Tôi Thấy Và Nghĩ Gì Khi Về Thăm Ðất Nước? (3)

Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh

Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm

Cùng mùi khói lam quen thuộc...

(Khi Tôi Về, thơ Kim Tuấn, nhạc Phạm Duy
)


Trở Vào Huế…

Sáng sớm ngày Tết tây, cả nhóm ăn sáng lần chót ở Hanoi Horison Hotel rồi lên đường ra phi trường. Chia tay với người tour guide đã lăn đẵm với nhóm và những nhân viên khách sạn đã phục vụ nhóm trong suốt mấy ngày trời, ai cũng muốn tặng họ một số tiền tip để tỏ sự biết ơn của mình, nhưng không biết phải cho bao nhiêu là phải chăng, không quá ít hay không quá nhiều và làm sao các nhân viên được hưởng đồng đều. Người trưởng tour đã có nhiều kinh nghiệm đưa khách đi du lịch bèn ngồi xuống tính khoản tiền tip cho cả tour, kể từ Hà Nội vào tới Sài gòn, rồi chia đều theo đâù người, mỗi người $70US. Số tiền này sẽ được chia ra và tặng cho các tour guides, các nhóm nhân viên ở các khách sạn thì đưa chung rồi họ sẽ chia nhau. Mẹ con tôi sẽ rời nhóm ở Ðà Nẵng, nên tôi chỉ phải đưa $45 và 2 cháu nhỏ được miễn. Thế là nhẹ nhõm, khỏi phải tính toán riêng làm chi cho mệt đầu óc.

Ở phi trường, nhóm gặp một trở ngại, là đa số đã bay thẳng từ Mỹ và Canada về Hà Nội, mang theo những chiếc áo khoác dày, lại còn mua sắm đồ kỷ niệm trong suốt mấy ngày, bây giờ số hành lý đã quá mức ấn định cho chuyến bay nội địa là 20Kgs/1 người, thay vì 70Kgs như các chuyến bay quốc tế. Thế là phải gom chung hành lý lại làm một, để những người như mẹ con tôi, bố chúng, và cậu em út là những người bay từ Sài Gòn ra, mang theo ít đồ thôi nên sẽ gồng gánh cho nhau được khá nhiều. Bà con phàn nàn vì đã không mang nhiều đồ vì biết phải di chuyển nhiều, thế mà vẫn còn gặp trở ngại. Người trưởng tour bèn quyết định khi tổ chức một chuyến tour tương tự sẽ thu xếp cho mọi người có thể chuyển hành lý theo xe lửa vào Sài Gòn trước, và chỉ mang theo quần áo đủ mặc trong chuyến tour. Mọi người hoan nghênh quyết định này …cho lần sau, vì chúng tôi muốn về VN lần nữa cũng sẽ ra Bắc để tham quan các vùng Lạng Sơn, Sapa, bãi biển Ðồ Sơn, v.v… nghe nói là đẹp lắm.

Vào tới phi trường Phú Bài giữa Huế và Ðà Nẵng, trời ấm hơn ngoài Hà Nội. Chúng tôi lên xe để tới Huế. Trên đường đi, thấy dân số ở đây ít hẳn hơn ở Hà Nội và Sài Gòn. Cảnh sống có vẻ êm đềm, nhà cửa hai bên đường có vẻ đơn sơ nhưng tương đối khang trang, đất đai rộng rãi… Không thấy có vẻ quá nghèo như vùng ngoại ô Hà Nội, hay đang trở mình vườn lên vội vã và chen chúc nhau như ngoại ô Sài Gòn. Tôi cảm thấy yêu mến khung cảnh này, mặc dù thật sự chưa biết đời sống của người dân ở đây ra sao.

Về tới khách sạn Hương Giang ngay trên bờ sông Hương, chúng tôi bị “hớp hồn” bởi khung cảnh cổ kính của khách sạn này. Nơi phòng khách và phòng ăn, các bộ bàn ghế được chạm trổ bằng những thứ gỗ quí, khiến chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một cung điện. Tuy đói, nhưng mọi người kể cả con nít còn tung tăng chạy ra phía sau ngắm cảnh sông nước với những chiếc thuyền qua lại, ngắm cầu Trường Tiền với xe cộ chạy tấp nập trên đó… Sau đó mới vào phòng ăn để thưởng thức bún bò Huế. Các cô gái Huế phục vụ bữa ăn rất dễ thương, duyên dáng, nhưng …khá chậm chạp! Ăn xong, chúng tôi về phòng nghỉ trưa một lát rồi sẽ đi thăm thành nội Huế.

Phải tới xế chiều nhóm mới khởi sự đi. Xe đậu tuốt phía ngoài, chúng tồi thả bộ từ cổng thành vào. Người từ hàng quán hai bên đường túa ra chào mơi chúng tôi, nhưng cũng rất lịch sự không níu kéo khi chúng tôi từ chối. Anh tour guide mới này nói giọng gì tôi không định nổi, vì không đến nỗi khó nghe mấy. Ðặc biệt anh nói tiếng Anh như giọng người Úc vậy. Không biết có phải do anh biết và nhớ nhiều chi tiết, hay là do anh thích nói nhiều, người trong nhóm mất dần kiên nhẫn bèn đi tản mạn khắp nơi trong khi anh …cứ tiếp tục diễn giải. Cặp Canadien thì còn khổ hơn vì anh tour guide không còn giờ để nói lại bằng tiếng Anh nữa vì còn phải …đi tiếp. Nhiều người trong nhóm đã kéo nhau đi quá xa và không đúng hướng, khiến phải có người chạy theo …dẫn độ về! Tôi chợt nghĩ sao không thấy anh tour guide mang theo bình nước, chứ nói cỡ đó …khô cổ chịu gì nổi!

Cổng thành xây kiên cố, có hào rộng bao bọc chung quanh, dưới hào đầy nước và cỏ trông như những sào ruộng nhỏ nằm kế nhau. Anh tour guide giảng giải cho biết vua ra ngự trào ở chỗ nào, dân được cho vào tới đâu, các lối ra vào được chia theo phẩm trật ra sao… Ðấy mới là …phía ngoài thôi đấy nhé, đi vào trong nữa sẽ thấy còn nhiều sảnh điện là nới làm việc của quan văn, quan võ, thư viện…nhiều lắm tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ vào một sảnh điện kia có trưng bày những bộ phẩm phục của các vua, hoàng hậu, công chúa… Ðược biết có một học giả, cũng là một ngón đàn guitar classique có hạng ở vùng Washington, DC trong nhiều thập niên, là anh Trịnh Bách, đã trở về VN thực hiện việc tìm kiếm hình ảnh, các loại tơ lụa, các tay thợ may thêu… để phục hưng lại những xiêm y của hoàng tộc khi xưa. (Nhóm có gặp anh Trịnh Bách trong bữa ăn chả cá ở Hà Nội).

Nhìn những mái ngói và sân gạch đã phủ màu rêu, tôi tưởng tượng khi xưa màu gạch, màu ngói còn đỏ chót, chắc là phải đẹp lắm. Tới một cái cổng nữa thì phải ngừng, vì có đi qua cũng chẳng còn gì để mà xem. Anh tour guide nói cổng này là ranh giới, các quan không được vượt qua vì phía trong là cung điện của gia đình vua, nơi ở của hoàng hậu, các cung phi và công chúa, hoàng tử… và phụ nữ ở trong đó không được bén mảng ra tới ngoài này. Nghe nói là cung điện của vua, hoàng hậu, cung phi…. mà nhìn …chả thấy gì cả! Vì các cung điện ấy đã bị tàn phá bởi bom đạn của chiến tranh, hầu như không còn để lại dấu vết gì ngoài cỏ hoang mọc dại. Nhiều người lớn trong nhóm nhắc tới biến cố Mậu Thân 1968, nghe đâu Việt Cộng vào ẩn núp trong thành nội và bị dội bom. Thế nhưng anh tour guide lập lại nhiều lần là quân Pháp đã tàn phá thành nội hồi năm 1948 lận! Các bác, các anh chị trong nhóm đành nhìn nhau …lắc đầu …cười trừ! Cứ cho rằng anh tour guide còn nhỏ tuổi, được học về lịch sử theo kiểu nào đó và mình đành chịu!

Ði trở ra, rẽ sang một phía để tới thăm một điện khác có đặt bài vị của từng vị vua dòng họ Nguyễn. Thực sự khi viết đoạn này, tôi thấy vốn liếng tiếng Việt của mình quá nghèo nàn để diễn đạt những gì thuộc về thế giới của vua chúa. Trên lối đi lát gạch và có thành cao 2 bên, trời về chiều, khung cảnh khá vắng lặng, anh tour guide nói vua thường cỡi ngựa đi dạo ở đây. Ôi! Dù đây là thành nội Huế mà tôi cũng chợt thấy ngậm ngùi:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Hồn cũ lâu đài bong tịch dương

(Thăng Long Thành Hoài Cổ, Bà Huyện Thanh Quan).

Khi vào thăm các bài vị của các vị vua triều Nguyễn, chúng tôi phải để giày dép ở ngoài, giữ im lặng, và không được chụp hình. Hà! Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn khoái vua Duy Tân nhất! Nhà vua trẻ, ăn mặc theo kiểu Tây phương, từng làm phi công, nhưng có âm mưu chống Pháp và bị Pháp dàn cảnh sao đó nên ngài bị rớt máy bay và thiệt mạng. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc thương khi đứng trước bài vị của ngài.

Thăm các bài vị của các vua xong, chúng tôi đã mỏi nhừ cả đôi chân và bây giờ phải cuốc bộ trở ra. Bên ngoài cảnh chiều xâm xẩm tối, làm nổi bật vẻ tĩnh mịch, cổ kính nơi đây. Và bây giờ thì lên xe đi ăn để kịp về lại khách sạn xem màn trình diễn hát múa Cung Ðình, và sau đó xuống thuyền đi dạo sông Hương.

Ra khỏi thành nội, tối hôm đó ăn ở tiệm nào tôi quên mất rồi, chỉ nhớ có các món bánh nậm, bánh bột lọc ăn khai vị, đặc biệt là chả giò Huế được gói bằng loại bánh tráng rất lạ, còn kêu là bánh rê… còn các món khác tôi cũng quên luôn. Có lẽ tại được hứa hẹn là trưa mai sẽ được ăn bữa trưa chỉ toàn món Huế nên tôi lo …để hết tâm trí qua bữa sau mất rồi. À tôi nhớ mãi chả giò bánh rê này, đứa con trai 15 tuổi của tôi cứ hỏi về Mỹ mẹ có làm được chả giò này không, tôi cũng ước gì làm được lắm chứ! Nhưng làm sao có bánh rê để gói? Nghe nói người ta pha bột củ mì cho sền sệt, xong nhúng tay vào bột rồi "rê" vào chảo nóng thành một lớp mỏng. Khi bánh chín sẽ lấy ra, để nguội và dùng để cuốn chả giò. Bánh có các sợi bột đan vào nhau, trông hơi giống vải mùng, khi chiên lên bánh chỉ hơi vàng nhưng ăn sẽ thấy dòn tan. Ngon là ở chỗ đó!

Tôi cũng nhớ tiệm phục vụ khách hàng hơi chậm, và nhớ tôi có nói đùa với cặp Canadien là tại người Huế làm nhiều món công phu nên phải chờ lâu lắm! Mọi người bàn nhau là màn hát Cung Ðình thì ai thích thì đi nghe, không thì về nghỉ ngơi để buổi tối xuống thuyền nghe hát trên sông Hương.

Ăn xong lên xe về tới khách sạn thì thấy trong phòng khách chính rất lớn đã được đổi thành phòng tiệc và khách ngoại quốc ngồi chật ních. Tôi nhanh chân vào trước, mong cậu em mang máy quay phim vào lẹ lẹ vì điệu nhạc, điệu trống quá hay, có vẻ linh đình lắm chứ không nhẹ nhàng như những màn dân ca chúng tôi được xem trình diễn ở miền Bắc. Cung điệu và giọng hát ngân nga làm tôi liên tưởng đến điệu nhạc hát bội của miền Nam, và trên sân khấu đoàn vũ công cầm đèn lồng uốn lượn theo điệu trống cung đàn rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Tôi chưa xem hát Cung Ðình bao giờ, nhưng nghe điệu nhạc, tiếng trống kèn, đoàn vũ ăn mặc theo kiểu triều đình, đèn lồng nối đuôi nhau… tôi cũng cảm thấy một cái gì đó cổ kính, xa xưa, không còn thuộc về thế giới của mình nữa, mặc dù kinh thành khi xưa là ở ngay nơi đây, và con cháu hoàng tộc còn sinh sống trong thành nội…. Còn đang ngơ ngẩn xem thì màn trình diễn …kết thúc! Tôi tiếc quá chừng chừng vì về trễ, mà đa số người trong nhóm thì lại về đi nghỉ để lát nữa xuống thuyền. Uổng thiệt! Tôi cũng về phòng một chút chờ tới giờ xuống thuyền.

Buổi Tối Trên Sông Hương…

Nhóm tụ tập lại đầy đủ, kể cả con nít… Chúng tôi bước xuống chiếc thuyền chờ sẵn, và thuyền nhổ neo đi về phía cầu Trường Tiền. Thuyền trống 3 mặt, có thể nhìn qua cửa kiếng để xem cảnh sông ban đêm. Thuyền và ban nhạc được thuê riêng cho nhóm nên không khí trên thuyền rất là ấm cúng, thân mật. Phía trước, những nhịp cầu nổi bật trong ánh đèn màu sắc thay đổi đậm nhạt từng lúc thiệt là đẹp. Thấy trên bàn có một thùng đựng hoa hồng tươi, tôi đoán là để bán cho khách. Ban nhạc có 3 nhạc công và 4 ca viên còn khá trẻ, các cô gái Huế mảnh mai duyên dáng trong những chiếc áo dài may rất khéo. Mọi người chọc cậu em út của tôi vì cậu này còn độc thân và từ lúc xuống thuyền trông thấy mấy cô, cậu có vẻ tươi tắn hẳn lên so với buổi đi chơi lúc ban chiều. Chủ thuyền mang ra một bình trà nóng để mọi người cùng thưởng thức. Một cô trong ban ca nhạc đứng ra giới thiệu, giọng Huế thỏ thẻ nhưng không kém phần chững chạc nhà nghề. Các nhạc công trổi nhạc từ các nhạc cụ cổ truyền gồm đàn tranh, đàn bầu, và đàn tì bà (hay đàn cò gì đó tôi không rõ). Các cô thay nhau hát đơn ca các bài dân ca miền Trung, trong khi các cô còn lại ngồi gõ nhịp bằng cái phách(?) gỗ hoặc dùng đôi tay có xỏ những cái tách trà nhỏ xíu, có vẻ như làm bằng một loại men rất mỏng. Các cô dơ cao hai bàn tay và rung những ngón tay thật nhanh và đều để những cái tách men này va chạm vào nhau tạo thành những âm thanh ròn rã như tiếng reo vui trước con mắt thán phục của mọi người. Mỗi cô hát xong thì đúng ra sẽ có người mua hoa hồng tặng, nhưng cái khổ là khi đi theo tour chúng tôi chỉ mang theo bóp ví mỗi khi lên xe đi chơi xa thôi, còn từ khách sạn bước xuống thuyền ra sông vào lúc khuya như vầy thì chả ai mang đồng nào cả. Thấy các cô hát quá hay, hát như với hết cả tâm hồn cho mình nghe, tôi bèn hỏi người trưởng nhóm “xin” ít tiền mua hoa hồng đưa cho bà con để thay phiên nhau tặng các ca viên và các nhạc công, vì cũng không bao nhiêu mà lại vui lòng chủ thuyền khi họ bán hết được số hoa. Cho hoa hồng mà không có “tí gì” kèm theo chúng tôi cũng …ngại lắm, nhưng sau đó được biết trưởng tour sẽ lo tiền tip cho ban ca nhạc nên chúng tôi thở phào.

Tới ngay cầu thì thuyền dừng lại, mỗi người lấy một cái lồng đèn giấy trong có sẵn cây đèn cầy, đốt lên rồi thả xuống sông với một lời ước nguyện nào đó, chân thành hoặc đùa vui…. Trong lúc nghỉ xả hơi, các cô ca viên xinh đẹp kia đã túm lại hỏi chuyện cậu em tôi. Cậu này không đến độ nhát gái, nhưng rất cẩn trọng khi làm quen với các cô vì sợ các cô có những cảm xúc không được thoải mái. Bữa nay lại được các cô vui vẻ làm quen rất tự nhiên, cậu vui như tết và khi về đã phát biểu “lần sau về VN sẽ ra Huế ở lâu hơn!". Tôi cũng nhờ thế mà biết được thế nào là cái lãng mạn của các cô gái Huế, cái lãng mạn mà theo tôi thì người con gái nào cũng nên có khả năng bày tỏ một cách tự nhiên và khôn ngoan như những cô gái Huế này vậy.

Khi thuyền đi trở về, một cặp trai gái đã làm chúng tôi cười thoải mái với điệu hò đối đáp vui tươi và dí dỏm của họ. Rất tiếc cho tới bữa nay tôi vẫn chưa có bản copy của cuốn video do cậu em quay để ghi lại những câu đối đáp thi vị này… Ái chà, người ta nói xứ Huế, sông Hương mang tính chất lãng mạn tình tứ quả không sai tí nào.

Ði dạo thuyền sông Hương về, trước khi lên phòng ngả lưng, một vài người chúng tôi theo lệ quen là khi tới một khách sạn mới thì việc đầu tiền là ra phố tìm internet café để liên lạc với gia đình, bạn bè… vì giá ở ngoài quá rẻ so với giá xài internet trong khách sạn. Riêng tôi phải theo dõi e-mail mỗi ngày vì tôi đã mua vải để ở 1 tiệm may ở Sàigòn, xong đánh e-mail về cho các cô em dâu và em gái, theo bảng chỉ dẫn của tiệm may để nói họ tự lấy số đo và gởi sang cho tôi, tôi sẽ chuyển tới tiệm may qua e-mail hoặc điện thoại, và khi trở lại Sài Gòn thì áo dài của các cô em này đã may xong kịp cho tôi mang về Mỹ.

Tôi đi bộ tới internet shop cùng với cậu em, thằng con 15 tuổi của tôi và cô bé 18 tuổi con của gia đình từ Washington, DC. Ba đứa này dùng internet xong trước và hỏi tôi để thuê xích lô đạp đi dạo cầu Trường Tiền. Tôi đồng ý ngay vì thấy phố xá ở đầy có vẻ yên tĩnh, hiền hoà, chắc chả có gì đáng ngaị. Ấy vậy mà khi mỗi đứa leo lên một chiếc xích lô đạp riêng là tôi hoảng ngay, nhưng đã muộn… Ba anh phu xe đã đạp đi thật nhanh… Cậu em đã 30 tuổi nên tôi không lo, nhưng cậu lại mang nhiều tiền, máy quay phim và chụp hình đeo lủ lẳng… Không chừng lại là một cám dỗ cho kẻ gian… Còn hai đứa nhỏ, nhất là con gái nhà người ta, mỗi đứa ngồi riêng 1 xích lô thì ai chở đi đâu làm sao chúng biết được, và cũng không thể nào giúp được nhau…

Lo quá, tôi chạy vội về khách sạn, lấy điện thoại di động gọi cho trưởng nhóm xuống. Trưởng nhóm (cũng là bố sắp nhỏ) đang chơi với đứa con nhỏ của tôi bèn lao xuống với thằng con, và nói tôi đừng tưởng thấy phố xá hiền hoà mà tin được mọi người, vì những chuyện cướp bóc thường xảy ra vào ban đêm và ở nơi vắng vẻ hơn là chỗ đông người. Anh bèn leo lên một chiếc xe ôm và xe phóng ngay lên cầu Trường Tiền… Còn lại tôi đứng chờ với đứa con nhỏ ở cổng khách sạn có người canh gác nên không lo, nhưng thật là sốt ruột… Hai mẹ con tôi bèn ngắm khúc phố trước mặt và những sinh hoạt ban đêm ở đó. Những gánh hàng ăn ở góc đường với ánh đèn leo lét nhưng không khí ấm cúng với những người khách ngồi vây quanh trên những chiếc ghế thấp, mùi đồ ăn thơm và hơi nóng toả ra thấy vô cùng hấp dẫn. Tôi bảo con tôi là nếu gia đình mình ở VN như thế này thì các anh lớn và bạn bè của họ cũng kéo nhau đi ăn hàng như vậy vui lắm, còn ở Mỹ thì chả có gì, cứ phải vào nhà hàng ngồi, ăn món gì cũng dễ bị mập mà chả khoái khẩu tí nào…

Mỗi lần có 2,3 chiếc xích lô đạp cùng đi về phía khách sạn là hai mẹ con tôi lại mở lớn mắt nhìn xem có phải 3 đứa nhóc đã về, nhưng lại thất vọng vì vẫn không phải! Chúng tôi chú ý đến những chiếc xe có quầy bán hàng phía trước và người bán ngồi ở phía sau, vừa đạp xe vừa rao hàng. Ở quầy xe phía trước là một nồi gì đó thấy bốc khói nghi ngút, phía trên có tủ kiếng nhỏ để các đồ gia dụng, và đặc biệt là có một đoạn bóng điện néon toả ánh sáng màu trắng… Tôi phục đầu óc sáng tạo của những người bán hàng rong này, và chợt nghĩ sẽ có ngày mình mua đồ ăn từ những chiếc xe như vậy, chắc là phải …ngon lắm! Một anh xích lô đạp theo dõi mẩu đối thoại lúc nãy của tôi với bố sắp nhỏ nên cứ gạ để tôi đồng ý cho anh chạy theo cho …chắc ăn. Tới lúc chờ khá lâu mà vẫn không thấy, tôi đồng ý để anh đi. Anh vừa đi được chút xíu thì 3 chiếc xích lô đạp đã trờ tới và đằng sau là anh trưởng nhóm cũng vừa nhảy xuống khỏi xe ôm và trả tiền cho tất cả. Dĩ nhiên anh phu xích lô đạp chạy theo sau cùng cũng có mặt và anh đòi tiền, chúng tôi trả cho anh một khoản nhỏ thì anh không chịu và đòi thêm… Thôi thì cũng trả cho anh vừa lòng… Dù sao thì tôi cũng đã an tâm để về đi ngủ. Còn cậu em tôi và 2 đứa nhóc thì có vẻ rất hả hê sau khi được tự mình đi một vòng dạo mát trên cầu Trường Tiền bằng xích lô đạp vào ban đêm!

Ðêm đã khuya và tôi cũng mệt, lại thấy bờ sông Hương đẹp quá, tôi bảo trưởng nhóm sáng mai mọi người cứ đi xem các lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn, còn tôi sẽ ở nhà thưởng thức một buổi sáng của riêng mình…

Vẫn Huế…

Buổi sáng hôm sau, trong khi mọi người phải dậy sớm, ăn sáng và sửa soạn đi xem lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, tôi và đứa con nhỏ nhất tha hồ ngủ nướng, nhưng cũng chỉ được một lúc thì phải dạy, sửa soạn rồi xuống phòng ăn kẻo hết giờ ăn sáng. Phòng ăn có cửa kính nhìn ra sông Hương. Khách ăn chỉ còn vài người vì đã gần hết giờ. Ðồ ăn vẫn đó nhưng có vẻ quá yếu kém so với những bữa ăn sáng ở Grand Hotel trong Sài Gòn và ở Hà Nội Horison. Có bún bò nhưng rất dở, có lẽ những khách sạn có nhiều khách ngoại quốc nên nấu cho có mà thôi, vì biết khách ngoại quốc không thể phân biệt ngon dở, miễn trông sạch sẽ là được. Nắng đã lên cao, ngoài trời khí hậu mát mẻ nên mẹ con tôi chỉ ăn qua loa, sau đó tôi mang theo một tách cà phê ra ngồi ở một cái bàn ngoài sân để tắm nắng và ngắm thuyền bè qua lại trên sông và xe cộ chạy trên cầu Trường Tiên.

Uống cà phê ở khách sạn cho tới bữa sáng hôm nay vẫn là một điều vô cùng thất vọng cho tôi! Từ Sài Gòn, ra Hà Nội, và bữa nay ở Huế đều như vậy hết. Cà phê pha theo gout Việt Nam, nghĩa là rất đặc, đáng lẽ phải uống với sữa đặc VN mới thấy được cái ngon đậm đà của cà phê. Ðằng này, có lẽ các khách sạn muốn theo kiểu Mỹ uống với loại cream half and half, nhưng không có cream thì họ thay bằng sữa tươi trông cũng giông giống, nhưng sữa tươi được dùng trong các khách sạn này lại lỏng le lỏng lét. Con tôi thèm sữa cả mấy tuần nay nhưng vẫn không muốn uống loại sữa lỏng le này. Sữa lỏng như vậy mà cho vào cà phê đậm đặc thì cà phê chỉ biến từ đen sang …nâu đen và vẫn còn quá đặc. Cho thêm sữa cho đỡ đậm đặc thì cà phê nguội mất tiêu và không có vị ngậy của cà phê sữa chút nào. Cứ mỗi sáng uống cà phê như vậy là coi như hỏng toi mất nửa cái thú nhàn hạ của tôi trong những ngày đi chơi như thế này.

Cơn gió mát thoảng đưa tôi về hiện diện với không khí dìu dịu của một buổi sáng gần Tết ở Huế. Nơi bờ sông Hương, tôi có thể ngồi mơ màng trong nắng mà dõi mắt nhìn mọi quang cảnh dưới nước, nơi bờ sông, và trên cầu… Mọi sinh họat diễn ra trong quang cảnh êm đềm, thơ mộng… Không biết giờ này nhóm đang đi xem lăng tẩm ra sao, riêng tôi thấy mình lựa chọn ở nhà một mình vào buổi sáng hôm nay thật là thú vị.

Ngắm cảnh sông nước được một lúc, tôi dắt con ra phố. Các cửa hàng ở đây có vẻ hiền hoà, người ta cũng chẳng để ý gì đến mẹ con tôi. Chúng tôi chỉ đi tới chân cầu rồi quay về. Ðường xá ở đây rộng rãi, xe cộ không nhiều, có lẽ không nhằm vào khoảng vội vã của giờ tan sở hay ta trường. Tôi ưng nếp sống thong thả ở đây quá, nhưng đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua trong đầu và có lẽ không liên hệ gì với nếp sống thực sự của những con người vẫn cư ngụ nơi đây.

Khi tôi về lại khách sạn thì xe của nhóm cũng vừa về tới nơi, mọi người lo mang hành lý xuống để đi ăn trưa rồi đi xem chùa Thiên Mụ, sau đó trực chỉ đường vào Ðà Nẵng để còn kịp xem cảnh đèo Hải Vân trước khi trời tối. Ðám trẻ nói tôi không đi xem lăng tẩm là uổng, và khoe chúng được mặc đồ vua chúa để chụp hình vui lắm.

Xe rời khách sạn và đưa chúng tôi tới quán Vườn Ngự Hà để ăn bữa trưa toàn đặc sản Huế như được hứa từ hôm qua. Muốn tới quán, chúng tôi phải vào thành nội đã thăm chiều hôm qua, nhưng đi vào tận khu con cháu hoàng tộc cư ngụ. Quán Vườn Ngự Hà là một ngôi nhà cổ, xây bằng gỗ quí rất đẹp. Có lẽ bữa trưa hôm nay được đặt riêng cho nhóm nên không có khách khác. Thế là chúng tôi tha hồ tự nhiền như ở …nhà của mình vậy. Những dãy bàn lịch sự được dọn sẵn cho chúng tôi, đối diện với một dãy các sạp và gánh hàng ăn với những cô bán hàng mặc y phục cổ truyền, áo dài gấm và khăn quấn trên đầu đàng hoàng. Thế là cái thú ăn cơm hàng cháo chợ của tôi nổi dậy, trong khi mọi người ngồi vào bàn thì tôi đi ngó một loạt các sạp hàng rồi kéo ghế ngồi ngay vào sạp đầu tiên, và cứ thế mà “lê la” hết sạp này tới sạp kia. Thôi thì đủ cả: bánh nậm, bánh bèo Huế, bánh bột lọc, bánh khoái, nem Huế, chả giò Huế gói bằng bánh rê, bánh ướt cuốn thịt nướng, bún bò Huế, cơm âm phủ, nộm hến… và các loại chè, đặc biệt là chè …thịt quay có những viên chè làm bằng nếp bọc thịt quay ăn dẻo và thơm ngậy… Vừa được nhìn đã mắt, vừa được ăn tha hồ món gì cũng được, ăn đi ăn lại bao nhiêu lần, càng ăn các cô càng như vui hơn vì đắt hàng. Nhưng chúng tôi chẳng phải trả đồng nào hết, vì tour đã tính rồi. Sau này tôi nghe nói ăn ở đây giá mắc, chứ có nhiều quán đặc sản Huế rất ngon và rất rẻ. Ái chà, cũng tại là khách từ nước ngoài nên thường được thưởng thức kiểu …ẩm thực văn hoá nhiều hơn là ẩm thực kiểu bình dân rẻ tiền mà khoái khẩu.

Ăn đã đời rồi, chúng tôi vào phòng vệ sinh để rửa tay. Hà! Có những cái lu sành đựng nước và những cái gáo dừa để múc nước rửa mặt mũi tay chân! Ðúng kiểu nhà quê 100% nhưng rất sạch sẽ. Chúng tôi đi lanh quanh trong khu vườn nhỏ để xem cây cảnh và chụp hình, rồi lên xe đi chùa Thiên Mụ. Anh tour guide chỉ cho chúng tôi những địa danh như núi Ngự Bình, thọ Xương, thôn Vĩ Dạ, chợ Ðông Ba, và làng An Cựu chuyên trồng lúa cho nhà vua ăn… Xe chạy nhanh thoáng qua các địa danh này nên không kịp ghi nhận được gì cả.

Tới cổng chùa Thiên Mụ, chúng tôi xuống xe đi bộ vào. Ði ngang qua các khu bán hàng lưu niệm, tôi thấy rất nhiều bức tranh lụa vẽ rất đẹp, nhưng không dừng lại mua vì tính để khi đi ra sẽ thong thả coi kỹ rồi hãy mua. Tới những bực thang dẫn lên chùa, chúng tôi dừng lại chụp hình vì cảnh trí quá đẹp. Một bên là sông Hương, một bên là tháp chùa cao phủ rêu xám, những bậc thang chạy tít tắp từ dưới lên, cộng thêm những dáng cây nghiêng nghiêng trên mặt nước…Ðó là những cây phượng vĩ mà vào mùa hè sẽ nở hoa đỏ rực thì cảnh chùa còn đẹp tới đâu! Lên tới chùa, chúng tôi đi dạo một vòng. Cảnh vườn chung quanh chùa thật đẹp và êm đềm, tôi mải ngắm cảnh và chẳng để ý tới những lời giải thích của anh tour guide nữa. Có mấy vị sư ra hỏi chuyện và đùa giỡn với mấy đứa nhỏ, nhưng khi chúng tôi đi tới gần thì họ lại có vẻ dè dặt, tôi cũng không biết cách chào hỏi của các Phật Tử nên không dám mở lời, và họ cũng bỏ đi. Có lẽ du khách đến viếng chùa thì cứ viếng, chuyện thường ngày ở nơi này mà.

Khi trở ra, mấy người bán hàng chào mua măng cụt nên tôi dừng lại mua cho một hàng, rồi hàng kế bên cũng cố chào nên tôi phải mua thêm cho họ vui. Trong khi đó mấy người trong nhóm vào mua tranh lụa, rồi thì chúng tôi bị hối ra xe còn kịp đi tới đèo Hải Vân trước khi trời tối. Lên xe, tôi mới biết có anh chị mua rất nhiều tranh lụa, bức nào cũng đẹp, giá rẻ hơn tranh thêu tôi mua ngoai Hà Nội rất nhiều. Tranh lụa lại mỏng và nhẹ, rất tiện để đem về Mỹ làm quà. Thế mà tôi lại không kịp mua bức nào, thiệt uổng. Cũng tại ba cái trái măng cụt này!

Ðà nẵng, Hội An

Ðoạn đường từ Huế vào Ðà Nẵng khởi đầu bằng những khúc đi rất xóc và quanh co, nhưng có lẽ đã quen chấp nhận đường xá ở VN nên không thấy ai phàn nàn gì. Hoặc giả cảnh chung quanh khá đẹp, dù mới chỉ là chỗ sông nước với những căn nhà nghèo nàn của dân quê và những công trình xây cất đang dang dở… Càng lúc cảnh càng đẹp thêm mãi… Cảnh hoàng hôn với vùng núi non xanh bạt ngàn và biển cả rộng mênh mông… Xe leo dần lên triền núi cao và mặt trời như xuống thật chậm, cho chúng tôi tha hồ nhìn từ trên cao xuống để thấy cảnh “non nước hữu tình”… Nghe nói đây là bãi biển Non Nước, trải dài từ vùng bờ biển Mỹ Khê tới gần biển Cửa Ðại. Tên là bãi biển Non Nước mà không hiểu tại sao người Mỹ lại gọi là China Beach, và có show tivi quay ở đây cũng mang tên China Beach nhưng tôi chưa hề coi. Ði một hồi thì thấy một cái vịnh lớn,phía trong ăn sâu vào đất liền như một cái hồ, gọi là Ðầm Lăng Cô, và phía bên ngoài là một bãi cát dài gọi là bãi biển Lăng Cô.

Một bên là biển, một bên là là đầm, người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi thấy ở giữa có một đường xe, chỗ eo nhỏ nhất có một cây cầu bắc ngang và đi tiếp là tới chân đèo Hải Vân. Anh nói cảnh đó tương tự như vịnh San Francisco và cây cầu Golden Bridge, tầm vóc tuy nhỏ nhưng cảnh thiên nhiên có phần trội hơn, và còn đẹp ở chỗ cái mũi của cồn cát ấy chạy theo bờ biển và hơi cong lên để có chỗ làm cây cầu. Xe dừng lại ở đỉnh đèo Hải Vân cho chúng tôi xuống duỗi tay duỗi chân cho thoải mái. Nơi đây có nhiều hàng quán bán nước uống, đồ ăn lặt vặt, thuốc lá, đồ lưu niệm… Ðứng ở đây nhìn xuống mới thấy được vẻ kết hợp thơ mộng giữa màu sắc của biển nước trong, cát trắng vàng, hàng cây xanh rì của một xóm đạo nằm ven biển. Người hướng dẫn cho biết xóm đạo nhỏ này còn gọi là làng chài Lăng Cơ, và ở đó có một ngôi thánh đường cổ, nhỏ bé và rất duyên dáng.

Xem cảnh đẹp đã đời xong thì trời cũng vừa tối và chúng tôi kịp đến khách sạn Hội An, bỏ đồ xuống là đi ăn tối ngay. Trong khi chờ đợi mọi người có mặt đầy đủ ở khu vực lễ tân (lobby) của khách sạn, tôi nói với cậu em là ở đây người ta nói giọng Quảng Nam mà cậu chưa nghe bao giờ nên chắc sẽ không hiểu. Tôi hỏi đùa cậu:

- Nếu gặp một cô cậu thấy thích, cậu hỏi xin số phôn, rồi cô ấy trả lời là: Tắm ba bửa, không tắm một bửa… thì cậu có hiểu cô ấy nói gì không?

Cậu em tôi nghệt mặt ra, lẩm nhẩm …tắm ba bửa… xong cậu lắc đầu cười chịu thua.

Vừa lúc ấy mọi người cũng đã tới đầy đủ và chuẩn bị ra xe, người hướng dẫn hỏi một cậu nhân viên lễ tân để biết số điện thoại của nhà hàng đã đặt sẵn, vì cần cho họ biết là chúng tôi sắp đến. Cậu lễ tân này trả lời:

- Dạ, tám shố bốn, bốn shố ba…

Tôi cũng đứng gần đó nên quen theo kiểu đọc số của người Mỹ, bèn lẩm nhẩm: 4 4 4 4 4…3 3 3… Ủa, sao số phôn gì …dài vậy? Anh hướng dẫn trước đây sống ở Mỹ nên chắc cũng đang lẩm nhẩm như tôi… Anh cũng khựng lại và hỏi cậu lễ tân:

- Hả, số mấy nói lại đi…

- Dạ, tám shố bốn, bốn shố ba…

- Ối giời ơi, thì ra 864-463… Cám ơn em nhé.

Xe đưa chúng tôi tới nhà hàng Phố Hội ở đường Nhị Trưng mới. Nhà hàng này có lối kiến trúc kiểu Trung Hoa, làm toàn bằng gỗ lim rất tốt và đẹp. Người hầu bàn chính ra tiếp chúng tôi, tưởng anh ta nói tiếng Quảng sẽ rất khó nghe, ai dè anh nói giọng Bắc đặc sệt, nên tôi ngạc nhiên và cũng hơi thất vọng. Tôi muốn tới vùng nào được nghe tiếng vùng nấy nó mới đã chứ. Tôi hỏi nhỏ một anh trong đoàn ngồi bên cạnh:

- Tại sao không nghe người ta nói tiếng Quảng nhỉ? Mà lại nghe toàn giọng Bắc đặc thế này nghĩa là sao?

Anh ghé tai tôi trả lời:

- Thì những cơ sở làm ăn to tát thế này bây giờ thuộc về các cán bộ cao cấp từ Miền Bắc, và nhân viên là con cháu họ chứ còn ai vào đây nữa?

- À, thì ra thế!

Bữa ăn tối nay tôi không thấy ngon miệng, vì cũng là nhiều món thịt cá ăn với cơm như mọi bữa. À, tôi nhớ món mà mọi người ăn thấy đã nhất hôm đó là rau cải luộc, dù chỉ là cải bắc thảo có cọng trắng nhiều hơn lá xanh. Ði du lịch thật hiếm được ăn những món đơn giản như thế này.

Ăn xong, chúng tôi có thể thả bộ về khách sạn. Một nhóm chúng tôi quyết định đi dọc đường Lê Lợi là con đường có rất nhiều cửa hàng tơ lụa, vừa bán vừa đo may cho khách hàng tại chỗ. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết Hội An có tên cũ là Phố Hiến, là nơi người Pháp đã đổ bộ vào VN trong thời kỳ đầu tiên của kế hoạch xâm lăng nước ta. Phố Hiến ngày xưa cũng là nơi các doanh nhân từ Trung Hoa và nhiều nước Tây Phương đến buôn bán rất sầm uất. Thời thế chiến thứ hai, người Nhật cũng dổ bộ vào đây… Do đấy, Hội An ngày nay còn vết tích của 3 nền văn hoá Việt, Hoa, và Nhật… với những cộng đồng Việt Hoa, Việt Nhật và những ngôi nhà cổ trên cả 200 năm với kiến trúc ảnh hưởng bởi 3 nền văn hoá này.

Tối nay chúng tôi chỉ dạo phố Lê Lợi để xem chứ chưa mua vội, vì chiều mai sẽ có giờ cho mọi người tha hồ… Phố tấp nập với nhiều người ngoại quốc đi dọc hai vỉa hè. Các cửa tiệm cũng có vẻ như buôn bán theo nhu cầu của người Tây Phương… Những tiệm rượu với đủ các loại rượu vang và rượu mạnh nhập cảng, kẹo Chocolate và các loại bánh kẹo nhập cảng đủ loại… Các tiệm bán tranh, đồ điều khắc và các món thủ công nghệ khác… Nhiều nhất vẫn là các cửa hàng tơ lụa, và đặc biệt là những cửa tiệm bán đèn lồng làm bằng vải lụa và khung tre, rất nhẹ và có thể xếp gọn lại mang về Mỹ để làm qua tặng… Thôi thì đủ cỡ đủ màu, khi căng ra sẽ thành những lồng đèn từ thật lớn để treo nơi nhà cao cửa rộng, cho tới nhỏ xíu xinh xinh cho trẻ em treo chơi thành từng dây đèn trong phòng… Tròn có, dài có, dạng kim cương có… Có lẽ tôi chỉ thấy Hội An là nơi có loại đèn lồng này mà thôi. Không thấy có nhiều tiệm ăn dọc theo phố như ở Sài Gòn hay Hà Nội… Chúng tôi đi gần tới cuối phố, tới bờ sông thì quay về… Ở khúc này vắng hơn chút, hai bên đường có nhiều chỗ người ta đặt mâm hoa quả, đèn nến để cúng rằm… Nghe nói có những ngày lễ hội hay ngày rằm, cả phố sẽ đốt lồng đèn rồi mang thả dưới sông.

Về tới khách sạn thì mệt đừ … Khách sạn Hội An đặc biệt có nhiều building 3,4 tầng xây bằng gỗ quí nhưng đứng riêng rẽ và không building nào có thang máy cả, dù nhân viên phải khiêng hành lý từ tầng trên cùng xuống cũng phải leo thang như thường. Thành ra chúng tôi cũng khá vất vả để tìm đúng building của mình và …leo mệt nghỉ mới lên được tới phòng mình. Thôi thì cũng phải ráng để về ngủ vì mệt quá rồi…

Ngũ Hành Sơn

Coi như hôm nay là ngày chót của chúng tôi ở Ðà Nẵng, và là ngày chót của gia đình tôi trong chuyến tour này. Vì ngày mai mọi người sẽ lên máy bay vào Nha Trang, còn gia đình tôi sẽ bay về Sài Gòn.

Sáng sớm chúng tôi dậy ăn sáng. Nói chung đồ ăn sáng ở khách sạn nào cũng vậy vậy, nửa Tây nửa Ta. Ðặc biệt khách sạn Hội An có những món bánh ngọt Tây làm theo gout Viet Nam ăn rất ngon vì không quá ngọt. Caphê thì khách sạn nào cũng vậy, không ngon. Ðiều làm tôi nhớ mãi khách sạn này, là khu vườn nơi chúng tôi ngồi ăn sáng. Buổi sáng trời mát, nắng còn nhẹ, khu vườn được kê nhiều bàn ghế trải khăn trắng lịch sự, vừa ngồi ăn vừa thưởng thức cây cảnh và tiếng chim hót, thật tuyệt vời! Buổi sáng cũng thường là bữa ăn nhẹ nhàng nhất, ai ăn gì tự lấy món đó rồi đem ra bàn nhỏ ngồi riêng từng gia đình một. Không khí như vậy rất thoaải mái và riêng tư, so với những bữa ăn trưa và tối tại các nhà hàng rất ồn ào, vì phải ngồi bàn lớn chung với nhiều người và chung quanh có quá nhiều thực khách khác.

Sau đó phải chuẩn bị hành lý để ra khỏi khách sạn Hội An để sang Hội An Beach resort ngủ tối nay. Tất cả đồ đạc được đưa vào “bụng” xe bus, trong khi chúng tôi sẽ đi rong chơi cả ngày. Chúng tôi phàn nàn vì ngày nào cũng phải đổi khách sạn, mất công thu xếp và di chuyển hành lý khiến chuyến đi thêm phần mỏi mệt. Trưởng nhóm cho biết đáng lý chúng tôi chỉ ở Hội An Resort Beach Resort trong 2 ngày 2 đêm ở Ðà Nẵng, nhưng bên đó đã không còn chỗ cho cả nhóm, thành ra phải ngủ mỗi bên 1 đêm. Thế mới biết dịch vụ du lịch ở VN đang phát triển cỡ nào.

Xe chuyển bánh hướng về Ngũ Hành Sơn. Tới chân núi, có nhiều gian hàng lớn bán các tượng và đồ lưu niệm làm bằng đá, hình như là cẩm thạch trắng. Chúng tôi từ chối lời chào mời để còn kịp leo núi. Chặng ngừng đầu tiên là vào một cái hang, tôi đi sau nên tới đó không biết vào hang bằng lối nào vì đường đi bỗng dưng tối hù. May quá có người ra cửa soi đèn pin dẫn vào. A! Vào đến bên trong thì lại sáng, do ánh sáng mặt trời chiếu qua các khe núi. Một nhân viên ở đó đang giải thích về ngôi chuà trong hang, nhang khói nghi ngút và có vẻ linh thiêng. Tôi nhớ mang máng không khí trong hang ẩm ướt vì hình như có nước nhỏ từ các khe. Anh nhân viên nói chùa này đã có từ lâu lắm (tôi nghe không rõ khoảng thời gian nào), và những hang động này là nơi ẩn trú của cả hai phe Việt Cộng và VN Cộng Hoà cùng quân Mỹ trong thời chiến. Họ dùng nơi này để làm nơi săn sóc các thương binh, nhưng lại không phải là nơi đụng độ nhau. Tôi tự hỏi có lẽ vì sứ mệnh bác ái nên họ đã không đụng nhau, vì cách cấu trúc của các hang động, hay vì sự linh thiêng của thần thánh nơi những ngôi chùa được dựng nên hang bao thế kỷ bởi lòng tìn vào đất trời của dân tộc VN?

Chúng tôi đi trở ra, và từ đó tự do leo và ngừng lại để chiêm ngắm cảnh núi non trùng điệp và nhìn xuống đại dương bao la. Quả là một cảnh đẹp nên thơ và hùng vĩ cùng một lúc. Trên núi có rất nhiều cảnh chùa và nhiều tượng phật làm bằng đá hết sức đẹp. Những loại đá trông như được tráng men, không thấy bị phủ rêu, nên cảnh trí có vẻ sống động và gần gũi với hiện tại. Có thể loại đá này rất bóng, nên rêu có muốn bám cũng không được? Những tượng này được đục đẽo bằng đá cẩm thạch lấy ngay từ núi, và ngọn núi tôi leo là Thuỷ Sơn, 1 trong 5 ngọn mang tên Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, và Thổ. Những tên núi này có từ hồi thế kỷ thứ 19, khoảng thời vua Minh Mạng. Nhưng những đền chùa trên núi thì bắt đầu được xây từ khoảng thế kỷ thứ 15 lận. Cứ ngừng lại ở một cảnh chùa thì được thấy cả núi lẫn biển, và có thể nhìn sóng vỗ trắng xoá và nghe gió biển thổi mát nhẹ. Tôi chỉ đi được vài ngôi chùa thì đi xuống. Trên đường đi có nhiều quán nhỏ bán nước và đồ lưu niệm là những chuỗi đeo cổ và vòng đeo tay xâu bằng những hạt đá màu rất đẹp, giá rất rẻ. Tôi mua một mớ về làm qua cho các cháu gái ở Mỹ. Nước uống thì được dặn là chỉ mua những brand name và coi chừng loại giả, nên tôi “đành” uống nước dừa từ trong trái, ngon và bảo đảm.

Khi leo xuống, tôi gặp một cụ già ốm yếu, hom hem cũng đang chậm chạp leo xuống. Tôi hỏi chuyện và cụ cho biết là cũng mệt lắm, nhưng quen rồi! Xuống chân núi chúng tôi ghé xem các tượng và đồ lưu niệm làm bằng đá. Ðồ làm rất nghệ thuật, không mắc, nhưng chỉ phải cái nặng quá, khó mà mang theo vào Sài Gòn khi mỗi người chỉ được mang tối đa 20 Kg hành lý khi lên máy bay.

Sau đó là đi ăn. Lại ăn! Lần này là một tiệm ăn theo gout Tàu nên coi như được đổi món. Lúc đó tôi chưa nghe tới món Cao Lầu ở Ðà Nẵng, nên không biết để mà hỏi. Cũng chẳng nhớ để mà đòi được ăn món Mì Quảng nữa. Thiệt là uổng! Hôm đó chúng tôi bảo nhau đi đâu cũng ăn món cá, thịt heo và thịt bò… Ước gì được ăn gà chạy bộ và rau luộc! Ấy thế mà chỉ chút xiú là nhà hang mang lên “tặng thêm” món gà luộc và canh rau ngay! Họ tinh ý chiều khách thật! Gà Việt Nam chỉ ăn luộc là ngon vì nhai đã miệng, và món canh hôm ấy là canh bù ngót, ai ăn cũng thích.

Ăn xong chúng tôi về Hội An Beach Resort, là nơi mà mọi người ưng ý nhất từ hôm đi tour cho tới nay. Biết tại sao không? Ðây là một khu xa thành phố, nằm biệt lập sát bờ biển. Cách kiến trúc giống như nhà riêng, xây theo kiểu fourplex, hai tầng, mỗi tầng hai căn, có lối đi riêng. Nhóm được chia ra rải rác cả mấy căn. Mỗi căn khá rộng rãi, sàn lót gạch Tàu màu đỏ, giường rộng có màn. Có căn thì quay ra biển, có căn quay về phía sau cũng là nước, không biết kêu là gì, trông giống như sông và có nhiều dàn lưới cá. Căn nào cũng có ban công bên ngoài, ngồi xem cảnh rất đã. Phòng tắm có cửa riêng đi ra ngoài, và ở cái cửa đi ra ngoài này có để một lu nước với cái gáo dừa để rửa chân cho sạch cát trước khi vô nhà. Cũng có vòi nước để rửa chân và để làm đầy lu.

Mọi người nhanh chóng về “nhà riêng” (cảm thấy như thế) để nghỉ ngơi. Một vài người chúng tôi ra biển ngồi nghe sóng vỗ, hoặc xuống đùa nước nhưng trời như có bão nên hơi lạnh. Khi trở về con tôi bèn nhảy xuống hồ bơi ngay trước “nhà”, còn tôi vào jacuzzi và sauna cũng ngay đó…

Buổi chiều chúng tôi không hẹn mà lại ra gặp nhau ở “quán ven sông”, tức là phòng ăn chính của khách sạn, kêu rượu bia và đồ nhậu lai rai, vì chưa tới giờ cơm. Tôi đề nghị trưởng nhóm đổi thực đơn cho bữa tối, vì chưa được ăn đồ biển nhiều ngoại trừ món cá, và cứ ăn cơm mãi cũng chán. Vì là không khí gia đình nên trưởng tour cũng rộng rãi, tối hôm đó cho ăn tôm hấp dừa và cua luộc, sau đó là lẩu hải sản với nhiều loại rau. Mọi người được ăn một bữa mát lòng và không khí rất vui vì ngồi ngay bên song. Tôi nhớ có những ngọn đuốc thấp lửa sáng nên khung cảnh thiệt là ấm cúng và thơ mộng. Ðó cũng là bữa tối sau cùng, để rồi gia đình tôi sẽ chia tay mọi người vào sáng mai, hẹn gặp lại ở Sàigòn.

Sau khi ăn trời đã tối, nhưng cũng còn kịp cho chúng tôi leo lên xe của khách sạn để trở lại phố cổ Hội An mua sắm cho thoả thích.

Tối nay trở lại, chúng tôi thấy khu phố Lê Lợi trở nên thân quen hơn. Tôi đặt may ít áo quần ở đây để sáng mai sẽ trở lại lấy. Hàng lụa trông đẹp, nhưng không biết có phẩm chất tốt lắm không, nhưng thôi cứ may đại vì quá rẻ. Ðám con nít đòi đi các tiệm lồng đèn để mua, và người lớn chúng tôi cũng bắt chước mua những lồng đèn lớn hơn về làm quà cho người quen. Loại lồng đèn này tôi đã nói tới rồi, làm bằng lụa, nhiều màu khác nhau, có gọng tre gập lại được nên rất nhẹ và gọn. Nói chung người buôn bán ở khu phố này rất hiền hoà, thân thiện với khách hàng, và đặc biệt là không nói thách. Có thể họ là người gốc Hoa lâu đời, cha ông họ đã đến nới này buôn bán từ mấy thế kỷ trước. Người Hoa nổi tiếng là giỏi buôn bán, và họ không nói thách, nên việc buôn bán của họ tồn tại lâu dài được.

Trở về khách sạn, ai về “nhà” nấy. Mấy đứa nhỏ chắc quyến luyến nhau vì ngày mai phải chia tay, nên con trai tôi qua bên “nhà” kia chơi với bạn, tới khuya chưa thấy về. Ðịnh gọi điện thoại qua kiếm con, nhưng sợ lỡ chúng ngồi ở ngoài ban công còn cả nhà họ đã ngủ, nên chúng tôi lội bộ qua đó tìm. Trên đường đi giữa 2 dãy “nhà”, gặp mấy chú nhỏ được khách sạn thuê để đi tuần tiễu ban đêm coi chừng an ninh, mấy chú này nói có thấy con tôi ở bên ấy. Thế là an tâm về “nhà mình”, buông màn xuống ngủ. Con út tôi lần đầu được ngủ màn nên rất thích.

Thiệt tình, tôi muốn ở lại nơi này lâu hơn nữa vì thấy khách sạn mà sao giống như “nhà” của mình ở tại VN vậy. Phải chi tôi được ở tại VN, trong một căn nhà đầy đủ tiện nghi và ở bên một bãi biển đẹp như vây nhỉ?

Buổi Sáng Chia Tay

Thắm thoát đã hơn 10 ngày chúng tôi sống bên cạnh nhau và trở thành thân thiết. Những người Việt tha hương từ Canada và nhiều tiểu bang khác nhau trên nước Mỹ đã gặp nhau và chia sẻ những ngày vui chơi thú vị ngay tại quê hương VN của mình. Sáng sớm, đáng lẽ tôi có thể ngủ nướng vì chuyến bay từ Ðà Nẵng về Sài Gòn của gia đình tôi mãi đến chiều mới khởi hành, trong khi mọi người phải đi chuyến bay buổi sáng để tới Nha Trang. Nhưng tôi đã dậy sớm để ăn sáng với mọi người, đúng ra là chạy lăng xăng để từ giã mắc dù đã chào từ biệt vào bữa ăn tối hôm trước. Tôi xin e-mail của mọi người để cả nhóm dễ liên lạc với nhau. Con tôi ngủ trễ, làm mấy đứa nhỏ của gia đình kia buồn hiu vì không được gặp nhau thêm 1 lần cuối cùng. Dù sao, chúng tôi vẫn có cơ hội gặp nhau tại Sài Gòn nên cũng không đến độ ngậm ngùi cho lắm.

Mọi người ra đi, cả cậu em của tôi cũng đi với họ, còn lại ba mẹ con tôi và bố của chúng, không khí như chùng hẳn lại. Cả mười mấy ngày lúc nào cũng di chuyển, ăn uống, đi chơi… với một nhóm hai mươi mấy người, bây giờ cái cảm giác nó thay đổi đột ngột thật khó diễn tả. Chúng tôi đi bộ dọc bờ biển vắng, nghe tiếng sóng vỗ… Có lẽ đây mới thực sự là cái không khí đi nghỉ hè mà gia đình tôi đã quen thuộc trong bao nhiêu năm qua. Ðời sống bận rộn quanh năm, tới kỳ nghỉ hè chỉ muốn đến những nơi tĩnh lặng, nhất là nơi có những bãi biển vắng. Thế mà đã hơn hai tuần qua, từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi vào Trung, chúng tôi đã sống một chuỗi ngày ồn ào tiếp nối nhau mà chịu được thì kể cũng lạ.

Con trai tôi 15 tuổi rất muốn được đi xe Honda hai bánh, bố nó liền hỏi thuê một chiếc rồi dạy cho nó chạy. Ðường xá ở đây vắng người nên mới có dịp, chứ ở Sài Gòn thì người lớn cũng chả dám nếu chưa quen. Thằng nhỏ thích vô cùng và chắc sẽ nhớ mãi kỷ niệm này.

Tuy có trở lại phố cổ Hội An để lấy quần áo tôi đã đo may tối hôm trước, nhưng chúng tôi không ăn trưa ở đó mà lại đi taxi tới khách sạn Furama. Ðến cho biết chứ, vì những người VN “có máu mặt” ở Mỹ đã nhắc tôi nếu đi Ðà Nẵng thì hãy tới khách sạn Furama này mà ở (!). Giá khoảng 150 - 400 US dollars/ 1 phòng. Ở thì tôi xin chào thua, nhưng đến xem cho biết thì được. Chúng tôi đi bộ lòng vòng để xem khung cảnh bên ngoài, liền bị nhân viên chặn lại không cho đi vì không phải là khách cư trú của khách sạn. Vậy thì tụi tôi vào tiệm, ăn uống trả tiền đàng hoàng cũng được, đâu có sao. Phải công nhận là khung cảnh bề thế sang trọng thật, khiến thằng con nhỏ của tôi cứ năn nỉ "lần sau mình sẽ ở đây, được không?”. Tôi cười bảo con là mẹ cũng muốn ở thử cho biết, nhưng chỉ 1 ngày thôi rồi dọn ra chỗ khác ngay! Thiệt tình, tôi tò mò hơn là ham muốn được ở một khách sạn mắc như vậy ở VN hay ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng đó là giá cả ở VN nên tôi mới dám nghĩ rằng mình sẽ “nếm thử cho biết mùi”, chứ khách sạn hạng sang ở các nước khác thì cả tiền ngàn, chả bao giờ tôi dám tơ vương!

Chọn tiệm ăn lộ thiên bán thức ăn kiểu Ý của khách sạn để ngắm bao quát được khung cảnh, con tôi khấp khởi mừng vì đã thèm pizza cả mấy tuần qua. Người tiếp viên ra lấy order nhưng chẳng đưa thực đơn gì cả. Ngó bàn bên kia thấy một gia đình người Tây Phương đang xem thực đơn, chúng tôi phải hỏi hai, ba lần người tiếp viên này mới …hiểu ý và đưa thực đơn cho chúng tôi. Tôi thắc mắc hoài, chắc tiệm này nghĩ chỉ có dân Âu Mỹ mới có đủ tiền vào đây ăn, còn dân đầu đen chỉ đủ tiền …gọi nước uống thôi nên không cần thực đơn làm gì. Hoặc giả họ nghĩ chúng tôi không biết ăn đồ Ý, hay không biết đọc thực đơn các món Ý ??!!!

Nhìn vào thực đơn, có lẽ những nghi ngờ của tôi không sai lắm. Ðồ ăn Ý loại thông thường mình vẫn ăn trưa bên Mỹ mà mắc quá tổ, giống như đi ăn tối ở nhà hàng mắc tiền vậy. Chọn lựa một hồi, chờ đợi một hồi… Ðồ ăn được mang ra, đúng là …món ăn nhẹ, vì đĩa nào cũng có một …chút xíu! Con tôi ăn ngon miệng và khen rối rít! Ăn xong ra trả tiền: 75 dollars cho 4 người ăn bữa trưa chỉ hơi no! Thôi cũng được đi, ít ra mình biết khách sạn Furama là như thế!

Cũng phải xuống bờ biển dạo một tí nữa chứ. Bờ biển đẹp, khách tắm lai rai… Không có gì đặc biệt, duy có một điều tôi không hiểu được. Ðó là người ta trồng rất nhiều thông ngay bờ biển. Những cây thông như mới được trồng hàng loạt, san sát nhau. Lạ thật, tôi quen với cảnh những cây dưà, cây cọ ở vùng biển, và quen với cảnh rừng thông nơi miền núi. Ở đây người ta lại đem thông ở đâu về trồng sát bờ biển. Thông lại ưa khí hậu lạnh, mà vùng biển nóng thế này liệu có sống nổi không đây? Sau này có người nói cho tôi biết đó là những cây phi lao, giống như thông nhưng không phải là thông, và thường mọc ở vùng ven biển.

Buổi chiều… Một ngày lặng lẽ hơn tất cả mọi ngày…Nhóm du lịch giờ này chắc đã ở Nha Trang rồi, mẹ con tôi và bố chúng cũng lên máy bay trở lại Sài Gòn.

Về Lại “Nhà” Ở Sài Gòn

Về lại sân bay Tân Sơn Nhất, quang cảnh lần này đã trở nên quen thuộc hơn, nhưng nóng quá. Chúng tôi trở lại Grand Hotel, ở lại đúng căn phòng hôm trước nên thấy giống như “về nhà” thiệt. Những ngày cuối cùng ở VN này tôi bị một mẻ điếng hồn khi buổi tối bước vào phòng tắm và thấy một con thằn lằn đang chạy trên tường. Tôi lao ra khỏi phòng tắm ngay và ngồi nghe tim đập thình thịch, tự giận mình sao đã không nghĩ tới chuyện này từ trước để mà tránh. Nhưng làm sao tránh được vì ngày xưa ở VN đã tôi đã biết thằn lằn bò trên tường là chuyện thường kia mà. Ngày đó tôi sợ thằn lằn lắm, không dám nhìn chúng chạy bao giờ và rất sợ lỡ chúng rớt vào người mình thì chắc tôi sẽ té xỉu vì sợ. Qua Mỹ tôi thoát nạn được hai thứ thịnh hành ở VN vào buổi tối là thằn lằn và ma. Bây giờ không ngờ gạp lại ngay thằn lằn! Phải chờ tới sáng hôm sau tự nhủ mình là ban ngày thằn lằn đi ngủ, tôi mới dám vào phòng tắm trở lại.

Còn hai ngày cuối cùng, đi mua sắm nốt cho xong. Lúc này mẹ con tôi đã có thể bình tĩnh băng ngang dòng xe để qua đường. Tới khu Huỳnh Thúc Kháng mua DVD’s copy lậu khoảng hơn 1 US dollar 1 phim, rồi ở đường gì nữa tôi quên mất tê có nhiều tiệm bán software, dĩ nhiên cũng copy lậu, khảng 50 US cents một CD. Con út tôi được thể đòi mua Legos, nhưng tôi bảo con là chỉ những gì copy ra được như DVD và CD thì mới có giá rẻ mạt, còn thứ gì không copy được thì mắc hơn mua ở bên Mỹ. Vào coi giá thì quả là như thế. Một bộ Legos để ráp một con khủng long nhỏ chẳng hạn, giá gần nửa triệu đồng VN tức là khoảng nửa tháng lương trung bình, thử hỏi nhà giàu cỡ nào mới có tiền mua đồ chơi cỡ đó cho con?

Rồi cũng ra Vũng Tàu bằng tàu cánh ngầm, chỉ 45 phút là tới nơi, sáng di chiều về. Leo lên chỗ tượng Ðức Mẹ Bãi Dâu, thăm ông anh họ làm linh mục tại một nhà nghỉ mát của nhà dòng ở đó. Anh em họ mà từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ mới gặp nhau, ăn với nhau một bừa cơm khá vui. Sau đó gọi phôn cho Út Khờ biết để chị em gặp nhau. Ðang đứng chờ thì thấy chiếc xe van to đi vào cổng, xe ngừng lại thì một cậu nhảy xuống. “Út Khờ đó hả? Xe của em hay của sở” “Dạ của sở, em nói tài xế cho ghé đây rồi đưa gia đình chị ra Bãi Sau". Cậu em tôi quen trên Internet này ở VN làm cho hãng BP oai ra phết đấy chứ! Ðỡ cho tụi tôi một mớ tiền Taxi, vì taxi ở đây có vẻ còn mắc hơn trong Sài Gòn. Ra bãi sau ngồi trao đổi với nhau khá nhiều chuyện, nhưng rồi UK cũng phải về hãng làm việc tiếp. Ít ra gặp được những người bạn ảo trong Phố Rùm cũng bõ công đi nửa vòng trái đất của tôi chứ.

Cô bạn nhỏ có nickname là “Bơ” mà tôi cũng quen trên Internet và đã gặp vài ba lần trước khi đi tour, một buổi tối xách xe Honda lại rủ “Chị dám ngồi xe em đi chơi hông?”. Ði liền chứ sợ gì, ngày xưa tôi từng ngồi sau xe Honda mà. Thế là tôi kê đít lên yên xe, Bơ cười: “Chị ơi, ngồi để chân hai bên đi.” Ờ nhỉ, ngày xưa đàn bà ngồi một bên, và đàn ông sau này cũng phải ngồi một bên luôn, để bọn giựt bóp không dễ dàng làm ăn được. Còn bây giờ ngồi đàng sau ai cũng để chân hai bên hông xe hết. Tôi ngồi lại và cô em phóng đi. Buổi tối trời mát, đường phố Sài Gòn vẫn đầy ngập xe cộ và ồn ào bất kể ngày đêm. Dòm chung quanh chắc có mình tôi nắm chắc càng xe, còn ai cũng thản nhiên buông hai tay chẳng nắm giữ chi hết. Khi Bơ đi xiên vào dòng xe để quẹo là tôi sợ hãi nhắm chặt mắt lại như khi đi roller coaster đang lao xuống dốc vậy. Ở Sài Gòn đi xe khi quẹo là phải như vậy nhưng mình chưa quen thôi. Hai chị em vừa trò chuyện vừa đi vòng vòng qua khu Chợ Lớn. Ở đây vắng hơn chút nhưng rác rến nhiều quá. Ngày xưa tôi học ở giảng đường mới của Ðại Học Khoa Học, nằm trên đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn, nhưng trong ký ức chẳng có gì để liên hệ được với đường phố bây giờ. Ði một hồi hai chị em ngừng lại ở chợ Tân Ðịnh, đậu xe kế các xe bán đồ ăn buổi tối ở cạnh chợ, và ngồi vào một bàn. Bơ nói “Em khao chị vì có việc mới đó”. Bơ kêu sinh tố, tôi kêu bia, hai chị em kêu hột vịt lộn ăn chơi. Sau đó tôi chơi thêm một ly sâm bổ lượng, có nước đá cục hẳn hòi. Ăn cho đã mà rốt cuộc hết có chừng 2, 3 dollars! Bơ trả tôi về lại khách sạn, bố sắp nhỏ còn ở đó với chúng để chờ tôi về rồi mới ra về nhà riêng ở Gò Vấp. Tôi hí hửng kể chuyện đi dạo bằng xe Honda và ăn hàng cho con tôi nghe, bố chúng nghe xong kêu trời nói tôi sao dám liều mạng ăn uống lung tung như vậy. Nhưng rồi đâu có sao, có lẽ vì tôi đã lớn lên ở VN, trong người đã được miền nhiễm rồi chứ đâu phải không. Vả lại từ hôm mới về tôi đã tập ăn từ từ mỗi thứ chút đỉnh cho quen, nên chả thấy bao tử có vấn đề gì hết.

Về Lại Mỹ Và Cảm Tưởng Về Chuyến Ði Tour Từ Hà Nội Vào Sài Gòn

Chúng tôi ra phi trường sớm để kịp qua các thủ tục trước khi lên máy bay. Ðiều tôi lo nhất vì đã nghe nhiều người nói, là vụ mang theo DVD và CD’s. Nhiều người bảo đừng bỏ vào hành lý gởi riêng, mà nên bỏ vào cái sắc đeo trên người. Lý do ra sao tôi không biết. Ở chặng chót, sau khi đã chia tay những người tiễn mình đi, con tôi bị khám xét và mớ DVD bị giữ lại. Cô nhân viên cứ cầm mớ DVD, nói những phim này có thể thuộc loại đồi trụy, không được mang theo mà phải bảo người nhà cầm về. Tôi thấy buồn cười ở chỗ nếu là phim đồi trụy thì cứ việc tống đi cho nước khác lãnh đủ, chớ ngu sao mà lại kêu người nhà ở VN mang về, giữ lại ở trong nước làm chi vậy? Thấy vô lý nhưng cũng chẳng biết phải xử sự ra sao để không gặp rắc rối, tôi bèn ngu ngơ lấy cớ là người nhà đâu có được vào trong này, hồi nãy chia tay ngoài kia người ta về hết rồi, lấy ai cầm về bây giờ. Cô nhân viên nói tôi phải chờ để các phim này bị duyệt xét. Tôi yên lặng. Chắc cô thấy có làm khó dễ thêm thì tôi vẫn ngu không hiểu nổi ý của cô, nên cho mẹ con tôi đi cho rồi. Mà tôi muốn ngu như thế thật, chừng nào cô “can đảm” nói rõ ý cô muốn tôi cho tiền, thì tôi sẽ hiểu và làm theo ý cô, nhưng cô không có can đảm nói rõ ý đồ của cô ra thì tôi cứ ngu thế đấy.

Ngồi trên máy bay rồi, tâm trạng tôi khó diễn tả quá. Tôi thấy như mình vừa trải qua một giấc mộng! Tâm trạng này kéo dài cho tới khi tôi về lại Mỹ được mấy ngày mới hết. Trong mấy tuần ở VN, tôi thực sự xa hẳn cuộc sống thực tế của mình. Ngày nào cũng rong chơi, không phải làm gì đụng tới móng tay, cần gì cũng có người phục dịch. Ðược xem những nơi đẹp nhất, ở những khách sạn loại khá sang, ăn những nơi có tiếng và những món đặc biệt của từng vùng. Tiền mang theo tha hồ tiêu, chẳng phải tính toán suy nghĩ chi cả. Ngược lại, thì những dịch vụ trong chuyến tour cũng được sắp xếp để trình bày cho chúng tôi những gì đẹp nhất, sang trọng lịch sự nhất và mọi tốn kém coi như không thành vấn đề đối với khách du lịch. Tất cả chỉ là tạo ấn tượng, ấn tượng, và ấn tượng. Ấn tượng một đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng. Ấn tượng đời sống tại Việt Nam không thua kém các nước Tây Phương văn minh. Ấn tượng văn hoá nghệ thuật Việt Nam đáng trầm trồ khen ngợi. Ấn tượng người ngoại quốc phải đổ xô vào VN xem cho biết một đất nước đáng được biết,v.v… Còn đời sống thực tế ra sao? Rất tiếc suốt chuyến đi tôi không được biết một tí gì về đời sống của người dân lam lũ ở khắp nơi trên đất nước mình, ngoại trừ cảnh người lớn và trẻ em xúm đến chào mời mua hàng mà chúng tôi không mua vì không cần, những người quẩy gánh hoặc đẩy xe bán hàng rong, và những người ăn xin tàn tật… Chúng tôi được đối xử trong thế giới của những người sang trọng giàu có, và chúng tôi cũng làm ra vẻ như thế thật, vì chúng tôi trả tiền để được như vậy mà. Thế ra chúng tôi vừa diễn xong một vở kịch cả với nhau, và bây giờ tôi trở về với đời sống thưc tế của mình, với bổn phận hằng ngày, và đi cày tiếp để sinh sống. Ít ra, tôi được biêt tận mắt những cái đẹp đẽ của đất nước Việt Nam, và không biết có nên biết thêm những cái khác không?. (Hết)