Tín ngưỡng thờ cúng các danh nhân và anh hùng dân tộc của người Việt Nam ngày trước (bài 1)

LTS: Sự thờ cúng các vị thần linh là một tín ngưỡng rất phổ biến trong dân gian Việt Nam. Trong khi đó, người Công Giáo lại có một sự hiểu biết rất hạn chế về vấn đề này nên trong quá khứ đã nảy sinh tâm thức và thái độ không mấy thích hợp cho việc đối thoại liên tôn. Ông Trần Vinh, cộng tác viên VietCatholic, đã đào sâu vấn đề này bằng cách trả lời hai câu hỏi cốt lõi: (1) Tại sao người Việt Nam thờ cúng các danh nhân, anh hùng? (2). Trong thực hành, người Việt đã thờ cúng các danh nhân, anh hùng như thế nào?

Một trong những đặc điểm văn hóa của người Việt Nam là lòng tín mộ. Có thể nói, từ ngàn xưa, người Việt Nam nào cũng có đối tượng niềm tin riêng và thực hành niềm tin ấy bằng sự thờ cúng một cách nào đó. Ý niệm vô thần chỉ mới xuất hiện sau này cùng với sự du nhập tư tưởng Âu Tây và lí thuyết Cộng Sản.

Lòng tín mộ ấy biểu hiện rõ ràng một phần do việc, qua các thời kì lịch sử, người Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận các nền đạo học và các tôn giáo truyền từ nước ngoài vào nước ta, như: Khổng - Mạnh, Lão-Trang, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, v.v., hoặc là đã thành tâm tin theo Cao Đài giáo và Phật giáo Hòa hảo mới được sáng lập sau này.

Song sự biểu hiện lòng tín mộ quan trọng nhất lại chính là các tín ngưỡng đầy tính dân gian và tính phổ biến của riêng người Việt Nam. Đó là sự thờ cúng các vị thần linh.

Bàn về thời điểm xuất hiện và các đối tượng sùng mộ của các tín ngưỡng nơi người Việt Nam, học giả Đào Duy Anh đã viết: ‘... ta có thể đoán rằng tổ tiên ta ở đời thượng cổ tín ngưỡng một thứ tự nhiên đa thần giáo, tin rằng phàm các hiện tượng và thế lực tự nhiên ở trong vũ trụ, như trời đất, mưa gió, núi sông, đều có thần linh chủ trương. Có lẽ người ta tưởng rằng linh hồn người chết thường đi lại với người sống... Những tín ngưỡng ấy về sau chịu ảnh hưởng của những điều tín ngưỡng qủy thần của Trung quốc mà thành nguồn gốc tôn giáo của nước ta’ (1).

Một tác giả Tây phương, Linh mục Léopold Cadière cũng đưa ra kết luận cho công trình nghiên cứu về các tín ngưỡng của người Việt Nam như sau: ‘Đến đây, ta thử xác định xem tôn giáo của người Việt Nam là gì. Có hai tôn giáo chính, (một) là tôn giáo thờ thần, tôn giáo này có hai đối tượng vì sự thờ cúng có thể hướng về các lực lượng thiên nhiên được ngôi vị hóa, và có thể hướng về những linh hồn người chết mà tôi hiểu đó là đó là sự thờ cúng các anh hùng, các vong hồn và tổ tiên. Tôn giáo này có hai cách thực hành, tùy theo sự thờ cúng có tính cách tôn giáo thì gọi là Khổng giáo hoặc có tính cách ma thuật thì gọi là Lão giáo. Bên cạnh tôn giáo chính này, có một tôn giáo thứ hai, đó là Phật giáo’ (2).

Nhân vì Léopold Cadière nói tới tính cách ma thuật của Lão giáo, chúng tôi xin ghi chú ngay rằng: Lão giáo chính thống với thuyết vô vi là một hệ thống tư tưởng trừu tượng, siêu việt đã từng được bách gia chư tử noi theo, ở nước ta chỉ có một thành phần ưu tú nào đó mới có thể lãnh hội được. Đối với quần chúng, Lão giáo thật sự đã biến thành hình thức ‘đạo tiên’, tức tu tiên, muốn trở nên trường sinh bất tử, hoặc là những hình thức có tính cách ma thuật như: phù thủy, bùa phép, lên đồng, cầu đảo, cầu hồn, trấn ếm tà ma, xiên lình, thắt cổ, khía lưỡi, v.v..

Như thế, đến đây đã mở ra một lãnh vực nghiên cứu khá rộng rãi. Trong bài viết này, chúng tôi xin hạn chế chỉ trình bày về tín ngưỡng thờ cúng các danh nhân và anh hùng của người Việt Nam. Các vị ấy khi sống đã là những người con ưu việt của đất nước, khi chết đi đã được hậu thế nhớ ơn, tin tưởng là đặc biệt linh thiêng và tôn là thần là thánh và thành tâm thực hành việc thờ cúng.

I. TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NAM THỜ CÚNG CÁC DANH NHÂN, ANH HÙNG?

Có ba nguyên do: một là vì người Việt Nam tin vào linh hồn thuyết, hai là vì lòng nhớ ơn công lao hiển hách của các vị, ba là vì muốn noi gương các đức tính đặc biệt của các vị ấy.

Sự thờ cúng các danh nhân và anh hùng là một trong ba sự thờ cúng các nhân thần, vì thế sự thờ cúng này sẽ có chung nguyên do thứ nhất (tin vào linh hồn thuyết) với sự thờ cúng tổ tiên và sự thờ cúng các vong hồn, đồng thời có nguyên do thứ hai (nhớ công ơn của các vị) tuơng tự sự thờ cúng tổ tiên.

1. Vì người Việt Nam tin vào linh hồn thuyết

Theo thuyết này, người ta cho rằng ‘sự sống là hậu quả của một sự hợp nhất...của hồn và phách (vía), và cuộc sống sẽ kéo dài bao lâu hai nguyên lí này còn hợp nhất, sự phân li dẫn tới cái chết. Ngay lúc phân li, hồn cao hơn, hồn khí hay khí nóng, bay lên không gian và trở về trời, nơi từ đó nó đã đến. Do đó, sức nóng phát sinh sự sống rời bỏ các phần thân thể từ từ theo mức độ không cảm thấy được, đó chính là hồn bên trong, còn hình phách trở về với đất, nguồn gốc của nó.

Trong mỗi cuộc lễ tôn kính những nguời đã chết hay các thần linh nói chung, chính y niệm về các hồn đã giải thích nghi thức đốt những que hương và đổ rượu xuống đất. Khói của hương bay lên tới các hồn trong không gian đã mời các hồn ngự xuống trên bàn thờ. Trái lại, đã chạm tới phách ở dưới đất, khi đọc xong lời nguyện, vị chủ lễ lại đổ một chút rượu xuống đất và chạm tới các phách... Từ điều nói trên, xem ra nơi những kẻ chết, các hồn và các phách hiện diện phân rẽ, các hồn có đời sống trên không khí và các phách thì sống trong lòng đất’ (3).

Người Việt Nam chẳng những tin linh hồn trường tồn, mà còn tin các linh hồn khi lìa xác vẫn còn tiếp tục lui tới với người sống và hòa mình vào tất cả các hoạt động để phụ giúp hay đối nghịch lại. Linh hồn kẻ chết vẫn còn tiếp tục chịu số phận y hệt khi còn sống, vẫn có điều kiện xã hội như thế, vẫn có những nhu cầu như thế. Nếu mộ phần của họ được tôn kính và được săn sóc cẩn thận, nếu họ được cúng kiến trong các kì lễ với những lễ vật như rượu, cơm, trái cây hoặc vật dụng tượng trưng bằng giấy như ngựa, xe, nhà, thuyền, y phục, người hầu, v.v., (những vật dụng này sẽ được gửi cho các hồn bằng cách hỏa thiêu sau khi cúng lễ) thì khi nhận được lễ vật, các hồn sẽ sung sướng, sẽ có thiện cảm với người dâng cúng và đáp lại lòng tôn kính ấy bằng cách ban những ân huệ.

Như thế, mối cảm thông giữa kẻ chết và người sống đã được thành lập thật sự. Song nếu kẻ chết không được chôn cất, không có mộ phần, dường như là bị bỏ rơi và khổ sở, họ sẽ trở nên đáng sợ. Họ là những cô hồn hoặc ma quỷ luôn luôn tìm cách làm khổ người ta. Vì vậy, do sự sợ hãi và do lòng thương xót mà người ta lập nên những bàn thờ thô sơ để thờ kính những linh hồn xấu số đó. Nơi một số gia đình, mỗi buổi sáng thức dậy, ra mở cửa, người ta tung ra trước nhà một nắm gạo, mong làm vui lòng các cô hồn.

Chính niềm tin con người ta có linh hồn và linh hồn trường tồn sau khi chết, linh hồn vẫn phảng phất đâu đây, vẫn giao cảm cùng cõi nhân sinh, đã khiến cho người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các danh nhân, anh hùng và thờ cúng các vong hồn.

2. Vì lòng nhớ ơn công lao hiển hách của các danh nhân, anh hùng

Trong phạm vi gia đình, người Việt Nam thường giữ đạo hiếu. Theo đạo hiếu, con cháu nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cho nên hết lòng phụng dưỡng khi các ngài còn sống; khi các ngài khuất núi, trong niềm tin hương hồn các ngài vẫn hiện diện gần gũi đâu đây trong cõi vô hình thì con cháu cúng giỗ để tưởng nhớ các ngài đồng thời dâng hiến những lễ vật để các ngài hưởng dùng.

Cũng tương tự, trong phạm vi làng xã hay quốc gia, thường hay xuất hiện những danh nhân, anh hùng. Các ngài là những vĩ nhân, những công dân kiệt xuất bởi công lao to lớn đối với làng xã, đối với đất nước. Do đó, khi chết đi, các ngài được dân chúng tin tưởng là đặc biệt anh linh và tôn lên làm thần. Trong số đó, có những vị được chính thức công nhận bởi các chức sắc của làng xã, có những vị được nhà vua ban sắc phong.

Việc thờ cúng các danh nhân, anh hùng chẳng những do lòng biết ơn các ngài mà còn do thành tâm cầu xin các ngài phù giúp dân làng hoặc xin các ngài tiếp tục góp công bảo vệ đất nước.

3. Vì muốn noi gương các đức tính đặc biệt của các ngài

Lí do thứ ba khiến cho người Việt Nam thờ cúng các danh nhân, anh hùng chính là lòng cảm phục các đức tính đặc biệt của các ngài và mong muốn noi gương các ngài. Đó cũng là nhận định của giáo sư Lê Hữu Mục trong phần Dẫn nhập bản dịch cuốn Việt Định U Linh Tập của ông: ‘Theo tác giả (tức Lí Tế Xuyên)) thì thần thánh có ai là xa lạ đâu. Đó là những người trần mắt thịt như tất cả chúng ta, chỉ khác một điều là các người ấy đã sống một đời sống siêu phàm, trong sự cần lao cam khổ, trong sự phục vụ tích cực, trong nỗ lực chống lại sự quyến rũ của vật chất; thần thánh là những người đã sống hết tất cả kích thước của người, tận cùng biên giới nhân loại. Đến trình độ ấy, giá trị của con người tự nhiên được gia tăng, con người có thể tham dự vào đời sống linh thiêng để tiếp tục quảng bố ơn cương thường như trước, đến giai đoạn này, các vị anh hùng xứng đáng được lòng ngưỡng mộ sùng kính của nhân dân. Việc có đền miếu phụng tự trở thành một điều kiện phải có. Ta không lạ gì khi thấy có nhiều vị thần hiển linh như muốn được hưởng tế tự lâu dài... Thần thánh là kiểu mẫu lí tưởng của nhân dân, họ cần được sự phù trợ của thần, nhưng hơn hết tất cả, họ mong muốn được nên giống như thần thánh, có can đảm chống lại dục vọng của họ để đi lên cao hơn’ (4).Với lí do thứ ba này, ta có thể nói sự thờ cúng các danh nhân, anh hùng còn mang tính giáo dục.

Ba nguyên do kể trên có tính cách rất tích cực, tuy nhiên, thành thực mà nói,, nơi một số ít thiện nam tín nữ, đã có những động lực mang tính tiêu cực, song hết sức thực tiễn, đã xui khiến họ thực hành việc thờ cúng với bất cứ vị nào được coi là thần là thánh hoặc là cô hồn vì y đồ muốn ‘lo lót’ các vị ấy để cầu phúc và để tránh tai họa hoặc để cậy nhờ thế lực của các vị ấy hầu ngăn ngừa tà ma, yêu quái. (Còn tiếp)

Ngày mai: Trong thực hành, người Việt Nam đã thờ cúng các danh nhân, anh hùng như thế nào ?

vinh45tran@yahoo.com