Biến cố lịch sử tháng Tư 1975 đối với mọi người Việt có một ý nghĩa khác nhau. Riêng đối với tôi thì đó là ‘‘Chương Trình của Chúa’’ dành cho tôi. Vì trước 75 tôi là một quân nhân trong binh chủng pháo binh. Tuy là quân nhân nhưng tôi đã dùng những giờ nghỉ để làm công tác tông đồ. Vào những ngày cuối tháng Tư, thấy tình hình càng trở nên gây cấn, tôi đã thường xuyên về thăm gia đình vào những ngày cuối tuần, với hy vọng nếu có gi xảy ra thì gia đình cùng sống chết với nhau.

Gia đình tôi sống tại Biên Hòa. Nhưng chúng tôi chạy về Sàigòn ngày 28-4-1975. Sáng 30-4, chúng tôi tìm đường về Miền Tây. Các ngả đường đều bị đóng. Tình cờ chúng tôi đến trước cổng Hải Quân Công Xưởng và cũng chính lúc tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Toàn thân tôi bủn rủn. Trong lúc quá thất vọng, tôi buông lời nguyện than: ‘‘Lạy Chúa, Chúa đã bỏ chúng con rồi sao ?’’

Đầu rối như tơ vò. Bây giờ phải làm gì ? Về nhà hay đi đâu ? Những anh lính hải quân buông súng rời trại. Trông họ thật thảm bại. Nhưng có lẽ tôi còn thảm hại hơn. Trong đám những anh Hải Quân đó, tình cờ có một người đã nhận ra tôi. Vì chúng tôi cùng học Trung học với nhau. Anh đưa gia đình chúng tôi lên chiếc tàu 402, đã bị hư. Có nhiều anh em đang sửa. Xin cám ơn những anh em đã sửa chữa cũng như điều khiển chếc tàu này. Chiều hôm đó, chiếc tàu nhổ neo mang theo mấy ngàn người từ từ rời bến, trực chỉ ra biển. Tàu gặp nhiều trở ngại, nước vào phải tát nước bằng tay suốt đêm. Vất vả lắm tàu mới ra tới hải phận quốc tế vào sáng hôm sau.

Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra sự an bài của Chúa cho mỗi người. Vì với tôi, không có một đồng xu nào dính túi. Không cậy nhờ người quen biết đưa đường, mà cả gia đình đến Hoa Kỳ bình an. Thật vậy, việc Chúa làm sức con người không thể hiểu được.

Sau khi di chuyển qua nhiều tiểu bang khác nhau. Chúng tôi đã tạm ổn định tại tiểu bang Texas. Mặc dù phải vật lộn với xã hội mới. Chúng tôi cũng cố gắng đi dâng lễ mỗi ngày để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Tôi cũng đã dành nhiều giờ để trau dồi sinh ngữ và cố gắng xin vào đại học để mong rằng sau này công việc làm ăn sẽ khá hơn. Cũng chính trong thời gian này, linh mục chính xứ đã để ý tới tôi và muốn tôi theo khóa học đào tạo Phó Tế Vĩnh Viễn. Thực sự mà nói tôi chẳng hiểu Phó Tế Vĩnh Viễn là gì cả. Hơn nữa vấn đề sinh ngữ là một trở ngại lớn. Nên tôi ngần ngại, từ chối mấy lần. Sau cùng, việc phải đến đã đến. Cha xứ liên lạc với giáo phận và đơn đã gửi thẳng về nhà tôi. Suy nghĩ và cầu nguyện. Bàn thảo với gia đình. Tôi điền đơn và gửi đi, phó mặc cho Chúa.

Khi tôi vừa ra trường thì cũng lúc nhận được thư của Giáo Phận thông báo cho tôi biết được chấp thuận vào khóa học đào tạo Phó Tế Vĩnh Viễn. Kèm theo là chương trình, các buổi họp và thời khóa biểu cho năm học. Đầu óc tôi bây giờ là kiếm việc làm để nuôi gia đình. Vì trong mấy năm đi học gia đình sống rất chật hẹp. Có lúc gần như thiếu ăn. Năm người con ăn như tằm ăn dâu. Trong ba tháng đầu, tôi xin các anh em trong lớp cầu nguyện để tôi kiếm được việc. Và làm cho tới nay đã được 19 năm. Trong suốt bốn năm học, nhiều lần tôi nói với vợ tôi là không biết có theo nổi không, vì không những thời gian tới lớp học, mà tôi còn phải đi làm nữa. Nhưng chúng tôi hoàn toàn giao phó cho Chúa và Đức Mẹ. Chúng tôi cố gắng theo khả năng của mình. Sau bốn năm vật lộn với sách đèn, tôi đã lãnh nhận chức Phó Tế Vĩnh Viễn ngày 15-8-1987.

Xưng hô như thế nào đây ? Vì danh xưng theo tiếng La Tinh, Mỹ, Pháp... là Deacon, dịch từ tiếng Hy Lạp Diakonia, có nghĩa là Phục Vụ, như thế dịch ra tiếng Việt là gì ? Đã 16 năm rồi câu hỏi này được lặp đi lặp lại nhưng chưa được trả lời. Thật đúng vậy, vì làm sao dám xưng mình là thày. Tuy rằng có nhiều kiểu thày, như thày tu, thày giáo, thày bói, thày lang... Nhưng tôi không thuộc vào loại thày nào. Như vậy, danh từ thày Sáu không hẳn là đúng ? Cụ Sáu nghe cũng tạm được. Nhưng có ai gọi Linh mục là Cụ Bảy đâu? Phó Tế, danh từ này chỉ đúng khi giữ nhiệm vụ trong Thánh Lễ mà thôi (phụ cho Chủ Tế). Còn ngoài Thánh Lễ, thì không phải là Phó Tế. Hy vọng trong tương lai sẽ có vị nào tìm được danh xưng cho đúng để dễ xưng hô.

Đối với gia đinh? Tu thân rồi mới tề gia. Người Phó Tế Vĩnh Viễn không những phải lo tu thân sửa tánh để sống xứng đáng với ơn gọi, mà còn lo cho các phần tử trong gia đình mình nữa. Vì những người cần phục vụ trước là những người trong gia đình. Do đó, tôi mất nhiều thời giờ để giải thích cũng như giáo dục các con trong gia đình sống xứng hợp với cương vị.

Đối với bạn bè. Khi tôi lãnh nhận chức Thánh, tôi đã mất nhiều bạn bè. Vì nhiều người nghĩ rằng tôi sắp thành thánh. Nên họ không đến gần. Hoặc sợ đến gần tôi, lại đem đạo ra nói. Đây cũng là vấn đề để tôi cần suy nghĩ. Vì từ một giáo dân được nhắc lên hàng giáo sỹ. Nhưng trên thực tế tôi vẫn là tôi của ngày nào, vẫn làm nuôi gia đình. Sống như mọi người. Chỉ khác là có cơ hội phục vụ anh chị em.

Tóm lại, tôi luôn cảm tạ Chúa. Vì Chúa đã thương phận hèn của tôi. Nếu tôi không đáp lại lời mời gọi của Ngài, thì giờ này tôi đã như thế nào? Cuộc đời của tôi trôi giạt về đâu? Lý tưởng cuộc sống của tôi là gì?

Nếu qúi vị nào còn đang phân vân, ngần ngại. Hãy can đảm mạnh dạn đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở thành Phó Tế, Tông Đồ, những thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo.(Giaoxuvn.org)