Thương nhớ cội nguồn

Mỗi người được sinh ra trong cuộc đời này đều mang sẵn huyết thống và tế bào của cha mẹ, ông bà của mình truyền cho. Tình thương nhớ sâu đậm đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những bạn bè thân quen đã mất là lẽ thường tình của đạo làm người.

" Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”


Có lẽ , hình ảnh tốt đẹp nhất, thiêng liêng cao quí được ấp ủ trong trái tim của mỗi người con luôn vẫn là người mẹ, người cha!
“Công cha như núi Thái sơn!” Người cha đã âm thầm, không ngại khó khăn, gian khổ, không quản nắng mưa, đã gánh trên vai mình cả gia đình để vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Không ai dám cho đi cả cuộc đời vì hạnh phúc của người con bằng người mẹ, người cha!

„ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!“ Khi con vang tiếng khóc oa oa chào đời trong cơn đau đớn kinh hoàng của mẹ, nhưng cũng chính là lúc sung sướng nhất của đời mẹ, vì mẹ đã có con. Mẹ đã cắt chính ruột mình để cho con có sự sống. Bầu sữa mẹ mát tươi, bổ duỡng nuôi con khôn lớn. Mẹ luôn là người bên cạnh để dìu dắt, dạy bảo và lo lắng cho con!

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.”

Không ai có thể sống như một hòn đảo, riêng lẻ một mình, mà chỉ có thể sống được là nhờ biết liên đới với mọi người khác. Khi bưng chén cơm ngon, có biết bao người đã dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng!
Một niềm hạnh phúc lớn là chúng ta được sinh ra có mẹ có cha và được hưởng phước đức từ đời cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại! Vậy mỗi người cũng có bổn phận đóng góp vào kho tàng phúc đức đó, để làm phong phú hoá. Từ đó, nhớ đến người đã chết là để biết ơn.

"Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình."

Khi đối diện với cái chết của người khác, tôi không khỏi phải liên tưởng đến cái chết của mình. Ranh giới giữa sống và chết sao quá mong manh! Người mà tôi mới gặp ngày hôm qua, hôm nay họ đã là một cái xác lạnh ngắt, nằm yên trong huyệt mộ. Số phận con người như “hoa sớm nở tối tàn”, thật quá phù du! Lúc còn sống, chúng ta mang đến cho nhau niềm vui, nụ cười; Và lúc giã biệt ra đi, chúng ta không c òn ngậm ngùi, nuối tiếc. Vì vậy, nhớ đến người chết là để phải nhớ đến thân phận của mình đang sống.

“Làm sao giấc ngủ cho tròn
Làm sao khi chết vẫn còn lưu danh!”

Nhìn bình minh ló dạng ,rực nắng ban mai, nhắc nhở tôi, hoàng hôn sẽ buông xuống, nhạt nắng xế chiều. Lúc sum họp, rộn rã nói cười; Khi chia ly, khóc thương, buồn nhớ. Chết như một định luật! Mặc dù, không muốn nghĩ về sự chết, nhưng tôi không thể tránh khỏi phải chết. Sự chết ở trong chính tôi. Cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết. Không ai mà không phải chết, nhưng liệu chúng ta đựơc chết trong thanh thản an bình, hay chết trong sợ hãi, dằn vặt, âu lo! Vậy, nhớ đến người chết để biết mình cũng phải chết.

“Cuộc đời thực thực, hư hư.
Hôm nao còn bạn, bây chừ cách chia
Trần gian nay đã xa lìa
Xuôi tay, nhắm mắt, nằm kia lạnh lùng
Hồn thì về cõi mông lung
Với mây, với gió, đi cùng trăng sao “

Trong cuộc sống, người ta cứ mãi vất vả ngược xuôi, lo chiếm hữu, tích lũy, cố làm cho đời mình được hạnh phúc sung sướng, giàu có để được bền vững. Than ôi ! ai nào ngờ, trong bất chợt, con người lại phải ra đi trắng tay một mình. Do đó, nhớ đến người chết để biết mình đang sống và sống xứng đáng là người hơn.

« Một đời phú quý vinh hoa
Một đời đói rách cũng qua một đời »

Thương nhớ về cội nguồn là xu hướng tự nhiên của con người, như máu chảy về tim, như lá rụng về cội. Là người, ai cũng có cội nguồn và phải biết nhớ về cội nguồn. Đặc biệt là người Việt nam rất trọng Chữ Hiếu với đạo làm con. Nhưng, trước hết và trên hết, cội nguồn đích thực nhất, chính là Ông Trời, Thiên Chúa Toàn Năng, luôn luôn chúng ta phải tôn thờ, mến yêu!

“Trước khi chưa dựng đất trời,
Chúa hằng hữu đã rạng ngời, vinh quang!”

München vào thu
Anna Nguyen