Sự tích và ý nghĩa ngày 01.01.

Từ năm 153 v.Chr. (trước công nguyên) đã diễn ra cảnh thay đổi những chức vị hành chánh quốc gia ở thành Rô-ma vào những ngày đầu tháng Giêng. Trước đó mọi thay đổi đều diễn ra vào ngày 01.03.

Việc thay đổi này được công nhận đi liền với việc sửa đổi mới niên lịch thời hoàng đế Ce-sar vào năm 64 v.Chr. Vì thế mọi người ăn mừng ngày đầu năm 01.01. tưng bừng và trao đổi cho nhau qùa tặng cùng lời chúc mừng.

1. Ngày 01.01. và niềm tin đạo giáo.

Công đồng thànhTours (567) và công đồng Toledo(633) ấn định ba ngày đầu tháng Giêng hằng năm là ngày dành cho việc cầu nguyện ăn chay sám hối. Như thế có thể đoán được rằng, đã có lễ nghi kính thờ Thiên Chúa vào ngày đầu năm năm mới rồi. Một bản lễ nghi cổ xưa còn lưu lại với tựa đề: Xa tránh những lễ nghi thờ thần hoàng.

Cũng theo lễ nghi cổ xưa bên Tây-ban-nha, ngày đầu năm có thánh lễ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa tể thời gian. Vào thời trước thế kỷ thứ bẩy ở Rô-ma, có thể do ảnh hưởng của lễ nghi By-dăng-tin ngày 01.01. là ngày lễ kính Đức Mẹ với tên "natale sanctae Mariae".

Ở vùng Tây-ban- nha và Pháp từ thế kỷ thứ sáu, ngày 01.01. là ngày lễ cắt bì Chúa Giêsu. Lễ này được hội thánh bên Roma từ thế kỷ thứ 13 sang 14 công nhận rồi được đặt tên là “ lễ cắt bì Chúa Giêsu và tuần bát nhật sau lễ Chúa giáng sinh”. Từ ngày đó trong toàn thể hội thánh Công giáo mừng kính ngày lễ đó, cho tới lần sửa đổi phụng vụ vừa qua.

Từ 1969 niên lịch phụng vụ được sửa đổi, lễ kính Đức Mẹ Maria ngày 01.01. được đưa vào thy thế lễ cắt bì và có tên " Đại lễ kính Đức Mẹ Maria là mẹ Thiên Chúa". Trong ngày lễ kính này, tên Chúa Giêsu cũng được nhắc nhớ đến. Như thế một lễ riêng kính tên Chúa Giêsu không còn nữa.

2. Ngày đầu năm và nếp sống con người.

Ngày đầu năm mới mở ra cánh cửa bước vào thời gian tương lai đang đến trong đất trời và cho con người. Năm Mới bắt đầu với tháng Giêng. Tháng Giêng theo chữ nghĩa tây phương Januar, Janvier, January... cũng diễn tả biểu tượng cho cửa.

Ngày xưa ngưòi Rô-ma kính thờ thần ia-nus (Janus) như Thần cánh Cửa. Vì thế vị Thần này thường được khắc vẽ trên cửa nhà với hai khuôn mặt: một ở phía ngoài, và một ở bên trong cánh cửa. Ông có nhiệm vụ trông coi canh chừng kẻ ra, người vào. Chính vì vậy Ông được phong là vị Thần canh giữ nhà. Và người ta đã lấy tên vị thần Janus đặt tên cho Tháng thứ nhất của năm: Januar, January, Janvier, Tháng Giêng.

Ở nhiều nơi trong các lâu đài cổ, hoặc nhà thờ cổ xưa, hay các nhà cổ người ta còn khắc hình đầu vị thần này trên cửa: Một đầu phía ngài và một phía trong cửa. Và với dòng chữ cầu chúc như sau: Bonus intra, melior exi - Ước gì khi vào mang điều may lành, và khi ra nhiều may mắn hơn!

Cuộc sống chúng ta có hai chiều : Mặt sáng tỏ và mặt với bóng tối, tốt và xấu. Đó là thực tại của đời sống. Mở cửa lòng ra để ánh sáng tràn vào, xóa đi mặt tối của đời sống và để chiếu tỏa niềm hy vọng, vui tươi cho người khác.

Đó là nhiệm vụ canh giữ cửa lòng mình trong Năm Mới.

Lm. Nguyễn ngọc Long