TIÊU CHUẨN HOÁ VIỆC NẤU ĂN

Ở Mỹ có những cơ quan hoặc công ty chuyên thử nghiệm và phân chất các loại thực phẩm, hoặc phổ biến các công thức nấu ăn, làm bánh sau khi đã thử nghiệm và tiêu chuẩn hoá việc cân đo các vật liệu và cách thức làm. Cách nấu ăn của người Việt Nam thì lại khác, không có tiêu chuẩn nào trong việc đo lường và cách làm, và thường được dạy truyền khẩu theo kiểu “liệu nêm nếm cho vừa miệng” hoặc “hễ thấy chín là được”. Vì không có tiêu chuẩn và phương thức rõ rệt nên việc nấu ăn trở nên khó truyền dạy và khó học hỏi. Nhiều bạn trẻ rất thích những món ăn ngon do mẹ mình nấu, nhưng lại không học được ngay cả khi xem mẹ nấu.

Ðể giúp cho việc học nấu ăn được trở nên dê dàng, thiết tưởng cần phải tiêu chuẩn hoá được chừng nào tốt chừng đó. Như vậy ai cũng có thể làm được khi cần, và con cái sẽ có thể chăm lo việc dinh dưỡng cho chính gia đình của họ sau này. Thí dụ những tiêu chuẩn sau đây có thể dùng làm căn bản cho nhiều món:

1. Khi ướp hoặc nêm nếm thịt cho các món chiên, nướng, xào, thịt bằm làm nhân, v.v... Cứ mỗi pound (bằng 450g )thịt sẽ cần 1 teaspoon (muỗng cà phê ) muối. Muốn dịu hơn thì cho mỗi pound 1 teaspoon đường, ngọt hơn thì cho 1.5 hoặc 2 teaspoons.

2. Mỗi teaspoon (muỗng cà phê) muối tương đương với 2 tablespoon (muỗng canh) nước mắm ngon hoặc maggi, nước tương loại ngon.

3. Nước mắm chua ngọt có thể pha các thứ theo tiêu chuẩn và thứ tự như sau: 1 cup đường hoà tan vào 2 cups nước, sau đó cho 1 cup nước mắm loại ngon. Thả tỏi ớt đã bầm sẵn vào 1/2 cup nước chanh vắt hoặc dấm, ngâm một chút rồi trút vào sau cùng để tỏi ới nổi trên mặt trông đẹp mắt. (Muốn cho nước mắm chua ngọt không đục mà trong và dịu, thì nước nấu sôi, cho đường vào đó, rồi để nguội mới đổ nước đường vào bát nước mắm!)

Nên dạy các em bé pha nước mắm kiểu này, các em sẽ rất hãnh diện vì bao giờ pha cũng vừa miệng! Cách giúp các em dễ nhớ và có thể pha bất cứ số lượng nhiều hay ít: Ðường và nước mắm bằng nhau, nước lạnh gấp đôi, dấm một nửa. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà gia giảm chút đỉnh cho chua ngọt vừa miệng.

4. Món dưa cải muối chua được rất nhiều nguời thích nhưng rất khó để các bạn trẻ làm được, vì nếu không có kinh nghiệm dưa có thể bị nhạt quá hoặc mặn quá và không chua được. Các bạn nên thử làm như sau: Rau cải dưa cắt nhỏ hoặc bắp cải thái sợi rửa thật sạnh để ráo, trộn thêm hành lá cắt ngắn để sẵn. Lọ hay keo để ngâm dưa rửa sạch, lau khô. Pha nước ngâm dưa theo tiêu chuẩn sau đây: 1 lít (4 cups) nước ấm, 2 rounded tablespoon muối (muỗng canh gạt), 1 tablespoon đường, 2 tablespoons dấm. (Các bạn thừa biết cách định xem mình cần bao nhiêu nước để đủ ngập mặt dưa và sẽ điều chỉnh lượng muống đường). Ðể hũ dưa gần bếp nấu và dưa sẽ chua sau khoảng 2 ngày.

ÍCH LỢI CỦA BỮA ĂN TRONG GIA ÐÌNH:

Những gia đình bận rộn ngày nay có thể phải đành chịu cảnh mạnh ai nấy ăn, ăn bất cứ lúc nào thuận tiện cho mình, chứ không thể đợi mọi người cùng ngồi vào bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn cố gắng thu xếp để có thể ăn chung ít nhất một vài lần trong tuần. Trong những bữa ăn chung của gia đình, mọi người sẽ có được những lợi ích sau:

1. Trong lúc bữa ăn đang được sửa soạn thì cả nhà được ngủi mùi xào nấu, khứu giác được kích thích và bao tử sẽ tiết ra những dung dịch cần thiết chuẩn bị cho việc tiêu hoá. Ðiều này giúp cho ta ăn ngon miệng hơn và bao tử làm việc dễ dàng, ít bị những bịnh về đường tiêu hoá.

2. Giúp cho con cái có cơ hội được đóng góp cho bữa ăn như dọn bàn, dọn nước uống trước bữa ăn, và lau bàn, rửa chén, đổ rác sau khi ăn.

3. Là lúc để cảm tạ Chúa cho bữa ăn và không khí gia đình đầm ấm sau một ngày đi làm và đi học

4. Trong khi ăn, mọi người có cơ hội gần gũi nhau, nghe giọng nói tiếng cười của nhau, chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn trong ngày, hỏi ý kiến chung của cả gia đình về một việc gì quan trọng, thông báo những tin tức cần thiết của gia đình,v.v.

5. Cùng nhau thưởng thức món ăn do người mẹ, người bố hay người con nấu cho cả nhà. Bày tỏ sự biết ơn và khen tặng tài nấu bếp của người này trong việc đem lại sự bổ dưỡng và niềm vui cho gia đình.

6. Cảm thấy vui vì đã để dành được tiền, thay vì phải tiêu một số tiền lớn để đi ăn tiệm thì lại có một bữa ăn lành mạnh và vui vẻ ngay tại nhà không tốn kém bao nhiêu.

Tóm lại, trong bữa ăn gia đình không phải chỉ có cái bao tử được thoả mãn không thôi mà đời sống tinh thần cũng được bồi bổ rất nhiều, và cả cơ thể lẫn trí óc sẽ được mạnh khoẻ.. Ðối với trẻ em trong các gia đinh Việt Nam sống ở hải ngoại, đây là dịp tốt cho các em được nghe người lớn đối thoại bằng tiếng Việt cho quen tai, và là có cơ hội cho cha mẹ giúp con cái trao đổi với mình bằng tiếng mẹ đẻ.

ÍCH LỢI CHO NGƯỜI NẤU ĂN

Trước khi nói đến lợi ích cho người nấu ăn, thiết tưởng cần nói sơ qua về lợi ích của Thiền (Zen) trong đời sống thực tế. Ngày nay người Âu Mỹ rất thích tìm hiểu các tôn giáo Ðông Phương, nhất là lợi ích của việc ngồi thiền để đạt được trạng thái trống rỗng, giúp cho đầu óc được thanh thản, cơ thể được nghỉ ngơi, thay vì luôn bị căng thảng và bận rộn với những toan tính và công việc hằng ngày. Ðạo Kitô giáo trong những thế kỷ trước được truyền đi mạnh mẽ đến nhiều nới trên thế giới, và các cố đạo Tây Phương đã lập ra các kinh để giúp người ta có thể cầu nguyện dù chưa hiểu đạo bao nhiêu. Sau này các kinh được đọc đi đọc lại trở thành quá quen thuộc, người ta hay than là đọc kinh bị chia trí vì đầu óc được rảng rang tha hồ đi lang thang đây đó, có khi giật mình không biết mình đang đọc tới đâu, hoặc đầu óc tha hồ “họp chợ” với trăm thứ chuyện ngổn ngang hỗn độn, không còn chỗ cho sự hiện diện của Chúa nữa. Nếu khi cầu nguyện mà chú tâm, hễ nhận ra mình đang bị chia trí liền trở lại ngay với thực tại, thì giống như việc toạ thiền đem lại những lợi ích trong đời sống thực tế, người ta dễ có được một đời sống lành mạnh về tinh thần lẫn thể xác, ít bị đau bịnh.

Người ta cũng có thể tránh được trạng thái hỗn độn, căng thẳng bằng cách chú tâm làm một việc gì, nhất là những việc mà ta ưa thích như nghe nhạc, đánh đàn, đọc sách, chơi thể thao, làm vườn, đóng đồ mộc,v.v. Có nhiều người say sưa việc sửa chữa nhà cửa đến bỏ cả ăn cả ngủ để làm cho xong, và trong đầu của người đó không có chuyện nào khác lọt vào được vì đã hoàn toàn bị chiếm đóng bởi công việc trước mắt. Chính vì vậy mà có môn phái thiền dùng việc nấu ăn như một phương pháp hành thiền (theo Zen Masters Dogen and Uchiyama trong “Refining Your Life - From the Zen Kitchen to Enlightenment”). Vì khi nấu ăn ta phải hoàn toàn hiện diện với công việc trước mắt, đầu óc khó nghĩ sang chuyện khác được. Người nấu ăn không những phải luôn chân luôn tay, mà còn phải hết sức chú tâm vào việc đang làm, vì nếu phân tâm chia trí là sẽ bị đứt tay, bị phỏng, đồ ăn bị khét hoặc sôi tràọ... Nếu cả ngày đi làm bị căng thẳng (stressed), thì việc nấu bữa cơm tối sẽ là cơ hội để quên hết mọi chuyện điên đầu ở sở làm (de-stressed), tâm trí được thảnh thơi, lấy lại được sự quân bằng giúp cho đời sống trở nên lành mạnh.

KẾT LUẬN:

Bữa ăn trong gia đình đem lại quá nhiều lợi ích về tinh thần lẫn thể xác, nhất là giúp cho gia đình có bầu không khí thân thương gần gũi, khiến cho ta có được một cuộc sống lành mạnh cách toàn diện. Cơ thể được mạnh khoẻ, ít mắc bịnh, thân hình được đầy đặn và gọn gàng, ít bị mập phì hoặc ốm o, tinh thần được thoải mái, gia đình tràn đầy không khí yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Chừng đó thứ đủ tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, toàn diện, và bền bỉ. Thiết nghĩ vì những lợi ích này mà bất cứ ai, cả nam lẫn nữ giới, cũng nên học hỏi và tập tành ngay từ khi còn nhỏ để lớn lên có thể đem lại những lợi ích này cho chính bản thân và cho người thương trong gia đình.