Khi nói tới phản đối toàn cầu hóa, phản đối trật tự kinh tế thế giới hiện nay, có lẽ quý vị sẽ ngay lập tức liên tưởng tới những hình ảnh vật lộn của cảnh sát với người biểu tình tại những cuộc họp lớn của tổ chức mậu dịch thế giới mà tuần này cũng nhóm họp ở Geneva.

Tuy nhiên, trong số những người đặt câu hỏi đối với lý thuyết kinh tế hiện nay có cả người được giải Nobel kinh tế, Giáo sư Joseph Stiglitz.

Ông từng là cố vấn của tổng thống Clinton và là phó chủ tịch Ngân hàng thế giới. Chính những vị trí này đã cho ông quan sát và hiểu thấu đáo sự bùng nổ kinh tế của những năm 90 và cũng là, theo chính lời ông, 'tận mắt thấy tác hại khủng khiếp của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển'.

Ông Stiglitz, một người cũng được Việt Nam tham vấn về các vấn đề kinh tế, thực sự tin rằng các quyết định kinh tế lớn ngày nay đang dựa trên những học thuyết kinh tế lạc hậu và thiếu đạo đức.

Đây là lý do ông viết cuốn 'Những năm 90 hổ tung cánh - Lịch sử mới của Thập kỷ Thịnh vượng nhất của Thế giới" - The Roaring Nineties - a New History of the World's Most Prosperous Decade.

Ông viết rằng chính những nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị tham nhũng và tham lam đã dẫn tới những đổ vỡ kinh tế hồi cuối thập niên 1990. Đài BBC đã đề nghị ông giải thích thêm:

Joseph Stiglitz:Có một học thuyết từ cách đây 200 năm từ thời Adam Smith và theo học thuyết này thì nền kinh tế thị trường có thể tự lo liệu cho bản thân và được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình.

Chính vì thế kinh tế thị trường sẽ đem lại hiệu qủa kinh tế và sự thịnh vượng chung của xã hội.

Thế nhưng điều này là hoàn toàn sai. Chúng ta đã có minh chứng trong thập niên 90 khi mà sự tham lam vì chính bản thân mình đã không mang lại sự thịnh vượng cho xã hội. Một số người đã được hưởng lợi nhưng phần đông đã rất chật vật.

BBC:Trong cuốn sách ông cũng nói tới chủ nghĩa lý tưởng hóa dân chủ, ông có thể giải thích rõ thêm được không?

Joseph Stiglitz:Tôi muốn nhấn mạnh hai điểm ở đây. Thứ nhất là phải có được sự cân bằng giữa chính phủ và thị trường.

Thị trường rõ ràng là trung tâm của sự thành công trong xã hội thế nhưng chắc chắn không có một thị trường không có sự can thiệp của chính phủ nào mà hoạt động hoàn hảo cả.

Chúng ta cần có hệ thống ngân hàng, hệ thống kế toán và các luật lệ khác.

Tôi xin quý vị quay trở lại sự tự do hóa dưới thời bà Thatcher ở Anh và ông Reagan ở Hoa Kỳ.

Sự tự do này đã gây ra những hậu qủa lớn ở Anh, ở Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới.

Điều trớ trêu là chính sự sáng tạo đã thúc đẩy kinh tế phát triển và một trong những sáng tạo quan trọng đó chính là internet.

Và ta biết rằng chính chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đã phát triển internet mà nay các doanh nghiệp đã sử dụng rất nhiều.

Điều thứ hai tôi muốn nói tới khi bàn về chủ nghĩa lý tưởng hóa dân chủ là có những giá trị vượt qua những thước đo giá trị vật chất.

Một trong những lý do làm cho các tranh cãi chính trị rất nóng bỏng đó chính là kinh tế có tác động lớn tới hình thành xã hội và hình thành mỗi con người.

Tôi rất lo ngại khi sinh viên của tôi ngày nay chỉ muốn trở thành các nhân viên ngân hàng và làm những việc kinh doanh to lớn. Cách đây hơn 20 năm người ta có khát vọng tham gia những cuộc đấu tranh vì dân quyền và phụng sự hòa bình.

BBC: Vậy thì trong một thế giới có đạo đức hơn thì các tổ chức như là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những tổ chức mà người ta đã gọi là độc tài tài chính của thế giới sẽ có vai trò như thế nào?

Joseph Stiglitz:Một trong những điểm mà tôi đề cập tới trong sách là sau chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã có một cơ hội vô cùng lớn để thay đổi trật tự kinh tế thế giới dựa trên những nguyên tắc và giá trị được đại đa số chia sẻ và thừa nhận.

Thế nhưng các công ty, những giá trị tài chính và thương mại thì có mục tiêu rất rõ ràng trong khi đó các chính phủ lại không có được điều này.

Họ đã giành diễn đàn và chính vì thế chúng ta đã có những thứ như là vòng đàm phán mậu dịch Urugoay mà theo đó các nước nghèo, chẳng hạn các quốc gia Châu Phi đã bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế thường chính là các tổ chức đã thực thi những chính sách của nền kinh tế thị trường bị bóp méo này.

Tôi đã nói trong sách rằng nền kinh tế thị trường mà WB và IMF muốn áp đặt ở các nước đang phát triển không phải là nền kinh tế thị trường có ở Anh hay Mỹ.

Đó là kinh tế thị trường thần thoại, chẳng hạn như tư nhân hóa an sinh xã hội, giảm thâm hụt chứ không phải như Hoa Kỳ bây giờ nói rằng thâm hụt mậu dịch là tốt cho nền kinh tế, rồi chỉ chú ý tới lạm phát mà không để ý tới nạn thất nghiệp.

Tôi muốn các tổ chức này chú ý tới toàn cảnh xã hội chứ không chỉ có kinh tế không thôi. (BBC)