nầy thì Đức Tin Công giáo dạy ta rằng không chỉ người trong một nước thương nhau mà thôi nhưng hết "mọi người" phải được thương vì là mọi người đều là con một Cha (Ga 4,7). Thương Chúa là Cha theo tinh thần hiếu thảo đã vậy mà còn phải "thương anh em như chính mình" (Mt 19,19-20). Thương Chúa thương người phải đi đôi. Không thể tách lìa thương Chúa mà không thương người. Như câu nói của Thánh Gioan : "nếu ai nói tôi thương Chúa được mà không thể thương người là nói dối" (1Ga 4, 20-21). Sự thương yêu theo đòi hỏi Đức Tin không phải là thương bằng môi miệng nhưng thương yêu với tất cả tấm lòng "thương người như thể thương thân" đi đôi với hành động. Tình yêu chấp nhận khía cạnh chịu đựng đồng lao cộng khổ : chữ thương nói lên góc độ độc đáo của "thương đau, thương tích, thương khó". Đối tượng của yêu thương không dừng lại ở người anh em nào dể thương mà lan rộng ra với mọi người kể cả với địch thù : "hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em" (Lc,6, 27-28; Mt 5,43). Lý do là Thiên Chúa đã thương họ và đã phó mình chịu chết cho tất cả như câu nói Phúc Âm : "Vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9,13). Công chính và tội lỗi trong ý nghĩa của Đức Tin là những người tốt dễ thương (công chính) đối lại với người có nhiều tật xấu không dễ thương (tội lỗi).

Đó là nói toát lược những điều cốt yếu mà Đức Tin Kitô giáo giúp cho ta sống được trọn hảo đức tính kể như cốt lỏi của con người Việt Nam.

Ngoài ra, trong thế cách thực hành người Việt còn có những thể cách sống nếu khai triển đúng mức thì rất là phù hợp với Phúc Âm, tức là phù hợp với Đức Tin trong những điều tinh túy nhứt.

Ví dụ : tính hiếu khách - niềm nỡ lịch sự trong cách cư xử, hợp với tinh thần trọng đãi khách như gương của tổ phụ Abraham tiếp ba người khách dưới gốc cây ở Mambré (St18,1-6). Người Việt hay mời khách dùng bữa, cho khách đỗ nhà (x. các chứng từ của các nhà truyền giáo ngoại quốc ở Nhật khen lao người Việt ở đó).

Người Việt có sẵn "nụ cười Việt" rất phong phú để tiếp nhân xử thế (xem ngôn ngữ Cười với 106 từ ngữ ý trong sách "Người Việt" của chúng tôi) có cách diển đạt lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ khiêm tốn gần gũi với tinh thần của câu nói Phúc Âm : "Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng" (Mt 11, 28) :

Ví dụ cách thưa thốt nhún nhường hạ mình dể thương để thưa chuyện "Thưa vâng, thưa phải". Hoặc cách thức ngôn ngữ biểu thị - kính trên nhường dưới, như cách mời mọc ăn nói xưng hô, kín đáo trong xác nhận quyết đoán; nhẹ nhàng trong cách chối từ khôn khéo, tránh phật lòng người. Ngôn ngữ Việt nam phong phú về cách nói làm vui lòng, và thiếu vắng những kiểu nói có thể gây phật ý, rất ít từ ngữ chối từ cộc lốc. Từ ngữ biểu thị ưng ý, bằng lòng nhiều hơn từ ngữ khước từ. Đó là một cách thế biểu thị tinh thần tế nhị và nhạy cảm của người Việt Nam thích làm vui lòng người hơn là làm phiền hà thiên hạ một cách thẳng thừng trực diện..

Sống theo Đức Tin dựa vào lời dạy Phúc Âm một cách sâu sắc là làm giàu thêm sự tinh tế khiêm nhu sẵn có của tâm thức người Việt.

Kể ra những đức tính đó để cho thấy cái dễ thương và hấp dẫn của người Việt. Nhờ vậy mà dù người Việt tị nạn ở đâu thường được người ta thương nhiều. Có nhiều nhân chứng từ nhiều quốc tịch khác nhau dù các nhân chứng nầy là Hòa Lan, Ý, Pháp Mỹ, Canada, Nhật v...

Cung cách dễ thương và lòng trung tín biết ơn là một đức tính được cổ võ bởi Phúc Âm như câu chuyện người phong hủi biết ơn : "Không phải cả mười người được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang nầy ? (Lc 17, 17-18 ).

Người Việt sống Đức Tin thể hiện được sứ mệnh làm "đèn sáng" nêu lên trong Phúc Âm (Mt 5, 14) : Dân tộc có lễ phép, trọng lễ nghi và lễ nghĩa nên chi nơi đâu có người Việt định cư, thì nơi đó có những cuộc tập họp đọc kinh cầu nguyện, kiệu rước (Đức Mẹ đã chẳng dạy kiệu rước mỗi lần hiện ra nơi nầy nơi khác trong thế giới ư ?). Các cộng đồng Việt cũng thích chưng dọn trang trí nhà thờ. Dịp lễ lạc, thích trưng bày hoa lá cành cờ quạt nơi phượng tự (Vd : Thi công làm các lồng đèn, hang đá, máng cỏ mùa giáng sinh ở các nhà xứ, giáo đường ở Nhật bản. Có lễ lạc thích làm cổng chào, trang trí chổ củ hành lễ nghi phụng tự. Bỏ nhiều thì giờ để dàn dựng mà không sợ tốn công mất giờ). Ngoài ra lại thích thành lập các ca đoàn lớn nhỏ để tăng phần long trọng trang nghiêm của các lễ lạc (chữ lạc cố ý viết tận cùng bằng "c" là nhằm ý nghĩa "vui tươi" chứ không có nghĩa ăn lạt (viết bằng chữ "t").

Sẵn trọng lễ nghĩa lễ nghi như vậy nên có lòng qúi trọng cách đăc biệt đối với những bậc tu hành phụng sự việc thờ phượng tế tự. Người Việt nhờ vậy dễ được nhận ra là một dân có cung cách kính trọng đối với các bậc tu hành : từ danh gọi đối với các vị và lan rộng ra với những ngưòi có liên hệ trong thân tộc của các vị (Vd cách gọi tôn trọng các thân sinh của linh mục chẳng hạn : ông bà nội, ông bà cố). Các linh mục và tu sĩ nam nữ Việt Nam được một chỗ đứng trong lòng của các tín hữu là một điều đích thực, dù sống bất cứ nơi đâu...

Với những kiểu thức sống đạo được nhận diện, được trông thấy như thế, nên chi các cộng đoàn Công giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới thường được các thẩm quyền tôn giáo (các Giám Mục, Linh Mục) khen thưởng và khuyến khích tham gia các cộng đồng địa phương để nêu gương sáng cho dân chúng địa phương. Các Linh mục Việt nam hải ngoại cũng được trọng dụng trong các nước nhờ thấm nhuần tinh thần sống đạo và được vun trồng trong vườn ươm của Giáo Hội Việt Nam.

Với truyền thống chịu đựng thử thách trong việc dựng nước và giữ nước như đã nói, riêng người Công Giáo còn bị thử thách trong Đức tin "Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,10-12) bởi những cơn bách đạo thời chúa Trịnh chúa Nguyễn và thảm khốc thời Minh Mạng Tự Đức kéo dài từ thế kỷ XVIII tới gần cuối thế kỷ XIX. Với hơn 100.000 tử đạo trong đó 117 vị được tôn vinh hiển thánh năm 1988 do ĐGH Gioan Phaolô II, người Công Giáo vẫn nêu gương sáng Đức Tin trong việc tỏ ra biết thương nhau (người lương thời cấm cách quen gọi người Công giáo là đạo của những người thương nhau : nên nhớ từ ngữ "Công giáo" có nghĩa là phổ quát, phổ cập, chung cho mọi người, dịch từ nguyên ngữ Hy lạp "catholicos" chưa được dùng thời bấy giờ). Người Công giáo dù bị hiểu lầm là đạo của tây do thực dân đem vào (*9).

Dù bị nghi kỵ và kết án oan uổng, người Công giáo vẫn sống trọn nghĩa quốc dân đồng bào trong những cố gắng phát huy văn hóa, phong tục, trồng tỉa. Đặc biệt lãnh vực chữ quốc ngữ : các linh mục Việt Nam tuy là những vị thông thạo chữ Nho, chữ Nôm, nhưng vẫn lo phát triển và phổ biến chữ quốc ngữ cho quảng đại quần chúng. Cho tới nay, người ta sưu tầm được những 1.000 danh mục quyển sách ấn bản bằng chữ quốc ngữ phần lớn do nhà in Tân Định ấn hành (*10). Ngoài các linh mục như Philippê Bỉnh, Luca Bền, giáo dân Raphael (người dạy chữ Việt cho Giáo sĩ Alexandre de Rhodes) còn có những người Công giáo nổi danh như Paulus Huỳnh Tịnh Của và đặc biệt nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký với 100 quyển sách xuất bản và công trình đem hột giống hoa qủa lạ từ Mã lai Penang vào Việt Nam như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, vv)(*11). Khi sống người Công giáo cộng tác xây đựng xã hội về nhiều mặt : văn hoá, học đường, bệnh viện, cứu giúp cô nhi quả phụ, già lão (*12) nhưng vẫn nhớ mình là khách kiều cư ở trên dương thế như Kinh Thánh nhắc nhở để cư xử đúng đắn (Xh 23,9) bởi vậy người Công giáo có Đức Tin không bám bíu với chốn cư ngụ trần thế mà sống sâu sắc câu "Sinh ký tử qui, sống là sống gởi, thác là về với tổ tiên". Tổ tiên của người CGVN không những là họ hàng bà con theo huyết tộc mà còn trải rộng ra với các bà con thiêng liêng, các thánh nam nữ đủ nhiều quốc tịch của trần thế đời. Về chốn "suối vàng", "tuyền đài" được người CGVN thăng hóa và nói rõ hơn là Nước Thiên đàng, nơi cực lạc của những người sống trọn kiếp người trong thánh đức và vưng phục Thiên Ý. Lối sống của Người CGVN chân chính thể hiện được sự Vượt thoát bay lên từ đất lên đến Trời của Rồng Thiêng và của Tiên giới. Chân đạp đất để vẫn cộng tác xây dựng trần thế để có chổ cư ngụ tạm xứng phẩm vị con người là tạo vật mang hình ảnh Thiên Chúa, nhưng lòng vẫn qui hướng về quê Trời là quê thật nơi đó con người được vĩnh viễn hưởng phúc trường sinh bất tử, là hướng vọng của loài người khi còn ở dương thế. Bồng lai tiên cảnh là một cảnh vực thần linh của con người hướng thượng. Lý cùng của cuộc đời được ta sống một cách có ý nghĩa nhờ Đức Tin.

Như vậy có thể nói người sống Đức Tin là người có sự hiểu biết và thực hành của thần học gia và triết gia : bởi một mặt nhận ra mạc khải của Thiên Chúa để biết rõ cội nguồn và hướng đi, mặt khác bổ túc cho sự khôn ngoan triết lý để thấu đáo về đạo làm người và lẽ sống của con người trong dương gian...

Người CGVN sống Đức Tin một cách trọn hảo phải vừa là một công dân tốt của dất nước vừa là công dân đích thực của Nước Trời. Đó là con đường Nhập thế và Xuất Thế theo gương Chúa Giêsu là Thiên Chúa Giáng Trần để đem con người về quê Trời. Để được như vậy, con người phải sống trọn Đức Tin tức là phải nên Thánh như lời dạy Phúc Âm "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48; Ga 17,19). Chung cuộc là ta trở về với tổ tiên trên Thiên quốc sau khi đã sống trọn chiều ngang dấn thân trong mọi thực tại trần thế đối nhân và chiều dọc - qui thần - qui hướng về đời sống vĩnh cửu trong một viển tượng siêu thoát và thăng lên tận trời cao..(giaoxuvn.org).

_________________________

Chú thích :

(1*) Xin xem ý nghĩa của "Tiên" của huyền sử dựng nước trong sách "Người Việt" của tác giả.

(2a*) Xin xem cách xử thế Nguyễn Trãi sau chiến thắng nhà Minh : cung cấp phương tiện lương thực đưa 10.000 binh tướng bại trận nhà Minh về nước, cách hành xử khôn khéo kiến Đại Việt tránh được nạn binh đao gần 200 năm.

(2b*) như lập đền tưởng nhớ kẻ xâm lăng Sầm nghi Đống.

(3*) xem Đại Việt sử lược nói về "Rồng vàng" xuất hiện mỗi khi có biến cố trọng đại xảy ra cho đất nước.

(4*) danh hiệu có từ thế kỷ VI tới XIX thời Minh Mạng mới bị đổi.

(5*) Văn Lang, Đại cồ Việt, Đại Việt vv xem thêm Sách Người Việt của tác giả quyển 1 do Hồng Lĩnh tái xuất bản tại California 1999.

(6*) điều nầy không có nghĩa là một số vua Việt không tránh khỏi thái độ quá thiên vị đối với một tôn giáo như các sử thần Lê văn Hưu, Ngô sĩ Liên, Ngô thì Sĩ nêu lên để phê phán một số vua Lý đối với Phật giáo, xin xem trong "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô sĩ Liên.

(7*) Xem bản phúc trình của giáo sĩ Alexandre de Rhodes gởi Propaganda Fide Roma, trong văn khố Bộ Truyền giáo tập tài liệu SOCG, quyển 193, trang 462: về con số xác thực đến đâu vẫn còn trong vòng tranh cãi.

(8*) Trong giai đoạn lịch sử triều Tiền Lê, triều Lý, ý thức về chữ "Thiên" khắc đậm trong lối đặt tên triều đại, niên hiệu, đền đài chùa, tháp (Báo Thiên) miếu, danh tánh hoàng hậu, hoàng tử, công chúa.

(*9) Xem thêm bài viết "Tháp Báo Thiên" của tác giả đăng trong tập san nghiên cứu và nghị luận "Định Hướng" số 23, mùa hè 2000 tr. 61-77) điều nầy sai lịch sử : đạo vào VN do các cha Bồ đào nha với mấu chốt 1533 (hay 1522), còn thực dân Pháp vào Việt Nam bắt đầu năm 1884, thời kỳ mà nước Pháp với khuynh hướng bài xích đạo ở chính quốc với các chính phủ thiên tả - với chủ trương bè nhiệm giới hạn ảnh hưởng của Công giáo trong các thể chế xã hội đặc biệt về mặt giáo dục học đường. Chẳng hạn dưới thời Thủ tướng Jules Ferry 1881 : 5 đại học có tầm cỡ của Công giáo Pháp bị quốc hội đổi danh gọi Đại Học Công giáo (Université catholique) thành Học Viện Công giáo (Institut Catholique). Chiến dịch bài bác công giáo, chống giáo sĩ lên cao độ khiến ĐGH Léo XIII đã phải ra thông điệp Humanum genus (1884) lên án gắt gao. Các linh mục bị bắt đi lính với khoản luật gọi là "các cha sở mang balô" (les curés sac au dos) do khoản luật 9.7.1889 dưới thời Tổng thống Sadi-Carnot. Và tháng 9, năm 1891, các Nhóm Bè nhiệm vẫn tổ chức Đại Hội của các phân Bộ mở chiến dịch chống giáo sĩ. Những luật lệ học đường "laiques" khắc khe với các học đường công giáo, tiếp theo những nghị định chống báng giáo sĩ vẫn tiếp tục áp dụng. Báo chí cũng ùa theo như tờ Le progrès lexovien tố cáo cái gọi là chủ thuyết "u tối" (obscurantisme) của Giáo Hội Công giáo. Ông Isodore Guérin, cậu ruột của thánh Têrexa Nhỏ đã phãn ảnh hiện tượng bài xích đạo nói trên và tỏ ra lập trường bảo vệ Giáo hội trong tờ báo Le Normand. Năm 1905 có luật tách biệt Giáo Hội và Nhà Nước; tiếp đến có phong trào xua đuổi các Dòng Tu ra khỏi Pháp quốc, như Dòng Oblates de St Francois de Sales chuyên lo giáo dục giới bình dân phải bị đóng cửa 23 nhà tại Pháp và nhà Mẹ phải buộc lòng di tản qua Pérouse Italia. Trong thời đại chống-giáo sĩ dữ dội, lẽ nào bên xứ thuộc địa "Indochine française" lại có sự dung dưỡng cho việc lo phát triển Đạo Chúa ?

(10*) Tài liệu sưu tra mới đây của ông Hoàng Xuân Việt, tác giả của trên 200 quyển sách. Việc tìm được 1000 danh mục có ích lợi để bổ cứu cho số ít ỏi chỉ 300 quyển ! do sưu tầm còn thiếu sót trước kia của Linh mục Thanh Lãng)

(11*) Hiện nay Cái Mơn, Lái Thiêu, Bún là những địa danh mà người Công giáo chiếm đa số, ta vẫn thấy là các giống trái cây nêu trên còn được biết đến.

(12*) Theo thống kê, trước 1975, 80% cơ sở giáo dục tu nhân nằm trong tay của Giáo Hội Công giáo.

-----------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu trích dẫn kê cứu :

- Kinh thánh trọn bộ, Cựu ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên Dịch Phụng vụ Các Giờ Kinh, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện 1998.

- Sách Người Việt của Hồng Kim Linh - Tên dân, tên nước, ngữ ảnh, ngữ ý nghĩa. Tủ sách Nghiên cứu dân tộc ngôn ngữ do Hồng Lĩnh xuất bản 1999.

- Cần tham khảo thêm để mở rộng vấn đề, đọc Văn kiện Tòa Thánh về "Thái độ của Giáo Hội đối với các tín đo các tôn giáo khác" do Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn ban hành năm1984.

- Văn kiện "Đối thoại và Rao Truyền" do Thánh Bộ truyền bá Phúc Âm và Hội đồng giáo Hoàng về đối thoại liên tôn ban hành 19.05.1991.

- "Kitôgiáo và các Tôn giáo" do Ủy ban Thần học Quốc tế 10.1996 do Hồng Y Joseph Ratzinger cho phép phổ biến.

- Tông huấn "Gíáo Hội tại Á châu" do ĐGH Giáo Phaolô II ban hành 06.08.1999.