PHẦN II

Biện phân ơn gọi gia đình

Chương I

Gia đình và sư phạm Thiên Chúa

Nhìn Chúa Giêsu và khoa sư phạm Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi

37. (12) Để có thể “bước đi giữa các thách đố đương thời, điều kiện có tính quyết định là rõi nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, là ngừng lại chiêm niệm và thờ lạy gương mặt Người… Thực vậy, mỗi lần ta trở về nguồn trải nghiệm Kitô Giáo, những con đường mới và các khả thể chưa bao giờ mơ ước sẽ mở ra” (Đức GH Phanxicô, Diễn Văn ngày 4 tháng Mười năm 2014). Chúa Giêsu nhìn những người đàn bà và đàn ông Người gặp một cách đầy yêu thương và trìu mến, đồng hành với họ một cách kiênnhẫn và đầy xót thương, trong khi vẫn công bố các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa.

Lời Chúa trong gia đình

38. Nhìn Chúa Giêsu, trước nhất, có nghĩa là lắng nghe lời của Người. Đọc Sách Thánh không những trong cộng đồng mà còn cả tại nhà nữa sẽ dẫn tới việc làm sáng tỏ tính trung tâm của vợ chồng và của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và tới việc hiểu Thiên Chúa đã bước vào đời sống gia đình ra sao và nhờ đó, làm cho nó đẹp tươi và sinh động hơn.

Tuy nhiên, bất kể một vài sáng kiến, xem ra các gia đình Công Giáo vẫn thiếu việc tiếp xúc trực tiếp với Thánh Kinh. Việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình càng ngày càng làm nổi bật tính trung tâm của việc gặp gỡ Chúa Kitô, một cảm nghiệm tự nhiên sẽ xẩy tới khi gia đình biết đặt cơ sở trên Thánh Kinh. Bởi thế, nhiều người ước mong trên hết rằng mối liên hệ có tính sinh tử với Lời Chúa cần được khuyến khích trong các gia đình để họ được điều hướng về một cuộc gặp gỡ bản thân chân thực và thích đáng với Chúa Giêsu Kitô. Một cách tiếp cận Sách Thánh đã được đề xướng là lectio divina, tức cách vừa đọc vừa cầu nguyện Lời Chúa và là nguồn linh hứng cho cuộc sống hàng ngày.

Sư phạm Thiên Chúa

39. (13) Vì trật tự tạo dựng được xác định bởi xu hướng của nó hướng về Chúa Kitô, nên cần phải phân biệt, tuy không tách biệt, các bình diện qua đó, Thiên Chúa thông ban cho nhân loại ơn thánh của giao ước. Vì lý do sư phạm của Thiên Chúa, theo đó, trật tự tạo dựng phát triển qua các giai đoạn nối tiếp với trật tự cứu chuộc, nên ta cần phải hiểu sự mới mẻ của Bí Tích Hôn Nhân Kitô Giáo trong liên tục tính với hôn nhân tự nhiên ngay từ đầu, nghĩa là, cách hành động cứu chuộc của Thiên Chúa trong cả tạo dựng lẫn đời sống Kitô Giáo.
Trong tạo dựng, vì mọi sự đều được dựng nên nhờ Chúa Kitô và cho Chúa Kitô (xem Cl 1:16), nên các Kitô hữu “hân hoan và kính cẩn khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn nơi các đồng loại; họ phải chú ý đến sự biến đổi sâu xa đang diễn ra nơi các dân tộc” (Ad Gentes, 11). Trong đời sống Kitô Giáo, việc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đem tín hữu vào Giáo Hội qua Giáo Hội tiểu gia, nghĩa là, qua gia đình; nhờ thế, khởi đầu “một diễn trình năng động luôn phát triển, một diễn trình từ từ diễn tiến cùng với việc tiệm tiến hoà nhập các ơn phúc của Thiên Chúa” (Familiaris Consortio, 9), trong một cuộc hồi tâm liên tục trở về với tình yêu cứu vớt ta khỏi tội lỗi và ban cho ta sự sống viên mãn.


Hôn nhân tự nhiên và sự viên mãn của bí tích

40. Vì biết rằng cần phải hiểu các thực tại tự nhiên dưới ánh sáng ơn thánh, nên ta không thể không nhớ rằng trật tự cứu chuộc soi chiếu và cử hành trật tự tạo dựng. Do đó, hôn nhân tự nhiên chỉ có thể hiểu trọn vẹn dưới ánh sáng nó được thể hiện trong Bí Tích Hôn Phối. Chỉ khi nào rõi nhìn lên Chúa Kitô, người ta mới có thể tiến tới chỗ nhận thức sâu sắc được sự thật trong các mối liên hệ nhân bản. “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. […]Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” (GS, 22). Trong viễn ảnh này, ta sẽ hợp thời hiểu được các đặc điểm tự nhiên rất phong phú và đa dạng của hôn nhân, nhờ dùng các chìa khóa của Kitô học.

Chúa Giêsu và gia đình

41. (14) Chính Chúa Giêsu, khi nhắc lại kế hoạch nguyên thủy dành cho các cặp vợ chồng, đã tái khẳng định tính bất khả tiêu trong cuộc phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, dù có nói với các người Biệt Phái rằng: “vì sự cứng lòng của các ông, nên Môsê đã để các ông ly dị vợ, nhưng từ nguyên thủy, không có việc ấy đâu” (Mt 19:8). Tính bất khả tiêu của hôn nhân (“do đó, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” Mt 19:6), phải được hiểu không như một “cái ách” áp đặt lên con người mà như một “hồng phúc” dành cho chồng và vợ kết hợp với nhau trong hôn nhân. Bằng cách này, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy hành vi khiêm hạ xuống trần gian của Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với cuộc hành trình nhân bản của ta ra sao và có thể chữa lành và dùng ơn thánh để biến đổi một trái tim đã trở nên cứng cỏi như thế nào, bằng cách hướng nó về nguyên lý của ơn thánh, tức con đường thập giá. Các Tin Mừng đã minh xác rằng gương sáng của Chúa Giêsu là tiêu mẫu đối với Giáo Hội. Thực vậy, Chúa Giêsu vốn sinh ra trong một gia đình; Người bắt đầu làm các dấu lạ tại tiệc cưới Cana và Người công bố ý nghĩa của hôn nhân như sự viên mãn của mạc khải nhằm phục hoạt kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (Mt 19:3). Tuy nhiên, cùng một lúc, Người thực hành điều Người giảng dạy và biểu lộ ý nghĩa chân thực của lòng thương xót, được minh họa một cách rõ rệt trong cuộc gặp gỡ của Người với người phụ nữ Samaria (Ga 4:1-30) và với người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:1-11). Qua việc nhìn người tội lỗi bằng lòng yêu thương, Chúa Giêsu dẫn họ tới thống hối và hồi tâm (“hãy đi và đừng phạm tội nữa”), vốn là căn bản để được tha thứ.

Tính bất khả tiêu: một hiến tặng và là một trách vụ

42. Chứng từ của những cặp vợ chồng biết sống trọn cuộc hôn nhân Kitô Giáo làm nổi bật giá trị của sợi dây bất khả tiêu của hôn nhân và luôn cho thấy những cách thế mới để làm chứng cho lòng chung thủy vợ chồng. Tính bất khả tiêu biểu tượng cho một giải đáp có tính bản thân cho khát vọng sâu xa muốn yêu thương hỗ tương và dài lâu: một yêu thương “không bao giờ chấm dứt” trở thành một chọn lựa và một việc hiến mình, một hiến tặng do mỗi người phối ngẫu thực hiện cho người kia, do đó đóng ấn cho mối liên hệ của họ với chính Thiên Chúa và tất cả những ai Thiên Chúa ủy thác cho họ. Từ viễn ảnh này, điều đặc biệt quan trọng là việc cử hành các ngày kỷ niệm lễ cưới trong cộng đồng Kitô hữu phải làm sao để có thể nhắc nhớ rằng nếu hôn nhân có cơ sở trong Chúa Kitô, thì việc sống vĩnh viễn với nhau như vợ chồng không những là điều khả hữu mà còn là một kinh nghiệm đẹp đẽ nữa.

Tin Mừng Gia Đình đem lại một lý tưởng trong cuộc sống, một lý tưởng phải lưu ý tới cảm thức thời gian và các khó khăn thực sự trong việc vĩnh viễn duy trì các cam kết. Về phương diện này, Giáo Hội cần phải công bố một sứ điệp có thể đem lại hy vọng, chứ không phải gánh nặng, để mọi gia đình đều có thể biết rằng Giáo Hội không bao giờ bỏ rơi gia đình, vì “sợi dây bất khả tiêu của lịch sử Chúa Kitô và Giáo Hội với lịch sử hôn nhân và gia đình nhân loại” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 6 tháng 5, 2015).

Sống như một gia đình

43. Nhiều người khuyến cáo nên cổ vũ một nền luân lý ơn thánh có thể dẫn tới việc khám phá ra và sự bừng nở vẻ đẹp của các nhân đức vốn cố hữu trong đời sống hôn nhân, tức kính trọng và tín thác lẫn nhau; chấp nhận và biết ơn nhau; và nhẫn nại cùng tha thứ. Đức GH Phanxicô nói rằng ở trên khung cửa dẫn vào đời sống gia đình “có viết ba chữ […] ‘xin phép’, ‘cám ơn’ và ‘xin lỗi’. Thực vậy, các cách nói này mở đường để sống tốt trong gia đình, để sống hòa bình. Chúng là các cách nói đơn giản, nhưng không đơn giản chút nào khi đem ra thực hành! Chúng nắm nhiều sức mạnh: sức mạnh giữ cho đời sống gia đình nguyên vẹn dù có khi bị thử thách bởi hàng ngàn vấn nạn. Nhưng nếu chúng vắng mặt, những lỗ hổng nho nhỏ có thể bắt đầu nứt rộng mãi ra và toàn bộ sự vật có thể sụp đổ” (Đức Phanxicô, Yết kiến chung, 13 tháng Năm, 2015). Quả thực, việc cử hành Bí Tích Hôn Phối là một khởi đầu cho một diễn trình bao gồm và nâng đỡ nhiều giai đoạn và thử thách khác nhau của tình yêu, tất cả, nhờ được nuôi dưỡng bằng ơn thánh, sẽ đòi một phát triển từ từ hướng tới việc phát triển trọn vẹn.

Gia đình trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa

44. (15) Lời ban sự sống đời đời mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ của Người, bao gồm giáo huấn về hôn nhân và gia đình. Giáo huấn này giúp ta phân biệt ba giai đoạn căn bản trong chương trình của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình. Khởi đầu, là gia đình nguyên thủy, khi Thiên Chúa Tạo Hóa thiết lập cuộc hôn nhân đầu hết giữa Ađam và Evà làm nền tảng vững chắc cho gia đình. Thiên Chúa không những dựng nên con người có nam có nữ (St 1:27), mà Người còn chúc phúc để họ sinh sôi nẩy nở (St 1:28). Chính vì thế, “người đàn ông sẽ lià bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ và cả hai nên một thân xác” (St 2:24). Sự kết hợp này đã bị tội lỗi làm cho thương tổn và trở nên hình thức hôn nhân có tính lịch sử nơi Dân Chúa, hình thức mà Môsê đã ban cấp khả thể ban hành chứng thư ly dị (xem Đnl 24: 1tt). Đó là thực hành chính vào thời Chúa Giêsu. Với việc xuống thế của Chúa Giêsu và việc Người giao hòa thế giới sa ngã bằng ơn cứu chuộc của Người, giai đoạn bắt đầu từ Môsê đã chấm dứt.

Kết hợp vợ chồng và tính sinh hoa trái

45. Một số người nhấn mạnh rằng làm nổi bật giáo huấn trong Sách Thánh có thể giúp ích trong việc chứng tỏ: từ thời Sáng Thế, Thiên Chúa đã đóng lên vợ chồng hình ảnh và họa ảnh của Người ra sao. Phù hợp với những đường nét này, Đức GH Phanxicô nhắc nhở rằng “một mình người nam không phải là hình ảnh của Thiên Chúa mà một mình người nữ cũng không phải là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng người nam và người nữ như một cặp mới là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác nhau giữa người nam và người nữ không nhằm đứng đối lập nhau, hay khuất phục nhau, mà là để hiệp thông và sinh sản, luôn luôn theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (Yết Kiến Chung, 15 tháng Tư, 2015). Một số người chỉ rõ rằng bản chất bổ túc cho nhau trong đặc tính kết hợp và sinh sản của hôn nhân đã được viết ngay trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa: đặc tính kết hợp là kết quả của một quyết định có ý thức, nhưng không và có chủ tâm, được thể hiện trong đặc tính sinh sản. Hơn nữa, hành vi sinh sản phải được hiểu từ vọng nhìn làm cha mẹ có trách nhiệm và bổn phận trung thành chăm sóc và dưỡng dục con cái.

Gia Đình: hình ảnh của Ba Ngôi

46. (16) Chúa Giêsu, Đấng giao hòa mọi sự nơi chính Người, đã phục hồi hôn nhân và gia đình trở lại hình thức nguyên thủy của nó (Mc 10:1-12). Hôn nhân và gia đình đã được Chúa Kitô cứu chuộc (Eph 5:21-32), được phục hồi trong hình ảnh Ba Ngôi Chí Thánh, mầu nhiệm mà từ đó, mọi yêu thương đích thực đã phát sinh. Giao ước phu phụ, phát nguyên từ chính tạo dựng và được mạc khải trong lịch sử cứu rỗi, nhận được ý nghĩa trọn vẹn của nó trong Chúa Kitô và Giáo Hội. Qua Giáo Hội, Chúa Kitô ban cho hôn nhân và gia đình ơn thánh cần thiết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa và sống cuộc sống hiệp thông. Tin Mừng Gia Đình trải dài suốt lịch sử thế giới từ lúc tạo ra con người giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (xem St 1:26-27) cho tới ngày đạt tới sự thành toàn của nó vào ngày sau hết trong mầu nhiệm Giao Ước Chúa Kitô với tiệc cưới của Chiên Con (xem Kh 19:9) (xem Đức Gioan Phaolô II, Giáo Lý về Tình Yêu Nhân Bản).

Chương II

Gia đình và đời sống Giáo Hội

Gia đình trong các văn kiện của Giáo Hội

47. (17) “Xuyên suốt các thế kỷ, Giáo Hôi luôn duy trì giáo huấn không thay đổi của mình về hôn nhân và gia đình. Một trong các phát biểu cao nhất về giáo huấn này đã được Công Đồng Vatican II đề xuất trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, là hiến chế đã dành trọn một chương để cổ vũ phẩm giá của hôn nhân và gia đình (xem Gaudium et Spes, 47-52). Văn kiện này định nghĩa hôn nhân như một cộng đồng sống và yêu thương (xem Gaudium et Spes, 48), đặt tình yêu ở giữa gia đình và đồng thời biểu lộ chân lý của tình yêu này ngược với nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa giản lược đang thịnh hành trong nền văn hóa hiện nay. ‘Tình yêu đích thực giữa chồng và vợ’ (Gaudium et Spes, 49) hàm nghĩa việc hiến thân cho nhau và bao hàm cũng như tích hợp các khía cạnh tính dục và cảm giới, theo kế hoạch của Thiên Chúa (xem Gaudium et Spes, 48-49). Đàng khác, Gaudium et Spes, 48, còn nhấn mạnh tới việc đặt cơ sở cho vợ chồng trong Chúa Kitô. Chúa Kitô ‘bước vào cuộc sống các vợ chồng Kitô hữu qua bí tích hôn phối’ và ở lại với họ. Trong Nhập Thể, Người mang lấy tình yêu nhân bản, thanh tẩy nó, mang nó tới hoàn hảo và ban cho vợ chồng, cùng với Thần Khí Người, khả năng sống tình yêu ấy, một tình yêu thấm nhiễm mọi phần trong cuộc sống đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Bằng cách này, có thể nói cô dâu và chú rể đã được thánh hiến và nhờ ơn thánh của Người, họ xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và là một Giáo Hội tiểu gia (xem Lumen Gentium, 11), đến nỗi Giáo Hội, muốn hiểu rõ mầu nhiệm của mình, đã phải nhìn vào gia đình Kitô hữu, là hữu thể biểu lộ Giáo Hội một cách có thực chất” (Instrumentum Laboris, 4).

48. Dưới ánh sáng giáo huấn của Công Đồng Vatican II và các văn kiện của Huấn Quyền sau đó, đã có khuyến cáo được đưa ra phải khảo sát thấu đáo chiều kích truyền giáo của gia đình như là một Giáo Hội tại gia, một chiều kích đặt cơ sở trên Bí Tích Rửa Tội và được chu toàn bởi việc hoàn thành nhiệm vụ riêng của mỗi người bên trong cộng đồng Kitô Giáo. Từ bản chất, gia đình vốn có tính truyền giáo và gia tăng đức tin của mình trong chính hành vi truyền đạt đức tin này cho người khác. Đề cao vai trò truyền giáo được ủy thác cho gia đình đòi các gia đình Kitô hữu khám phá trở lại lời kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống mình và không để cho đức tin của họ mãi mãi không ai thấy. Thực sự “sống thực” tình hiệp thông gia đình là một hình thức của công bố truyền giáo rồi. Về phương diện này, vai trò của gia đình cần được cổ vũ trong sinh hoạt mục vụ nhờ một số hình thức khác nhau của việc làm chứng, trong đó có: liên đới với người nghèo, cởi mở đối với tính đa diện giữa người ta, tài quản lý tạo thế và dấn thân phát huy ích chung, chủ yếu khởi đầu từ nơi mình sinh sống.

Gia đình: đường của Giáo Hội

49. (18) “Tiếp theo Công Đồng Vaticvan II, Huấn Quyền giáo hoàng đã tinh lọc hơn nữa học lý về hôn nhân và gia đình. Một cách đặc biệt, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, trong thông điệp Humanae Vitae của ngài, đã cho thấy sợi dây gần gũi nối kết tình yêu vợ chồng với việc sinh sản sự sống mới. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành một sự chú ý đặc biệt cho gia đình trong loạt bài giáo lý của ngài về tình yêu nhân bản, Thư Gửi Các Gia Đình Gratissimam Sane và nhất là Tông Huấn Familiaris Consortio. Trong các văn kiện này, Đức Giáo Hoàng gọi gia đình là ‘đường đi của Giáo Hội’, ngài đưa ra một cái nhìn tổng quát về ơn gọi của người đàn ông và người đàn bà bước vào tình yêu và đề xuất nhiều hướng dẫn có tính căn bản cho việc chăm sóc mục vụ gia đình và sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Khi chuyên biệt bàn tới ‘tình yêu vợ chồng’ (xem Familiaris Consortio, 13), ngài mô tả việc vợ chồng, qua tình yêu hỗ tương của họ, đã lãnh nhận hồng ân của Thần Khí Chúa Kitô và sống ơn gọi nên thánh của họ như thế nào” (Instrumentum Laboris, 5).

Thước của Thiên Chúa đo tình yêu

50. (19) “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong thông điệp Deus Caritas Est của ngài, một lần nữa, đã tiếp nối chủ đề chân lý của tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà, một tình yêu chỉ hiểu được nhờ ánh sáng tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh (xem Deus Caritas Est, 2). Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng ‘hôn nhân dựa trên tình yêu độc chiếm và dứt khoát đã trở nên hình tượng mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Người và ngược lại. Cung cách yêu thương của Thiên Chúa đã trở thành thước đo tình yêu nhân bản’ (Deus Caritas Est, 11). Hơn nữa, trong thông điệp Caritas in Veritate của mình, ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tình yêu, coi nó như nguyên lý sống trong xã hội (Xem Caritas in Veritate, 44), nơi mà con người học biết cảm nghiệm được ích chung” (Instrumentum Laboris, 6).

Gia đình cầu nguyện

51. Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng là một lời mời xem xét thấu đáo khía cạnh thiêng liêng của đời sống gia đình, bắt đầu với việc khám phá lại việc gia đình cầu nguyện và cùng nhau lắng nghe lời Thiên Chúa, là điều dẫn tới việc dấn thân cho các công cuộc bác ái. Sự quan trọng có tính nền tảng trong đời sống gia đình là khám phá lại Ngày của Chúa như một dấu chỉ gia đình có ý hướng sâu xa muốn thuộc về cộng đồng Giáo Hội. Việc hướng dẫn mục vụ thỏa đáng cũng đã được đề nghị để linh đạo cụ thể của gia đình có thể phát triển đáp ứng các câu hỏi phát sinh từ đời sống hàng ngày. Đặc biệt hữu ích là việc nuôi dưỡng một nền linh đạo gia đình bằng các trải nghiệm đức tin mạnh mẽ, nhất là trong việc trung thành tham dự Phép Thánh Thể, là “nguồn và là đỉnh cao của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (LG, 11).

Gia đình và đức tin

52. (20) “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong thông điệp Lumen Fidei của ngài, khi bàn tới sự nối kết giữa gia đình và đức tin, đã viết rằng: “Gặp gỡ Chúa Kitô, tự để họ (người trẻ) được tình yêu của Người chiếm hữu và hướng dẫn, sẽ mở rộng chân trời hiện sinh, đem lại cho nó một niềm hy vọng vững chắc sẽ không làm họ thất vọng. Đức tin không phải là nơi ẩn náu cho những người nhát gan, nhưng là một điều thăng tiến đời ta. Nó làm ta ý thức được lời mời gọi tuyệt vời, tức lời mời gọi yêu thương. Nó bảo đảm với ta rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng ôm lấy, vì nó đặt căn bản trên lòng trung thành của Thiên Chúa, một lòng trung thành luôn lớn lao hơn mọi yếu đuối của ta’ (Lumen Fidei, 53)” (Instrumentum Laboris, 7).

Giáo lý và gia đình

53. Nhiều người cho rằng chương trình giáo lý cho gia đình cần được tái duyệt. Về phương diện này, cần phải lưu ý tới việc làm cho các cặp vợ chồng can dự vào việc giáo lý, nhất là đối với con cái họ, hợp tác với các linh mục, các phó tế và các vị sống đời thánh hiến. Sự hợp tác này dùng để chứng tỏ rằng ơn gọi hôn nhân là một thực tại quan trọng đòi phải có sự chuẩn bị thỏa đáng trong một thời gian hữu lý. Lồng các gia đình Kitô Giáo lành mạnh và các thừa tác viên đáng tin cậy vào chương trình này sẽ gia tăng tính khả tín của cộng đồng trong việc làm chứng của nó đối với người trẻ trên hành trình đưa ra các chọn lựa có ý nghĩa của họ ở trong đời.

Cộng đồng Kitô hữu không chịu chỉ đơn giản là nơi để đến xin các dịch vụ nhân bản; thay vào đó, cộng đồng này là nơi các gia đình đã phát sinh và là nơi họ gặp nhau và hành động qua lại khi cùng nhau nhịp bước trong đức tin và chia sẻ các cách thế phát triển và trao đổi hỗ tương.

Tính bất khả tiêu của hôn nhân và niềm vui cùng nhau chia sẻ đời sống

54. (21) Sự hiến mình cho nhau trong Bí Tích Hôn Nhân được đặt cơ sở trên ơn thánh của Phép Rửa, là Phép vốn thiết lập ra giao ước nền tảng của mọi người với Chúa Kitô trong Giáo Hội. Khi chấp nhận nhau và với ơn thánh của Chúa Kitô, cặp đính hôn hứa sẽ hoàn toàn hiến mình cho nhau, trung thành với nhau và chào đón sự sống mới. Cặp vợ chồng khi đã cưới nhau cùng nhìn nhận các yếu tố này như là thành phần cấu tạo ra hôn nhân, như là hồng ân Thiên Chúa hứa ban cho họ, coi trọng sự cam kết hỗ tương, nhân danh Thiên Chúa và trước mặt Giáo Hội. Do đó, trong đức tin, người tín hữu có thể coi các thiện ích của hôn nhân như các cam kết có thể duy trì được hơn nhờ sự trợ giúp của ơn thánh bí tích. Thiên Chúa thánh hiến tình yêu của vợ chồng và củng cố tính bất khả tiêu của nó, giúp họ sống lòng trung thành, tính bổ túc hỗ tương và việc chào đón sự sống mới của họ. Bởi thế, Giáo Hội ngoảnh nhìn các cặp vợ chồng như là trái tim của toàn bộ gia đình, và gia đình, ngược lại, ngoảnh nhìn lên Chúa Kitô.

55. Niềm vui nói lên việc thể hiện trọn vẹn một con người. Để biểu tỏ niềm vui độc đáo của việc kết hợp chồng và vợ và việc tạo lập một gia đình mới đòi phải trình bầy gia đình như nơi chốn của các mối liên hệ bản thân và nhưng không, không giống như các mối liên hệ trong xã hội. Việc hiến mình tự ý và hỗ tương, sự sống được sinh ra và việc săn sóc của một thành viên cho một thành viên khác, từ người trẻ nhất tới người già nhất, chỉ là một số khía cạnh làm gia đình thành độc đáo trong vẻ đẹp của nó. Điều quan trọng là khai triển ý niệm cho rằng hôn nhân là một chọn lựa cả đời vốn không hạn chế cuộc hiện sinh của ta, nhưng thay vào đó làm cho nó phong phú và trọn vẹn hơn, ngay trong những lúc khó khăn.

Qua việc chọn lựa ấy ở trong đời, gia đình xây dựng xã hội không phải như tổng số số học các cư dân của một lãnh thổ đặc thù hay một nhóm công dân của một quốc gia, nhưng như một trải nghiệm chân thực của một dân tộc hợp nhất trong tinh thần và như Dân Thiên Chúa, trong trường hợp Giáo Hội.