Đầu năm 2002, các nhà phân tích tràn đầy hy vọng vào nền kinh tế Hoa kỳ sẽ tăng trưởng mạnh để kéo theo sự phát triển kinh tế toàn cầu. Thế rồi, những con số thống kê đệ nhị tam cá nguyệt đã không hứa hẹn một tương lai khả quan như mong muốn. Tổng sản lượng quốc nội có nguy cơ chỉ tăng 1,1% cho năm 2002, thay vì 5,5% như dự đoán. Người ta e ngại kinh tế Mỹ lại rơi vào một chu kỳ suy thoái mới, khi dựa vào những lý do sau :

1. Chỉ số Dow Jones lẫn Nasdaq dù có tăng lại, nhưng chưa phục hồi lòng tin nơi người tiết kiệm. Tuy khoảng 51% dân Mỹ tham gia thị trường chứng khoán, nhưng số tiền trung bình dự chơi chỉ khoản 20000 mỹ kim cho mổi người. Sự mất giá thời gian qua không làm cho họ mất niềm tin, nếu không kèm sự kiện một loạt các đại công ty bị phá sản mà, trong đó, sổ sách kế toán tràn đầy những sự gian lận. Trong khi đó, thẩm quyền kinh tài chánh phủ Bush tỏ ra lúng túng để đưa ra những sáng kiến chủ động và hữu hiệu.

2. Chánh quyền Bush chưa có những chiến thắng hay kết quả rõ rệt trong công cuộc chống khủng bố. Hậu quả, khủng hoảng niềm tin nơi người tiêu thụ, ảnh hưởng nặng nhất là du lịch, hàng không... nguy cơ lại tăng thêm khi càng gần đến ngày 11.09. Các hảng phi cơ buộc phải giãm nhân viên hay bớt chuyến bay. Ngoài ra, sự can thiệp vào Irak mà Mỹ đang chuẩn bị,
có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không may, lại thêm một khủng hoảng mới !...

3. Nhờ lãi xuất vay ngân hàng hạ, cổ phiếu mất giá, dân Mỹ mua nhà. Nhưng số thống kê nhà mới cất tháng 7 cũng bắt đầu dừng lại.

Trước tình thế đó, nhằm khuyến khích tiêu thụ và thúc đẩy đầu tư, người ta trông chờ Viện Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Quốc gia Hoa kỳ) giãm lãi xuất chỉ đạo mà ông Alan Greenspan, Chủ tịch, có thể quyết định vào phiên họp tháng 9 tới.

Viện Dự trữ Liên bang sử dụng lãi xuất chỉ đạo như một vủ khí chống lạm phát: để giải hóa áp lực lạm phát và ổn định giá cả, Viện cho tăng lãi xuất. Từ 03.01.2001, nhằm gia tăng phát triển kinh tế, Viện Dự trữ Liên bang đã 11 lần hạ lãi xuất, hiện là 1,75%, thấp nhất từ 40 năm qua. Hiện tại, Hoa kỳ không có nguy cơ lạm phát và còn trong mức an toàn để giãm lãi xuất nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ.

Hậu quả đối với các quốc gia khác.

Kinh tế Mỹ sản xuất khoảng 23% sản lượng toàn cầu và đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đến 40%. Mỹ quốc là thị trường lớn nhất địa cầu, nhập cảng hàng nhiều nhất thế giới. Do đó, nếu kinh tế Hoa kỳ bị suy trầm lần nữa thì các quốc gia đối tác không tránh được hậu quả, nặng nhẹ tùy theo mức độ bán hàng nhiều ít cho Mỹ.

Ảnh hưởng nhiều bắt đầu từ hai nước thành viên ALENA (khu vực tự do mậu dịch Bắc Mỹ) tức Canada và Mexico. Kế đến là Nhật bản, quốc gia đang trên đường hồi phục, hy vọng nhờ xuất cảng sang Hoa kỳ. Âu châu cũng chịu ảnh hưởng nhưng không nặng lắm. (Tại Pháp, mùa hè năm nay, sự kiện người Mỹ ít đến viếng Paris, do ngại an ninh lẫn đồng euro tăng giá so với mỹ kim, đã có ảnh hưởng đáng kể đến ngành du lịch và các nghề phụ thuộc).

Kinh tế các nước Đông Á có thể nhẹ nếu trực tiếp với Hoa kỳ nhưng sẽ nặng khi gián tiếp (Mỹ và Nhật cùng gặp khó khăn). Trung quốc cũng bị ảnh hưởng nhưng, nhờ tình trạng đặc biệt với 1,3 tỉ người tiêu thụ, nếu khéo điều hành, có thể vượt qua khủng hoảng như năm 1997. Chưa kể, họ còn đẩy sản phẩm của mình vuợt biên sang các nước láng diềng. Việt-Nam, đang chờ kết quả xuất cảng sang Hoa kỳ, khi Thương ước song phương Vỉệt-Mỹ tròn một tuổi.