HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT VÀ NGÔN NGỮ

Cách đây 10 năm (25.1.1994), Huấn Thị Thứ Ba ra đời. Huấn thị này lấy lại tư tưởng trong Hiến chế Phụng vu từ số 37-40 để bàn giải sâu rộng hơn về vấn đề hội nhập văn hóa. Hội nhập văn hóa là vấn đề có liên hệ đến việc truyền giáo. Theo ĐGH Gio-an Phao-lô II, hội nhập là đem Tin Mừng vào nền văn hóa bản địa, rồi khi Tin Mừng đã nên nhuần nhuyễn trong nền văn hóa đó thì đưa cái nhuần nhuyễn ấy vào trong cách diễn tả đạo lý của Hội thánh, khiến cho Tin Mừng không còn xa lạ nữa mà dã hội nhập. ĐGH dùng hai từ cô đọng quen thuộc để diễn tả ý tường này, đó là inductio (đưa vào) và deductio (lấy ra). Au châu đã phải mất nhiều thế kỷ mới hội nhập được Ki-tô giáo vào trong các nền văn hóa của họ, cũng như Phật giáo tại các nước châu Á, Hồi giáo tại các nước châu Phi, An độ, Pakistan, Malaysia, Indonesia.

Truyền giáo trong thời đại chúng ta vẫn là vấn đề bức thiết. Hội thánh có bổn phận rao giảng Lời Chúa và không ngớt loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Đó là lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi về Trời : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 18-19)

Từ khi nhận được lệnh truyền này, Hội thánh đã luôn luôn tuân hành, trải qua các thời đại, dưới nhiều hình thức khác nhau. Công cuộc truyền giáo của Hội thánh đã ghi được những trang sử vẻ vang, tuy bên cạnh cũng xen vào một vài bóng tối, như vụ ngăn cản không cho áp dụng một ít nghi thức phụng vụ theo cung cách Trung hoa (thế kỷ XVI), mà sử sách gọi là Cuộc tranh cãi về vấn đề nghi thức Trung hoa, một vài lối hành xử không mấy tốt đẹp đối với người địa phương bên Nam Mỹ thời Conquistadores của Tây ban nha (cũng thế kỷ XVI). Tuy nhiên, vẫn phải công nhận rằng công cuộc truyền giáo của Hội thánh là một sự nghiệp lớn lao, nhờ trước hết là ơn Chúa, sau là lòng tận tâm vô bờ bến và sự can đảm phi thường của các nhà truyền giáo, như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, cha Matteo Ricci, cha Bartolomeo de las Casas, cha Alexandre de Rhodes, cha Vincent Lebbe v.v…

Vấn đề hội nhập văn hóa ngày nay được nói đến nhiều, nhưng không phải mãi tới bây giờ Hội thánh ở các nơi mới hội nhập, mà ngay từ đầu đã hội nhập rồi. Mấy trăm năm đầu tiên, Hội thánh không có nhà thờ. Nhưng từ khi Hoàng đế Constantinus và Hoàng hậu Helena vào đạo năm 319, các nhà thờ bắt đầu được xây dựng. Người công giáo mô phỏng các đình của người Roma, xây dựng lên các đại giáo đường (gọi là basilica) như đền Đức Bà Cả, đền thờ La-tê-ra-nô hiện nay. Trong ngôn ngữ cũng thế. Ban đầu Evangelion là từ đời, chỉ một tin vui của nhà vua, như tin thắng trận, tin hoàng tử hay công chúa chào đời trong hoàng gia v.v… Sau đó, từ này được dùng để chỉ Phúc âm hay Tin Mừng Chúa Giê-su như chúng ta dùng ngày nay.

Theo sau nền văn chương cổ điển tuyệt vời thời Cicero, Caesar là nền văn học la-tinh Ki-tô giáo ttrong những thế kỷ đầu. Ớ Việt nam cũng vậy. Ngay từ khi đạo Chúa được truyền vào, các nhà truyền giáo đã học tiếng Việt, viết và dịch sách kinh bổn sang chữ nôm, rồi lại chuyển chữ nôm sang mẫu tự la-tinh để lập ra chữ quốc ngữ ngày nay. Về chữ nôm thì có những sách như Tuồng vua Đa-vít, chuyện ông thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê; về chữ quốc ngữ thì có sách Phép giảng tám ngày của cha Alexandre de Rhodes, tư điển Majorica, tự điển d’Adran, tự điển Taberd v.v…

Đó là nói về chữ viết. Còn nói về kiến trúc thì phải kể nhà thờ Phát Diệm và nhiều nhà thờ cổ rất đẹp, mang phong cách Á đông và Việt Nam tại miền Bắc, đặc biệt là vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình. Nhưng đáng tiếc thay, một số nhà thờ đó nay đã bị phá đi để thay thế bằng những nhà thờ mới. kém giá trị nghệ thuật và có khi phản nghệ thuật nữa, vì những nghịch lý trong kiến trúc và cách điều hòa mầu sắc cũng như phối hợp ánh sáng.



Kiến trúc quần thể Nhà Thờ Phát Diệm


Về hội hoạ thì ngay từ năm 1941, đã có bức tranh sơn mài Giáng sinh của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn gia Trí, hiện đặt ở nhà thờ Mai Khôi số 44 đường Tú Xưong, quận 3, thành phố Hồ chí Minh. Tác giả không phải là người công giáo, nhưng đã diễn tả được một cách tài tình mầu nhiệm Giáng sinh theo sự hướng dẫn và giải thích của cha Hilaire Prisset, một tu sĩ linh mục Đa Minh người Pháp thuộc tỉnh Dòng Lyon, bấy giờ đang ở tu viện thánh Tê-rê-xa số 8 đường Hùng Vương- Hà-nội. Các nhân vật trong tranh đều là ngưởi Việt Nam và cảnh trí cũng là cảnh trí Việt Nam với lều tranh nơi đồng vắng, bên cạnh mấy con trâu và bụi chuối. Rồi tu viện và nhà thờ Đa Minh Hà nội cũng được xây cất theo lối Á đông với những đường nét Việt Nam thanh tú.

Ngoài họa sĩ Nguyễn gia Trí ra, lại có họa sĩ Lê văn Đệ với những tranh vẽ về Đức Mẹ, về thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và nhiều đề tài tôn giáo khác, được bố cục và thể hiện theo phong cách Việt Nam. Mới đây ngày 8.12.2003, tại nhà Truyền thống giáo phận thành phố Hồ chí Minh đã có buổi giới thiệu và trưng bày các bức tranh nghệ thuật tôn giáo về hội họa và điêu khắc. Phòng tranh tôn giáo do cố linh mục Đa Minh Trần thái Hiệp khai sáng và thu thập vẫn còn được lưu trữ và tăng cường.

Về âm nhạc thì từ năm 1945 đã có nhạc đoàn Lê bảo Tịnh với những tập Cung thánh kế tiếp và nhiều nhạc đoàn ở các giáo phận khác như Bùi Chu, Hải Phòng, Phát Diệm, Thanh Hóa, Vĩnh Long cùng đồng loạt phát triển. Phải nói rằng nhạc công giáo Việt Nam thật phong phú với một số lượng bài hát rất dồi dào. Nhưng phẩm chất của những bài hát đó không đồng đều và cách đàn hát còn nhiều điều phải nói. Nhưng dù sao, về lượng cũng là đáng kể. Điều đó chứng tỏ một tiềm năng rộng lớn cần được khích lệ, hướng dẫn và khai thác triệt để theo đường hướng thánh nhạc của Hội thánh. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu được sự quan tâm, nâng đỡ, đầu tư của các cơ quan chức năng trong mỗi giáo phận.

Trên đây là khái quát vài nét về mấy bộ môn nghệ thuật trong vấn đề hội nhập văn hóa từ trước tới nay, còn bây giờ xin thử bàn qua vè hội nhập văn hóa trong ngôn ngữ. Vấn đề này xem ra chưa được lưu tâm lắm trong Hội thánh Việt Nam. Hội thánh chúng ta bận tâm và coi trọng những vấn đề khác nhiều hơn, còn ngôn ngữ là chuyện phụ thuộc có cũng được, không có cũng được. Tác giả Trần cao Tường trong bài Nhìn vào cái không khí sách vở công giáo Việt Nam đăng trên Vietcatholic mới đây cũng nghĩ như thế. Phải chăng vì vậy trong văn học Việt Nam cận đại, người công giáo chưa có một chỗ đứng nào thỏa đáng, trừ Hàn mạc Tử (xưa nay vẫn viết là măc), nhà thơ thiên tài chiếm một vị trí khiêm tốn như một ngôi sao lẻ loi trên thi đàn. Tôi cũng có nghe nói đến cuốn tiểu thuyết Anna Hồi, của bà Thụy An, một nữ văn sĩ người công giáo có tên trong Nhà văn hiện đại của Vũ ngọc Phan. Nhưng hình như cuốn sách này chưa được xuất bản.

Chúng ta cũng có một Hồ Dzếnh. Nhưng thơ văn của ông thuộc về đời nhiều hơn đạo như cuốn Chân trới cũ chẳng hạn. Ong cũng có đề cập đến đạo đôi chút trong tập TÁC PHẨM ĐẦU XUÂN xuất bản vào đầu năm 1945 ở ngoài Bắc cùng với nhóm văn hữu như Nguyễn duy Diễn, Phạm đình Khiêm, Phạm đình Tân,Thanh Hải… Hồ Dzếnh cùng với những người nói trên chủ trương tuần báo Thanh Niên vào thập niên 40 ở Nam Định, rồi sau này di cư vào Nam, các ông thành lập Tinh Việt Văn Đoàn, nhưng không có Hồ Dzếnh vì ông ở lại. Ngoài ra, vào cuối thập niên 60, cố linh mục Thanh Lãng được giải thưởng văn chương dành cho hai cuốn Văn chương chữ Nôm của ông. Trong hai thập niên 60 và 70, có mấy nhật báo, tuần báo và tạp chí do một số giáo dân và linh mục chủ trương ra đời, như Xây Dựng, Hòa Bình, Sống Đạo Thẳng Tiến, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đối Diện, Tiếng Gọi Tình Thưong, Đại Học, Nhà Chúa, Tri Thức. Từ sau 1975 đến nay, chỉ có tuần báo và nguyệt san Công giáo & Dân tộc. Báo này không phải là của Công giáo, tuy cũng nói đến những vấn đề công giáo và do một số người công giáo biên soạn. Về mặt báo chí, giới công giáo đã có nhiều tiến bộ và sản xuất được một số cay bút khởi sắc.

Riêng về sách dịch thì từ trước đến nay, chưa bao giờ đã có nhiều sách đạo được dịch sang tiếng Việt như mấy thập niên vừa qua. Những sách này cũng đã góp phần giúp cho các chủng sinh và tu sĩ nam nữ tham khảo trong lúc khan hiếm sách ngoại nhập và trình độ ngoại ngữ của nhiều độc giả chưa đủ mức để có thể trực tiếp lãnh hội. Những sách này, theo nhận xét của cha Hồng Giáo, tuy chưa đựoc chuẩn xác và phản ánh trung thực ý tưởng của tác giả, nhiều chỗ lại sai và phản nghĩa nữa, nhưng vẫn được coi như một đóng góp khá tích cực.

Cuối cùng có một điểm xem ra nhiều người còn tỏ ra dễ tính, không mấy đòi hỏi, đó là các bản văn dùng để đọc trong nhà thờ. Hội thánh dạy rằng những bản văn này là để đọc cho công chúng nghe. Vì vậy, lời văn phải dễ hiểu và trau chuốt chừng nào có thể, lại tự nhiên, không cầu kỳ, nhưng phải có giá trị nghệ thuật về văn chương, tuy vẫn phải sát với nguyên bản. Nhưng sát có hai cách : một là sát chữ, hai là sát nghĩa. Bình thường thì chữ trong nguyên ngữ thế nào, dịch sang chuyển ngữ phải như thế, thí dụ tiếng la-tinh là tabula thì dịch sát sang tiếng Việt là cái bàn. Còn nếu trong nguyên ngữ, một từ hay một cụm từ nào là một kiểu nói đặc biệt trong ngôn ngữ đó như một điển tích thì phải tìm hiểu ý nghĩa và dịch sát ý chứ không sát chữ. Thí dụ người Việt nam chúng ta nói là ăn Tết. Chữ ăn Tết rất hay và đậm đà ý nghĩa đối với chúng ta. Nhưng cứ viện cớ là phải dịch sát mà dịch là manger trong tiến Pháp, eat trong tiếng Anh, eaten trong tiếng Đức và manducare trong tiếng La-tinh thì thật là kỳ và người những nước đó sẽ không hiểu là gì cả. Vì vậy, từ ăn của người Việt nam phải dịch sát sang tiếng các nước, nhưng là sát ý chứ không sát chữ. Trong trường hợp này, nếu dịch sát chữ thì thật là ngô nghê và kể là không biết dịch.

Ngược lại, nếu người ngoại quốc dịch sát chữ những kiểu nói của chúng ta như “cái nồi ngồi trên cái cốc”, “đi xe mùa đông”, đeo “đồng hồ có cửa sổ” thì người đọc sẽ không hiểu gì. Còn chúng ta, cứ để như vậy, chúng ta hiểu ngay và còn lấy làm thích thú nữa, vì những kiểu nói đó gắn liền với một hoàn cảnh lịch sử và những con người liên hệ. Bởi vậy, nhiều khi đối chiếu một câu dịch sang tiếng Việt với một câu trong tiếng La-tinh mà thấy khác hay không đúng thì chưa chắc là đã sai. Thí dụ câu La-tinh trong Tv 15,6 : “Funes ceciderunt mihi in praeclaris”, có người dịch sát là “Dây thừng đã rơi cho tôi vào chỗ tốt”. Câu này được đọc ở nhà thờ trong một thánh vịnh đáp ca. Đúng là sát tiếng Latinh. Nhưng là sat chữ chứ không sát nghĩa. Mà sát như thế này thì mấy ai hiểu là gì, trong khi nghĩa của nó là tôi đã gặp may hay nói cho văn vẻ hơn mà không sai nghĩa là : “Phần may mắn tuyệt hảo đã về tôi”. Tuy đối chiếu với câu La tinh thi không thấy ăn nhằm gì về chữ. Hay một câu khác trong sách Châm ngôn; “Ante colles ego parturiebar” (Prov 8, 25) Có người dịch sát là “trước khi núi non sinh đẻ”. Thục ra sát mà không sát và không đúng, vì sinh đẻ thì có, nhưng núi non sinh đẻ thì không, vì động từ sinh đẻ đi với chủ từ ego nghĩa là tôi, tôi sinh ra chứ không phải núi non sinh đẻ. Đàng khác, người Việt nam không nói núi non sinh đẻ mà nói là trước khi có núi non. Vì vậy câu này muốn dịch cho sát và chỉnh thì phải dịch là : “Trước khi có núi non, tôi đã được sinh ra”. Và còn nhiều kiểu khác nữa trong Kinh thánh như “Sừng Người ngẩng lên trong vinh quang”, “Chìa khóa Đa-vít.” Những kiểu này phải tìm hiểu ý nghĩa mà dịch chứ không dịch sát chữ được, vì những lý do như đã trình bày ở trên.

Đàng khác, cũng nên phân biệt bản văn phụng vụ với bản văn Kinh thánh. Bản văn phụng vụ thì phải dịch theo tiếng La-tinh; còn bản văn Kinh thánh thì phải dịch theo nguyên ngữ Híp- ri và Hy- lạp. Mà bản La-tinh cũng là bản dịch chứ không phải nguyên ngữ, tuy là bản dịch được Hội thánh chính thức sử dụng. Vì vậy, văn kiện của Tòa Thánh viết rằng bản dịch Kinh thánh phải dịch từ nguyên ngữ, nhưng nên tham chiếu bản La-tinh, chứ không phải dịch từ bản La-tinh. Bản Nova Vulgata xuất bản năm 1983 có sửa chữa và theo nguyên ngữ nhiều hơn bản Vulgata cũ.

Một bản văn dịch xuôi xắn, sát chữ, sát ý, lại văn vẻ, dễ nghe, dễ đọc thật là một điều lý tưởng. Mọi người chúng ta phải góp phần để có được một bản dịch như thế,và cũng nên tỏ ra nhậy cảm và đòi hỏi khi đón nhận các bản văn đọc trong nhà thờ, đừng quá thụ động và không dám có ý kiến, để từ lời ca, tiếng hát, cách đệm đàn đến các bản văn, tất cả đều phải hay, phải đẹp và đúng ý Hội thánh, hầu dâng lên Thiên Chúa phần tốt nhất, đẹp nhất của chúng ta trong công việc thờ phượng.

Hội nhập văn hóa trong nghệ thuật và ngôn ngữ là điều cần thiết để tránh cho người bên ngoài khỏi nói là người công gíao theo đạo Tây như người ta đã nói và còn đang nói. Thực ra, đạo công giáo do người phưong Tây truyền vào Việt nam cũng như đạo Phật do người Trung hoa và An độ truyền sang nước ta. Nhưng không thấy ai nói người Việt Nam theo đạo Phật là theo đạo Trung hoa hay đạo An độ. Sở dĩ như thế là vì đạo Phật đã hóa thành Việt nam từ bao đời nay rồi. Đó là kết quả của một công trình hội nhập lâu dài. Đạo Công giáo cũng vậy, cũng cần phải trở thành Việt Nam trong cách sống và diễn tả đạo lý qua nghệ thuật kiến trúc, hội họa, âm nhạc và ngôn ngữ. Ong cha chúng ta đã bắt đầu.Nhiệm vụ của chúng ta là phải tiếp tục và đưa công trình này đến chỗ hoàn tất nay một ít, mai một ít. Điều cần là phải có sự lưu tâm, thúc đẩy và giải thích. Phần đông giáo dân Việt Nam vẫn thích chuông Tây, xây nhà thờ theo kiểu Tây, các nhân vật trong ảnh tượng phải là người Tây mới đẹp v.v… Đó cũng là não trạng của một thời lệ thuộc ngoại bang. Nay chúng ta đã độc lập. Chúng ta cần phải tìm tòi, duy trì và phát triển cái hay, cái tốt của dân tộc chúng ta, hầu xây dựng một nền văn hóa công giáo mang tính chất Việt Nam.

Đêm Noel vừa qua (24.12.2003), tôi có dịp được dự buổi canh thức và cử hành thánh lễ tại nhà thờ Phú Hạnh. Bộ lễ đêm hôm đó do một số anh chị em Thượng ở Kontum xuống hát. Họ mang chiêng cồng Tây nguyên tới. Họ đã hát và múa theo tiếng chiêng cồng. Cả nhà thờ yên lặng tham dự và chú ý theo dõi. Tôi không thấy ai tỏ ra chia trí vì tiếng chiêng cồng và điệu múa. Những anh chị em này hát múa và đánh chiêng một cách khoan thai theo nhịp điệu, với vẻ nghiêm trang đầy cung kính. Có múa thật, nhưng không uốn éo, cường điệu mà chỉ dùng cử chỉ để tỏ ra bên ngoài lòng sốt sắng mến yêu ở bên trong mà thôi. Theo tôi, đó là một thành công trong cách hội nhập văn hóa.

Mai Khôi 11.1.2004