LTS : Để hiểu rõ nhu cầu cấp bách về thiếu linh mục tại Giáo Hội Mẹ VN. Báo GXVN hân hạnh đăng bản tin tổng hợp dưới đây của Thérèse Trinh. Từ đây, xin gia tăng cầu nguyện và giúp đỡ phương tiện đào tạo ơn gọi.

Theo niên giám 2001 của Giáo Hội Công Giáo VN : Việt Nam có diện tích : 334.781,9 km2; dân số : 81.176.524; Giáo dân : 5.503.445; Giáo Xứ : 2.027; Giáo lý viên : 44.998; Linh mục triều : 2.035; Linh mục dòng : 373; Nam tu sỹ : 1.523; nữ tu : 9.624; Đại chủng sinh : 1.198. Như vậy, trung bình mỗi linh mục triều coi sóc 2600 giáo dân.

Số tân linh mục trong hai năm gần đây :

. Ngày 04-12-2000,Thái Bình có 8 tân linh mục. Từ 1990 đến 2001, Thái Bình có 14 cha mới, kể cả 8 vị chịu chức đợt này. Sau lễ truyền chức này, một cụ già 80 tuổi cho rằng ‘‘đây là biến cố lớn’’, chưa từng thấy trong đời cụ. Vào thập niên 60, truyền chức linh mục thường diễn ra trong bí mật. Giáo dân không được thông báo. Được biết hiện nay, Thái Bình có 40 linh mục hoạt động trong 64 giáo xứ, và khoảng 400 họ lẻ. Thái Bình còn có Dòng Nữ Đa Minh và Mến Thánh Giá, được 70 chị. Nhưng chính quyền không thừa nhận các hoạt động của các chị trong giáo xứ. (DCÂC. Số 231, 01-2001)

. Ngày 20-11-2000, giáo phận Hưng Hóa trống ngôi vui mừng vì có được một tân linh mục người Mường, do ĐHY Phạm Đình Tụng truyền chức tại chủng viện Hà Nội. Cha mới tên là Michael Trần Văn Thìn. Giáo dân Mường thuộc giáo xứ hẻo lánh, đồi núi, miền bắc, mong mỏi đã từ 40 năm không có linh mục coi sóc. Cha mới sinh tại Yên Bái, sẽ về coi xứ Đồng Lữ, tỉnh Yên Bái. Giáo phận Hưng Hóa có 19 linh mục, 97 nữ tu, 37 đại chủng sinh và 130 ứng sinh. Và 191.245 giáo dân, trong đó có 7000 người Mường và 2/3 giáo xứ không có linh mục. Ông Phêrô Phùng A thổ lộ về có linh mục đến giáo xứ Mường : Dân tộc Mường Công giáo quá đỗi vui mừng vì một linh mục được gửi về đây đầu tiên, kể từ khi vị linh mục cuối cùng ở xứ này bị bắt đi vào năm 1963.

. Ngày 21-03-2002, cũng tại Hưng Hóa, trong thánh lễ ngoài trời, ĐHY Phạm Đình Tụng đã chủ sự lễ phong chức cho 7 linh mục, với khoảng 10.000 tham dự, có người xa cả 100 cây số cũng về, ăn ngủ ngoài trời. Đây là lần được đông linh muc mới, trong vòng 65 năm qua. Cha Nguyễn Thái Sơn giám quản giáo phận nói : Lễ thụ phong là bước quanh trọng đại trong lịch sử huấn luyện và phát triển giáo phận. Đây là lần thứ 2 kể từ 1937, giáo phận có lễ thụ phong đông đến 7 linh mục. Nhiều linh mục nghĩ rằng, trung bình mỗi năm có được 7, hay 10 linh mục mới, giáo phận sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt linh mục. Nhưng thật khó khăn để chính quyền thừa nhận cho phép thụ phong. Nhiều vị nhận được giấy chấp thuận chỉ vài ngày trước lễ thụ phong. Từ 1954, giáo phận lâm vào tình trạng thiếu linh mục trầm trọng. Tới 70% giáo dân chỉ có thể tham dự thánh lễ và rước lễ 2 hay 3 lần trong một năm. Giáo phận Hưng Hóa trải rộng trên 9 tỉnh, chỉ 25 linh mục kể cả 7 cha mới. (DCÂC. Số 235. 5-2002, tr. 11)

. Ngày 11-04-2002, thứ Năm Tuần Thánh, Đức Cha Nguyễn Minh Nhật đã truyền chức cho 24 tân linh mục. Trong có 1 cha Dòng Chúa Cứu Thế. (Bđd)

. Ngày 29-06-2002, Giáo phận Mỹ Tho có 11 thày Sáu được lãnh chức linh mục. Nâng số linh mục của Mỹ Tho lên 87 vị. Trong đó có 7 vị già yếu. Các tân linh mục này đã mãn chủng viện một năm, trước khi chịu chức đã đi thực tập tại các xứ.

. Ngày 17-10-2002, Đức Cha Trần Đình Tứ, giám mục giáo phận Phú Cường đã truyền chức cho 3 tân linh mục. Ba cha đều đã lớn tuổi và kiên trì chờ đợi lâu năm với bao khó khăn thử thách.

. Ngày 18-10-2002, tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế, có 9 thày thuộc 6 Dòng tu chịu chức linh mục do Đức TGM Phạm Minh Mẫn đặt tay. Dòng Biển Đức, Chúa Cứu Thế, Thánh Thể, mỗi dòng có 2 tân linh mục. Dòng Đa Minh, Don Bosco, Xitô Phước Sơn, mỗi dòng có một tân chức. (DCÂC. số 241, 11-2002, tr. 9)

. Ngày 03-12-2002, giáo phận Huế có 9 tân linh mục. Huế có 105 linh mục phục vụ trong hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Nhưng việc phân phối không đồng đều. Riêng ở Quảng Trị chỉ có 10 linh mục thôi. (DCÂC. Số 243, 1-2003, tr. 14)

. Ngày 19-12-2001, Đức Cha Huỳnh Văn Nghi đã phong chức linh mục cho 3 thày thuộc Đan viện Xitô Thánh Mẫu Bình Thủy. Ba tân chức đã 66 tuổi, 48 tuổi và 42 tuổi (DCÂC. Số 232. 2-2002, tr. 14)

Và ngày 06-12-2002, Đức Cha đã truyền chức cho 5 tân linh mục thuộc giáo phận Phan Thiết. (DCÂC. Số 243. 1-2003, tr. 14)

. Ngày 17-12-2002, Đức Cha Ngô Quang Kiệt đã truyền chức cho 2 tân linh mục, tại nhà thờ Lạng sơn. Cha Nguyễn Văn Chung 37 tuổi và cha Nguyễn Quang Huy 35 tuổi. Thân mẫụ của cha Chung là người Nùng, thân phụ là người kinh. Trong giảng lễ, Đức Cha Kiệt nói : Thiên Chúa đã ứng nhận lời nguyện của đoàn con nhỏ bé tại phương xa này trong đất nước. Hai tân chức sẽ phục vụ trong 6 xứ không có linh mục. Đây là buổi lễ truyền chức công khai sau 54 năm tại đây, kể từ khi Đức Cha Phạm Văn Dụ truyền chức cho một thày vào năm 1948. Năm 1989, Đức Cha đã truyền chức chui cho cha Nguyễn Phúc Hạnh, mãi tới năm 2001, cha Hạnh mới được công nhận. Lạng Sơn có 6 linh mục, Cha Hạnh và 2 cha mới có giấy thường trú, còn 3 cha từ miền nam ra chỉ có giấy tạ trú. Lạng Sơn có 16 xứ, với 5.670 giáo dân, đa số là người Tày và Nùng, sống rải rác tại Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Giang, biên giới Trung Quốc. (DCÂC. Số 244. 2-2003, tr. 11)

. Mới nhất, ngày 02-03-2003, Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến đã truyền chức linh mục cho 8 thày. Kể cả 8 cha mới này, Bắc Ninh có tất cả 25 cha, trong đó gồm các cha chưa được chính quyền công nhận. Bắc Ninh là giáo phận đất rộng đông người, có 120.000 giáo dân, sống rải rác trong trọn vẹn ở 5 tỉnh và 7 tỉnh chung quanh. Năm 1996, Bắc Ninh có 6 cha mới. Hiện nay, Bắc Ninh còn một số thỉnh sinh linh mục lớn tuổi, ít hy vọng có ngày được tiến chức. Đang trong chương trình đào tạo, giáo phận có 18 chủng sinh, đang học, học xong hay đi thử, cộng với 50 ứng sinh chờ đợi vào chủng viện.

Tinh thần đức tin của giáo dân miền bắc VN.

Các gia đình Công giáo sống tại miền núi hẻo lánh, rất ít linh mục đến được. Họ đã học hỏi và duy trì đức tin bằng cách thường xuyên nghe đài chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Veritas, và Vatican. Một giáo dân Mường ở họ Bản Mụ, nơi chỉ có thánh lễ một năm một lần, cho biết, đài Veritas là phương tiện duy nhất giúp 100 gia đình làng này giữ vững đức tin theo Thiên Chúa và hiệp thông với Giáo Hội, mặc dầu trải qua nhiều thử thách. Người Mường khi ra đồng mang theo radio và chương trình phát thanh công giáo. Một nữ tu cho biết, giáo dân ở Hưng Hóa, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phát Diệm thường nghe chương trình đài Veritas và Vatican. Đài Vatican khó điều chỉnh hơn. (DCÂC. Số 236, 06- 2002, tr. 11)

Mong đợi và hy vọng

Qua phần tin tức về số lượng tân linh mục tại VN trong thời gian qua, một số giáo phận chưa biết được số lượng. Thì trung bình mỗi năm cả nước có được 40 linh mục mới. Nhưng không phải giáo phận nào cũng có lễ truyền chức linh mục. Có nơi có, có nơi không. Có nơi 4, hay 5 năm mới có một đợt. Chúng ta có 25 giáo phận. Như vậy, quân bình một năm mỗi giáo phận chưa được 2 linh mục mới. Trong khi đó số tân tòng gia tăng, nhu cầu mục vụ ngày càng phức tạp. Một linh mục trẻ mới ra trường đã làm nhiệm vụ chính xứ luôn. Một vị coi sóc nhiều xứ, lại xa nhau, và phương tiện đi lại khó khăn. Công việc mục vụ chỉ được phép thực hiện trong nhà thờ.

Từng hai năm, mỗi giáo phận được phép giới thiệu ứng tu vào chủng viện. Được vào hay không, còn tùy thuộc hồ sơ lý lịch công dân. Chưa được vào chủng viện, nhiều ứng sinh kiên tâm chờ đợi. Nhưng không biết đến bao giờ. Hồ sơ vào học khác, ra trường khác. Hiện nay, tại VN còn một số thày tu từ 1975, vẫn âm thầm tu tại gia, chờ đợi thật mỏng manh.

Khó khăn về phương tiện vật chất giáo dục đào tạo chủng sinh cũng cần nói ra đây. Như nhà cửa, bàn ghế, vật dụng không có gì là tiện nghi. Trong thời thụ huấn, kéo dài 7 năm, về thể dục thể thao rất hạn chế, sân trường hạn hẹp. Chủng viện lo dạy và lo ăn đã quá sức. Một cha giáo phải dạy nhiều nơi, kiêm cả việc của tòa giám mục. Sách vở cho thày đã hiếm, phương chi cho trò. Mỗi chủng sinh được nuôi ăn bằng 3 đôla, một ngày ba bữa.

Tới đây xin ghi lại một đoạn trong sứ điệp của ĐGH Gioan Phalo II, trên đường về sau chuyến viếng thăm Đại Hàn, Papua Tân Guinée và vùng đảo Salomon, trên máy bay gần vùng trời VN, ngày 10-05-1984, để chúng ta cùng Ngài đặt hết hy vọng vào Thiên Chúa quan phòng, ngay cho cả vấn để Yểm Trợ Ơn Gọi cho Giáo Hội VN, dù gặp khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua, nếu có sự cộng tác của từng giáo dân.

« Anh chị em công giáo thân mến, bây giờ tôi xin được ngỏ lời với anh chị em. Ngay từ những thời đầu, lúc khởi sự công cuộc rao giảng Tin Mừng tại VN, anh chị em đã tỏ ra là những cộng đoàn sinh động, giàu đức tin, đức tin của toàn Giáo Hội nhưng lại được tiếp nhận trọn vẹn nhờ sức năng kỳ tài của nền văn hóa dân Vịệt anh chị em. Anh chị em đã tỏ ra là những cộng đoàn sốt sắng cầu nguyện cũng như quảng đại trong tình bác ái, rộng mở đối với mọi người... Tôi cầu xin cho anh chị em luôn được có những điều kiện cụ thể cần thiết để tuyên xưng và sống lòng tin của mình. Đảm bảo cho có các điều kiện như thế là điều làm vinh dự cho một đất nước, là bằng chứng cho thấy lòng ưu tư của đất nước đó đối với công bằng, và là yếu tố thuận lợi giúp cho các giá trị tinh thần rất cần cho sự phát triển của đất nước được thể hiện tốt đẹp.

Toàn thể Giáo Hội đang đưa mắt chăm nhìn về anh chị em, ở giữa lòng Giáo Hội anh chị em đang giữ một chỗ đặc tuyến. Giáo Hội tự hào về anh chị em, vì biết rõ anh chị em đang sống mạnh lòng tin Kitô cũng như biết anh chị em đang chân thành thiết tha yêu mến quốc gia dân tộc mình... Giáo Hội cũng sẵn sang khuyến khích các tổ chức công giáo và các cơ quan quốc tế trợ giúp những cố gắng của anh em bằng một sự nâng đỡ vô vị lợi ». (Giaoxuvn.org)