SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

Trong sắc lệnh truyền giáo của công đồng Vatican II nhấn mạnh: “trong tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới. Vì thế Giáo Hội càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Giêsu, và nơi Ngài mọi người được hợp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất.” Sứ vụ truyền giáo vẫn luôn là sứ vụ khẩn thiết hàng đầu và là sức sống của Giáo Hội, vì tự bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, thực thi lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu, để thông chia ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi loài thọ tạo.

Đã bao giờ bạn tự hỏi truyền giáo là gì chưa? Vâng, có lẽ đã là người tín hữu chắc hẳn rằng ai cũng đã có cho mình câu hỏi này, câu hỏi đó muôn thuở đi theo và day dứt trong suốt cuộc sống của mỗi một người kitô hữu. Truyền giáo không chỉ là vấn đề, trách nhiệm của những vị chủ chăn trong Giáo Hội, của ông Cha, bà Phước, mà là trách nhiệm chúng của mỗi người kitô hữu, những người đã được lãnh nhận phép rữa, có chung một niềm tin nơi Đức Kitô những người “đã được lãnh nhận một cách nhưng không thì cũng phải cho một cách nhưng không.” Lệnh truyền của Đức Giêsu "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng tin mừng cho mọi loài thọ tạo", (Mc 16.15) vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn của mỗi người tín hữu, và là nổi băn khoăn trắc trở của Giáo Hội, khi mà hạt giống Lời Chúa chưa được bén rễ sâu, và chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc của Đức Kitô. Khi vẫn còn đó biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa, biết bao người còn bước đi trong bóng tối vì chưa được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn. bởi thế, Giáo Hội xác quyết rằng tất cả mọi người nam cũng như nữ có quyền gặp Đức Kitô, Đấng cứu thế qua sứ vụ của Giáo Hội, và mỗi một người tín hữu phải là một nhà truyền giáo, nhà thừa sai, và là một tông đồ nhiệt thành để “rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Mỗi một người kitô hữu phải luôn biết sống tâm tình của thánh Phaolô “khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1C 9, 16).

Thế giới mà chúng ta đang sống, ngày càng văn minh, khoa học và hiện đại hơn, nhưng cũng là một thế giới mà còn đó những tranh chấp bất hòa, chia rẽ hận thù, khủng bố bách hại nhau. Đặc biệt tại nhiều nơi, nhiều quốc gia tình trạng người kitô hữu bị bách hại tấn công vẫn còn diễn ra, điển hình như ở Syria, Iraq… hơn lúc nào hết, mỗi một người phải biết sống can đảm để làm chứng cho Tin Mừng, cho sự thật, “anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28). Hãy để cho Lời Chúa được bén rễ sâu và lớn lên trên chính môi trường mà mỗi một người chúng ta đang sống. qua mọi nơi, mọi thời sứ vụ truyền giáo vẫn luôn gặp những khó khăn thử thách, vì “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”(Lc 10,3), Đức Giêsu đã cảnh tĩnh cho các môn đệ đầu tiên của mình về những khó khăn nguy hiểm mà họ sẽ phải đương đầu khi chấp nhận bước theo Ngài.

Ngày hôm nay, Giáo Hội cũng được mời gọi “hãy ra khơi”, như xưa Chúa Giêsu truyền cho thánh Phêrô hãy ra khơi để thả lưới, Giáo Hội cũng phải sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi đó để ra khơi thả “lưới người”. Dù phong ba bão táp, hay những khinh chê, thù ghét của người đời, người kitô hữu phải luôn tin tưởng, phó thác vì có “Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8), để làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kitô. Vì Tin Mừng, vì tình yêu mà những ai mang danh kitô hữu cũng sẽ bị người ta thù ghét, bách hại, gây khó khăn, nhưng hãy bền đỗ đến cùng để được cứu độ, và “vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”(Mt 5, 12). Song song với sứ vụ truyền giáo, người kitô hữu cũng phải thực thi lệnh truyền bác ai yêu thương mà Đức Kitô đã nêu gương, khi Ngài cúi xuống rữa chân cho các môn đệ, và tình yêu đó được cụ thể hóa nơi cái chết của Ngài. Một tình yêu cho đi nhưng không, một tình yêu hiến dâng cả mạng sống mình để cho muôn người được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa được kêu gọi để sống yêu thương, để chu toàn lề luật Mến Chúa yêu người, đó là cách để người kitô hữu giới thiệu và truyền giáo cho những người xung quanh, vì “cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau.” (Ga,13,35).

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của Giáo Hội, Giáo Hội vẫn không ngừng “rao giảng về một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23), và trong chính xã hội hôm nay lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu cần khẩn thiết và cấp bách hơn. Ước gì mỗi thành phần dân Chúa luôn là chứng tá sống động của Đức Tin, và là những nhà thừa sai nhiệt thành, để cho nước Chúa được trị đến và Danh Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Antôn Trần Công Đức